Hỗ trợ ngư dân bám đảo, bám biển

Với kế hoạch cụ thể và chi tiết, bà con ngư dân trên đảo Thổ Chu có điều kiện làm ăn sinh sống thuận lợi hơn khi nguồn lợi thủy sản đang suy kiệt, giúp bà con vẫn bám đảo, bám biển, góp phần giữ vững chủ quyền vùng biển, vùng trời của tổ quốc.

ho tro ngu dan

Đảo Thổ Chu là xã biên giới hải đảo tiền tiêu trên vùng biển Tây Nam của Tổ quốc thuộc TP. Phú Quốc, tỉnh Kiên Giang gồm nhiều đảo lớn nhỏ, chìm nổi. Trong đó nổi bật với 8 đảo lớn với hình dáng, diện tích khác nhau là đảo Đảo Thổ Chu, Hòn Nhạn, Hòn Xanh, Hòn Khô, Hòn Cao Cát, Hòn Từ và Hòn Keo Ngựa. Điểm cao nhất của đảo so với mực nước biển là 164m.

Người dân sinh sống chủ yếu bằng nghề nuôi trồng, khai thác thủy sản và chế biển hải sản. Hiện nay, xã Thổ Châu có trên 500 hộ dân sinh sống với gần 2.000 nhân khẩu. Bà con nơi đây sống chủ yếu bằng nghề câu, lưới; hậu cần nghề cá và một ít hộ mua bán nhỏ, như: buôn bán tạp hóa, rau cải, dịch vụ ăn uống, giải khát… Hàng năm, người dân trên đảo phải di chuyển nơi cư trú theo mùa gió và nơi đây được biết đến với biệt danh "đảo chạy gió". Khoảng từ tháng 9 đến tháng 4 âm lịch, họ sống ở Bãi Ngự để tránh gió bắc, các tháng còn lại họ ở Bãi Dong để tránh gió nam. Bức ảnh chụp vào tháng 7 âm lịch nên tàu thuyền, nhà bè của người dân tập trung ở Bãi Dong.

Do đặc thù của xã đảo chỉ có bãi Dong và bãi Ngự để tàu cá vào bờ neo đậu khi gió Bắc, gió Nam về. Khi đó, có trên 30% dân cư sống nghề chạy đò, buôn bán, hậu cần nghề cá… sẽ di chuyển theo các tàu cá. Vì cuộc mưu sinh theo các tàu cá nên những hộ này phải vất vả dỡ nhà, dựng nhà, di chuyển đồ đạc từ bãi Dong sang bãi Ngự và ngược lại. Cuộc sống cứ thế dần trở thành quen với cư dân trên đảo mỗi khi gió chuyển hướng.

Thổ chu
Người dân sinh sống chủ yếu bằng nghề nuôi trồng, khai thác thủy sản và chế biển hải sản

Hiện nay, nguồn lợi thủy sản trên vùng biển Thổ Châu đang suy kiệt vì thế số lượng tàu đánh bắt cá giảm đáng kể. Ðiều này ảnh hưởng đến đời sống người dân trên xã đảo, vì đa phần người dân sống phụ thuộc vào hậu cần nghề cá, chỉ một số hộ có ghe nhỏ đi câu mực, mò ốc. Do đó, rất cần được các ngành, các cấp quan tâm giúp Thổ Châu phát triển kinh tế, đặc biệt là du lịch. Ðồng thời đầu tư cho giáo dục, y tế.

Ngư dân Thổ Chu có nghề nuôi cá lồng, chủ yếu là cá bớp. Loài cá này thịt có màu trắng, vị ngọt và mềm, thường được nấu lẩu chua ăn kèm bún và rau. Trên đảo có nhiều quán ăn có phục vụ lẩu cá bớp nên khách có thể dùng thử.

Nhằm phát huy tiềm năng, lợi thế nhằm thúc đẩy nghề nuôi biển phát triển nhanh theo hướng công nghiệp, hiện đại; đảm bảo môi trường sinh thái gắn với phát triển du lịch và đảm bảo quốc phòng, an ninh vùng biển và hải đảo; góp phần tích cực tái cơ cấu ngành nông nghiệp của tỉnh, tạo sức cạnh tranh, thúc đẩy tăng trưởng kinh tế biển, tăng thu nhập cho người dân, tháng 6 năm nay, UBND tỉnh Kiên giang đã ban hành Kế hoạch phát triển nuôi biển theo hướng bền vững trên địa bàn tỉnh Kiên Giang đến năm 2030.

Theo đó, đảo Thổ Chu, xã Thổ Châu là địa điểm được quy hoạch để nuôi cá lồng bè. Tỉnh yêu cầu các cơ quan chức năng sắp xếp lồng bè nuôi truyền thống của người dân thành các khu nuôi tập trung, không chồng lấn với khu neo đậu tàu thuyền, không ảnh hưởng đến hoạt động du lịch, có khoảng cách phù hợp với cảng biển, khu dân cư, cách bờ ít nhất 100m.

