Ngày 30/5/2020, tại Quảng Ninh, để chuẩn bị cho cho việc thực thi Hiệp định EVFTA, Cục Xuất nhập khẩu, Bộ Công Thương đã tổ chức Hội nghị tập huấn Quy tắc xuất xứ trong Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam - Liên minh châu Âu cho cán bộ tại các cơ quan, tổ chức cấp Giấy chứng nhận xuất xứ hàng hóa (C/O).
Hội nghị nhằm trang bị kiến thức về pháp luật, giúp cho doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân liên quan hiểu rõ và hiểu đúng các quy định về xuất xứ hàng hóa trong Hiệp định EVFTA để từ đó các cán bộ cấp C/O có thể cầm tay chỉ việc cho doanh nghiệp ngay tại tổ chức cấp C/O, giúp doanh nghiệp tận dụng hiệu quả các ưu đãi từ EVFTA ngay từ những ngày đầu tiên thực thi Hiệp định.
Phát biểu tại Hội nghị tập huấn, Cục trưởng Cục Xuất nhập khẩu Phan Văn Chinh cho biết, công tác chuẩn bị cho việc thực hiện EVFTA là đặc biệt quan trọng nhằm bảo đảm việc thực thi Hiệp định được hiệu quả và bảo đảm doanh nghiệp Việt Nam có thể kiph thời tận dụng được các cơ hội từ EVFTA để đẩy mạnh sản xuất, xuất khẩu.
Do vậy, thực hiện chỉ đạo của lãnh đạo Bộ Công Thương, Cục Xuất nhập khẩu đã ban hành Kế hoạch triển khai thực thi Hiệp định EVFTA của Cục trong năm 2020 và các năm tiếp theo. Cục Xuất nhập khẩu sẽ triển khai 25 nhiệm vụ, chia thành 5 nhóm Công tác trọng tâm, trong đó có công tác truyền thông, tuyên truyền và phổ biến thông tin về Hiệp định.
Cục trưởng Phan Văn Chinh chia sẻ, các cán bộ tham gia Hội nghị tập huấn ngày hôm nay là những cán bộ nguồn am hiểu về quy tắc xuất xứ trong Hiệp định, giúp lan tỏa kiến thức, hiểu biết về quy tắc xuất xứ cho doanh nghiệp và cộng đồng cũng như tiếp tục tập huấn cho các cán bộ khác tại các cơ quan, tổ chức cấp C/O của địa phương.
“Ngoài việc tập huấn trực tiếp cho các cán bộ cấp C/O, Hội nghị còn đào tạo các báo cáo viên phục vụ cho các doanh nghiệp tại các địa phương theo yêu cầu của doanh nghiệp cũng như từng ngành hàng. Các báo cáo viên cũng sẽ là những tuyên truyền viên tốt để doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân liên quan có cái nhìn đúng đắn về quy tắc xuất xứ trong EVFTA, để tận dụng tối đa những ưu đãi mà Hiệp định mang lại”, Cục trưởng Phan Văn Chinh nhấn mạnh.
Làm rõ những nội dung chính trong Dự thảo Thông tư quy định thực hiện quy tắc xuất xứ hàng hóa trong EVFTA, bà Trịnh Thị Thu Hiền, Trưởng phòng Xuất xứ hàng hóa, Cục Xuất nhập khẩu chia sẻ, quy định về quy tắc xuất xứ trong Hiệp định EVFTA không phải là mới hoàn toàn đối với các doanh nghiệp Việt Nam.
Bởi, quy tắc xuất xứ trong Hiệp định EVFTA được xây dựng và đàm phán dựa trên quy tắc xuất xứ trong GSP, là cơ chế ưu đãi mà EU dành cho Việt Nam nhiều năm nay.
Hiện nay, doanh nghiệp Việt nam xuất khẩu hàng hóa sang EU theo cơ chế GSP tương đối nhiều. Tuy nhiên, so với các FTA khác mà Việt Nam đang tham gia, quy định về quy tắc xuất xứ trong EVFTA có nhiều điểm mới hơn, cả về cách diễn đạt tiêu chí và các quy định kèm theo.
