Hệ thống kiểm soát nội bộ của doanh nghiệp nhỏ và vừa tại tỉnh Thái Nguyên

ThS. Nguyễn Thị Lê Hà (Giảng viên Viện Kinh tế và Quản lý, Trường Đại học Bách khoa Hà Nội), TS. Trần Thị Ánh (Giảng viên Viện Kinh tế và Quản lý, Trường Đại học Bách khoa Hà Nội)

TÓM TẮT:
Mục tiêu của bài báo là nghiên cứu thực trạng hệ thống kiểm soát nội bộ của doanh nghiệp nhỏ và vừa tại tỉnh Thái Nguyên, dựa vào số liệu thu thập từ 336 doanh nghiệp. Bài báo tập trung nghiên cứu năm thành phần chính cấu thành hệ thống kiểm soát nội bộ, gồm: môi trường kiểm soát, hoạt động kiểm soát, đánh giá rủi ro, thông tin - truyền thông và giám sát. Kết quả nghiên cứu thể hiện rằng bốn yếu tố cấu thành hệ thống kiểm soát nội bộ là môi trường kiểm soát, đánh giá rủi ro, thông tin và truyền thông và giám sát kiểm soát nội bộ được các doanh nghiệp khảo sát đánh giá ở mức trung bình. Chỉ có một yếu tố của hệ thống kiểm soát nội bộ là hoạt động kiểm soát được đánh giá tốt.
Từ khóa: Hệ thống kiểm soát nội bộ, doanh nghiệp nhỏ và vừa, tỉnh Thái Nguyên.

