Hà Lan hỗ trợ Việt Nam xây dựng nền kinh tế tuần hoàn

Bên cạnh kinh tế tuần hoàn, điện gió ngoài khơi cũng là lĩnh vực mà Chính phủ Hà Lan cam kết sẽ hỗ trợ Việt Nam nghiên cứu, phát triển mạnh mẽ trong thời gian tới.

Đây là nội dung được trao đổi tại buổi làm việc giữa Bộ Công Thương Việt Nam và đoàn Bộ Cơ sở Hạ tầng và Quản lý Nước Hà Lan ngày 10/4/2019, một trong những hoạt động khép lại chuyến thăm chính thức Việt Nam của Thủ tướng Hà Lan Mark Rutte hai ngày 9-10/4/2019.

Theo Thứ trưởng Bộ Công Thương Hoàng Quốc Vượng, kinh tế tuần hoàn là một lĩnh vực còn khá mới mẻ nhưng cũng rất quan trọng với quá trình tăng trưởng bền vững tại Việt Nam. Mô hình kinh tế hướng đến việc sử dụng hiệu quả tài nguyên thiên nhiên trong toàn chuỗi giá trị, từ sản xuất tới tiêu dùng và quá trình phục hồi sẽ giúp Việt Nam nắm bắt cơ hội, tiềm năng lớn trong việc tái chế, thu hồi nguyên liệu và sản xuất năng lượng từ chất thải.

Thứ trưởng Bộ Công Thương Hoàng Quốc Vượng tại buổi làm việc với Bộ trưởng Bộ Cơ sở Hạ tầng và Quản lý Nước Hà Lan
Thứ trưởng Hoàng Quốc Vượng khẳng định kinh tế tuần hoàn là lĩnh vực còn khá mới mẻ nhưng quan trọng với tăng trưởng bền vững tại Việt Nam

 

Trong những năm qua, Chính phủ Việt Nam đã nỗ lực trong công tác bảo vệ môi trường thông qua nhiều chiến lược, định hướng quan trọng như Chiến lược quốc gia về tăng trưởng xanh, Chiến lược phát triển năng lượng tái tạo, Chiến lược quốc gia về quản lý tổng hợp chất thải rắn.

Theo đó, Việt Nam ưu tiên Xanh hóa sản xuất, xanh hóa lối sống và thúc đẩy tiêu dùng bền vững, tăng cường khả năng tái chế, tái sử dụng, xử lý chất thải kết hợp thu hồi năng lượng. Về phát triển năng lượng tái tạo, Việt Nam đặt mục tiêu tỷ lệ điện năng sản xuất từ năng lượng tái tạo đạt 32% vào năm 2030 và 43% vào năm 2050.

Là một trong những quốc gia đi đầu trong việc chuyển đổi từ nền kinh tế thông thường sang nền kinh tế tuần hoàn với mục tiêu trở thành nền kinh tế tuần hoàn vào năm 2050, Thứ trưởng Hoàng Quốc Vượng hy vọng Chính phủ Hà Lan sẽ hỗ trợ Việt Nam xây dựng khung chính sách và pháp lý kèm các chế tài cho lĩnh vực này nhằm góp phần nâng cao nhận thức của doanh nghiệp cũng như các cơ quan hữu quan và người dân về việc hướng tới một nền kinh tế xanh và sạch. Bộ Công Thương luôn hoan nghênh các doanh nghiệp Hà Lan với nhiều kinh nghiệm sẵn có sẽ cùng phối hợp với cộng đồng doanh nghiệp Việt Nam sớm triển khai các dự án cụ thể về kinh tế tuần hoàn tại Việt Nam.

Bên cạnh đó, Thứ trưởng cũng đề nghị Bộ Cơ sở hạ tầng và Quản lý Nước nói riêng và Chính phủ Hà Lan tiếp tục hỗ trợ Chính phủ Việt Nam xây dựng Quy hoạch tổng thể về phát triển điện gió ngoài khơi tại Việt Nam và kêu gọi các doanh nghiệp Hà Lan nhanh chóng triển khai đầu tư vào Việt Nam tại một số dự án cụ thể, khẳng định “Chính phủ Việt Nam ủng hộ và sẵn sàng hướng dẫn các doanh nghiệp Hà Lan về thủ tục đầu tư vào Việt Nam trong lĩnh vực này”.

