Giải pháp thúc đẩy quá trình chuyển đổi sang doanh nghiệp của các hộ kinh doanh

ThS. LƯU THỊ HOAN (Khoa Kế toán, Trường Đại học Kinh tế kỹ thuật Công nghiệp)

TÓM TẮT:

Hiện nay, cả nước có khoảng 5,5 triệu hộ kinh doanh và hầu như các hộ kinh doanh này đều muốn giữ nguyên quy mô, không muốn chuyển đổi thành doanh nghiệp. Bài viết đề cập đến thực trạng vấn đề này với phần nguyên nhân đưa ra là do tình trạng tránh nộp thuế, những hỗ trợ chưa hợp lý của Luật Hỗ trợ doanh nghiệp vừa và nhỏ (DNVVN) và chính sách hỗ trợ cho doanh nghiệp siêu nhỏ. Từ đó tác giả đưa ra giải pháp nhằm hỗ trợ các hộ kinh doanh chuyển đổi mô hình.

Từ khóa: hộ kinh doanh, doanh nghiệp, Luật Hỗ trợ doanh nghiệp vừa và nhỏ, mô hình.

1. Thực trạng giữ nguyên mô hình tại các hộ kinh doanh

Theo thống kê của Hiệp hội Doanh nghiệp nhỏ và vừa Việt Nam, cả nước hiện có trên 3,5 triệu hộ được cấp mã số thuế và có hơn 2 triệu hộ sản xuất nhỏ lẻ. Với khoảng trên 5,5 triệu hộ kinh doanh, ước tính tổng tài sản khoảng trên 655 nghìn tỉ đồng, tạo ra khoảng trên 2,2 triệu tỉ đồng doanh thu, nộp 12.362 tỷ đồng tiền thuế, giải quyết 7,945 triệu lao động.

Hầu hết các hộ kinh doanh đều không muốn chuyển đổi thành doanh nghiệp. Mặc dù, Luật Hỗ trợ Doanh nghiệp vừa và nhỏ (DNVVN) có nhiều chính sách hỗ trợ hộ kinh doanh chuyển đổi thành doanh nghiệp, nhưng sau 4 năm Luật đi vào cuộc sống, hiện mới có khoảng 2.000 hộ kinh doanh chuyển đổi thành doanh nghiệp tại 2 địa phương là Thanh Hóa đã có 1.000 hộ kinh doanh chuyển đổi thành doanh nghiệp, ở Bến Tre là 300 hộ và một số địa phương không phải trung tâm khác. Tại Hà Nội, TP. Hồ Chí Minh, Hải Phòng, Đà Nẵng, Cần Thơ - những trung tâm kinh tế lớn của cả nước, đáng ra số lượng hộ kinh doanh chuyển thành doanh nghiệp phải nhiều hơn, nhưng thực tế, hộ kinh doanh không “thiết tha”, “mặn mà” làm chủ doanh nghiệp. Nguyên nhân của thực trạng này phải nói đến:

Thứ nhất, mục đích của hộ kinh doanh khi không chuyển đổi lên doanh nghiệp là nhằm "né" nghĩa vụ nộp thuế, không ký hợp đồng với các lao động, dù biết chuyển đổi lên doanh nghiệp, các hộ kinh doanh được nhận nhiều ưu đãi, hỗ trợ hơn.

Đồng thời sau khi chuyển đổi, nghĩa vụ pháp lý sẽ nhiều hơn. Đơn cử như các loại giấy phép về môi trường. Đồng thời việc tiếp các cuộc thanh tra, kiểm tra; thủ tục kê khai, quyết toán thuế; thuê mướn thêm kế toán,… sẽ làm gia tăng chi phí gián tiếp. Nếu thành lập doanh nghiệp thì hộ kinh doanh phải chịu rất nhiều ràng buộc, tốn nhiều thời gian, nhân lực và chi phí như buộc phải duy trì sổ sách kế toán; phải có bộ máy kế toán, thủ quỹ chuyên nghiệp, không được hoạt động kiêm nhiệm.

Bên cạnh đó, một số hộ kinh doanh cũng có nguyện vọng làm ăn lớn, mở rộng quy mô, kinh doanh chuyên nghiệp hơn, nhưng lại chưa được trang bị đầy đủ kiến thức và kỹ năng quản trị trong giai đoạn hội nhập hiện nay. Điều này khiến cho nhiều doanh nghiệp thiếu tự tin, chấp nhận “nằm im” để kinh doanh an toàn.

