TÓM TẮT:
Cơ chế một cửa quốc gia (NSW) cũng như Cơ chế một cửa ASEAN (ASW) là một trong những công cụ quan trọng để thực hiện Nghị quyết 19/NQ - CP năm 2015 của Chính phủ nhằm giảm thời gian thủ tục thông quan hàng hóa, tiết kiệm thời gian, kinh phí cho doanh nghiệp (DN) và xã hội, góp phần đưa Việt Nam hội nhập sâu rộng vào nền kinh tế khu vực và quốc tế.
Từ khóa: Cơ chế một cửa quốc gia (NSW), Cơ chế một cửa ASEAN (ASW), thủ tục thông quan hàng hóa, hội nhập kinh tế khu vực và quốc tế.
1. Kết quả triển khai Cơ chế một cửa ASEAN
Việt Nam đã tham gia các nhóm làm việc của ASEAN trong khuôn khổ triển khai ASW từ thời điểm xây dựng Hiệp định, Nghị định thư về thực hiện ASW và triển khai nội dung điều ước khi Chính phủ các nước thành viên phê chuẩn. Đến nay, những kết quả chính mà ASEAN và Việt Nam đã đạt được bao gồm:
- Về pháp lý: Các nước thành viên đã ký Nghị định thư về khung pháp lý thực hiện ASW. Tới thời điểm hiện tại, 6 nước phê chuẩn Nghị định thư này gồm có: Brunei, Lào, Malaysia, Myanmar, Thái Lan và Việt Nam.
- Về kỹ thuật: Hiện tại có 07 nước thành viên bao gồm Brunei, Indonesia, Malaysia, Philippines, Singapore, Thái Lan và Việt Nam công bố đã triển khai NSW. Tháng 9/2015, NSW của Việt Nam đã kết nối kỹ thuật thành công với 04 nước ASEAN (Indonesia, Malaysia, Thái Lan, Singapore). Hiện tại, NSW đang tiếp tục trao đổi thông tin về ATIGA C/O mẫu D với 04 nước thành viên trên (thông qua môi trường thử nghiệm) để đảm bảo chính thức vận hành khi Nghị định thư về khung pháp lý thực hiện ASW được 10 nước thành viên phê chuẩn.
2. Kết quả triển khai Cơ chế một cửa quốc gia
2.1. Cơ chế điều hành và xây dựng cơ sở pháp lý
Về cơ chế điều hành và cơ sở pháp lý, Chính phủ đã ban hành các kế hoạch, văn bản định hướng, chỉ đạo, điều hành gồm:
- Kế hoạch tổng thể triển khai cơ chế một cửa quốc gia và tham gia cơ chế một cửa ASEAN giai đoạn 2008-2012 ban hành kèm theo Quyết định số 2599/QĐ-BCĐASW ngày 21/10/2009 và dự thảo kế hoạch tổng thể triển khai Cơ chế một cửa quốc gia và Cơ chế một cửa ASEAN giai đoạn 2016-2020;
- Quyết định số 48/2011/QĐ-TTg ngày 31/8/2011 của Thủ tướng Chính phủ về việc thực hiện thí điểm Cơ chế một cửa quốc gia giai đoạn 2011-2015.
- Các Nghị quyết số 19/NQ-CP ngày 18/3/2014, Nghị quyết số 19/NQ-CP ngày 12/3/2015, Nghị quyết số 19/2016/NQ-CP ngày 28/4/2016, Nghị quyết số 19/2017/NQ-CP ngày 06/02/2017 của Chính phủ về những nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu tiếp tục cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia các năm 2014 - 2015, 2015 - 2016, 2016 -2017, định hướng đến năm 2020.
- Luật Hải quan số 54/2015/QH13 và Nghị định số 08/2015/NĐ-CP ngày 21/01/2015 của Chính phủ quy định chi tiết và biện pháp thi hành Luật Hải quan về thủ tục hải quan, kiểm tra, giám sát, kiểm soát hải quan.
- Quyết định số 34/2016/QĐ-TTg ngày 23/8/2016 của Thủ tướng Chính phủ hướng dẫn thực hiện thủ tục điện tử đối với tàu thuyền vào, rời cảng biển, cảng thủy nội địa, cảng dầu khí ngoài khơi thông qua Cơ chế một cửa quốc gia.