1. Giới thiệu hệ thống kiểm soát nội bộ
1.1. Định nghĩa hệ thống kiểm soát nội bộ
Có nhiều định nghĩa khác nhau về hệ thống kiểm soát nội bộ.
Viện kiểm toán viên nội bộ (Institute of Internal Auditors) định nghĩa kiểm soát nội bộ là một quá trình trong một tổ chức được thiết kế để cung cấp sự bảo đảm hợp lý về các mục tiêu chính của doanh nghiệp là: (i) độ tin cậy và trung thực của thông tin, (ii) tuân thủ các chính sách, kế hoạch, thủ tục, pháp luật và quy định, (iii) bảo vệ tài sản, (iv) sử dụng tài nguyên kinh tế và hiệu quả và (v) hoàn thành các mục tiêu và mục đích đã được thiết lập về các hoạt động kinh doanh hoặc các chương trình.
Theo Liên đoàn Kế toán Quốc tế (IFAC - International Federation of Accountants), kiểm soát nội bộ được định nghĩa là một phần không thể thiếu trong hệ thống quản lý và khả năng quản lý rủi ro của tổ chức, mà hệ thống này được hiểu, chịu ảnh hưởng và được giám sát tích cực bởi bộ phận quản lý, nhà quản lý và nhân viên khác để tận dụng các cơ hội và ứng phó với các mối đe dọa để đạt được các mục tiêu của tổ chức.
Viện Kế toán Công chứng Canada (CICA - Canadian Institute of Chartered Accountants) định nghĩa kiểm soát nội bộ là kế hoạch của tổ chức và tất cả các hệ thống phối hợp được thiết lập bởi nhà quản lý của một tổ chức để đạt được mục tiêu quản lý về đảm bảo càng nhiều càng tốt việc thực hiện hoạt động kinh doanh có trật tự và hiệu quả.
Định nghĩa phổ biến nhất và được thừa nhận do Hội đồng các Tổ chức Tài trợ Ủy ban Treadway (COSO - The Committee of Sponsoring Organizations of the Treadway Commission) ban hành thì kiểm soát nội bộ là một quá trình, chịu ảnh hưởng bởi ban giám đốc, quản lý và nhân viên khác của tổ chức, được thiết kế để cung cấp "sự đảm bảo hợp lý" về việc đạt được các mục tiêu liên quan đến hoạt động, báo cáo và tuân thủ. Theo quy định của Chuẩn mực kiểm toán Việt Nam (VSA), hệ thống kiểm soát nội bộ là các quy định và các thủ tục kiểm soát do đơn vị xây dựng và áp dụng nhằm bảo đảm cho đơn vị tuân thủ pháp luật và các quy định để kiểm tra, kiểm soát, ngăn ngừa và phát hiện gian lận, sai sót để lập báo cáo tài chính trung thực và hợp lý, nhằm bảo vệ, quản lý và sự dụng có hiệu quả tài sản của đơn vị.
Nhìn chung, các khái niệm về hệ thống kiểm soát nội bộ đều nhấn mạnh đến những đặc điểm quan trọng sau đây. Thứ nhất, hệ thống kiểm soát nội bộ là một quá trình. Nó là một phương tiện để tổ chức thực hiện một cách liên tục đến khi hoàn thiện, nó không phải là một trạng thái vĩnh cửu có thể đạt được. Thứ hai, hệ thống kiểm soát nội bộ chịu tác động bởi nhân sự ở tất cả các cấp khác nhau của một tổ chức, nó không chỉ đơn thuần là các hướng dẫn về chính sách và những mẫu biểu. Thứ ba, trách nhiệm thiết lập hệ thống kiểm soát nội bộ đầy đủ và hiệu quả là của nhà quản lý. Hơn nữa, hệ thống kiểm soát nội bộ cho dù được thiết kế và thực hiện tốt như thế nào cũng chỉ có thể cung cấp sự đảm bảo hợp lý cho hội đồng quản trị và ban giám đốc của một tổ chức. Cuối cùng, hệ thống kiểm soát nội bộ liên quan trực tiếp đến các mục tiêu của tổ chức.
1.2. Các bộ phận của hệ thống kiểm soát nội bộ
Khung tích hợp các thành phần của hệ thống kiểm soát nội bộ cập nhật nhất của Hội đồng các Tổ chức Tài trợ Ủy ban Treadway (COSO - The Committee of Sponsoring Organizations of the Treadway Commission) trình bày năm thành phần tích hợp của hệ thống kiểm soát nội bộ như sau.
1.2.1. Môi trường kiểm soát
Thành phần môi trường kiểm soát của hệ thống kiểm soát nội bộ đặt ra sắc thái chung của đơn vị, chỉ ra trách nhiệm của ban giám đốc và nhà quản lý ở tất cả các cấp của đơn vị trong việc thiết lập môi trường kiểm soát hữu hiệu trong toàn bộ đơn vị. Thành phần kiểm soát nội bộ này ảnh hưởng và khuyến khích những hành vi đạo đức và góp phần tạo ra một văn hóa trung thực và trách nhiệm. Những đơn vị có hệ thống kiểm soát nội bộ hiệu quả thì nhà quản lý làm gương sáng về tuân thủ các chuẩn mực và xây dựng các chính sách và thủ tục phù hợp với đơn vị mình. Môi trường kiểm soát là nền tảng cho tất cả các thành phần khác của hệ thống kiểm soát nội bộ để cung cấp tính kỷ luật và cấu trúc của đơn vị.
