Hỗ trợ tiêu thụ nông sản, hàng hóa vùng dịch trên cơ sở đảm bảo “an toàn kép”

Chiều 1/3/2021, thực hiện thông báo Kết luận của Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc tại cuộc họp Thường trực Chính phủ về phòng chống dịch Covid-19 theo Thông báo số 31/TB-VPCP ngày 25 tháng 2 năm 2021 của Văn phòng Chính phủ, Bộ Công Thương đã tổ chức cuộc họp với các Bộ, ngành, địa phương và hệ thống phân phối lớn về việc thu mua, tiêu thụ sản phẩm hàng hóa, nông sản của các địa phương đang có dịch.

Ngành Công Thương vào cuộc mạnh mẽ

Phát biểu tại cuộc họp, Thứ trưởng Bộ Công Thương Đỗ Thắng Hải cho biết, thời gian qua, ngành Công Thương đã tích cực phối hợp với các Bộ, ngành, địa phương để hỗ trợ tiêu thụ lượng lớn hàng hóa, nông sản cho các địa phương có dịch. 

Đặc biệt, ngay khi tỉnh Hải Dương thực hiện giãn cách xã hội từ 0h ngày 16/2/2021, Bộ Công Thương đã làm việc trực tiếp với các chuỗi phân phối lớn tại phía Bắc như Central Retail (Big C, GO!), VinCommerce (Vinmart, Vinmart+), BRG Retail, MM Mega Market, Saigon Co.op (Co.opmart),… để thu mua nông sản bảo đảm an toàn thực phẩm và an toàn dịch bệnh hiện đang vào mùa thu hoạch từ nông sản, hợp tác xã, doanh nghiệp của tỉnh Hải Dương.

Báo cáo nhanh tại cuộc họp, đại diện các doanh nghiệp cho biết lượng tiêu thụ nông sản của Hải Dương đến nay đã khá nhiều. MM Mega Market hỗ trợ tiêu 50 tấn, tập trung 4 mặt hàng cà rốt, su hào, bắp cải, củ cải; VinCommerce tiêu thụ trung bình 100 tấn/tuần với mức lợi nhuận 0%; Big C/GO! tiêu thụ 200 tấn/tuần; Co.opMart từ 22/2 đến nay đã tiêu thụ gần 300 tấn tại 68 điểm bán trên địa bàn thành phố Hà Nội cùng 13 siêu thị tại miền Bắc và miền Trung.

Toàn cảnh cuộc họp do Bộ Công Thương chủ trì về việc thu mua, tiêu thụ sản phẩm hàng hóa, nông sản của các địa phương đang có dịch
Toàn cảnh cuộc họp do Bộ Công Thương chủ trì

Theo bà Trần Thị Phương Lan - Quyền Giám đốc Sở Công Thương Hà Nội, với số lượng dân cư lớn, sức mua mạnh, hệ thống phân phối đảm bảo, Thủ đô luôn sẵn sàng hỗ trợ tiêu thụ hàng hóa cho các địa phương và đáp ứng nhu cầu tiêu thụ của người dân trên địa bàn.

Đặc biệt, Sở Công Thương Thành phố thống nhất chỉ thông qua đầu mối Sở Công Thương Hải Dương để tiếp nhận các hàng hóa, nông sản của nông dân, doanh nghiệp tỉnh, khi về đến Hà Nội lại qua một lần kiểm tra nữa tại hệ thống phân phối để đảm bảo tối đa vấn đề an toàn dịch bệnh.

Các hệ thống phân phối, tổ chức, cá nhân tại Hà Nội có nhu cầu hỗ trợ tiêu thụ đều được ủng hộ mạnh mẽ và cung cấp danh sách các nguồn cung sản phẩm bảo đảm. Sở Công Thương Thành phố cũng yêu cầu đăng ký nếu tổ chức, cá nhân muốn làm điểm bán hàng, tránh việc tổ chức bán tràn lan trên vỉa hè gây nguy cơ về dịch bệnh.