Ngư dân hấp cá cơm để mang vào đất liền bán
Ngư dân hấp cá cơm để mang vào đất liền bán

 

Mục tiêu đến năm 2022-2023, xã Thổ Châu xây dựng, phê duyệt và triển khai kế hoạch bố trí, sắp xếp nghề nuôi biển (cá lồng bè, nhuyễn thể, đối tượng khác) theo hướng tập trung, liên kết sản xuất bền vững trên địa bàn. Đến năm 2024 hoàn thành việc bố trí, sắp xếp nghề nuôi biển; có ít nhất 50% hộ dân nuôi cá lồng bè tại xã đảo được giao khu vực biển và cấp mã số nhận diện lồng bè nuôi theo quy định; Có ít nhất 80% hộ dân nuôi cá lồng bè và 100% hộ dân nuôi nhuyễn thể thực hiện đầy đủ các thủ tục đăng ký nuôi biển theo quy định.

Đến năm 2025, cơ bản bố trí, sắp xếp hoàn thành chuỗi liên kết nuôi biển (cá lồng bè, nhuyễn thể, đối tượng khác) tại các xã đảo, ven biển. Hoàn thành 100% việc giao khu vực biển (không thu tiền) để nuôi trồng thủy sản, cấp mã số nhận diện cơ sở nuôi cho các hộ dân nuôi lồng bè theo hình thức truyền thống ven đảo; Có ít nhất 40% hộ nuôi cá lồng bè, 50% các hộ dân nuôi nhuyễn thể ven biển, ven đảo ở các huyện, thành phố thực hiện đầy đủ các thủ tục đăng ký nuôi biển theo quy định.

Đến năm 2030, các cơ sở nuôi biển với đối tượng, hình thức nuôi khác nhau được bố trí, sắp xếp phân vùng nuôi hợp lý; 100% cơ sở nuôi thực hiện đầy đủ các thủ tục đăng ký nuôi biển theo quy định; ứng dụng công nghệ thông tin quản lý khoa học, chặt chẽ, truy xuất được nguồn gốc sản phẩm, đảm bảo sự phát triển bền vững của nghề nuôi.

Để thực hiện mục tiêu nói trên, UBND tỉnh yêu cầu các cơ quan quản lý nhà nước tổ chức tập huấn tuyên truyền, phổ biến cho người dân biết, thực hiện các quy định về cấp phép nuôi biển, cấp mã số nhận diện cơ sở nuôi lồng bè theo Luật Thủy sản và các văn bản hướng dẫn có liên quan; tiếp nhận, xử lý các hồ sơ xin chủ trương cấp phép nuôi biển, giao khu vực biển để nuôi trồng thủy sản. Tổ chức khảo sát thực địa, lấy ý kiến của các đơn vị liên quan, tổng hợp báo cáo, đề xuất cho UBND tỉnh xem xét, quyết định; thực hiện cấp phép nuôi biển, cấp mã số nhận diện cơ sở nuôi lồng bè cho tổ chức, cá nhân Việt Nam trong phạm vi quản lý.

Đồng thời, xây dựng quy trình giải quyết các thủ tục hành chính liên quan đến đăng ký nuôi biển (cấp phép nuôi biển, giao khu vực biển để nuôi trồng thủy sản và cấp mã số nhận diện cơ sở nuôi lồng bè) để đảm bảo sự đồng bộ và thuận tiện cho người dân thực hiện; triển khai thực hiện kế hoạch bố trí, sắp xếp nghề nuôi biển (cá lồng bè, nhuyễn thể, đối tượng khác) theo hướng tập trung, liên kết sản xuất bền vững, gắn với công tác giao khu vực biển, cấp mã số nhận diện cơ sở nuôi lồng bè theo quy định.

Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh được giao nhiệm vụ thẩm định các dự án đồng quản lý nguồn lợi giống thủy sản tự nhiên, nuôi nhuyễn thể, nuôi cá lồng bè trên địa bàn tỉnh. Xây dựng và hoàn thiện mạng lưới quan trắc, cảnh báo môi trường, phòng chống dịch bệnh trong vùng nuôi biển; nghiên cứu tìm hiểu nguyên nhân, biện pháp phòng tránh một số hiện tượng gây hại cá nuôi lồng bè: sinh vật “lạ”, tảo “nở hoa”; và xây dựng các mô hình nuôi biển ứng dụng tiến bộ khoa học- công nghệ; mô hình thực hiện liên kết chuỗi sản xuất, nuôi các đối tượng có giá trị kinh tế; mô hình nuôi cá lồng bè sử dụng thức ăn công nghiệp dần thay thế thức ăn cá tạp,... theo định hướng phát triển nuôi biển của tỉnh.

Các chuyên gia thủy sản nhận định, với kế hoạch cụ thể và chi tiết, bà con ngư dân trên đảo Thổ Chu, xã Thổ Châu có điều kiện làm ăn sinh sống thuận lợi hơn khi nguồn lợi thủy sản đang suy kiệt, giúp bà con vẫn bám đảo, bám biển, góp phần giữ vững chủ quyền vùng biển, vùng trời của tổ quốc.

Hoàng Cầu và nhóm phóng viên