Ví dụ, một số mặt hàng như dệt may, mực và bạch tuộc chế biến được phép cộng gộp xuất xứ với nguyên liệu từ nước không phải thành viên Hiệp định, quy định cho hưởng ưu đãi đối với một số lãnh thổ đặc thù hay chia nhỏ hàng hóa ở nước thứ ba ngoài Hiệp định..., bà Hiền phân tích và khuyến cáo, quy tắc xuất xứ trong Hiệp định EVFTA không hoàn toàn mới nhưng tương đối phức tạp. Chính vì vậy, để tận dụng tốt cơ hội mà Hiệp định mang lại, doanh nghiệp Việt Nam cần có sự chuẩn bị kỹ lưỡng để thực thi Hiệp định trong thời gian tới.
Cũng trong Hội nghị tập huấn, các đại diện của Cục Xuất nhập khẩu đã giới thiệu cấu trúc Nghị định thư về Quy tắc xuất xứ của Hiệp định và dự thảo Thông tư quy định về Quy tắc xuất xứ trong Hiệp định EVFTA.
Trong đó, tập trung trao đổi các nội dung kỹ thuật nghiệp vụ về áp dụng quy tắc xuất xứ hàng hóa trong Hiệp định EVFTA và hướng dẫn cách đọc tiêu chí xuất xứ được áp dụng tại Danh mục cụ thể mặt hàng, trong đó có so sánh với quy tắc xuất xứ trong Hiệp định CPTPP - cũng là Hiệp định thương mại tự do thế hệ mới và so sánh với Hệ thống ưu đãi thuế quan phổ cập GSP mà hiện nay EU đang dành cho Việt Nam.
Bên cạnh đó, Hội nghị cũng dành thời gian trao đổi, thảo luận chuyên sâu về những điểm mới về quy định về xuất xứ hàng hóa trong Hiệp định EVFTA như cơ chế chứng nhận và kiểm tra xuất xứ hàng hóa xuất khẩu, quy định tạm dừng ưu đãi và không cho hưởng ưu đãi thuế quan của Hiệp định, quy định về lãnh thổ…
Về phía các cơ quan, tổ chức cấp C/O ưu đãi, tại Hội nghị các cán bộ cấp C/O chủ động trao đổi và đề nghị Cục Xuất nhập khẩu - Bộ Công Thương làm rõ các khái niệm, quy định về quy tắc xuất xứ mới và phức tạp trong Hiệp định EVFTA.
Các cán bộ cũng được thực hành xử lý những tình huống giả định có thể xảy ra trong quá trình cấp C/O theo Hiệp định EVFTA để từ đó hiểu và nắm rõ bản chất quy tắc xuất xứ của Hiệp định này.
Lãnh đạo Cục Xuất nhập khẩu nhấn mạnh, ngay sau Hội nghị này, các cơ quan, tổ chức cấp C/O cần tiếp tục tích cực, chủ động tìm hiểu trước quy định tại Hiệp định và dự thảo Thông tư, trao đổi lại với Cục Xuất nhập khẩu khi có vướng mắc về cách hiểu các quy định đó.
Ngoài ra, các địa phương cũng cần nâng cao năng lực và kiến thức về quy tắc xuất xứ trong Hiệp định EVFTA cho cán bộ tại các cơ quan, tổ chức cấp C/O, góp phần mạnh mẽ trong việc thực thi Hiệp định này thời gian tới, hỗ trợ doanh nghiệp Việt Nam tận dụng được các ưu đãi thuế quan mà Hiệp định này mang lại.
Dự thảo Thông tư quy định về Quy tắc xuất xứ trong Hiệp định EVFTA sẽ là cơ sở pháp lý quan trọng cho việc hướng dẫn thực thi về Quy tắc xuất xứ trong Hiệp định EVFTA tại Việt Nam. Việc hiểu rõ và nắm bắt các quy định trong dự thảo Thông tư giúp hỗ trợ và nâng cao năng lực của các cán bộ trong quá trình xét duyệt hồ sơ và cấp C/O cho doanh nghiệp theo Hiệp định EVFTA.