Thứ hai,những hỗ trợ trong Luật Hỗ trợ DNVVN còn nhiều điểm chưa hợp lý. Ví dụ, Theo Luật Hỗ trợ DNVVN, khi chuyển thành mô hình doanh nghiệp, hộ kinh doanh được tư vấn, hướng dẫn miễn phí về hồ sơ, thủ tục thành lập doanh nghiệp; miễn lệ phí đăng ký doanh nghiệp và phí cung cấp thông tin doanh nghiệp lần đầu; miễn phí thẩm định, phí, lệ phí cấp phép kinh doanh lần đầu đối với ngành, nghề kinh doanh có điều kiện; miễn lệ phí môn bài 3 năm; tư vấn, hướng dẫn miễn phí về các thủ tục hành chính thuế và chế độ kế toán trong thời hạn 3 năm; miễn, giảm thuế thu nhập doanh nghiệp và tiền sử dụng đất có thời hạn. Tuy nhiên, với mô hình hộ kinh doanh thì đa số không phải đóng thuế hoặc nộp thuế khoán với số thuế “tượng trưng” nên chính sách miễn, giảm thuế không hấp dẫn. Hiếm có hộ kinh doanh nào được thuê đất của Nhà nước nên chính sách miễn, giảm tiền thuê đất cũng không hữu dụng. Còn thuế (lệ phí môn bài) hàng năm DNVVN phải đóng rất thấp nên có miễn hay không cũng không có nhiều tác dụng.  

Thứ ba, chính sách hỗ trợ của Nhà nước đến các doanh nghiệp siêu nhỏ gần như không có dù trong bối cảnh đại dịch. Điều này khiến các hộ kinh doanh nếu chuyển lên doanh nghiệp chủ yếu ở mức doanh nghiệp siêu nhỏ và không được hỗ trợ thì tâm lý e ngại là điều tất yếu.

2. Đề xuất cải cách đối với khu vực hộ kinh doanh

Các cải cách khu vực hộ kinh doanh sẽ gắn chặt với việc phát triển hình thức doanh nghiệp tư nhân (bản chất là doanh nghiệp cá thể hay doanh nghiệp một chủ) và có thể được thực hiện như sau:

Một là, có lộ trình cho việc chuyển đổi khu vực hộ kinh doanh thành doanh nghiệp theo Luật Doanh nghiệp đặc biệt đối với hộ kinh doanh lớn, có quy mô lao động và doanh thu đáng kể nhằm đảm bảo sự công bằng trong môi trường kinh doanh. Sẽ không có bất kỳ quy định nào bắt buộc các hộ kinh doanh khác, đặc biệt là các hộ kinh doanh quy mô nhỏ, hoạt động để kiếm sống, phải chuyển đổi thành doanh nghiệp trong giai đoạn năm năm này, kể cả là thành hình thức doanh nghiệp cá thể. Việc khuyến khích các hộ kinh doanh đăng ký lại thành doanh nghiệp, đặc biệt là theo hình thức doanh nghiệp cá thể/doanh nghiệp một chủ hoặc bất kỳ một hình thức doanh nghiệp khác được thực hiện theo hình thức tự nguyện.

Trong thời gian đầu (có thể là 5 năm), các hộ kinh doanh mới thành lập khi đăng ký thành lập sẽ có thể tiếp tục được lựa chọn đăng ký là hộ kinh doanh, song sẽ được tư vấn và khuyến khích đăng ký theo hình thức doanh nghiệp cá thể/doanh nghiệp một chủ và được khuyến cáo là sau 5 năm kể từ ngày quy định mới của Luật Doanh nghiệp, sẽ chỉ còn hình thức doanh nghiệp cá thể/doanh nghiệp một chủ và không còn hình thức hộ kinh doanh. Vì vậy, khi cân nhắc giữa hình thức hộ kinh doanh hay doanh nghiệp cá thể, hình thức kinh doanh cá thể sẽ được coi là một sự lựa chọn hiển nhiên tốt hơn.

Hai là, cần rà soát và điều chỉnh các văn bản pháp luật có liên quan nhằm đảm bảo chi phí tuân thủ các quy định pháp luật và chi phí tuân thủ về thuế, nộp thuế áp dụng với doanh nghiệp cá thể/doanh nghiệp một chủ sẽ ở mức thấp như mức mà các hộ kinh doanh hiện nay đang phải chi trả để đảm bảo tính hấp dẫn của loại hình doanh nghiệp tư nhân (doanh nghiệp cá thể/doanh nghiệp một chủ). Một nghiên cứu của Economica Vietnam thực hiện năm 2019 cho biết đối với một hộ kinh doanh có quy mô 10 lao động khi chuyển đổi thành doanh nghiệp, chi phí tuân thủ tối thiểu lập tức sẽ tăng thêm là 181,2 triệu nếu như áp dụng theo đúng các quy định hiện nay của Luật Doanh nghiệp và các quy định pháp luật có liên quan. Doanh nghiệp tư nhân (doanh nghiệp cá thể/doanh nghiệp một chủ) cũng phải chịu một mức chi phí đúng như vậy do Luật Doanh nghiệp và các luật có liên quan không có quy định riêng về các nghĩa vụ pháp lý đối với loại hình doanh nghiệp này, mặc dù quy mô và bản chất của loại hình doanh nghiệp này rất gần với hộ kinh doanh và khác xa so với các hình thức doanh nghiệp cổ phần, công ty TNHH nhiều thành viên. Quy định áp dụng không tính đến sự khác biệt này khiến cho mức chi phí tuân thủ của các doanh nghiệp tư nhân trở nên quá cao so với mức chi phí tuân thủ mà các hộ kinh doanh hiện nay đang phải chịu.

Trong thời gian đầu áp dụng (có thể là 5 năm và có thể coi là giai đoạn chuyển đổi), các doanh nghiệp cá thể/một chủ sẽ được áp dụng mức thuế khoán giống như các hộ kinh doanh hiện nay. Trong thời gian này, các quy định về thuế sẽ được điều chỉnh để các doanh nghiệp một chủ sẽ áp dụng hình thức khai thuế đơn giản, dễ thực hiện và không khiến cho mức nộp thuế của các hộ kinh doanh tăng quá cao. Tại các quốc gia khác, chủ doanh nghiệp cá thể/doanh nghiệp một chủ có thể sẽ tuân thủ các quy định về thuế theo luật thuế thu nhập cá nhân. Các chủ doanh nghiệp một chủ cũng có thể thực hiện hình thức khai thuế hàng năm giống như đối với một cá nhân và do vậy giảm bớt rất nhiều về các quy định về chế độ báo cáo tài chính, báo cáo thuế, tần suất nộp báo cáo. Các cải cách về thuế đối với doanh nghiệp cá thể/doanh nghiệp một chủ ở Việt Nam cũng nên cân nhắc các nguyên tắc chung và thông lệ quốc tế này để có các cải cách hợp lý đối với các doanh nghiệp cá thể/doanh nghiệp một chủ ở Việt Nam.

Ba là, đơn giản hóa thủ tục hành chính trong quá trình chuyển đổi của các hộ kinh doanh sang hình thức doanh nghiệp. Trên thực thế, việc đăng ký qua mạng thông qua Cổng Thông tin Đăng ký Quốc gia ngày càng trở nên phổ biến, việc phân quyền này là hết sức cần thiết vì các hộ kinh doanh/cá nhân kinh doanh nhỏ lẻ có thể dễ dàng đến các huyện, quận, thành phố đăng ký. Điều này hết sức quan trọng về phương diện tâm lý vì họ không cảm thấy sự khác biệt so với đăng ký hộ kinh doanh như trước đây. Nay thay vì đăng ký hộ kinh doanh thì họ đăng ký thành doanh nghiệp cá thể hay doanh doanh nghiệp một chủ. Với sự phân quyền này, người dân có thể đến cũng một địa điểm, gặp cũng một cán bộ thụ lý hồ sơ, thực hiện cũng một quy trình, cung cấp cũng một số giấy tờ theo quy định và sẽ được cấp giấy đăng ký kinh doanh một cách thuận tiện và nhanh gọn.

Bốn là, tiến hành các hoạt động truyền thông và nâng cao nhận thức nhằm quảng bá về những lợi thế của hình thức doanh nghiệp cá thể, doanh nghiệp một chủ (hình thức doanh nghiệp tư nhân được cải tiến với các quy định pháp lý mới áp dụng đối với loại hình doanh nghiệp này). Doanh nghiệp cá thể, doanh nghiệp một chủ sẽ được quảng bá rộng rãi là một hình thức doanh nghiệp thuận tiện, chi phí thấp và được công nhận chính thức và là một sự thay thế tốt cho các hộ kinh doanh. Các hoạt động quảng bá này phải thực tế và phải được hỗ trợ bằng những cải cách về quy định pháp luật nhằm đảm bảo các lợi thế thực sự của loại hình doanh nghiệp này như mô tả ở trên. Bên cạnh đó, các hạn chế liên quan tới loại hình doanh nghiệp này cũng cần được cung cấp để các chủ doanh nghiệp, người dân có được thông tin đầy đủ, đa chiều, khi quyết định lựa chọn hình thức doanh nghiệp phù hợp nhất đối với họ.

TÀI LIỆU THAM KHẢO:

  1. Quốc hội (2017), Luật số 04/2017/QH14 - Luật hỗ trợ Doanh nghiệp vừa và nhỏ.
  2. Tổng cục Thống kê (2021), Báo cáo tình hình kinh tế - xã hội năm 2021.
  3. Tổng cục Thống kê (2016), Kết quả điều tra cơ sở sản xuất kinh doanh cá thể phi nông nghiệp giai đoạn 2005 - 2015, Nhà xuất bản Thống kê, Hà Nội.
  4. Viện Nghiên cứu Quản lý kinh tế Trung ương (2017), Báo cáo nghiên cứu “Chính thức hóa” hộ kinh doanh ở Việt Nam: Thực trạng và khuyến nghị chính sách, Nhà xuất bản Hồng Đức, Hà Nội.

Solutions to encourage business households in Vietnam change their business model into the comapny model

Master. Luu Thi Hoan

Faculty of Accounting, University of Economics - Technology for Industries

Abstract:

Vietnam has about 5.5 million business households and most of these business establishments do not want to change their business model into the company model. The reasons for this issue are tax avoidance, unreasonable support from the Law on Support for small and medium-sized enterprises (SMEs) and from policies on support for very small businesses. In this paper, some solutions are proposed to encourage business households in Vietnam change their business model.

Keywords: business households, enterprises, the Law on Support for small and medium-sized enterprises, model.

[Tạp chí Công Thương - Các kết quả nghiên cứu khoa học và ứng dụng công nghệ, Số 8, tháng 4 năm 2022]