- Các thông tư liên tịch hướng dẫn thực hiện NSW giữa Bộ Tài chính và các Bộ: Công Thương, Giao thông Vận tải, Khoa học và Công nghệ, Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Tài nguyên và Môi trường, Thông tin và Truyền thông, Văn hóa Thể thao và Du lịch, Y tế.
- Quyết định số 2185/QĐ-TTg ngày 14/11/2016 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Kế hoạch tổng thể triển khai Cơ chế một cửa quốc gia và ASEAN giai đoạn 2016 - 2020 kèm theo danh mục các thủ tục hành chính (TTHC) do các Bộ, ngành đề xuất thực hiện trên Cơ chế một cửa quốc gia giai đoạn này.
2.2. Thực hiện các TTHC trên Cơ chế một cửa quốc gia
Từ năm 2014, NSW đã bắt đầu được triển khai. Các Bộ trực tiếp tham gia triển khai đã xây dựng, sửa đổi các văn bản quy phạm pháp luật (VBQPPL), xây dựng hệ thống công nghệ thông tin (CNTT) để kết nối hệ thống với NSW. Tính đến ngày 30/6/2017, đã có 11 Bộ, cơ quan kết nối NSW với 39 TTHC (Bộ Giao thông Vận tải - 11 thủ tục; Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn - 9 thủ tục; Bộ Y tế - 5 thủ tục; Bộ Công Thương - 4 thủ tục; Bộ Tài nguyên và Môi trường - 4 thủ tục; Bộ Khoa học và Công nghệ - 1 thủ tục; Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch - 1 thủ tục; Bộ Thông tin và Truyền thông - 1 thủ tục). Trong 06 tháng đầu năm 2017, NSW đã xử lý 180.079 hồ sơ (tăng 107% so với 06 tháng đầu năm 2016) của 12.683 DN (tăng 70%). Cổng thông tin một cửa quốc gia được duy trì, hoạt động ổn định.
Những Bộ, ngành thực thi trực tiếp TTHC khác chưa tham gia kết nối, trong thời gian vừa qua đang tiến hành công tác chuẩn bị bao gồm: Rà soát các TTHC để đưa vào kế hoạch triển khai NSW và ASW giai đoạn 2016-2020; chuẩn bị các thủ tục đầu tư xây dựng hệ thống để kết nối; rà soát cơ sở pháp lý và các công việc liên quan khác.
Các Bộ, ngành không trực tiếp thực thi TTHC (Văn phòng chính phủ, Bộ Ngoại giao, Bộ Tư pháp) đã tham gia phối hợp và hỗ trợ thực hiện thủ tục: Phê duyệt các chương trình, kế hoạch, cơ chế tài chính; xây dựng, đàm phán ký kết và phê duyệt Nghị định thư về khung pháp lý thực hiện ASW; trình ký ban hành các VBQPPL có liên quan.
3. Đánh giá chung về kết quả đạt được
3.1. Những mặt tích cực
a. Về mặt nhận thức
Trong thời gian qua, nhận thức về sự cần thiết phải thực hiện NSW của các Bộ, cơ quan liên quan đã được tăng cường. Các Bộ, cơ quan xác định việc triển khai NSW không chỉ xuất phát từ nhu cầu hội nhập và thực hiện cam kết quốc tế mà còn từ nhu cầu nội tại phải cải cách TTHC của các cơ quan nhà nước (CQNN); từ đó, chủ động hơn trong công tác phối hợp liên ngành và tổ chức thực hiện.
b. Về xây dựng cơ sở pháp lý và quy trình thủ tục
Nội dung NSW, ASW được quy định ở Luật Hải quan 2014, Nghị định 08/2015/NĐ-CP và các VBQPPL có liên quan, tạo cơ sở pháp lý cho công tác tổ chức thực hiện. Xác định được các thủ tục sẽ đưa vào thực hiện đảm bảo tính khả thi cũng như đảm bảo đủ lưu lượng hàng hóa, để qua đó, có thể đánh giá tác động, phục vụ quá trình tổng kết, đánh giá và nhân rộng.
