TÓM TẮT:
Thuế, đặc biệt là thuế thu nhập doanh nghiệp đóng vai trò là công cụ quan trọng của Nhà nước để quản lý, điều tiết sản xuất - kinh doanh, cũng như phân phối, tiêu dùng, thúc đẩy kinh tế phát triển. Có được một hệ thống chính sách thuế phù hợp, đồng bộ hoàn thiện và luôn theo kịp sự vận động, phát triển thực tiễn là điều kiện cần thiết, cấp bách. Trên cơ sở khảo sát, nghiên cứu công tác kế toán thuế thu nhập doanh nghiệp tại các công ty kinh doanh thiết bị y tế trên địa bàn thành phố Hà Nội, bài viết đánh giá ưu điểm và hạn chế của công tác kế toán thuế thu nhập doanh nghiệp tại các công ty này, từ đó đề xuất những giải pháp hoàn thiện.
Từ khóa: Thuế thu nhập doanh nghiệp, các công ty kinh doanh thiết bị y tế, Thành phố Hà Nội.
I. Đặt vấn đề
Thuế thu nhập doanh nghiệp gắn liền với quá trình và phản ánh mức độ và kết quả hoạt động sản xuất kinh doanh của các doanh nghiệp. Sự vận hành của loại thuế này được thực hiện trên cơ sở những quy định của Luật thuế Thu nhập do Nhà nước ban hành (chuẩn mực kế toán số 17 “Thuế
Thu nhập doanh nghiệp), theo đó, chênh lệch giữa doanh thu, thu nhập, chi phí để xác định nghĩa vụ thuế thu nhập doanh nghiệp được xác định dựa trên cơ sở tính thuế theo qui định của Luật thuế. Trong khi đó, việc xác định và ghi nhận các khoản doanh thu, thu nhập, chi phí này được thực hiện trên cơ sở những quy định của chuẩn mực, chế độ kế toán doanh nghiệp hiện hành và sự lựa chọn chính sách kế toán của doanh nghiệp. Tuy nhiên, hiện nay vẫn còn rất nhiều doanh nghiệp gặp vướng mắc trong quá trình hạch toán thuế thu nhập doanh nghiệp liên quan đến phần thuế hoãn lại, tài sản thuế thu nhập doanh nghiệp hoãn lại, chênh lệch tạm thời và cơ sở tính thuế thu nhập của một tài sản hay nợ phải trả, trong đó các công ty kinh doanh thiết bị y tế trên địa bàn thành phố Hà Nội đã gặp phải những vấn đề trên.
II. Thực trạng công tác kế toán thuế thu nhập doanh nghiệp tại các công ty kinh doanh thiết bị y tế trên địa bàn thành phố Hà Nội
Hiện nay, trên địa bàn thành phố Hà Nội có khoảng hơn 300 công ty hoạt động kinh doanh thiết bị y tế, trong đó chiếm 70% là loại hình công ty trách nhiệm hữu hạn, còn lại là công ty cổ phần và doanh nghiệp tư nhân. Chủ yếu các công ty kinh doanh thiết bị y tế tại Hà Nội có quy mô hoạt động vừa và nhỏ. Để phục vụ nghiên cứu đề tài, tác giả lựa chọn 3 công ty điển hình với quy mô hoạt động vừa và nhỏ hoạt động kinh doanh thiết bị y tế trên địa bàn thành phố Hà Nội, các công ty này được tác giả lựa chọn để khảo sát thì đều thuộc loại hình công ty TNHH, không có vốn của Nhà nước. Lĩnh vực kinh doanh của cả 3 công ty tác giả khảo sát đều chỉ kinh doanh các thiết bị y tế và các vật tư phụ đi kèm, không kinh doanh các mặt hàng khác và đều tổ chức theo mô hình trực tuyến - chức năng, đó là các công ty: Công ty TNHH Thiết bị và Dụng cụ Y Khoa 3P, Công ty TNHH Thiết bị y tế Minh Nhân, Công ty TNHH Đầu tư Trang thiết bị Đại Dương.