Nhờ vậy, đến nay việc tiêu thụ nông sản Hải Dương đã được giải quyết cơ bản. Theo số liệu của UBND tỉnh Hải Dương, cà rốt khi bắt đầu bùng dịch có 50.000 tấn, nay còn 27.000 tấn; rau củ quả các loại từ 65.000 tấn nay còn 15.000 tấn; gia cầm từ 5 triệu con nay còn 2 triệu con; trứng gia cầm 3,9 quả nay còn khoảng 1 triệu quả; cá các loại từ 5.000 tấn nay còn khoảng 2.000 tấn.

Trước những nỗ lực này, Thứ trưởng Đỗ Thắng Hải bày tỏ sự đánh giá cao tinh thần chủ động, quyết liệt của các tỉnh, thành phố đã vào cuộc sớm, góp phần đẩy mạnh tiêu thụ các sản phẩm này, bảo đảm thực hiện mục tiêu kép vừa phòng, chống dịch bệnh, vừa phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội.

Dù vậy, trong bối cảnh dịch Covid-19, Bộ Công Thương cho rằng vẫn có nhiều nguyên nhân dẫn đến sự khó khăn trong tiêu thụ hàng hóa từ vùng dịch, đặc biệt là nông sản, trong đó có việc thực hiện các quy định về phòng chống dịch bệnh cũng như sự tụt giảm nhu cầu mua sắm và tâm lý e dè nhất định của người tiêu dùng với các sản phẩm ở vùng dịch và xung quanh vùng dịch.

Ngay khi nắm bắt thông tin, Vụ Thị trường trong nước, Bộ Công Thương đã liên hệ trực tiếp với các địa phương để tháo gỡ cho từng trường hợp, từng chuyến hàng.

Bộ Công Thương cũng kịp thời báo cáo với Chính phủ và trên cơ sở đó Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng đã ban hành văn bản yêu cầu các địa phương lưu ý tới kiến nghị của Bộ, tránh gây khó khăn cản trở cho thu mua tiêu thụ nông sản.

“Tuy nhiên, bài toán đặt ra là làm thế nào để hiện tượng đó không còn, không phải xử lý theo từng sự vụ nữa mà có hướng dẫn đồng bộ cho tất cả các trường hợp”, ông Trần Duy Đông - Vụ trưởng Vụ Thị trường trong nước nhận định.

Toàn cảnh cuộc họp do Bộ Công Thương chủ trì về việc thu mua, tiêu thụ sản phẩm hàng hóa, nông sản của các địa phương đang có dịch

 

Ban hành hướng dẫn kịp thời

Ngay sau cuộc họp nói trên, thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng theo Thông báo số 31/TB-VPCP ngày 25 tháng 2 năm 2021, Bộ Công Thương đã ban hành Công văn số 1083/BCT-TTTN ngày 01 tháng 3 năm 2021 gửi UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương về việc hướng dẫn thu mua, tiêu thụ sản phẩm hàng hóa, nông sản của vùng đang có dịch.

Theo đó, Bộ đề nghị UBND các tỉnh, thành phố chỉ đạo, tổ chức thực hiện việc thu mua, tiêu thụ sản phẩm hàng hóa, nông sản trên địa bàn đảm bảo một số nội dung.

Một là, hàng hóa, nông sản sản xuất và lưu thông trên địa bàn phải đảm bảo an toàn dịch bệnh và an toàn thực phẩm theo đúng quy định của pháp luật.

Hai là, hoạt động vận tải qua lại, đi, đến vùng, khu vực, địa điểm có dịch, nhất là tại các vùng kinh tế trọng điểm, phải tuân thủ các quy định về phòng, chống dịch của ngành y tế, giao thông vận tải như Công văn số 898/BYT-MT ngày 07 tháng 02 năm 2021 của Bộ trưởng Bộ Y tế về việc hướng dẫn phòng, chống dịch COVID-19 trong vận chuyển hàng hóa (đối với phương tiện vận chuyển, lái xe, áp tải, bán hàng, mua hàng, bốc vác, gia công, hậu cần) và các quy định hiện hành.

