Kết nối để khai thác hiệu quả tài nguyên du lịch tỉnh Thanh Hóa

NCS. Nguyễn Nhiên Hương (Trường Cao đẳng Sư phạm Trung ương)

TÓM TẮT:

Thanh Hóa là một địa phương được đánh giá giàu có về nguồn lực du lịch. Đây là nơi hội tụ đầy đủ yếu tố để phát triển các loại hình du lịch nhưng vẫn còn ở dạng tiềm năng, vì việc đầu tư, khai thác các loại tài nguyên tự nhiên và tài nguyên văn hóa chưa tương xứng với tiềm năng sẵn có. Việc kết hợp để phát huy hiệu quả các nguồn tài nguyên là con đường đúng đắn, đưa ngành kinh tế du lịch phát triển theo hướng chuyên nghiệp và bền vững, khắc phục những thiếu sót trong cách thức tổ chức, phục vụ, xây dựng thương hiệu riêng cho du lịch Thanh Hóa. Bài viết tổng hợp các loại tài nguyên du lịch và đưa ra hướng kết nối các nguồn tài nguyên như một giải pháp cho phát triển du lịch Thanh Hóa trong tương lai.

Từ khóa: Tài nguyên du lịch, khai thác, hiệu quả, phát triển, tỉnh Thanh Hóa.

1. Hệ thống tài nguyên du lịch tỉnh Thanh Hóa

Khái niệm tài nguyên du lịch đã được nhiều tác giả trong và ngoài nước đưa ra, dựa trên nhiều góc nhìn khác nhau. Theo đó, các tác giả cũng có cách phân loại tài nguyên theo các tiêu chí riêng. Khái niệm này ở Việt Nam đã được luật hóa, thể hiện trong Luật Du lịch Việt Nam năm 2005. Năm 2017, Luật Du lịch sửa đổi đã quy định tại điều 3, khoản 4: “Tài nguyên du lịch là cảnh quan thiên nhiên, yếu tố tự nhiên và các giá trị văn hóa làm cơ sở để hình thành sản phẩm du lịch, khu du lịch, điểm du lịch, nhằm đáp ứng nhu cầu du lịch”1. Tài nguyên du lịch cũng được phân thành 2 loại trong Luật Du lịch 2017: tài nguyên du lịch tự nhiên và tài nguyên du lịch văn hóa.

1.1. Tài nguyên du lịch tự nhiên

- Tài nguyên biển

Thanh Hóa có khu vực miền biển thuận lợi cho phát triển du lịch với đường biển dài 102 km, kéo dài từ Nga Sơn đến Tĩnh Gia. Dải bờ biển này tương đối bằng phẳng với bãi tắm đẹp, nổi tiếng trong và ngoài nước, như: Sầm Sơn, Hải Tiến, Hải Hòa... Thêm vào đó, biển Thanh Hóa có nhiều điều kiện khá lý tưởng cho hoạt động nghỉ dưỡng như: nhiệt độ quanh năm tương đối ổn định, thường không xuống quá thấp vào mùa đông, độ mặn vừa phải, đáy biển nông, ít rãnh sâu, sóng mạnh...

Dọc dải bờ biển là cảnh quan thiên nhiên đẹp, lạ, với những dãy núi đâm ra biển, tạo thành các vũng và xen kẽ là các cửa lạch. Ra ngoài khơi lại có một số đảo nhỏ, như: Hòn Mê, Hòn Nẹ, đảo Nghi Sơn với môi trường biển trong lành, các loài động thực vật biển phong phú, cũng là điểm đến du lịch hấp dẫn.

- Tài nguyên động thực vật

Với địa hình khá phong phú, phần lớn diện tích của tỉnh là đồi núi, đồi núi và trung du đan xen, tạo cho Thanh Hóa hệ động thực vật tự nhiên đa dạng, là nguồn tài nguyên du lịch tự nhiên đặc sắc. Thanh Hóa có tới 5 khu vườn quốc gia và khu bảo tồn thiên nhiên, đó là: Vườn Quốc gia Bến En, Khu Bảo tồn thiên nhiên Pù Hu, Khu Bảo tồn thiên nhiên Pù Luông, Khu Bảo tồn thiên nhiên Xuân Liên, Khu Bảo tồn thiên nhiên rừng sến Tam Quy2. Ngoài ra, Thanh Hóa còn hàng loạt điểm du lịch sinh thái hấp dẫn, nằm rải rác ở nhiều huyện miền núi, như: Suối Sim, suối Quanh, suối Xia, suối cá Thần Cẩm Lương (thôn Lương Ngọc, xã Cẩm Lương, huyện Cẩm Thủy)… cùng một số thác, như: thác Ma Hao (bản Năng Cát, xã Trí Nang, huyện Lang Chánh), thác Muốn (xã Điền Quang, huyện Bá Thước), thác Hiêu (thôn Hiêu, xã Cổ Lũng, huyện Bá Thước)… Nguồn tài nguyên này là điều kiện để khu vực phía Tây Thanh Hóa phát triển các loại hình du lịch sinh thái, du lịch cộng đồng.

- Tài nguyên hang động, núi đá vôi

Thanh Hóa là tỉnh có vùng núi đá vôi tạo nên nhiều danh thắng hang động karster đẹp, gắn với các truyền thuyết lịch sử văn hóa, như: động Từ Thức (Nga Sơn), động Hồ Công và động Tiên Sơn (Vĩnh Lộc), động Bàn Bù hay còn gọi là Hang Ngán (Ngọc Lặc), động Long Quang trên núi Hàm Rồng (TP. Thanh Hóa), quần thể hang động ở Tĩnh Gia… là những điểm đến du lịch có sức hấp dẫn du khách. Những hang động này nằm rải rác trên địa bàn nhiều huyện, thường được biết đến bởi người dân địa phương mà chưa thu hút được khách tham quan nhiều như du lịch biển.

Về mặt tự nhiên, tỉnh Thanh Hóa có những lợi thế để phát triển đầy đủ các loại hình du lịch, đặc biệt là du lịch tham quan, nghỉ dưỡng biển và du lịch sinh thái, du lịch cộng đồng vùng núi.

1.2. Tài nguyên du lịch văn hóa

Thanh Hóa có tài nguyên du lịch văn hóa là kho tàng di sản văn hóa vật thể và phi vật thể vô cùng phong phú, có giá trị đặc trưng và đa dạng về thể loại.

- Các di tích lịch sử văn hóa

Di tích lịch sử văn hóa là một nguồn tài nguyên du lịch quan trọng trong việc thu hút khách du lịch, đặc biệt là khách du lịch quốc tế. Thanh Hóa là một trong những địa phương có mật độ di tích cao nhất của nước ta. Theo thống kê của Sở Văn hóa - Thể thao - Du lịch Tỉnh3, tính đến tháng 01 năm 2018, Thanh Hóa có 1.535 di tích lịch sử văn hóa và danh lam thắng cảnh, trong đó có 833 di tích đã được xếp hạng (1 di sản thế giới, 3 di tích quốc gia đặc biệt, 142 di tích quốc gia, 687 di tích cấp tỉnh). Đặc biệt, Tỉnh có những cụm di tích có giá trị cao về ý nghĩa lịch sử cũng như về nghệ thuật, kiến trúc, như: Di tích Quốc gia đặc biệt Lam Kinh, Di tích Quốc gia đặc biệt Đền Bà Triệu, Đền thờ Lê Hoàn, Di tích Phủ Trịnh, Nghè Vẹt… Độc đáo hơn cả là Di tích lịch sử Thành Nhà Hồ với những giá trị mang tính đặc trưng, nổi bật toàn cầu đã được UNESCO công nhận là Di sản văn hóa thế giới. Những di tích này chứa đựng giá trị nhân văn đậm nét và có khả năng khai thác hiệu quả trong việc phát triển du lịch của tỉnh Thanh Hóa.

- Các lễ hội truyền thống

Lễ hội truyền thống là một sinh hoạt văn hóa thường gắn liền với các di tích lịch sử của Thanh Hóa. Các lễ hội diễn ra rải rác trong năm, nhưng nhiều nhất vẫn là dịp đầu năm mới, sau Tết Nguyên đán. Các lễ hội đều được địa phương tổ chức long trọng và trang nghiêm để đáp ứng một phần nhu cầu đời sống tinh thần, tâm linh của người dân, đồng thời cũng nhằm phục vụ mục đích phát triển du lịch.

Là vùng đất có lịch sử lâu đời và giàu truyền thống văn hóa nên lễ hội ở Thanh Hóa rất đa dạng, chứa đựng sắc thái văn hóa đặc trưng của từng địa phương với 3 loại hình nổi trội là: lễ hội tín ngưỡng (như: lễ hội thờ thành hoàng làng, lễ hội thờ mẫu, thờ các thần nông nghiệp, lâm nghiệp, ngư nghiệp…), lễ hội văn hóa lịch sử (như: lễ hội Đền Bà Triệu, lễ hội Lam Kinh, lễ hội Lê Hoàn…), lễ hội dân gian gắn với truyền thuyết (như: lễ hội Mai An Tiêm, lễ hội Từ Thức, lễ hội Đền Độc Cước…).

- Các sản phẩm thủ công truyền thống

Thanh Hóa là tỉnh hội tụ nhiều làng nghề thủ công truyền thống đa dạng, phân bố đều trên địa bàn tỉnh. Vùng miền núi phía Tây có nghề dệt thổ cẩm ở bản làng người Mường, người Thái huyện Lang Chánh, Bá Thước… Vùng đồng bằng có nghề đúc đồng ở làng Chè xã Thiệu Trung; nghề gốm gia dụng ở làng Vồm, xã Thiệu Khánh, huyện Thiệu Hóa; nghề chế tác đá ở Đông Sơn. Vùng biển có các làng nghề chiếu cói ở Nga Sơn, nghề đan mây tre ghép dừa xuất khẩu ở Hoằng Hóa, Sầm Sơn,  nghề tiện gỗ ở Quảng Minh - thành phố Sầm Sơn… Khôi phục và phát triển các làng nghề truyền thống là hướng đi đang được tích cực triển khai ở Thanh Hóa. Đây là giải pháp hiệu quả về mặt kinh tế để giải quyết nguồn lao động tại chỗ, tăng nguồn thu nhập cho bà con địa phương. Hơn thế nữa, bảo vệ nghề truyền thống còn có ý nghĩa văn hóa, lịch sử sâu sắc. Vì vậy, du lịch làng nghề hay du lịch nông thôn là một xu hướng du lịch mới đang được nhiều khách du lịch hướng đến để tìm hiểu, trải nghiệm văn hóa địa phương.

- Các tài nguyên du lịch văn hóa khác

Tỉnh Thanh Hóa còn có nhiều giá trị văn hóa phi vật thể có thể khai thác, kết hợp với các nguồn tài nguyên du lịch tự nhiên và văn hóa nêu trên để phục vụ phát triển du lịch. Đó là các làn điệu dân ca, dân vũ truyền thống của các dân tộc anh em sinh sống lâu đời trên địa bàn tỉnh, như: điệu hò dọc khu vực sông Mã, sông Chu, diễn xướng múa đèn ở Đông Sơn, trò diễn Xuân Phả ở Thọ Xuân, hát chèo thờ ở Nông Cống, hát ru ở Tĩnh Gia, cùng các điệu múa sạp, múa xòe của đồng bào dân tộc Thái, Mường, H’mông…

Thêm vào đó, xứ Thanh còn có nhiều món ăn đặc sản, là tinh túy chắt lọc từ nguồn lương thực, thực phẩm sẵn có của địa phương. Đây sẽ là những thứ quà lưu niệm mà du khách có thể thưởng thức tại chỗ hoặc mua về, như: nem chua ở thành phố Thanh Hóa, chè Lam Phủ Quảng - Vĩnh Lộc, bánh gai Tứ Trụ - Thọ Xuân, dừa tươi ở Hoằng Hóa, nước mắm Ba Làng - Tĩnh Gia,…

Như vậy, ngoài những lợi thế về vị trí, nằm trong không gian du lịch vệ tinh của trung tâm du lịch thủ đô Hà Nội, Thanh Hóa còn có hệ thống tài nguyên thiên nhiên và văn hóa phong phú, đặc trưng, là điều kiện thuận lợi để phát triển du lịch.

