Hội nghị giao ban xúc tiến thương mại với hệ thống thương vụ Việt Nam tháng 7/2023

Ngày 31/7, Hội nghị giao ban xúc tiến thương mại với hệ thống thương vụ Việt Nam ở nước ngoài tháng 7/2023 được tổ chức với chủ đề: Chuyển hướng kết nối, khai thác đầu ra cho ngành dệt may, da giày, đồ gỗ.

Phát biểu tại hội nghị, Cục trưởng Cục Xúc tiến thương mại, Bộ Công Thương Vũ Bá Phú cho biết, trong 7 tháng đầu năm 2023, xuất khẩu của nước ta sang hầu hết các thị trường chủ lực đều giảm so với cùng kỳ năm 2022, tuy nhiên mức độ tác động đến xuất khẩu từng ngành hàng có sự khác nhau. Trong đó, những ngành hàng như dệt may, da giày, đồ gỗ, có mức sụt giảm nhiều nhất. Cụ thể 6 tháng đầu năm xuất khẩu hàng dệt và may mặc giảm 15,3%, giầy, dép các loại giảm 15,2%, sản phẩm gỗ giảm 33,1%.

Hội nghị xúc tiến thương mại ngành dệt may, da giày, đồ gỗ
Cục trưởng Cục Xúc tiến thương mại Vũ Bá Phú đánh giá về tình hình xuất nhập khẩu của ngành dệt may, da giày, đồ gỗ trong 7 tháng đầu năm 2023

Nhằm tháo gỡ khó khăn, tìm hướng đi cho doanh nghiệp ngành dệt may, da giày, đồ gỗ, ngày 31/07/2023, Bộ Công Thương tổ chức “Hội nghị giao ban xúc tiến thương mại với hệ thống Thương vụ Việt Nam ở nước ngoài tháng 7/2023” với chủ đề chủ đề: Chuyển hướng kết nối, khai thác thị trường đầu ra cho ngành đồ gỗ, dệt may và da giày.

Kỳ hội nghị tháng 7/2023 đã thu hút 400 đại biểu từ các cơ quan thuộc Bộ Công Thương, các Thương vụ, Chi nhánh Thương vụ Việt Nam tại nước ngoài, các Văn phòng Xúc tiến thương mại Việt Nam tại nước ngoài, Sở Công Thương, Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn, Hiệp hội ngành hàng, doanh nghiệp và các cơ quan thông tấn, báo chí đăng ký tham dự.

Hội nghị xúc tiến thương mại ngành dệt may, da giày, đồ gỗ
Hội nghị giao ban xúc tiến thương mại với hệ thống thương vụ Việt Nam ở nước ngoài tháng 7/2023 tập trung chủ yếu vào ngành hàng: đồ gỗ, dệt may và da giày

Hội nghị diễn ra theo phương thức trực tiếp kết hợp trực tuyến, nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho đông đảo đại biểu từ các Thương vụ Việt Nam ở nước ngoài, các cơ quan và doanh nghiệp liên quan từ 63 tỉnh, thành trên cả nước tham gia.

Hội nghị tập trung trao đổi, cập nhật thông tin về tình hình, diễn biến, các quy định về chính sách, yêu cầu mới đối với nhập khẩu, đánh giá thị hiếu tiêu dùng của thị trường nhập khẩu đối với các mặt hàng và sản phẩm ngành đồ gỗ, dệt may và da giày; thảo luận đánh giá cơ hội, đề xuất giải pháp tháo gỡ khó khăn vướng mắc trong hoạt động xuất - nhập khẩu, yêu cầu xúc tiến thương mại.

Hội nghị gồm 2 phiên chính: Phiên 1 dành cho đại diện các Thương vụ Việt Nam tại Bỉ và EU, CHLB Đức, Canada, Brazil, Chile, Trung Quốc, Ấn Độ, Chi nhánh Thương vụ Việt Nam tại Houston (Hoa Kỳ) thông tin về tình hình thị trường nước ngoài và các kế hoạch, biện pháp chuyến hướng kết nối, khai thác thị trường đầu ra cho ngành đồ gỗ, dệt may và da giầy Việt Nam.

Hội nghị xúc tiến thương mại ngành dệt may, da giày, đồ gỗ
Hội nghị xúc tiến thương mại ngành dệt may, da giày, đồ gỗ
Đại diện Thương vụ Việt Nam tại các nước cập nhật thông tin về thị trường quốc tế

Phiên 2 dành cho đại diện các Hiệp hội (Hiệp hội Da giày, Túi xách Việt Nam; Hiệp hội Gỗ và Lâm sản Việt Nam, Hiệp hội dệt may Việt Nam) thảo luận về những khó khăn, thuận lợi, đề xuất nhu cầu hỗ trợ và các sáng kiến liên quan đến nhu cầu tiêu thụ và thúc đẩy xúc tiến thương mại các mặt hàng đồ gỗ, dệt may, da giày Việt Nam.

