Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công Thương) vừa có công văn số 336/XNK-NS ngày 1/4/2020 gửi Sở Công Thương các tỉnh, thành phố, Hiệp hội Lương thực Việt Nam để thông tin đến các thương nhân xuất khẩu gạo cũng như các tổ chức, cá nhân có liên quan về một số nội dung liên quan đến quy định nhập khẩu gạo của Hàn Quốc.
Cơ chế và quy trình đấu thầu
Đối với gạo nhập khẩu theo cơ chế hạn ngạch thuế quan (TRQ) từ thế giới nói chung. Theo cam kết của Hàn Quốc, trong vòng 10 năm, kể từ năm 2020, hàng năm Hàn Quốc sẽ áp dụng mức suất thuế ưu đãi 5% cho khối lượng hạn ngạch 408.700 tấn gạo nhập khẩu. Thuế suất áp dụng cho khối lượng gạo nhập khẩu ngoài hạn ngạch là 513%.
Trong khối lượng hạn ngạch 408.700 tấn, Hàn Quốc cam kết phân bổ 388.700 tấn theo cơ chế hạn ngạch quốc gia CSQ cho 5 nước đã tham vấn gồm Trung Quốc 157.195 tấn; Mỹ 132.304 tấn; Việt Nam 55.112 tấn; Thái Lan 28.494 tấn và Australia 15.595 tấn. Khối lượng 20.000 tấn còn lại thực hiện theo nguyên tắc MFN.
Về cơ chế thực hiện, toàn bộ khối lượng hạn ngạch sẽ được phân bổ theo cơ chế đấu thầu hàng năm và khối lượng hạn ngạch được phân bổ của năm nào phải được nhập khẩu trong năm đó.
Hàn Quốc sẽ tổ chức nhiều đợt đấu thầu cung cấp gạo theo hạn ngạch và cho từng nước. Số lượng hạn ngạch của từng nước được chia nhỏ ra trong nhiều đợt đấu thầu.
Đơn vị đầu mối là Tổng công ty Thương mại Nông Thủy sản và Lương thực Hàn Quốc (aT) tiếp tục là đơn vị được chỉ định duy nhất thực hiện cơ chế phân bổ hạn ngạch trên.
Hình thức đấu thầu là đấu thầu điện tử với chứng nhận xác thực dấu vân tay (các nhà cung cấp nộp hồ sơ qua mạng, chào giá qua mạng và phải có Giấy chứng nhận xác thực dấu vân tay do aT cấp).
Đối tượng được tham gia chào thầu là nhà cung cấp gạo nước ngoài; đại lí Hàn Quốc của nhà cung cấp gạo nước ngoài, tuy nhiên, mỗi một đại lí Hàn Quốc chỉ được làm đại diện cho một nhà cung cấp nước ngoài.
Về tiêu chuẩn, quy chuẩn đối với gạo nhập khẩu, tiêu chuẩn gạo Mỹ 3 được áp dụng chung đối với tất cả các nước. Tuy nhiên, aT cũng có thể điều chỉnh, bổ sung một số tiêu chí riêng đối từng loại gạo và từng đợt đấu thầu.
Ngôn ngữ của hồ sơ chào thầu phải là tiếng Hàn Quốc, bản hồ sơ tiếng Anh chỉ mang tính tham khảo.
Về quy trình thực hiện đấu thầu, cụ thể aT sẽ ra thông báo mời thầu cùng các yêu cầu thầu (TOR) bằng tiếng Hàn và tiếng Anh lên trang chủ của công ty này tại địa chỉ www.at.or.kr.
Thông thường aT sẽ tổ chức một buổi giới thiệu về các điều kiện thầu và khuyến khích các nhà cung cấp tham dự. Các nhà cung cấp nộp hồ sơ chào thầu trực tiếp, qua bưu điện hoặc qua giao diện điện tử đấu thầu của aT tại www.atbid.co.kr. Thời hạn nộp hồ sơ chào thầu thường là 7 ngày.
Ngoài hồ sơ theo mẫu của aT, các công ty tham gia chào thầu phải cung cấp trái phiếu thầu có giá trị 5% tổng giá trị lô hạn ngạch đấu thầu và 10 kg gạo mẫu chia làm 5 túi 2 kg.
Trong thời gian mở thầu điện tử (thường 1 ngày sau thời hạn nộp hồ sơ, thời gian chào giá là 60 phút), các nhà cung cấp có thể đăng nhập và chào giá một lần duy nhất trên giao diện đấu thầu của aT tại www.atbid.co.kr.
Sau khi aT rà soát hồ sơ thầu, bid-bond, và nhận được chứng nhận kiểm tra gạo mẫu do Cơ quan quản lý chất lượng nông sản quốc gia Hàn Quốc (NAQS ) cấp, aT sẽ bắt đầu xét đến giá chào thầu của các nhà cung cấp.
Nhà cung cấp trúng thầu là nhà cung cấp chào mức giá thấp nhất nhưng phải thấp hơn mức giá trần mà aT đưa ra cho mỗi đợt thầu. Trường hợp hai hay nhiều nhà cung cấp cùng chào một mức giá thì người trúng thầu sẽ được quyết định theo hình thức bốc thăm.
Trường hợp một gói thầu theo hạn ngạch quốc gia có quá 3 lần mời thầu mà không có đơn vị nào trúng thầu thì gói thầu đó sẽ được chuyển sang áp dụng theo cơ chế MFN tức đầu thầu rộng rãi cho tất cả các nước.
Sau khi aT xác định được nhà cung cấp có mức giá chào thầu thấp nhất, Cơ quan quản lí chất lượng nông sản quốc gia Hàn Quốc (NAQS ) sẽ kiểm định gạo mẫu của nhà cung cấp đó để xem có hợp qui hay không. Kết quả thầu sẽ được công bố 5 ngày sau khi NAQS thông báo kết quả hợp qui của mẫu gạo.
Theo Cục Xuất nhập khẩu, thực tiễn cho thấy, aT thường sẽ công bố kết quả trúng thầu khoảng từ 1 tuần đến 10 ngày sau ngày mở thầu. Tuy nhiên, trong trường hợp đặc biệt như biến động thị trường trong nước, điều khoản này có thể không được áp dụng.
Kế hoạch đấu thầu phân bổ hạn ngạch
Theo thông báo ngày 23/1/2020 của aT, dự kiến trong 6 tháng đầu năm 2020, aT sẽ tổ chức đấu thầu 3 lần vào tháng 1, tháng 3 và tháng 5 cho 50% tổng hạn ngạch dành cho 5 nước (388.700 tấn). Căn cứ theo tình hình thực tế, aT sẽ điều chỉnh các đợt đấu thầu tiếp theo vào 6 tháng cuối năm (dự kiến thêm 2 đến 3 đợt đấu thầu).
Kế hoạch mở thầu cho khối lượng hạn ngạch của Việt Nam
Trong nửa đầu năm 2020, Hàn Quốc dự kiến nhập khoảng 50% trong tổng lượng hạn ngạch gạo dành cho 5 nước thành viên WTO. Các đợt đấu thầu sẽ diễn ra vào tháng 1, 3 và 5. Tuy nhiên, do sự bùng phát của dịch Covid-19 nên kế hoạch này có thể sẽ phải thay đổi. Thực tế các lô hàng mời thầu từ Trung Quốc đã bị bảo lưu và chưa rõ khi nào có thể mở lại.
Đối với Việt Nam, Phòng Chính sách về Ngũ cốc (aT) đang cân nhắc khả năng mời thầu đợt đấu thầu tháng 5. Lượng nhập khẩu dự kiến sẽ là 50% của tổng lượng hạn ngạch 55.112 tấn dành cho Việt Nam năm 2020.
Về lộ trình phân bổ TRQ và lượng CSQ cho năm 2020, xin xem tại đây hoặc link này.
Lựa chọn công ty kiểm nghiệm
Vào đầu mỗi năm, aT sẽ ra thông báo lựa chọn đơn vị kiểm nghiệm và công khai đầy đủ các tiêu chí (phải là đơn vị thuộc Hiệp hội Kiểm tra kiểm định Hàn Quốc, có kinh nghiệm 5 năm trong việc thực hiện kiểm định gạo nhập khẩu theo cơ chế TRQ hay có chi nhánh hoặc đối tác phối hợp kiểm định tại các quốc gia như Trung Quốc, Hồng Công, Việt Nam, Thái Lan, Úc..); hồ sơ và thời gian nộp cũng được aT nêu rõ.... Thời gian thông báo đơn vị được lựa chọn thông thường khoảng 6 tuần kể từ ngày đăng thông tin.
Các đơn vị được lựa chọn trong những năm gần đây hầu hết là các tổ chức kiểm định hoặc các Viện nghiên cứu bao gồm: Overseas Marine & Cargo Inspection Corp (http://www.omic.co.kr/); People & People Inspection Co.,Ltd (http://www.pnpinsp.com/); SGS Korea (https://www.sgsgroup.kr/)...
Một số nội dung kiểm định tại quốc gia xuất khẩu của đơn vị kiểm định
- Kiểm tra độ đồng nhất (hay sự phù hợp) giữa quy chuẩn mua hàng mà công ty cung cấp và quy cách của hàng mẫu mà doanh nghiệp cung cấp.
- Kiểm tra trọng lượng, số lượng và đơn lượng (một cách tính số lượng trong kiểm định nông sản ở Hàn Quốc…)
- Tình trạng đóng gói và nhãn mác.
- Kết quả phân tích độ tồn dư kim loại nặng của thuốc bảo vệ thực vật của nông sản
- Kiểm tra GMO.
- Tình trạng dọn dẹp vệ sinh tàu hàng và các vật liệu, trang thiết bị được lắp đặt đảm bảo an toàn trong quá trình vận chuyển như pallet, thảm chống thấm, v.v…
- Quản lý xếp hàng.
- Kiểm tra năm đặt hàng của tàu, kiểm tra thủy lực và kiểm tra công vải bạt che kho hàng hóa (thuyền hàng).
- Kiểm tra quy cách đóng gói bao bì và độ tồn dư của thuốc bảo vệ thực vật.
- Kiểm tra đối tượng kiểm dịch.
- Các kiểm tra khác theo yêu cầu thêm của công ty.