Nghiên cứu các giải pháp thu hút đầu tư vào lĩnh vực du lịch tại tỉnh Quảng Bình

PHAN THỊ KIM TUYẾN - PHẠM XUÂN HÙNG (Trường Đại học Kinh tế, Đại học Huế)

TÓM TẮT:

Bài viết phân tích thực trạng thu hút đầu tư vào lĩnh vực du lịch tại Quảng Bình - một trong những địa phương có nhiều tiềm năng để phát triển du lịch ở khu vực miền Trung. Kết quả nghiên cứu cho thấy, ngành Du lịch Quảng Bình đã có sự phát triển mạnh mẽ trong những năm gần đây nhờ vào các tiềm năng về du lịch, đầu tư cơ sở hạ tầng và sự ủng hộ của chính quyền địa phương. Quy mô vốn đầu tưsố lượng dự án tăng nhanh trong thời gian gần đây. Tuy vậy, việc thu hút đầu tư vào du lịch tại Quảng Bình còn một số hạn chế, như: quy mô dự án còn nhỏ; ít có các nhà đầu tư nước ngoài. Vì vậy, trong thời gian tới, chính quyền tỉnh cần tăng cường công tác quảng bá, đẩy mạnh đầu tư cơ sở hạ tầng cho phát triển du lịch.

Từ khóa: Du lịch, đầu tư, tỉnh Quảng Bình.

1. Giới thiệu

Vốn đầu tư là động lực quan trọng để phát triển kinh tế của các quốc gia, nhất là những nước đang phát triển như Việt Nam. Tăng cường thu hút vốn đầu tư góp phần chuyển dịch cơ cấu kinh tế, giải quyết việc làm, tăng năng suất lao động, tiếp thu công nghệ và kinh nghiệm quản lý hiện đại. Là địa phương thuộc vùng Bắc Trung Bộ, có vị trí địa lý quan trọng, có điều kiện giao thông thuận lợi và nhiều tiềm năng để phát triển du lịch, tỉnh Quảng Bình hiện là một trong những địa phương có nhiều lợi thế trong thu hút đầu tư tại các tỉnh miền Trung.

Xác định tầm quan trọng của hoạt động xúc tiến và thu hút đầu tư, trong những năm gần đây, chính quyền tỉnh Quảng Bình đã tập trung đẩy mạnh hoàn thiện các cơ chế, chính sách, cải cách hành chính, nhằm cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, đặc biệt trong lĩnh vực du lịch. Tuy vậy, so với tiềm năng sẵn có, việc thu hút đầu tư vào phát triển du lịch trên địa bàn tỉnh vẫn còn nhiều hạn chế như quy mô dự án còn nhỏ, sự phân bổ không đồng đều giữa các lĩnh vực và giữa các địa phương trong tỉnh. Quy mô vốn đầu tư vẫn chưa đáp ứng được mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh.

Nghiên cứu này nhằm mục đích phân tích thực trạng thu hút đầu tư vào lĩnh vực du lịch tại Quảng Bình trong giai đoạn 2013 - 2018 và đề xuất một số giải pháp chủ yếu nhằm tăng cường khả năng thu hút đầu tư vào du lịch của địa phương trong thời gian tới.

2. Tổng quan lý thuyết

Nghiên cứu về khả năng thu hút đầu tư và các yếu tố ảnh hưởng đến khả năng thu hút đầu tư được thực hiện bởi nhiều học giả trong và ngoài nước. Theo quan điểm của Bah và cộng sự (2015), một doanh nghiệp chỉ thực hiện việc đầu tư vào một địa phương khi hội tụ 3 điều kiện: Doanh nghiệp phải sở hữu một số lợi thế nhất định so với doanh nghiệp khác; việc sử dụng những lợi thế đó trong nội bộ doanh nghiệp có lợi hơn là bán hay cho các doanh nghiệp khác thuê; và sản xuất tại địa điểm đầu tư đó có chi phí thấp hơn so với những địa điểm khác hay có thể gọi là lợi thế địa bàn đầu tư [3]. Một số nghiên cứu khác cũng chỉ ra rằng, nhân tố quyết định đến hành vi của nhà đầu tư bao gồm: Sự phát triển của cơ sở hạ tầng; Đầu tư công; Khả năng về nguồn nhân lực; Tình hình phát triển công nghệ; Mức độ ổn định về môi trường đầu tư; Các quy định về thủ tục; Mức độ minh bạch của thông tin [8 - 9].