c. Về xây dựng hệ thống CNTT
Căn cứ các thủ tục lựa chọn thí điểm, các Bộ đã hoàn tất thiết kế kỹ thuật để triển khai hệ thống CNTT kết nối với Cổng thông tin một cửa quốc gia. Cụ thể, Bộ Tài chính (Tổng cục Hải quan), Bộ Giao thông Vận tải đã hoàn thành hệ thống CNTT và chính thức kết nối từ tháng 11/2014; Bộ Công Thương kết nối từ tháng 12/2014. Các Bộ, ngành còn lại đã hoàn thành hệ thống và kết nối kể từ tháng 6/2015 tới 7/2016.
d. Về tạo thuận lợi cho doanh nghiệp
Khi được triển khai đầy đủ, thực tiễn tại nhiều quốc gia trên thế giới đã chứng minh NSW sẽ đem lại những hiệu quả thiết thực cho DN trên phương diện tạo thuận lợi thương mại. Tại thời điểm hiện tại, có thể thấy, NSW đã phát huy tác dụng ở một vài điểm sau:
- Về lợi ích cụ thể:
+ Từ khi các CQNN áp dụng hàng loạt các giải pháp đồng bộ, bao gồm việc triển khai NSW, thời gian thực hiện thủ tục thông quan hàng hóa tại Việt Nam đã cải thiện đáng kể (ấn phẩm Môi trường kinh doanh 2017 của Ngân hàng Thế giới). Xếp hạng chỉ số giao lưu hàng hóa qua biên giới, Việt Nam tăng 15 hạng so với báo cáo năm 2015 (từ 108 lên 93/190 nền kinh tế được khảo sát) và đứng trong 4 nước hàng đầu trong khu vực (cùng với Singapore, Malaysia và Thái Lan). Cụ thể, thời gian thực hiện thủ tục XK (gồm thời gian chuẩn bị hồ sơ và thời gian thực hiện TTHC tại cửa khẩu) còn 108 giờ tương đương 4,5 ngày; thời gian thực hiện thủ tục NK còn 138 giờ tương đương 5,75 ngày. Thời gian chuẩn bị hồ sơ NK giảm 30 giờ (từ 106 giờ xuống còn 76 giờ); thời gian chuẩn bị hồ sơ XK giảm 33 giờ (từ 83 giờ xuống còn 50 giờ). Nếu căn cứ báo cáo trên, chi phí trung bình chuẩn bị hồ sơ (NK và XK) tại Việt Nam ước khoảng 2,5 USD/giờ thì mỗi lô hàng (NK và XK) khi rút ngắn khoảng 30 giờ so với 2015 thì ước tiết kiệm được 75 USD. Trên khoảng 8 triệu lô hàng xuất nhập khẩu tính đến tháng 10/2016, chỉ riêng chi phí chuẩn bị hồ sơ ước có thể tiết kiệm khoảng 600 triệu USD.
+ Theo công bố của Cục Đăng kiểm Việt Nam, khi áp dụng thực hiện NSW, DN rút ngắn khoảng 4/5 thời gian làm thủ tục. Theo đánh giá của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, tính đến ngày 20/10/2016, các đơn vị đã tiếp nhận 32.833 hồ sơ; xử lý, giải quyết và cấp phép/Giấy chứng nhận điện tử 26.279 hồ sơ; đang tiếp tục xử lý 6.554 hồ sơ. Một số đơn vị thực hiện TTHC như: Cục Chăn nuôi, Tổng cục Thủy sản, Cục Bảo vệ thực vật, Cục Thú y đến nay cơ bản không tiếp nhận xử lý hồ sơ giấy. Đơn cử như Cục Chăn nuôi, khi áp dụng thủ tục qua Cổng thông tin một cửa quốc gia, DN không phải gửi chuyển phát nhanh hồ sơ, do đó thủ tục đã được rút ngắn từ 1 - 2 ngày. Nếu ước tính chi phí chuyển phát nhanh 1 bộ hồ sơ là 20.000 đồng thì với trên 20.000 hồ sơ được xử lý cấp phép qua NSW, DN đã tiết kiệm hơn 400 triệu đồng. Khi triển khai thực hiện theo NSW, mục tiêu đề ra là rút ngắn ít nhất từ 15% - 30% thời gian thực hiện TTHC. Bên cạnh đó, khi triển khai đầy đủ dịch vụ công trực tuyến cấp độ 4 trên NSW, ước tính hầu hết bộ hồ sơ do DN phải nộp/xuất trình sẽ được đơn giản hóa và điện tử hóa; giảm thời gian và chi phí cho DN.