Buổi làm việc giữa Bộ Công Thương Việt Nam và đoàn Bộ Cơ sở Hạ tầng và Quản lý Nước Hà Lan là một trong những hoạt động khép lại chuyến thăm chính thức Việt Nam của Thủ tướng Hà Lan Mark Rutte hai ngày 9-10/4/2019
Toàn cảnh buổi làm việc giữa Bộ Công Thương Việt Nam và đoàn Bộ Cơ sở Hạ tầng và Quản lý Nước Hà Lan ngày 10/4/2019

 

Phát biểu tại buổi làm việc, bà Cora Van Nieuwenhuizen - Bộ trưởng Bộ Cơ sở hạ tầng và Quản lý Nước Hà Lan cho biết, Chính phủ Hà Lan sẵn sàng đồng hành cùng Việt Nam xây dựng cơ sở pháp lý và khung chính sách phục vụ phát triển kinh tế tuần hoàn, trong đó Đại sứ quán Hà Lan tại Việt Nam được ủy quyền là đầu mối hỗ trợ phía Việt Nam trong nghiên cứu, triển khai các nội dung cụ thể.

Bà Cora van Nieuwenhuizen cũng khẳng định, các doanh nghiệp Hà Lan tiên phong trong lĩnh vực này luôn có thiện chí tìm hiểu và triển khai hợp tác và đầu tư vào các dự án cụ thể ở Việt Nam.

Bà Cora van Nieuwenhuizen - Bộ trưởng Bộ Cơ sở hạ tầng và Quản lý Nước Hà Lan tại buổi làm việc với Bộ Công Thương Việt Nam
Bà Cora van Nieuwenhuizen - Bộ trưởng Bộ Cơ sở hạ tầng và Quản lý Nước Hà Lan cho biết Chính phủ nước này sẵn sàng đồng hành cùng Việt Nam xây dựng cơ sở pháp lý và khung chính sách phục vụ phát triển kinh tế tuần hoàn

 

Về lĩnh vực điện gió ngoài khơi, Bộ trưởng Hà Lan nhận xét Việt Nam có nền kinh tế phát triển nhanh, cùng với đó là nhu cầu điện năng ngày càng tăng lên.

“Việt Nam với các đặc điểm về vị trí địa lý với hơn 3500 km đường biển rất có tiềm năng phát triển năng lượng gió ngoài khơi, ví dụ như vùng biển ngoài khơi phía Đông Bắc thành phố Hồ Chí Minh, nơi có đặc điểm thổ nhưỡng và điều kiện rất thích hợp cho phát triển điện gió ngoài khơi”, Bộ trưởng Cora van Nieuwenhuizen cho biết, “mặc dù vậy, do đây là lĩnh vực còn mới, Việt Nam chưa có nhiều kinh nghiệm và gặp khó khăn trong việc lắp đặt, vận hành, duy tu, bảo trì cũng như các điều kiện và kiến thức liên quan đến hỗ trợ tài chính cho các dự án xây lắp trạm điện gió ngoài khơi. Đây cũng là các lĩnh vực mà Hà Lan rất có kinh nghiệm và mong muốn chia sẻ với Việt Nam”.

Bà cho biết Hà Lan là một trong những quốc gia có kinh nghiệm hàng đầu trên thế giới về phát triển mạng lưới điện cả trên bờ và ngoài khơi, do đó Việt Nam và Hà Lan có nhiều tiềm năng hợp tác trong lĩnh vực này, góp phần thúc đẩy mối quan hệ song phương Việt Nam - Hà Lan phát triển mạnh mẽ và bền vững hơn trong tương lai.

Thứ trưởng Bộ Công Thương Việt Nam Hoàng Quốc Vượng cùng Bộ trưởng Bộ Cơ sở Hạ tầng và Quản lý Nước Hà Lan Cora van Nieuwenhuizen

Trong thời gian tới Việt Nam - Hà Lan sẽ tạo điều kiện cho các doanh nghiệp đẩy mạnh hợp tác trong những dự án về kinh tế tuần hoàn và điện gió ngoài khơi

Thy Thảo