1.2.2. Đánh giá rủi ro
Nhà quản lý đánh giá rủi ro như một phần của việc thiết kế và vận hành hệ thống kiểm soát nội bộ để giảm thiểu những sai sót và sai phạm. Nhà quản lý phải thực hiện các quy trình để xác định, phân tích và quản lý rủi ro. Nhận diện một rủi ro có khả năng ảnh hưởng đến một đơn vị là bước quan trọng đầu tiên để giảm thiểu hoặc quản lý rủi ro. Một khi các rủi ro được nhận diện, nhà quản lý cần đánh giá khả năng xảy ra của chúng và mức độ nghiêm trọng của bất kỳ tác động tiêu cực nào có thể được xem là cơ sở để xác định cách thức quản lý rủi ro.
1.2.3. Hoạt động kiểm soát
Các hoạt động kiểm soát là các chính sách và thủ tục mà nhà quản lý đã thiết lập để hỗ trợ việc đạt được mục tiêu của đơn vị về hoạt động, báo cáo tài chính hoặc tuân thủ. Nhà quản lý phải xác định cách giải quyết những rủi ro đã được nhận diện. Nhà quản lý phải đánh giá xem việc kiểm soát rủi ro có đem lại lợi ích cho đơn vị hay không. Nếu việc giảm rủi ro có khả năng hiệu quả về chi phí thì các hoạt động kiểm soát được triển khai để giảm rủi ro đã được xác định.
1.2.4. Thông tin và truyền thông
Sự hiện diện của hệ thống thông tin và truyền thông có hiệu quả là một thành phần quan trọng của một kết cấu kiểm soát nội bộ hữu hiệu. Hệ thống kiểm soát nội bộ hiếm khi hữu hiệu trừ khi một đơn vị có thông tin phù hợp để quản lý rủi ro tiềm ẩn một cách kịp thời. Thành phần thông tin và truyền thông trong hệ thống kiểm soát nội bộ có nghĩa là thông tin quan trọng, liên quan, chính xác và kịp thời được xác định, thu thập và cung cấp cho những nhân sự thích hợp trong tổ chức. Hệ thống thông tin và truyền thông hoạt động tốt giúp các nhà quản lý ra quyết định tốt hơn, nhân viên làm việc có trách nhiệm nhiều hơn và ít vấn đề xảy ra hơn. Hệ thống thông tin và truyền thông hữu hiệu cũng giúp đơn vị tuân thủ luật pháp và các quy định. Thông tin phải lưu chuyển trong toàn bộ tổ chức nếu hệ thống kiểm soát nội bộ hữu hiệu. Trong một hệ thống kiểm soát nội bộ hoạt động rất hữu hiệu, những thông tin phù hợp, chính xác và kịp thời liên quan đến mọi thành phần khác của hệ thống kiểm soát nội bộ được truyền đạt lên cấp trên, xuống cấp dưới và khắp đơn vị.
1.2.5. Giám sát
Thành phần thứ năm của hệ thống kiểm soát nội bộ là giám sát. Đây là quy trình liên quan đến đánh giá sự hiệu quả của hệ thống kiểm soát nội bộ. Hoạt động giám sát được thiết kế để cung cấp thông tin cho nhà quản lý về việc hệ thống kiểm soát nội bộ có hoạt động đúng như dự định không và thông tin về việc hệ thống kiểm soát nội bộ có được điều chỉnh phù hợp với những thay đổi về điều kiện hoạt động không. Hoạt động giám sát có thể được thực hiện thường xuyên hoặc theo định kỳ
1.3. Những nghiên cứu liên quan
Có một số nghiên cứu về hệ thống kiểm soát nội bộ được thực hiện ở các nền kinh tế mới nổi và chuyển đổi. Thực vậy, Douglas O. N. và các tác giả khác, Ndifon E. và Patrick E. (2014), Joseph và các tác giả khác (2012) là những nghiên cứu trước đây về hệ thống kiểm soát nội bộ tại Kenya, Nigeria, Ghana. Tại Việt Nam, chưa có nghiên cứu về hệ thống kiểm soát nội bộ một cách hệ thống nào trong doanh nghiệp tại Việt Nam, đặc biệt là các doanh nghiệp nhỏ và vừa. Các vấn đề này tạo động lực cho tác giả thực hiện nghiên cứu về kiểm soát nội bộ doanh nghiệp tại Việt Nam nói chung và các doanh nghiệp nhỏ và vừa ở tỉnh Thái Nguyên nói riêng, nhằm góp phần nâng cao hiểu biết về thực trạng hệ thống kiểm soát nội bộ tại các doanh nghiệp trong bối cảnh nền kinh tế đang phát triển. Nghiên cứu này nhằm mục tiêu tìm hiểu về tình hình kiểm soát nội bộ của các doanh nghiệp nhỏ và vừa hoạt động trong nền kinh tế thị trường mới nổi của Việt Nam.