2. Hướng kết nối nguồn tài nguyên du lịch tỉnh Thanh Hóa

2.1. Kết nối tài nguyên du lịch tại điểm đến

Theo Chương trình phát triển du lịch Thanh Hóa giai đoạn 2016 - 2020 của tỉnh Thanh Hóa, các khu du lịch trọng điểm là: Sầm Sơn, Hàm Rồng, Thành nhà Hồ, Lam Kinh, Hải Tiến, Hải Hòa, suối cá Cẩm Lương, Pù Luông, Pù Hu… Tại các khu du lịch này, tiềm năng du lịch được đánh giá là thế mạnh nổi trội so với nhiều ngành kinh tế khác. Tuy nhiên, hiện tại, các điểm đến chỉ dựa trên nguồn lực tài nguyên du lịch tự nhiên hoặc văn hóa sẵn có mà chưa có sự liên kết các nguồn tài nguyên. Vì vậy, sự phát triển du lịch tại các điểm đến này vẫn bộc lộ nhiều hạn chế. Du lịch Sầm Sơn hiện chỉ dựa trên dải bờ biển dài và đẹp được thiên nhiên ưu đãi nên tính mùa vụ cao. Trong khi đó, nguồn lực di sản văn hóa tại Sầm Sơn với nhiều di tích lịch sử, lễ hội, làng nghề truyền thống chưa được kết hợp trong phát triển du lịch để góp phần giảm bớt tính mùa vụ, tăng hiệu quả du lịch. Các điểm du lịch biển như: Hải Tiến, Hải Hòa cũng trong tình trạng tương tự.

Gần đây, các điểm du lịch sinh thái, du lịch cộng đồng ở phía Tây Thanh Hóa được nhiều du khách trong và ngoài nước biết đến với phong cảnh tự nhiên nguyên sơ, với văn hóa của các tộc người Thái, người Mường đặc sắc, nhưng người làm du lịch tại địa phương chưa được đào tạo bài bản, thiếu kinh nghiệm trong việc xây dựng các mô hình du lịch cộng đồng, du lịch sinh thái. Vì vậy, mặc dù có sẵn nguồn lực du lịch, nhưng Bá Thước, Quan Hóa, Cẩm Thủy, Ngọc Lặc… vẫn là những huyện miền núi nghèo.

2.2. Kết nối tài nguyên du lịch giữa các điểm đến

Thanh Hóa là tỉnh rộng, địa hình đa dạng, các tài nguyên du lịch lại nằm rải rác trên địa bàn toàn tỉnh, nên việc kết nối các điểm đến là điều kiện quan trọng để phát triển du lịch. Mặc dù trong các kế hoạch, chương trình du lịch của Tỉnh đã định hướng xây dựng các tuyến du lịch xuyên Bắc Nam, Đông Tây, song trên thực tế, khách du lịch vẫn thường chỉ đến một số điểm nổi bật, quen thuộc, như: Sầm Sơn, Hải Tiến, Lam Kinh, Pù Luông… Có thể dễ dàng nhận thấy sự phát triển du lịch Thanh Hóa đang phân tách thành 2 bộ phận khá riêng rẽ: Khu vực du lịch ven biển phía Đông (Sầm Sơn, Hải Tiến, Hải Hòa…) và Khu du lịch sinh thái, du lịch cộng đồng phía Tây Thanh Hóa (Pù Luông, Pù Hu, Khu bảo tồn thiên nhiên Xuân Liên…). Sự kết nối tour, tuyến du lịch ở 2 phía Đông - Tây còn hạn chế. Phương tiện di chuyển giữa các điểm chủ yếu là ô tô nhưng lượng xe khách chưa nhiều; đường sá đã nâng cấp, mở rộng nhưng vẫn chưa thực sự đảm bảo cho nhu cầu giao thông của khách du lịch. Đặc biệt, vào mùa mưa, các tuyến đường khu phía Tây Thanh Hóa thường dễ bị sụt lở, ảnh hưởng của lũ quét do nằm ở vùng cao, nhiều đồi núi. Nếu khó khăn đi lại 2 phía Đông - Tây được giải quyết, chắc chắn, tài nguyên du lịch giữa các điểm đến cũng được kết nối để phục vụ hiệu quả mục đích du lịch.