Ba là, khi cần thiết, chỉ định cơ quan đầu mối tại địa phương (đặc biệt các địa phương đang có dịch) để cấp các giấy tờ liên quan theo quy định về phòng chống dịch đối với hàng hóa, nông sản cho các tổ chức, cá nhân thu mua, tiêu thụ. Đồng thời, giải quyết nhanh, tạo điều kiện thuận lợi nhất cho các tổ chức, cá nhân này thực hiện hoạt động kinh doanh trên địa bàn. 

Xử lý, hướng dẫn và tiếp nhận các thông tin về khó khăn, vướng mắc trong việc thu mua, tiêu thụ hàng hóa, nông sản. 

Thông tin rộng rãi trên các phương tiện thông tin đại chúng về chức năng, nhiệm vụ của đơn vị đầu mối này để liên hệ khi cần thiết.

Bốn là, UBND các tỉnh, thành phố thông báo các khu vực bị phong tỏa hoặc khu vực có ổ dịch trên địa bàn trên các phương tiện thông tin đại chúng để các tỉnh, thành phố, các tổ chức, cá nhân biết, tạo điều kiện thuận lợi trong việc phối hợp, bảo đảm lưu thông hàng hóa.

Năm là, theo điều kiện thực tiễn tại địa phương, UBND các tỉnh, thành phố chỉ đạo, tổ chức thực hiện hướng dẫn của các Bộ, ngành liên quan nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho các tổ chức, cá nhân thu mua tiêu thụ hàng hoá, nông sản và lưu thông trên địa bàn kịp thời, hiệu quả.

Ngành Công Thương đang nỗ lực tối đa để tháo gỡ các vướng mắc còn tồn tại trong việc thu mua, tiêu thụ hàng hóa và nông sản của các địa phương có dịch
Ngành Công Thương đang nỗ lực tối đa để tháo gỡ những vướng mắc còn tồn tại trong việc thu mua, tiêu thụ hàng hóa và nông sản của các địa phương có dịch

Hướng dẫn này được cho là đã đưa ra cách xử lý cho khúc mắc lớn nhất hiện nay là đảm bảo tính hệ thống trong triển khai thu mua, tiêu thụ hàng hóa, nông sản vùng dịch, và trên hết là đảm bảo “an toàn kép” không chỉ về dịch bệnh mà còn về vấn đề vệ sinh an toàn thực phẩm khi đến tay người tiêu dùng.

Theo đại diện Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, việc ban hành văn bản dưới dạng hướng dẫn cũng là lựa chọn tối ưu về thời gian và mức độ linh hoạt để nhanh chóng đưa vào triển khai, phù hợp với thực tiễn tại từng địa phương. 

Thêm vào đó, việc dẫn chiếu và yêu cầu địa phương chấp hành quy định của các Bộ, ngành khác tại mục 4 cũng đáp ứng “đề bài” mà Thủ tướng đã đưa ra, tạo điều kiện thuận lợi cho cả chuỗi cung ứng gồm người nông dân, nhà sản xuất và hệ thống phân phối. 

“Chúng tôi tin rằng, với chỉ đạo kịp thời như vậy, thì khó khăn hẳn là vẫn có, nhưng công tác phân phối hàng hóa sẽ được đảm bảo”, đại diện MM Mega Market cho hay.

Về phía mình, các địa phương kỳ vọng với văn bản này, các thủ tục hiện nay sẽ được rút gọn, tập trung lại trách nhiệm về 1 đầu mối để giảm thời gian kiểm tra hàng hóa, nông sản mà vẫn đảm bảo chất lượng, tăng khả năng tiêu thụ cho hàng hóa, nông sản. 

Đối với một số vấn đề liên quan đến lưu thông hàng hóa không nằm trong thẩm quyền của Bộ Công Thương, Bộ sẽ tích cực phối hợp với các đơn vị liên quan để tháo gỡ khó khăn còn tồn tại.

Thy Thảo