1. Xác định thuế thu nhập doanh nghiệp
Thuế TNDN phải nộp = Tổng lợi nhuận kế toán trước thuế x Thuế suất thuế TNDN
* Xác định tổng lợi nhuận kế toán trước thuế:
Tổng lợi nhuận kế toán trước thuế = Lợi nhuận thuần từ hoạt động kinh doanh + Lợi nhuận khác
Lợi nhuận thuần từ hoạt động kinh doanh = Lợi nhuận thuần từ BH và CCDV + Lợi nhuận tài chính
LNT từ BH và CCDV = Doanh thu BH và CCVD - Giảm trừ DT - Giá vốn hàng bán - Chi phí bán hàng - Chi phí QLDN LN tài chính = DT tài chính - Chi phí tài chính
Tại các công ty kinh doanh thiết bị y tế trên địa bàn thành phố Hà Nội mà tác giả khảo sát, kế toán các công ty này đề ra quy định xác định thu nhập chịu thuế chính bằng tổng lợi nhuận kế toán trước thuế, là thu nhập được hình thành từ việc lấy tổng doanh thu, thu nhập trong kỳ trừ đi tổng chi phí đã xác định được trong kỳ.
Vào cuối niên độ kế toán, việc xác định thu nhập chịu thuế để tính thuế TNDN căn cứ vào số phát sinh tập hợp được trên các tài khoản 511, 515, 711 và các tài khoản 632, 6421, 6422, 635, 811 để kết chuyển sang tài khoản 911 để xác định thu nhập chịu thuế.
Tại Công ty TNHH Thiết bị dụng cụ y tế 3P, Công ty TNHH Thiết bị y tế Minh Nhân và Công ty TNHH Đầu tư trang thiết bị y tế Đại Dương: mức thuế suất áp dụng là 22%.
2. Kế toán thuế thu nhập doanh nghiệp hiện hành
Các doanh nghiệp tác giả khảo sát sử dụng chứng từ để hạch toán thuế thu nhập doanh nghiệp hiện hành tuân thủ theo quy định về lập chứng từ để ghi nhận thuế thu nhập doanh nghiệp. Chứng từ kế toán sử dụng để hạch toán thuế TNDN bao gồm:
- Tờ khai thuế TNDN tạm tính quý I, II, III.
- Giấy nộp tiền vào NSNN.
- Tờ khai quyết toán thuế thu nhập doanh nghiệp năm.
Tại thời điểm cuối năm, các công ty tiến hành quyết toán thuế TNDN, quyết toán thuế TNDN theo mẫu số 03/TNDN sử dụng HTKK 3.4.6.
Tài khoản kế toán nói chung và tài khoản sử dụng kế toán thuế TNDN nói riêng tại các công ty kinh doanh thiết bị y tế trên địa bàn thành phố Hà Nội được mã hóa theo đúng chế độ kế toán hiện hành, cụ thể là qua khảo sát thực tế tại các doanh nghiệp thuế TNDN được phản ánh trên TK 3334 - Thuế TNDN, TK 8211 - Thuế TNDN hiện hành.
Các công ty tác giả khảo sát đều sử dụng phần mềm kế toán MISA SME.NET 2012, sau đây tác giả xin đưa ra các bước kế toán sử dụng để hạch toán thuế thu nhập doanh nghiệp trên phần mềm kế toán MISA.
+ Đối với thuế TNDN tạm tính hàng quý:
Hàng quý, căn cứ trên tờ khai thuế TNDN tạm tính theo mẫu 01A/TNDN được kế toán lập trên phần mềm hỗ trợ kê khai thuế HTKK 3.4.6, kế toán sẽ tiến hành ghi sổ trên phần mềm kế toán như sau:
Trên giao diện chính của phần mềm, kế toán vào menu Nghiệp vụ/Tổng hợp/Chứng từ nghiệp vụ khác/Thêm, phần mềm sẽ hiện ra giao diện để kế toán nhập dữ liệu, kế toán sẽ ghi tăng chi phí thuế thu nhập doanh nghiệp hiện hành và ghi tăng thuế TNDN phải nộp Nhà nước. Sau khi nhập xong kế toán sẽ tiến hành lưu nghiệp vụ.
Khi nộp thuế TNDN, kế toán căn cứ vào giấy báo Nợ, kế toán vào menu Nghiệp vụ/ Ngân hàng/Ủy nhiệm chi để phản ánh số tiền đã nộp vào ngân sách, kế toán ghi giảm thuế TNDN phải nộp Nhà nước và ghi giảm tiền gửi ngân hàng.
+ Cuối năm, khi thực hiện quyết toán thuế TNDN:
Tương tự quy trình ghi sổ kế toán thuế TNDN tạm tính theo quý, cuối năm căn cứ vào tờ khai quyết toán thuế TNDN, kế toán vào menu Nghiệp vụ/Tổng hợp/Chứng từ nghiệp vụ khác/Thêm. Nếu số thuế TNDN thực tế phải nộp trong năm lớn hơn số thuế TNDN đã tạm tính hàng quý kế toán đã ghi nhận, kế toán phản ánh bổ sung số thuế TNDN phải nộp, kế toán ghi tăng chi phí thuế hiện hành và ghi tăng thuế TNDN phải nộp Nhà nước.
Trên báo cáo kết quả hoạt động sản xuất kinh doanh, chỉ tiêu thuế TNDN được phản ánh tại mã số 51, chỉ tiêu này phản ánh chi phí thuế thu nhập doanh nghiệp hiện hành phát sinh trong năm báo cáo. Số liệu để ghi vào chỉ tiêu này là căn cứ vào tổng phát sinh bên Có TK 821- Chi phí thuế TNDN đối ứng với bên Nợ TK 911- Xác định kết quả kinh doanh.
Trên Báo cáo lưu chuyển tiền tệ theo phương pháp trực tiếp, chi phí thuế thu nhập doanh nghiệp được nêu ở chi tiêu số 05 - Tiền chi nộp thuế TNDN. Chỉ tiêu này được lập căn cứ vào tổng số tiền thuế TNDN đã nộp cho Nhà nước trong kỳ báo cáo.
Trên Thuyết minh báo cáo tài chính, khoản thuế TNDN được trình bày tại chỉ tiêu thuế TNDN ở mục 16 và chỉ tiêu thuế TNDN hiện hành ở mã số 51.
Qua khảo sát thực tế tại các công ty kinh doanh thiết bị y tế trên địa bàn thành phố Hà Nội, đặc biệt là việc nghiên cứu về kế toán thuế TNDN trong năm 2017, tác giả nhận thấy có một số doanh nghiệp có phát sinh các khoản chênh lệch tạm thời làm phát sinh thuế TNDN hoãn lại phải trả và tài sản thuế TNDN hoãn lại: Chênh lệch tạm thời liên quan đến việc ghi nhận doanh thu bán hàng; Chênh lệch tạm thời liên quan đến việc trích khấu hao TSCĐ hữu hình.
3. Đánh giá về công tác kế toán thuế thu nhập doanh nghiệp của các công ty kinh doanh về thiết bị y tế trên địa bàn thành phố Hà Nội
a. Những mặt đạt được
Thứ nhất, để thuận lợi cho việc lập tờ khai thuế nhanh, chính xác và kịp thời, hiện nay các công ty đang sử dụng phần mềm hỗ trợ và kê khai thuế do Tổng cục Thuế xây dựng.
Thứ hai, việc công ty sử dụng phần mềm hỗ trợ và kê khai thuế đã giảm thiểu tối đa việc sai sót trong quá trình kê khai và lập tờ khai hàng tháng, hàng quý… cho các loại thuế doanh nghiệp cần nộp đảm bảo chính xác, trung thực, tiết kiệm được nhân lực và chi phí, thuận lợi cho công tác kiểm tra theo theo dõi kiểm tra của công ty và cơ quan thuế.
Thứ ba, công ty đã tổ chức thực hiện đầy đủ hệ thống chứng từ về kế toán thuế TNDN như: Chứng từ kế toán doanh thu, thu nhập (hóa đơn GTGT bán hàng, giấy báo có, phiếu thu tiền mặt…); Chứng từ kế toán các khoản chi phí trong kỳ (hóa đơn GTGT đầu vào, giấy báo nợ, phiếu nhập kho, phiếu chi…); Sổ chi tiết theo dõi thuế TNDN được phản ánh hàng quý căn cứ vào kết quả sản xuất kinh doanh mỗi quý và cả năm.
Thứ tư, thực hiện theo dõi và hạch toán doanh thu, chi phí đầy đủ hàng tháng, hàng quý để kịp thời tính và lập tờ khai thuế TNDN tạm tính hàng quý theo quy định của cơ quan thuế. Việc kê khai và tạm nộp thuế TNDN được thực hiện theo đúng qui định về cách thức tiến hành cũng như thời gian.
b. Một số tồn tại
- Về kế toán thuế TNDN hiện hành: Ảnh hưởng của kế toán nói chung ảnh hưởng đến kế toán thuế TNDN hiện hành chủ yếu phát sinh do việc xác định doanh thu, thu nhập và chi phí hợp lý.
Tại các công ty mà tác giả tiến hành nghiên cứu, thì ảnh hưởng đến kế toán thuế TNDN hiện hành chủ yếu phát sinh từ việc xác định chưa đúng các khoản mục chi phí hợp lý phát sinh trong kỳ kế toán. Cụ thể là việc kế toán ghi nhận cả các khoản chi phí mà theo quy định của nhà nước là những chi phí không được trừ khi xác định thu nhập chịu thuế TNDN như:
+ Chi phí lãi vay vượt quá quy định.
+ Các chi phí đầu vào không đủ hóa đơn, chứng từ hợp lệ như chi phí tiếp khách, chi phí xăng xe, điện thoại cho nhân viên, chi phí văn phòng phẩm, chi phí mua máy lọc nước…
+ Các khoản tiền phạt do vi phạm hành chính như: Phạt nộp chậm hồ sơ kê khai thuế.
+ Khoản chi phí phụ cấp xăng xe, chi thưởng Tết không được quy định trong HĐLĐ, quy chế lưởng thưởng, hoặc thỏa ước lao động tập thể. Như vậy, hiện tại kế toán các công ty đang hạch toán các khoản chi phát sinh đều là chi phí được trừ khi xác định thu nhập chịu thuế TNDN, mà chưa quan tâm đến việc theo dõi các khoản chênh lệch vĩnh viễn. Từ đây sẽ ảnh hưởng đến tính chính xác của doanh nghiệp khi xác định chi phí thuế TNDN hiện hành.
- Về thuế thu nhập doanh nghiệp hoãn lại: Thông qua việc khảo sát, tác giả nhận thấy tại các công ty kinh doanh thiết bị y tế trên địa bàn thành phố Hà Nội hiện nay đang không hạch toán thuế TNDN hoãn lại phải trả và tài sản thuế TNDN hoãn lại. Điều đó đồng nghĩa với việc kế toán không xác định các khoản chênh lệch tạm thời phát sinh trong kỳ kế toán của doanh nghiệp. Mặc dù thực tế doanh nghiệp có phát sinh các khoản này. Các khoản chênh lệch tạm thời tại các doanh nghiệp khảo sát chủ yếu phát sinh do:
+ Kế toán doanh nghiệp xác định không đúng thời điểm ghi nhận doanh thu so với quy định của nhà thuế.
+ Kế toán doanh nghiệp xác định thời tính khấu hao và tính khấu hao không theo quy đinh.
III. Các giải pháp hoàn thiện công tác kế toán thuế thu nhập doanh nghiệp tại các công ty kinh doanh thiết bị y tế trên địa bàn thành phố Hà Nội
1. Về hạch toán chi phí lãi vay: Theo quy định thì một trong những khoản không được trừ vào thu nhập chịu thuế thu nhập doanh nghiệp là phần chi trả tiền lãi vay vốn sản xuất, kinh doanh của các đối tượng không phải là tổ chức tín dụng vượt quá 150% lãi suất cơ bản do NHNN công bố tại thời điểm vay. Khi tính chi phí lãi vay của các tổ chức, các nhân, kế toán doanh nghiệp cần chú ý xem phần lãi vay đó có bị vượt quá quy định về lãi suất hay không, để từ đó xác nhận chi phí được trừ hay không được trừ khi xác nhận thu nhập chịu thuế.
2. Đối với các chi phí đầu vào không đủ hóa đơn, chứng từ hợp lệ như chi phí tiếp khách, chi phí xăng xe, điện thoại cho nhân viên, chi phí vận chuyển, chi phí văn phòng phẩm,... hiện tại công ty vẫn hạch toán các khoản này vào chi phí hợp lý, tuy nhiên, theo quy định, các khoản này bị loại ra khi xác định thu nhập chịu thuế TNDN. Kế toán cần xác định chính xác và loại ra khỏi chi phí hợp lý các khoản này tại thời điểm quyết toán thuế TNDN.
3. Các khoản tiền phạt do vi phạm hành chính như: Phạt chậm nộp thủ tục hành chính thuế... Các khoản tiền phạt về thuế ở trên kế toán vẫn căn cứ vào biên bản xử phạt, giấy nộp tiền phạt để ghi nhận là chi phí trong kỳ. Kế toán cần có những xem xét, điều chỉnh cho phù hợp, loại khỏi chi phí hợp lý.
4. Về thuế thu nhập doanh nghiệp hoãn lại: Các công ty cần căn cứ vào quy định của chuẩn mực kế toán số 17 và Thông tư hướng dẫn chuẩn mực kế toán số 17 phần “Phương pháp xác định và kế toán tài sản thuế thu nhập hoãn lại” để tiến hành xác định khoản chênh lệch tạm thời được khấu trừ trong năm, để từ đó làm cơ sở xác định và phản ánh tài sản thuế TNDN hoãn lại và hạch toán.
Nợ TK 8212:
Có TK 347:
Đồng thời, kế toán tiến hành kết chuyển thuế TNDN hoãn lại phải trả:
Nợ TK 911:
Có TK 8212: ■
TÀI LIỆU THAM KHẢO:
1. Bộ Tài chính, 2013. Tài liệu hướng dẫn kê khai quyết toán thuế thu nhập doanh nghiệp. Hà Nội: NXB Tài chính.
2. Các văn bản pháp luật quy định liên quan đến thuế thu nhập doanh nghiệp ở Việt Nam.
3. Các tài liệu, sổ sách kế toán của Công ty TNHH Thiết bị dụng cụ y tế 3P, Công ty TNHH Thiết bị y tế Minh Nhân và TNHH Đầu tư Trang thiết bị Đại Dương.
4. Website: www.webketoan.com, www.kiemtoan.com, www.gdt.gov.com, www.mof.gov.vn
ACCOUNTING FOR CORPORATE INCOME TAX
AT MEDICAL EQUIPMENT TRADING COMPANIES IN HA NOI
● MA. DO THI THANH TAM
● MA. MAI THI SEN
Faculty of Accounting - University of Economic and Technical Industries
ABSTRACT:
Taxes, especially corporate income tax, serve as an important tool for the State to manage and regulate production, distribution, consumption and economic development. To have a consistent and harmonious tax policy system as well as responsive with the mobilization and practical development are necessary and urgent conditions. Based on the survey and research on the accounting of corporate income tax at medical equipment trading companies in Hanoi. the article assesses the advantages and disadvantages of accounting for corporate income tax in these companies, thereby proposing complete solutions.
Keywords: Corporate income tax, Medical equipment trading company, Hanoi City.