Tham dự Hội thảo có ông Phạm Tuấn Anh - Phó Cục trưởng Cục Công nghiệp, Bộ Công Thương; đại diện các ban, ngành và các đơn vị có liên quan thuộc Bộ Công Thương; bà Phạm Liên Anh - đại diện Tổ chức tài chính quốc tế (IFC); ông Stephen Ulrich - Đại diện Tổ chức Lao động Quốc tế (ILO); bà Nguyễn Vân Trang - đại diện Đại sứ quán Anh Quốc tại Việt Nam và đại diện của gần 100 doanh nghiệp trong lĩnh vực ô tô, cơ khí, điện tử.
Phát biểu tại sự kiện, Phó Cục trưởng Cục Công nghiệp Phạm Tuấn Anh nhận định, phát triển công nghiệp hỗ trợ, từng bước tự chủ nguồn nguyên vật liệu, linh phụ kiện trong nước là một trong những vấn đề cốt lõi để phát triển bền vững công nghiệp Việt Nam.
Thời gian qua, Nghị định số 111/2015/NĐ-CP của Chính phủ ban hành năm 2015 về phát triển công nghiệp hỗ trợ đã đạt được những kết quả nhất định, các chính sách hỗ trợ phát triển công nghiệp hỗ trợ và chính sách ưu đãi đối với công nghiệp hỗ trợ ban đầu đã phát huy tác dụng, tạo tính lan tỏa, góp phần thúc đẩy phát triển ngành công nghiệp trong nước.
Mới đây nhất, ngày 6/8/2020, Chính phủ tiếp tục ban hành Nghị quyết 115 về các giải pháp phát triển công nghiệp hỗ trợ, đặt mục tiêu đến năm 2025 doanh nghiệp Việt Nam có khả năng sản xuất các sản phẩm công nghiệp hỗ trợ có tính cạnh tranh cao, đáp ứng được 45% nhu cầu thiết yếu cho sản xuất, tiêu dùng trong nội địa; chiếm khoảng 11% giá trị sản xuất toàn ngành công nghiệp. Năm 2030 sản phẩm công nghiệp hỗ trợ đáp ứng 70% nhu cầu nội địa; chiếm khoảng 14% giá trị sản xuất công nghiệp.
Số doanh nghiệp đang hoạt động trong công nghiệp hỗ trợ hiện chiếm gần 4,5% tổng số doanh nghiệp của ngành công nghiệp chế biến chế tạo. Không thể phủ nhận, ngành công nghiệp hỗ trợ Việt Nam đã có những tiến bộ nhất định, đóng vai trò quan trọng trong việc tham gia vào chuỗi cung ứng cũng như chuỗi giá trị toàn cầu.
Tuy nhiên, Cục Công nghiệp cũng thẳng thắn nhìn nhận, ngành công nghiệp hỗ trợ Việt Nam hiện nay còn nhiều hạn chế, nhìn chung quy mô và năng lực cạnh tranh của các doanh nghiệp Việt còn yếu, chưa đủ lực để tham gia sâu vào chuỗi cung ứng, sản xuất toàn cầu.
Mặt khác, trong thời gian qua, liên kết đầu - cuối trong chuỗi sản xuất vẫn chưa thực sự chặt chẽ. Việt Nam hiện có gần 2.000 doanh nghiệp sản xuất phụ tùng, linh kiện, trong đó chỉ có khoảng 300 doanh nghiệp tham gia mạng lưới sản xuất của các tập đoàn đa quốc gia, tỷ lệ nội địa hóa các ngành công nghiệp ô tô, điện tử còn ở mức thấp.
Do đó, việc thu hút đầu tư hiệu quả và thúc đẩy kết nối kinh doanh, liên kết giữa các doanh nghiệp Việt Nam với các doanh nghiệp đa quốc gia, các công ty sản xuất, lắp ráp trong nước và nước ngoài; nâng cao giá trị gia tăng nội địa, sức cạnh tranh của sản phẩm và vị trí của doanh nghiệp Việt Nam trong chuỗi giá trị toàn cầu là một trong những giải pháp quan trọng nhất.