2. Phương pháp nghiên cứu
2.1. Đo lường hệ thống kiểm soát nội bộ
Nghiên cứu sử dụng khung kiểm soát nội bộ của COSO do tính phổ biến và được thừa nhận của khung kiểm soát nội bộ này. Theo đó, hệ thống kiểm soát nội bộ được phân thành năm yếu tố bao gồm môi trường kiểm soát, đánh giá rủi ro, hoạt động kiểm soát, thông tin và truyền thông và giám sát.
2.2. Thu thập và phân tích dữ liệu
Để đạt được mục tiêu nghiên cứu, bảng câu hỏi đã được thiết kế và sử dụng. Phần đầu của bảng câu hỏi bao gồm các thông tin chung liên quan đến tên đơn vị, loại hình kinh doanh, năm hoạt động và số nhân viên, phần thứ hai trình bày thông tin liên quan đến năm yếu tố cấu thành hệ thống kiểm soát nội bộ. Những người được hỏi đã được yêu cầu đánh giá hệ thống kiểm soát nội bộ của đơn vị, sử dụng thang điểm Likert 5 điểm (trong đó 1 = rất không đồng ý, 2 = không đồng ý, 3 = bình thường, 4 = đồng ý, 5 = rất đồng ý). Bảng câu hỏi do nhà quản lý cấp cao của đơn vị trả lời. Nghiên cứu này gồm 336 doanh nghiệp hoạt động tại Thái Nguyên. Các dữ liệu thu thập được phân tích bằng cách sử dụng phần mềm xử lý dữ liệu SPSS.
3. Kết quả nghiên cứu
3.1. Đặc điểm doanh nghiệp
Tỷ lệ trả lời:
Có 370 bảng câu hỏi được cung cấp cho các doanh nghiệp và 336 trong số đó đã được trả lời. Như vậy tỷ lệ trả lời bảng câu hỏi là 90,81%, đủ mức ý nghĩa để nghiên cứu.
Phân loại ngành:
Ngành nghề hoạt động của doanh nghiệp được chia thành bốn nhóm. Doanh nghiệp sản xuất được xếp vào nhóm thứ nhất. Doanh nghiệp thương mại là nhóm thứ hai. Doanh nghiệp dịch vụ là nhóm thứ ba. Doanh nghiệp khác là nhóm ngành nghề thứ tư. Bảng 3.1 trình bày phân loại ngành nghề hoạt động của các doanh nghiệp như sau. Theo Bảng 3.1, ngành nghề hoạt động của các doanh nghiệp rất đa dạng. Trong số các ngành, doanh nghiệp sản xuất chiếm tỷ trọng cao nhất, chiếm 47,02%. Trong sản xuất, xây dựng là ngành chiếm tỷ lệ cao nhất. Doanh nghiệp thương mại chiếm 38,99%. Các doanh nghiệp dịch vụ chiếm 12,50% và các doanh nghiệp khác như nông nghiệp chiếm tỷ lệ thấp nhất, 1,49%.
Quy mô doanh nghiệp:
Bảng 3.2 dưới đây mô tả quy mô của các doanh nghiệp được điều tra. Quy mô doanh nghiệp được phân thành 4 nhóm chính. Nhóm đầu tiên bao gồm các doanh nghiệp có dưới 50 nhân viên. Nhóm thứ hai là các doanh nghiệp có từ 50 nhân viên đến 100 nhân viên. Nhóm thứ ba bao gồm các doanh nghiệp có 101 nhân viên đến 250 nhân viên. Nhóm cuối cùng là các doanh nghiệp có hơn 250 nhân viên.
Về quy mô của doanh nghiệp, số liệu điều tra cho thấy đa số các doanh nghiệp sử dụng từ 50 đến 100 nhân viên, nhóm này chiếm tỷ trọng cao nhất, 49,70%. Nhóm tiếp theo gồm các doanh nghiệp có ít hơn 50 nhân viên, chiếm 25,60%. Nhóm thứ ba gồm các doanh nghiệp sử dụng từ 101 đến 250 nhân viên, chiếm 17,57%. Nhóm cuối cùng gồm các doanh nghiệp có hơn 250 nhân viên, nhóm này chiếm tỷ lệ thấp nhất, 7,14%. Thông tin về quy mô doanh nghiệp tham gia nói trên là hợp lý vì các doanh nghiệp vừa và nhỏ ở Việt Nam nói chung và Thái Nguyên nói riêng chiếm trên 90% tổng số doanh nghiệp.
Hình thức sở hữu:
Hình thức sở hữu của doanh nghiệp được chia thành 4 nhóm. Nhóm hình thức sở hữu đầu tiên là công ty trách nhiệm hữu hạn. Nhóm hình thức sở hữu tiếp theo gồm các công ty cổ phần. Nhóm hình thức sở hữu thứ ba gồm các doanh nghiệp nhà nước. Nhóm sở hữu cuối cùng là các doanh nghiệp tư nhân. Hình thức sở hữu của các doanh nghiệp điều tra được trình bày trong Bảng 3.3. như sau. Về hình thức sở hữu, các công ty trách nhiệm hữu hạn chiếm tỷ trọng cao nhất với 63,69%. Nhóm thứ hai là các công ty cổ phần chiếm 23,51%. Nhóm thứ ba là doanh nghiệp nhà nước chiếm 7,44%. Doanh nghiệp tư nhân chiếm tỷ lệ thấp nhất là 5,36%.
Số năm hoạt động:
Số năm hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp được chia thành 3 nhóm. Nhóm đầu tiên là nhóm gồm các doanh nghiệp có thời gian hoạt động dưới 4 năm. Nhóm tiếp theo gồm các doanh nghiệp có thời gian hoạt động từ 4 năm đến 10 năm. Nhóm cuối cùng là nhóm gồm các doanh nghiệp có trên 10 năm hoạt động. Bảng 3.4 dưới đây mô tả các doanh nghiệp được điều tra theo số năm hoạt động của doanh nghiệp Kết quả trên thể hiện 4,17% doanh nghiệp được điều tra có thời gian hoạt động ít hơn 4 năm. Phần lớn các doanh nghiệp được hỏi có từ 4 đến 10 năm hoạt động và chiếm tỷ trọng cao nhất, 57,87%. Các doanh nghiệp có hơn 10 năm hoạt động chiếm tỷ trọng cao thứ hai, sau các doanh nghiệp hoạt động từ 4 đến 10 năm, tương tứng 37,96%.
3.2. Thực trạng hệ thống kiểm soát nội bộ của doanh nghiệp
Kết quả nghiên cứu về tình hình kiểm soát nội bộ của các doanh nghiệp tại Thái Nguyên hiện nay được trình bày trong Bảng 3.5 dưới đây. Hệ thống kiểm soát nội bộ của các doanh nghiệp điều tra được phân loại theo năm yếu tố là môi trường kiểm soát, đánh giá rủi ro, hoạt động kiểm soát, thông tin và truyền thông và giám sát. Thông tin mô tả về thực trạng tình hình kiểm soát nội bộ của các doanh nghiệp trong Bảng 3.5 cho thấy hoạt động kiểm soát là thành phần của hệ thống kiểm soát nội bộ có trọng số trung bình lớn nhất là 3.40. Điều này có nghĩa là thành phần hoạt động kiểm soát của hệ thống kiểm soát nội bộ doanh nghiệp là thành phần hữu hiệu nhất so với các yếu tố khác của hệ thống kiểm soát nội bộ. Cụ thể hơn, trong các hoạt động kiểm soát thì nội dung được đánh giá thấp là sổ tay hướng dẫn về chính sách và thủ tục ghi lại tất cả các chính sách, thủ tục quan trọng thường xuyên được rà soát và cập nhật. Thành phần của hệ thống kiểm soát nội bộ là môi trường kiểm soát có trọng số lớn thứ hai là 3,36. Các vấn đề liên quan đến môi trường kiểm soát được đánh giá thấp là công ty có các chính sách phù hợp như những hoạt động kinh doanh được chấp nhận, những mâu thuẫn về quyền lợi và các quy tắc ứng xử đã được thiết lập và được phổ biến đầy đủ; nhà quản lý làm việc với nhân viên, với nhà cung cấp, với người dân, với chủ sở hữu trái phiếu, với cổ đông và kiểm toán viên dựa trên sự trung thực và công bằng; tất cả nhân viên có kiến thức và kinh nghiệm đầy đủ để thực hiện trách nhiệm của họ; Yếu tố thông tin và truyền thông của hệ thống kiểm soát nội bộ có trọng số trung bình là 3,33. Trong thành phần thông tin và truyền thông thì yếu tố được đánh giá thấp là doanh nghiệp có quy trình thu thập thông tin từ các nguồn bên ngoài doanh nghiệp như thông tin về ngành nghề kinh doanh, về kinh tế, thông tin về luật pháp, là những thông tin ảnh hưởng đến hoạt động của doanh nghiệp và việc lập báo cáo tài chính. Thành phần thứ tư của kiểm soát nội bộ là đánh giá rủi ro được đánh giá ở mức trọng số trung bình là 3,29. Nội dung chi tiết trong mục đánh giá rủi ro có trọng số trung bình thấp nhất là công ty có chính sách quản lý rủi ro hợp lý và chính sách này được quy định bằng văn bản. Yếu tố cuối cùng cấu thành hệ thống kiểm soát nội bộ là giám sát được đánh giá ở mức 3.25. Trong đó, thành phần giám sát của hệ thống kiểm soát nội bộ được đánh giá là doanh nghiệp có bộ phận kiểm toán nội bộ và bộ phận này làm việc độc lập với ban giam đốc. Có thể thấy, trong năm thành phần cấu thành hệ thống kiểm soát nội bộ, giám sát là thành phận được đánh giá thấp nhất. Do đó, nhà quản lý của doanh nghiệp nên quan tâm hơn đến hệ thống kiểm soát nội bộ, đặc biệt là những yếu điểm nêu trên để hoàn thiện hệ thống kiểm soát nội bộ của doanh nghiệp. Tổng hợp chung thì hệ thống kiểm soát nội bộ của doanh nghiệp tại Thái Nguyên được đánh giá là 3,33. Như vậy, hệ thống kiểm soát nội bộ của các doanh nghiệp ở tỉnh Thái Nguyên được đánh giá ở mức trung bình.