Ở Việt Nam, một số nghiên cứu gần đây cũng đã cho thấy, quyết định bỏ vốn đầu tư của một doanh nghiệp vào một địa phương cụ thể cũng chịu ảnh hưởng bởi nhiều nhân tố. Theo một số nghiên cứu đã thực hiện, các nhân tố tác động đến thu hút đầu tư của doanh nghiệp là: Cơ sở vật chất hạ tầng đầu tư; Chất lượng dịch vụ công; Lợi thế ngành đầu tư; Môi trường sống và làm việc; Chế độ chính sách đầu tư; Chi phí đầu vào cạnh tranh; Nguồn nhân lực; Thương hiệu địa phương; Sự đồng ý của chính quyền địa phương; Chất lượng dịch vụ công; Lợi thế ngành đầu tư; Thương hiệu địa phương; [1, 6 - 7]. Trong lĩnh vực du lịch, nhiều học giả đã cố gắng thực hiện các nghiên cứu nhằm xác định khả năng thu hút đầu tư vào một lĩnh vực cụ thể - du lịch [2, 4]. Kết quả nghiên cứu cho thấy, bên cạnh các yếu tố truyền thống, đối với lĩnh vực du lịch, tiềm năng phát triển du lịch và quy mô thị trường là những yếu tố quan trọng ảnh hưởng đến đầu tư của doanh nghiệp trong các hoạt động du lịch.

3. Phương pháp nghiên cứu

Nghiên cứu sử dụng số liệu thứ cấp để phân tích đánh giá thực trạng thu hút đầu tư. Nguồn số liệu được thu thập từ các nghị quyết, các văn bản, quy định, báo cáo, tổng kết của các Sở, ngành có liên quan đến hoạt động thu hút vốn đầu tư vào phát triển du lịch tại tỉnh Quảng Bình, như: Sở Du lịch; Cục Thống kê; Sở Kế hoạch và Đầu tư. Ngoài ra, tác giả còn tiến hành thu thập các nghiên cứu trong và ngoài nước liên quan làm cơ sở lý thuyết cho vấn đề nghiên cứu.

Phương pháp thống kê mô tả được sử dụng nhằm đánh giá thực trạng thu hút đầu tư vào lĩnh vực du lịch Quảng Bình trên các phương diện, như: số lượng các dự án; quy mô vốn; cơ cấu đầu tư; tỷ lệ giải ngân vốn đầu tư. Ngoài ra, tác giả còn sử dụng ý kiến của các chuyên gia để bổ sung các nhận định từ số liệu phân tích.

4. Kết quả nghiên cứu

4.1. Thực trạng phát triển du lịch tỉnh Quảng Bình

Nằm ở vị trí địa lý thuận lợi với đầy đủ các loại địa hình, Quảng Bình được đánh giá là địa phương có tiềm năng lớn về phát triển du lịch. Hệ thống hang động Phong Nha được công nhận là di sản thiên nhiên thế giới và được xếp vào nhóm các hang động đẹp nhất ở châu Á. Bên cạnh đó, với hệ thống bờ biển dài gần 120 km, là điều kiện thuận lợi để các nhà đầu tư xây dựng phát triển các tổ hợp nghỉ dưỡng biển, vui chơi giải trí cao cấp. Đối với tiềm năng du lịch tâm linh, Quảng Bình có nhiều di tích lịch sử cách mạng Đường Hồ Chí Minh có giá trị đặc biệt về tâm linh và danh thắng thu hút được khách du lịch, như: đường Trường Sơn huyền thoại, cổng Trời, khe Gát, hang Tám Cô, phà Xuân Sơn, Long Đại, Quán Hàu. Với những tiềm năng sẵn có, Quảng Bình đang dần trở thành một điểm đến của nhiều du khách.