Hội nghị xúc tiến thương mại ngành dệt may, da giày, đồ gỗ
Hội nghị xúc tiến thương mại ngành dệt may, da giày, đồ gỗ
Đại diện các Hiệp hội mong muốn nhận được sự quan tâm và hỗ trợ hơn nữa từ các đơn vị thuộc Bộ Công Thương

Kết thúc 2 phiên thảo luận sôi nổi, Thứ trưởng Bộ Công Thương Đỗ Thắng Hải đánh giá các thương vụ đã cung cấp thông tin phong phú, đầy đủ về thị trường; đồng thời đưa ra những khuyến nghị cho các hiệp hội và doanh nghiệp để đẩy mạnh hoạt động xuất nhập khẩu, đa dạng hoá thị trường.

Thứ trưởng Đỗ Thắng Hải cũng đề nghị các thương vụ tập trung nhiều hơn vào các lĩnh vực chuyên đề, tiếp tục cập nhật thông tin về thị trường xuất nhập khẩu, đưa ra các đề xuất cụ thể hơn cũng như tăng cường trao đổi với các hiệp hội, doanh nghiệp.

Đối với các vụ thị trường ngoài nước, cần chú trọng nghiên cứu phân tích chính sách kịp thời, đề xuất các giải pháp tháo gỡ vướng mắc, rào cản kỹ thuật, hàng rào phi thuế quan cho hàng hoá xuất khẩu của Việt Nam; tăng cường phối hợp giữa các đơn vị thuộc Bộ và hỗ trợ cho các hiệp hội và doanh nghiệp. Cục Xúc tiến thương mại cần đi sâu vào các chuyên ngành cụ thể để đạt hiệu quả tốt hơn.

Về phía Hiệp hội, Thứ trưởng cũng đề nghị cần chủ động hướng dẫn hỗ trợ hội viên là các doanh nghiệp xây dựng kế hoạch sản xuất, kinh doanh, kế hoạch xúc tiến thương mại; cung cấp thông tin cụ thể về sản phẩm, thị trường hướng đến của doanh nghiệp cho các đơn vị thuộc Bộ và có đề nghị cụ thể đối với các đơn vị thuộc Bộ để được hỗ trợ.

Hội nghị xúc tiến thương mại ngành dệt may, da giày, đồ gỗ
Thứ trưởng Đỗ Thắng Hải phát biểu chỉ đạo tại hội nghị

Trong bối cảnh tình hình trong nước và quốc tế còn nhiều thách thức đặt ra cho ngành Công Thương, công tác xúc tiến thương mại tiếp tục được xác định là một trong những giải pháp quan trọng và hiệu quả, góp phần cải thiện 3 động lực tăng trưởng là đầu tư, xuất khẩu và tiêu dùng thông qua việc hỗ trợ doanh nghiệp phát triển sản xuất, phát triển thị trường, đẩy mạnh xuất khẩu.

Đặc biệt, Bộ Công Thương luôn tìm cách để phát huy tối đa vai trò của hệ thống các Thương vụ Việt Nam ở nước ngoài - 1 kênh trao đổi thông tin trực tiếp, thống nhất và nhanh nhất giữa các cơ quan Thương vụ Việt Nam ở nước ngoài với các đơn vị chức năng thuộc Bộ Công Thương, địa phương, hiệp hội, doanh nghiệp xuất nhập khẩu trên cả nước trong việc chủ động nghiên cứu, đánh giá thị trường và các cơ chế chính sách mới về kinh tế, thương mại, đầu tư của nước sở tại. Thông qua Hội nghị giao ban xúc tiến thương mại với hệ thống Thương vụ Việt Nam ở nước ngoài, thời gian qua hệ thống Thương vụ đã kịp thời cung cấp thông tin, hướng dẫn, hỗ trợ với các địa phương, hiệp hội ngành hàng, cộng đồng doanh nghiệp trong hoạt động xúc tiến thương mại để mở rộng, phát triển, đa dạng hóa thị trường và mặt hàng, đẩy mạnh xuất khẩu.

Sau hội nghị này, với trách nhiệm là cơ quan thực hiện chức năng quản lý nhà nước về công nghiệp và thương mại, Bộ Công Thương sẽ tiếp tục tổng hợp đầy đủ nhu cầu hỗ trợ và các kiến nghị, đề xuất của các địa phương, hiệp hội, doanh nghiệp, phối hợp với các Bộ, ngành liên quan để tập trung giải quyết theo thẩm quyền hoặc báo cáo Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ xem xét chỉ đạo giải quyết những vấn đề thuộc thẩm quyền của Chính phủ, góp phần thúc đẩy phát triển sản xuất và xuất khẩu, đóng góp tích cực vào sự phát triển của đất nước.

Hội nghị giao ban xúc tiến thương mại với hệ thống Thương vụ Việt Nam ở nước ngoài là sự kiện xúc tiến thương mại do Bộ Công Thương tổ chức định kỳ hàng tháng kể từ tháng 7/2022. Đến nay, hội nghị đã ghi nhận những phản hồi tích cực cùng sự quan tâm của đông đảo hệ thống Thương vụ Việt Nam ở nước ngoài, các địa phương, hiệp hội ngành hàng, các doanh nghiệp xuất - nhập khẩu và các cơ quan thông tấn, báo chí.

  • Tags: