Vào những ngày hè rực rỡ, nhiều đoàn từ khắp các miền đất nước về thăm ATK Định Hóa. Nắng dát vàng trên con đường nhựa thênh thang gần 100 km đến TP. Thái Nguyên rồi bất ngờ buông từng vệt, từng vệt xuống những rừng cọ, rừng vầu, rừng trám tiếp nối đồi chè, đồi thông đuôi ngựa quanh co dẫn lối vào đồi Tỉn Keo, nơi Bác ở và làm việc từ 1948 đến 1954.
Chính tại nơi đây, hơn nửa thế kỷ qua vẫn in đậm biết bao huyền thoại về Bác Hồ, về quân và dân trong những năm tháng hoạt động bí mật ở ATK này.
Huyền thoại ở đồi Tỉn Keo không khoác lên mình tấm áo choàng lấp lánh, mà đi vào tâm thức của đồng bào.
Cô hướng dẫn viên Đàm Thị Bắc nói với tôi rằng, khi còn bé, cô được cha kể cho nghe nhiều chuyện về ông Ké, nhưng nhớ nhất là chuyện ông Ké ăn chung với anh em bảo vệ, và bát ăn là ống bương rừng cưa ra.
Tôi tò mò hỏi, vậy bố em làm gì khi Bác Hồ ở đây? Cô cười hồn nhiên, khi ấy bố em chưa sinh, chuyện ông Ké là ông em kể lại cho bố em thôi.
Cũng với cách thức lưu truyền ấy, cô hướng dẫn viên tên Hà cho chúng tôi biết, khi được nhận công tác nơi đây, ngày đầu tiên cô tìm đến nhà bà Ma Thị Tôm, một người “hàng xóm” của Bác cách đây hơn nửa thế kỷ.
Từ bà Tôm, cô biết rằng, hồi ấy, do phải làm việc nhiều, điều kiện sinh hoạt lại thiếu thốn đủ bề nên Bác gầy lắm. Những khi giáp hạt, cơm cũng không đủ ăn, phải độn thêm nhiều khoai, sắn nhưng Bác vẫn vui vẻ, thậm chí khi biết một gia đình đói kém quá, Bác còn bảo anh em bớt chút gạo mang tới giúp nhà đó.
Nhưng Tỉn Keo đâu chỉ lưu giữ những huyền thoại của một bậc Đại nhân mà còn gìn giữ những ký ức của một bậc Đại trí, Đại dũng. Trước khi ra mặt trận Điện Biên Phủ, Đại tướng Võ Nguyên Giáp băn khoăn: “Thưa Bác, mặt trận ở xa, khó xin ý kiến của Bác và Bộ Chính trị”. Bác nói ngay: “Tướng quân tại ngoại, trao cho chú toàn quyền quyết định rồi báo cáo sau”.
Sau thất bại ở Điện Biên Phủ, nhiều tướng lĩnh Pháp như Navarre, Cogny, De Castries… đều phàn nàn không được trao toàn quyền như tướng Giáp. Đó là những biện bạch, nhưng qua đó cũng cho thấy tầm nhìn xa trông rộng của huyền thoại Hồ Chí Minh.
Lịch sử còn ghi nhớ nhiều chi tiết thú vị về tầm nhìn xa trông rộng của Người. Sau Cách mạng tháng Tám năm 1945, trước khi cùng các cơ quan Trung ương rời Tân Trào về Hà Nội, Bác Hồ dặn các cán bộ ở lại xây dựng ATK: “Biết đâu chúng ta còn quay lại nhờ cậy đồng bào lần nữa”…
Năm 1947, viết thư cho đồng bào Việt Bắc, Bác đã tiên đoán: “Cách mệnh đã do Việt Bắc mà thành công, thì kháng chiến sẽ do Việt Bắc mà thắng lợi”.
Bác viết thư này trong lúc Mỹ và Anh ủng hộ, chi trả tới 78% chi phí chiến tranh cho Pháp, vậy thì đâu là cơ sở để Bác đặt niềm tin mãnh liệt đến thế khi mới lên trụ sở của Thủ đô gió ngàn, khi nước ta đang hoàn toàn phải tự lập, chưa nước nào công nhận sự độc lập Việt Nam? Cơ sở đó là niềm tin của Bác vào sức mạnh của nhân dân.
Có thể nói, cả cuộc đời Bác luôn hướng về nhân dân. Toàn quốc kháng chiến nổ ra, Bác đã cử các đồng chí Nguyễn Lương Bằng tìm địa điểm làm ATK, một trong những tiêu chuẩn là “gần dân, không gần đường”. Tỉn Keo đã đáp ứng được yêu cầu này.
Với Bác, nhân dân là chủ thể của lịch sử, làm Cách mạng là phát huy được vai trò của nhân dân. Từ tư tưởng, đường lối chiến lược đến ngôn từ, luôn luôn hiện diện hình ảnh nhân dân.
Tại Tỉn Keo, ngày 28/5/1948, mở đầu buổi lễ phong quân hàm Đại tướng cho đại tướng Võ Nguyên Giáp Bác nói: “Hôm nay thay mặt Chính phủ và nhân dân…”. Nói chuyện thân mật sau khi kết thúc buổi lễ, Bác nói: “Việc phong tướng cho chú Giáp hôm nay là kết quả biết bao hy sinh chiến đấu của đồng bào, đồng chí”.
Khi sự kiện này công bố trên Đài Tiếng nói Việt Nam, có phóng viên phương Tây hỏi, Việt Nam chưa có trường đào tạo quân sự, việc phong tướng dựa trên tiêu chuẩn nào? Bác trả lời: “Quân đội chúng tôi là quân đội nhân dân, làm nhiệm vụ nhân dân giao phó, đánh thắng đại tướng thì phong đại tướng!”.
Ngày 6/12/1953, tại lán làm việc trên đồi Tỉn Keo, Bộ Chính trị quyết định mở chiến dịch Điện Biên Phủ. Nghe Đại tướng Võ Nguyễn Giáp trình bày địch tập trung binh lực mạnh ở Điện Biên Phủ, Bác bình thản xòe bàn tay ra: “Chúng tập trung quân để cơ động thì ta mở nhiều mặt trận, phân tán binh lực của chúng ra”.
Nhưng lấy đâu ra nhiều quân khi chúng ta cũng đang phải tập trung quân ở Điện Biên Phủ? Bác bảo: “ Lấy từ nhân dân, quân đội từ nhân dân mà ra”.
Với tinh thần ấy, ta có đủ quân để mở các mặt trận ở Thừa Thiên-Huế, Tây Nguyên, Sài Gòn, Trung Lào… không cho địch mang quân nơi khác về cứu vãn Điện Biên Phủ.
Những huyền thoại từ Tỉn Keo, những ký ức hào hùng từ ATK Định Hóa có khi được lưu giữ bằng tài liệu, hiện vật tại gần 100 di tích ở khắp núi rừng ATK Định Hóa, có khi được lưu truyền trong nhân dân từ thế hệ này qua thế hệ khác.
Nhưng với mỗi đoàn khách thăm quan đến đây, đều cảm nhận rõ rệt sức cuốn hút của một bậc Đại nhân đã đặt trọn niềm tin vào nhân dân, phát huy được sức mạnh của nhân dân, và được lưu giữ trong ký ức nhân dân.