Biểu đồ 1: Số lượng khách du lịch đến Quảng Bình giai đoạn 2010 - 2018

ĐVT: lượt khách

Số lượng khách du lịch đến Quảng Bình giai đoạn 2010 - 2018

Nguồn: Cục Thống kê Quảng Bình

Số liệu thống kê cho thấy, trong giai đoạn 2010 - 2015, số lượng khách du lịch đến Quảng Bình tăng khá đều qua các năm. Do có lợi thế và du lịch biển, nên số lượng khách du lịch tại Quảng Bình tập trung khá đông trong những tháng mùa hè. Đến năm 2016, do sự cố môi trường biển FOMORSA nên số lượng khách giảm mạnh mạnh từ 983 nghìn lượt khách xuống còn 453 nghìn (giảm 54%). Một trong những điểm hạn chế của du lịch Quảng Bình là do các sản phẩm du lịch trên địa bàn còn thiếu đa dạng, chủ yếu là du lịch biển và du lịch khám phá hang động nên khi có những cú sốc như sự cố môi trường biển thì lượng du khách giảm sút nhanh chóng. Tuy vậy, từ năm 2017, số lượng khách du lịch đã có dấu hiệu phục hồi khá nhanh và đạt mức 841 nghìn khách vào năm 2018.

4.2. Thực trạng thu hút đầu tư phát triển du lịch tỉnh Quảng Bình

4.2.1. Số dự án đầu tư phát triển du lịch

Số lượng dự án đầu tư vào ngành Du lịch trong giai đoạn từ năm 2013 đến năm 2017 có sự thay đổi khá tích cực. Nếu như năm 2013 chỉ có 3 dự án, thì năm 2017 đã có 22 dự án đầu tư mới. Tính cho cả giai đoạn 2013 - 2017, số dự án được thu hút vào ngành Du lịch chiếm 23,3% trong tổng số dự án được thu hút toàn tỉnh.

Bảng 1. Số dự án đầu tư phát triển du lịch giai đoạn 2013 - 2017

ĐVT: Dự án

Số dự án đầu tư phát triển du lịch giai đoạn 2013 - 2017

Nguồn: Sở Kế hoạch và Đầu tư tỉnh Quảng Bình

Để thu hút các nhà đầu tư tham gia vào lĩnh vực du lịch, tỉnh Quảng Bình đã thực hiện đồng bộ nhiều biện pháp như xây dựng danh mục các dự án cần ưu đãi đầu tư và đăng công khai để giới thiệu với các nhà đầu tư. Hàng năm, UBND tỉnh tổ chức các hội thảo ở các thành phố lớn như thủ đô Hà Nội; thành phố Hồ Chí Minh để giới thiệu và quảng bá các cơ hội đầu tư vào du lịch đến các nhà đầu tư. Để lựa chọn được những nhà đầu tư có năng lực tài chính, lãnh đạo Tỉnh đã kết hợp với các Ngân hàng giới thiệu và bảo lãnh các nhà đầu tư khi thực hiện dự án. Chẳng hạn, năm 2014, UBND Tỉnh đã phối hợp với Ngân hàng Đầu tư và Phát triển Việt Nam để tổ chức kết nối các nhà đầu tư với tỉnh Quảng Bình. Tại hội nghị này, UBND Tỉnh đã trao Giấy chứng nhận đầu tư cho một số dự án có quy mô đầu tư lớn của Tập đoàn Sun Group, như: xây dựng quần thể Khu du lịch Phong Nha - Kẻ Bàng và khu du lịch nghỉ dưỡng cao cấp Bảo Ninh - Hải Ninh. Tương tự như vậy, năm 2018, UBND tỉnh đã tổ chức Hội nghị Xúc tiến đầu tư tỉnh Quảng Bình và đã cấp Giấy chứng nhận đầu tư cho nhiều dự án bất động sản nghỉ dưỡng, sinh thái, trung tâm thương mại thuộc các huyện Quảng Trạch, ven biển các huyện Lệ Thủy, Bố Trạch, Quảng Ninh.

4.2.2. Thu hút vốn đầu tư theo nguồn vốn

Trong giai đoạn 2013 - 2017, tổng số vốn đầu tư vào lĩnh vực du lịch đạt 14.770 tỷ đồng. Tuy vậy, cơ cấu đầu tư có sự khác biệt khá lớn theo nguồn vốn đầu tư. Theo số liệu thống kê từ Sở Kế hoạch và Đầu tư tỉnh Quảng Bình, trong tổng vốn đầu tư, vốn ngân sách là 616,9 tỷ đồng, chiếm tỷ lệ 26,5% (vốn đầu tư vào hạ tầng du lịch). Vốn ngoài nhà nước giai đoạn này là 1.704,8 tỷ đồng, chiếm tỷ lệ cao 73,1%. Vốn đầu tư nước ngoài chiếm tỷ lệ rất thấp 0,4% trong tổng số vốn đầu tư.