Đặc biệt, trong bối cảnh năm 2020 chứng kiến những tác động mạnh mẽ của đại dịch Covid 19 đến nền kinh tế và các chuỗi cung ứng toàn cầu, các doanh nghiệp Việt Nam càng phải tự chủ và năng động hơn để tìm kiếm cơ hội tham gia vào các chuỗi cung ứng mới hình thành.
Theo ông Đỗ Nam Bình - Giám đốc Trung tâm Hỗ trợ phát triển công nghiệp (IDC), nắm bắt được tầm quan trọng và tính cần thiết của hoạt động hỗ trợ doanh nghiệp, trong thời gian qua, IDC đã triển khai Chương trình Hỗ trợ, tư vấn doanh nghiệp công nghiệp hỗ trợ Việt Nam trở thành nhà cung ứng trong chuỗi sản xuất cơ khí, ô tô, điện tử thuộc Chương trình phát triển công nghiệp hỗ trợ năm 2020 với mục tiêu nâng cao năng lực doanh nghiệp sản xuất phụ tùng linh kiện ô tô và điện tử, cơ khí chế tạo, đồng thời tổ chức kết nối hiệu quả các doanh nghiệp sản xuất trong nước với các doanh nghiệp bên mua trong và ngoài nước.
Hội thảo Hội thảo kết nối Doanh nghiệp Công nghiệp ô tô, điện tử, cơ khí năm 2020 được tổ chức nằm trong khuôn khổ thực hiện chương trình, hướng đến tạo điều kiện cho các doanh nghiệp sản xuất, lắp ráp đầu chuỗi và các tập đoàn đa quốc gia có chiến lược nội địa hóa, tiếp cận các nhà cung cấp sản phẩm công nghiệp hỗ trợ trong nước, tạo nền tảng cho các chương trình đầu tư phát triển công nghiệp, hình thành mạng lưới các nhà sản xuất nhỏ và vừa trong nước.
Sự kiện được đánh giá mang lại nhiều giá trị cho doanh nghiệp tìm kiếm đối tác và cơ hội mới, tăng cường kết nối giữa các doanh nghiệp, đồng thời cập nhật thông tin mới về các chính sách hỗ trợ cũng như thông tin cung cầu ngành công nghiệp ô tô, cơ khí, điện tử.
Nội dung chương trình gồm 2 sự kiện diễn ra song song, toạ đàm và phiên làm việc 1:1 giữa doanh nghiệp sản xuất, lắp ráp đầu chuỗi với các doanh nghiệp công nghiệp hỗ trợ.
Các bàn trưng bày sản phẩm của hơn 40 doanh nghiệp được sắp xếp đặt tại sự kiện nhằm hỗ trợ doanh nghiệp trong việc giới thiệu sản phẩm, tăng khả năng kết nối cung - cầu.
Ngoài ra, Hội thảo còn được lắng nghe những chia sẻ từ các doanh nghiệp sản xuất, lắp ráp đầu chuỗi như công ty Toyota Việt Ban, công ty Honda Việt Nam, Công ty TNHH Samsung Electronics Việt Nam, Công ty Bosch Việt Nam về kế hoạch nội địa hoá cũng như những khó khăn, các yêu cầu, mong muốn đối với nhà cung cấp.
Bên cạnh đó, đại diện cho các nhà cung ứng Việt Nam, Công ty TNHH Cao su Giải Phóng và Công ty Cổ phần Nhựa Hà Nội cũng có những chia sẻ riêng về những khó khăn khi tiếp cận các khách hàng tiềm năng cũng như khi chuyển dịch, mở rộng sản xuất.
Trong thời gian tới, với sự quan tâm hỗ trợ từ Chính phủ, các hoạt động hỗ trợ doanh nghiệp được kỳ vọng sẽ góp phần nâng cao năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp, tạo dựng và củng cố mối liên hệ, kết nối giữa các doanh nghiệp trong ngành cơ khí, ô tô, điện tử, thúc đẩy phát triển mạnh mẽ các ngành công nghiệp Việt Nam trong tương lai.