4. Kết luận
Bài nghiên cứu nhằm tìm hiểu về sự hữu hiệu của hệ thống kiểm soát nội bộ theo 5 yếu tố kiểm soát nội bộ gồm môi trường kiểm soát, đánh giá rủi ro, hoạt động kiểm soát, thông tin và truyền thông và giám sát tại doanh nghiệp nhỏ và vừa ở Thái Nguyên. Dữ liệu được thu thập từ 336 doanh nghiệp hoạt động tại tỉnh Thái Nguyên. Kết quả nghiên cứu thể hiện hệ thống kiểm soát nội bộ tại những doanh nghiệp nhỏ và vừa ở Thái Nguyên nhìn chung được đánh giá ở mức độ trung bình. Trong năm thành phần cấu thành hệ thống kiểm soát nội bộ, chỉ có thành phần hoạt động kiểm soát được đánh giá ở mức tốt, các thành phần khác của hệ thống kiểm soát nội bộ đều được đánh giá ở mức trung bình là môi trường kiểm soát, đánh giá rủi ro, thông tin và truyền thông; giám sát và thành phần giám sát được đánh giá thấp nhất. Kết quả điều tra của nghiên cứu này rất cần thiết cho các nhà quản lý, nhất là cho những nhà quản lý doanh nghiệp ở Thái Nguyên nói riêng và nhà quản lý doanh nghiệp ở Việt Nam nói chung. Nghiên cứu này cũng làm đầy khoảng trống nghiên cứu về sự hữu hiệu của hệ thống kiểm soát nội bộ ở các nền kinh tế thị trường mới nổi.
TÀI LIỆU THAM KHẢO:
1. Nyakundi D. O., Nyamita M. O. and Tinega T.?M. (2014). “Effect of Internal Control Systems on Financial Performance of Small and Medium Scale Business Enterprises in Kisumu City, Kenya”, International Journal of Social Sciences and Entrepreneurship, Vol. 1, No. 11, pp. 1-15
2. Nguyen. T. L. H. (2015). “Internal control and the state of internal control in selected Vietnamese enterprises”, ICECH2015 - International Conference on Emerging Challenges: Managing to Success, Vol. 1, No. 1, pp. 189-195.
3. Nguyen T. L. H. (2014). “Thực trạng và giải pháp hoàn thiện kiểm soát nội bộ trong doanh nghiệp Việt Nam”, ICECH2014 - International Conference on Emerging Challenges: Innovation Management for SMEs, Vol. 1, No. 1, pp. 392-399.
4. Joseph M., O., Ransome K., and Victoria A. O. (2012). “Effectiveness of Internal Control Systems of Listed Firms in Ghana”, Research in Accounting in Emerging Economies, Volume 12, No. Part A, pp.31-49.
5. Ejoh N. and Ejom P. (2014). “The impact of internal control activities on financial performance of Tertiary Institutions in Nigeria”, Journal of Economics and Sustainable Development, Vol. 5., No. 16, pp. 133-143.
6. Tran T. A. and Nguyen. T. L. H. (2017), “Internal Control of Enterprises in Vietnam”, ICECH2017 - International Conference on Emerging Challenges: Strategic Integration, pp. 242-245.

INTERNAL CONTROL SYSTEMS OF SMALL AND MEDIUM ENTERPRISES  IN THAI NGUYEN PROVINCE

MBA. Nguyen Thi Le Ha

PhD. Tran Thi Anh

School of Economics and Management, Hanoi University of Science and Technology

Abstract:

The purpose of the study was to explore the current situation of internal control system of enterprises in Thai Nguyen Province based on a sample of 336 enterprises gathered from a questionnaire survey. The study focuses on the main five internal control elements relating to control environment, risk assessment, control activities, information and communication and monitoring. The research results pointed out that four internal control components including control environment, risk assessment, information and communication and monitoring was generally assessed neutral by the participated enterprises. Control activities was the only one internal control component with the strong assessment.

Keywords: Internal control system, Internal control, Thai Nguyen.

Xem tất cả ấn phẩm Các kết quả nghiên cứu khoa học và ứng dụng công nghệ số 5 + 6 tháng 4/2018 tại đây