Biểu đồ 2: Cơ cấu vốn đầu tư theo nguồn vốn giai đoạn 2013 – 2017

Cơ cấu vốn đầu tư theo nguồn vốn giai đoạn 2013 – 2017Nguồn: Sở Kế hoạch và Đầu tư tỉnh Quảng Bình

Hoàn thiện cơ sở hạ tầng là mục tiêu quan trọng để thu hút đầu tư. Trong những năm qua, Tỉnh đã cố gắng đầu tư khá nhiều vào cơ sở hạ tầng du lịch với tổng mức vốn khoảng 620 tỷ đồng vốn khu vực nhà nước. Tuy vậy, huy động vốn đầu tư phát triển cơ sở hạ tầng du lịch còn nhiều bất cập, thể hiện lượng vốn đầu tư thực tế không đáp ứng đủ nhu cầu đầu tư. Hiện nay, nguồn vốn đầu tư phát triển hệ thống cơ sở hạ tầng du lịch chủ yếu từ các tổ chức, các doanh nghiệp bên ngoài nhà nước thực hiện đầu tư phát triển các dự án du lịch trên địa bàn. Vì vậy, trong thời gian tới, chính quyền tỉnh Quảng Bình cần phải có cơ cấu bố trí vốn thích hợp, nhiều hơn nữa cho đầu tư cơ sở hạ tầng du lịch.

Việc thu hút các dự án có nguồn vốn nước ngoài còn nhiều hạn chế. Thu hút vốn đầu tư nước ngoài chỉ bắt đầu từ năm 2016 và tổng vốn đầu tư nước ngoài chỉ chiếm 0,4% tổng vốn đầu tư qua 2 năm 2016 - 2017. Trong điều kiện tiềm lực của nhà đầu tư trong nước còn nhiều hạn chế, việc huy động nguồn vốn đầu tư nước ngoài là vấn đề hết sức cần thiết. Do vậy, việc tăng cường giới thiệu, quảng bá và ban hành các cơ chế hợp lý để tạo những điều kiện tối ưu, nhằm thu hút nguồn vốn đầu tư nước ngoài là cấp thiết và mang tính chiến lược lâu dài đối với tỉnh Quảng Bình.

4.2.3. Khối lượng vốn đầu tư thực hiện

Vốn đầu tư thực hiện là số vốn thực tế nhà đầu tư đã chi ra (đã được giải ngân) để thực hiện mục đích đầu tư. Số liệu ở Biểu đồ 3 cho thấy, mặc dù vốn đầu tư đăng ký hàng năm khá lớn, như tỷ lệ giải ngân còn thấp, ngoài năm 2015, tỷ lệ giải ngân là 47,8%, các năm còn lại, tỷ lệ giải ngân dưới mức 1/3 tổng số vốn đăng ký, cá biệt năm 2014 chỉ có 5%. Một trong những nguyên nhân của vấn đề này là năng lực tài chính hạn chế của chủ đầu tư. Để khắc phục tình hình này, trong quá trình trước khi cấp phép đầu tư, cần thực hiện đánh giá đúng tiềm lực của các nhà đầu tư và triển vọng triển khai dự án trên địa bàn các chủ đầu tư đã cam kết. Bên cạnh đó, chính quyền tỉnh Quảng Bình cần có các cơ chế, biện pháp nhằm hỗ trợ, xúc tiến và đẩy mạnh tiến độ thực hiện các dự án đã đăng ký như giám sát tiến độ dự án, đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính…