3. Kết luận

Tài nguyên là một phần quan trọng của nguồn lực du lịch. Đánh giá đầy đủ giá trị của các loại tài nguyên để có định hướng sử dụng, khai thác cho phát triển du lịch là việc làm cần thiết. Đối với Thanh Hóa, một địa phương giàu có, đa dạng về tài nguyên, nhưng du lịch vẫn phát triển chưa đồng đều giữa miền núi, đồng bằng và ven biển. Nhiều tài nguyên còn ở dạng tiềm năng, chưa được “đánh thức”. Xu hướng liên kết vùng lãnh thổ, liên kết tài nguyên thiên nhiên là giải pháp có ý nghĩa thực tiễn trước mắt cũng như lâu dài cho ngành Du lịch Thanh Hóa.

Tài liệu trích dẫn:

1https://thuvienphapluat.vn/van-ban/Van-hoa-Xa-hoi/Luat-du-lich-2017322936.aspx

2Tỉnh Thanh Hóa (2017), Chương trình phát triển du lịch Thanh Hóa giai đoạn 2016 - 2020, Nhà Xuất bản Thanh Hóa, tr.64.

3Sở Văn hóa - Thể thao - Du lịch Thanh Hóa (2018), Danh sách di tích xếp hạng tính đến đầu năm 2018.

TÀI LIỆU THAM KHẢO:

  1. Lê Tạo (2011), Di sản văn hóa truyền thống, một nguồn lực đặc biệt cho phát triển du lịch ở Thanh Hóa, Nhà Xuất bản Thanh Hóa.
  2. Tỉnh Thanh Hóa (2017), Chương trình phát triển du lịch Thanh Hóa giai đoạn 2016 - 2020, Nhà Xuất bản Thanh Hóa.
  3. Thành ủy, HĐND, UBND Thành phố Thanh Hóa, tỉnh Thanh Hóa (1999), Địa chí Thành phố Thanh Hóa, Nhà Xuất bản Văn hóa Thông tin.
  4. Thư viện pháp luật, Luật Du lịch Việt Nam 2017, https://thuvienphapluat.vn/van-ban/Van-hoa-Xa-hoi/Luat-du-lich-2017322936.aspx
  5. UBND tỉnh Thanh Hóa (2015), Chiến lược Phát triển du lịch tỉnh Thanh Hóa đến năm 2025, tầm nhìn đến năm 2030.
  1. Sở Văn hóa - Thể thao - Du lịch Thanh Hóa (2018), Danh sách di tích lịch sử - văn hóa và danh lam thắng cảnh xếp hạng các cấp.

CONNECT TO EFFECTIVELYEXPLOIT TOURISM RESOURCES

OF THANH HOA PROVINCE

PgD. NGUYEN NHIEN HUONG

National College for Education

ABSTRACT:

Thanh Hoa is believed to have a lot of tourism resources. All elements of the tourism industry are converged here, yet, they have not been materialized. It is due to the fact that the investment and exploitation of natural and cultural resources are not commensurate with the available potential. Thanh Hoa should utilize to promote the resources efficiently to help the tourism economy develop sustainably as well as minimize the shortcomings of tourism-branding of Thanh Hoa. The article summarizes the types of tourism resources and provides directions for connecting resources as a solution for the future tourism development of Thanh Hoa.

Keywords: Tourism resources, exploitation, efficiency, development, Thanh Hoa province.