Biểu đồ 3: Tỷ lệ giải ngân vốn đầu tư giai đoạn 2013 - 2017

Tỷ lệ giải ngân vốn đầu tư giai đoạn 2013 - 2017

Nguồn: Sở Kế hoạch và Đầu tư tỉnh Quảng Bình

5. Một số giải pháp thu hút đầu tư vào du lịch tỉnh Quảng Bình

Trên cơ sở phân tích thực trạng thu hút đầu tư vào lĩnh vực du lịch tại Quảng Bình và tham vấn ý kiến các chuyên gia, để thu hút thêm nhiều dự án vào lĩnh vực du lịch trong thời gian tới, các cơ quan liên quan ở tỉnh Quảng Bình cần thực hiện một số giải pháp sau:

Thứ nhất, Sở Kế hoạch và Đầu tư, Sở Du lịch cần rà soát các quy định về chính sách hỗ trợ cho doanh nghiệp kinh doanh du lịch trên địa bàn tỉnh để đề xuất các điều khoản hỗ trợ và ưu đãi phù hợp với điều kiện thực tế, chú trọng đến việc đẩy mạnh phát triển du lịch cộng đồng, các loại hình du lịch mới, các sản phẩm du lịch đặc trưng, đặc biệt là các dự án xây dựng các tổ hợp du lịch nghỉ dưỡng ở khu vực ven biển đạt chuẩn phục vụ khách du lịch.

Thứ hai, đầu tư phát triển cơ sở hạ tầng du lịch là một trong những điều kiện quan trọng để thu hút các nhà đầu tư. Địa phương cần tranh thủ sự hỗ trợ từ các nguồn lực của Trung ương (Chương trình hành động quốc gia về du lịch, Quỹ hỗ trợ phát triển du lịch); nguồn vốn từ các dự án của các tổ chức quốc tế, ngân sách địa phương để triển khai các dự án đầu tư phát triển hạ tầng du lịch, đặc biệt là hệ thống hạ tầng giao thông, viễn thông, điện lực, ngân hàng (các trạm ATM) tại các trung tâm du lịch của tỉnh, điểm du lịch.

Thứ ba, đẩy mạnh hoạt động quảng bá, xúc tiến, liên kết du lịch và hỗ trợ du khách. Tăng cường cung cấp thông tin du lịch trên mọi phương tiện, xây dựng bộ nhận diện thương hiệu Du lịch Quảng Bình; Nâng cao chất lượng công tác ứng dụng công nghệ thông tin vào quản lý du lịch; Xây dựng các bộ phim, clip giới thiệu điểm đến, sản phẩm, tài nguyên du lịch Quảng Bình phát sóng trên các kênh truyền hình trong nước và quốc tế; Biên tập, xuất bản thêm các ấn phẩm du lịch dưới nhiều hình thức để phục vụ công tác xúc tiến du lịch và cung cấp thông tin cho du khách.

Thứ tư, phát triển nguồn nhân lực du lịch. Điểm yếu quan trọng của du lịch Quảng Bình là lao động trong lĩnh vực du lịch còn yếu về chuyên môn nghiệp vụ, khả năng giao tiếp xã hội, khả năng giao tiếp ngoại ngữ, các kiến thức về văn hóa, du lịch chung của toàn ngành cũng như của riêng Quảng Bình. Để thu hút cũng như nâng cao chất lượng phục vụ cho khách du lịch nhiều hơn, tỉnh cần phải nâng cao chất lượng đào tạo nhân lực cho ngành Du lịch, như: Tiến hành thực hiện chương trình đào tạo và đào tạo lại lao động trong ngành Du lịch ở các cấp, trình độ khác nhau, chuyên ngành khác nhau. Về nội dung đào tạo, cần hết sức chú trọng việc đào tạo ngoại ngữ cho cán bộ quản lý, doanh nghiệp và những người dân làm du lịch. Cùng với đó là làm tốt công tác liên kết trong đào tạo, tập trung vào các lĩnh vực: lễ tân, buồng, bàn, bar, kỹ thuật chế biến món ăn, thuyết minh viên, bán hàng, chụp ảnh, vận chuyển khách. Giai đoạn đầu có thể lựa chọn cả phương pháp đào tạo ngắn hạn như "cầm tay chỉ việc" để khắc phục tình trạng thiếu nguồn nhân lực trước mắt.

6. Kết luận

Trong bối cảnh du lịch được xem là động lực phát triển kinh tế của tỉnh Quảng Bình, việc thu hút vốn đầu tư sẽ có tầm quan trọng đặc biệt, nhằm thực hiện chiến lược phát triển của địa phương. Kết quả nghiên cứu đã cho thấy, du lịch Quảng Bình đang có sự tăng trưởng mạnh trong thời gian vừa qua và ngày càng đóng vai trò quan trọng đối với tăng trưởng kinh tế của tỉnh. Kết quả nghiên cứu đã cho thấy, vốn đầu tư vào ngành Du lịch Quảng Bình đang ngày càng tăng, tập trung chủ yếu vào các dịch vụ ăn uống, lưu trú. Trong 2 năm gần đây, Tỉnh đã thu hút được nhiều dự án có quy mô vốn đầu tư lớn. Tuy vậy, điểm hạn chế là tỷ lệ giải ngân còn thấp và ít hấp dẫn các nhà đầu tư nước ngoài. Điều này đòi hỏi chính quyền địa phương cần có những giải pháp đồng bộ, như: quảng bá, xúc tiến, lựa chọn các nhà đầu tư có năng lực tài chính để cấp phép; cải cách thủ tục hành chính; phát triển nguồn nhân lực; đầu tư cơ sở hạ tầng nhằm tạo môi trường đầu tư thuận lợi cho việc triển khai các dự án.

TÀI LIỆU THAM KHẢO:

1. Nguyễn Thị Anh Đào (2019), "Đà Nẵng đẩy mạnh thu hút đầu tư", truy cập ngày 04/1/2019, http://nhandan.com.vn/kinhte/item/35777302-da-nang-day-manh-thu-hut-dau-tu.html

2. Đinh Huy Bình (2017). Đề xuất giải pháp thu hút đầu tư vào lĩnh vực du lịch trên địa bàn tỉnh Hòa Bình đến năm 2020. Luận văn thạc sĩ. Trường Đại học Bách khoa Hà Nội.

3. Bah, A. O., Kefan, X., & Izuchukwu, O. O. (2015). Strategies and Determinants of Foreign Direct Investment (FDI) Attraction. International Journal of Management Science and Business Administration, 1(5), 81 - 89.

4. Nguyễn Hồ Minh Trang (2016), "Thu hút vốn đầu tư để phát triển du lịch ở tỉnh Thừa Thiên Huế" Tạp chí Tài chính số 116.

5. Nguyễn Văn Thuật (2010), "Tiềm năng và hướng phát triển du lịch sinh thái Vườn quốc gia Cát Tiên." Tạp chí Khoa học số 20, trang 148.

6. Nguyễn Hồng Sơn, Phạm Sỹ An (2011), "Thu hút các nguồn vốn để phát triển tỉnh Hà Giang", VNU Journal of Science: Economics and Business Vol 3.

7. Phạm Văn Ơn và Trần Phan Đoan Khánh (2013), “Nhân tố ảnh hưởng thu hút đầu tư vào khu công nghiệp, cụm công nghiệp tỉnh Tiền Giang”, Tạp chí Kinh tế và Dự báo.

8. Zheltenkov, A., Syuzeva, O., Vasilyeva, E., & Sapozhnikova, E. (2017). "Development of investment infrastructure as the factor of the increase in investment attractiveness of the region". In IOP Conference Series: Earth and Environmental Science, Vol. 90, No. 1. IOP Publishing.

9. Rahmani, F., Zangoei, S., & Rahnama, A. (2019). "Identifying and Prioritizing Innovative Opportunities for Tourism Investment in Mashhad City". Iranian Economic Review.

IDENTIFYING SOLUTIONS TO ATTRACT INVESTMENT

ON TOURISM SECTOR OF QUANG BINH PROVINCE

● PHAN THI KIM TUYEN

● PHAM XUAN HUNG

College of Economics, Hue University

ABSTRACT:

This study is to analyze the current situation of investment on tourism sector of Quang Binh Province which has great potential for tourism development in the Central region. This study’s results show that Quang Binh Province’s tourism sector has grown quickly in recent years thanks to its tourism potentials, infrastructure development and support from local authorities. The value of investment and the number of projects have increased recently. However, the attraction of investment on tourism sector of Quang Binh Province still has some limitations such as small-scale investment projects and few foreign investors.  Therefore, the provincial authorities should strengthen promotion activities and invest more in provincial infrastructure for tourism development.

Keywords: Tourism, investment, Quang Binh Province.