- Về lâu dài: Thứ nhất, đối với DN, đây là cơ hội để chuyển đổi phương thức hoạt động sang môi trường điện tử, đào tạo nguồn lực sẵn sàng cho quá trình hội nhập hướng ra các thị trường có mức độ ứng dụng CNTT cao. Thứ hai, các CQNN sẽ có cơ sở dữ liệu để trao đổi với cơ quan đồng cấp ở các nước đối tác thương mại của Việt Nam về chứng từ hành chính điện tử, qua đó đơn giản hóa các hồ sơ, chứng từ áp dụng cho các mặt hàng XK của Việt Nam, tạo lợi thế cạnh tranh cho hàng XK.
đ. Đảm bảo hiệu quả, hiệu lực cho công tác quản lý nhà nước
Trước hết, NSW giúp các CQNN dần thực hiện phương thức TTHC điện tử - phương thức minh bạch, hiệu quả và thuận lợi cho cả khu vực công và khu vực tư nhân. Thứ hai, các CQNN chủ động hơn trong việc xây dựng văn bản pháp lý, quy trình thủ tục theo hướng đơn giản, cải cách, hiện đại. Bên cạnh đó, các giao dịch hành chính được ghi nhận trên hệ thống là cơ sở để tiến hành đo lường hiệu quả hoạt động của CQNN, hỗ trợ cho việc cải cách quy trình thủ tục để phục vụ DN và người dân tốt hơn.
3.2. Những tồn tại, vướng mắc
a. Về cơ sở pháp lý
Mặc dù đã có nhiều văn bản pháp lý về NSW như Luật Hải quan năm 2014; Nghị định số 08/2015/NĐ-CP ngày 21/01/2015 quy định chi tiết và biện pháp thi hành Luật Hải quan về thủ tục hải quan, kiểm tra, giám sát, kiểm soát hải quan; Quyết định số 34/2016/QĐ-TTg ngày 23/8/2016 quy định thủ tục điện tử đối với tầu thuyền vào, rời cảng biển, cảng thủy nội địa, cảng dầu khí ngoài khơi thông qua NSW và các thông tư hướng dẫn nhưng đến nay Việt Nam chưa có một văn bản hướng dẫn chung và đầy đủ về NSW. Do đó, việc xây dựng một nghị định hướng dẫn chung về NSW là rất cần thiết.
Bên cạnh đó, mỗi Bộ, cơ quan đều ban hành những quy định riêng về biểu mẫu hồ sơ, chứng từ mặc dù có rất nhiều thông tin giống hoặc tương tự nhau. Để đơn giản hóa về mặt thủ tục dựa trên những chuẩn mực, thông lệ quốc tế mà các nước đang áp dụng, Việt Nam đang thiếu một bộ mẫu chứng từ điện tử hợp nhất đối với các TTHC một cửa nhằm tạo thuận lợi cho người làm thủ tục.
b. Về tổ chức thực hiện
Đến nay, mặc dù đã có 39 TTHC được thực hiện trên NSW nhưng đạt tỷ lệ thấp so với tổng số các thủ tục cấp phép đối với hàng hóa xuất nhập khẩu, quá cảnh và phương tiện vận tải xuất nhập cảnh, quá cảnh (chỉ chiếm khoảng 14% trên tổng số hơn 280 TTHC theo rà soát mới nhất tại Kế hoạch tổng thể về triển khai Cơ chế một cửa quốc gia và Cơ chế một cửa ASEAN giai đoạn 2016-2020 được ban hành theo Quyết định số 2185/QĐ-TTg). Thách thức trong giai đoạn tới là rất lớn khi phải hoàn thành một số lượng lớn các thủ tục trên NSW trong khoảng thời gian ngắn. Điều này đặt ra vấn đề việc tổng hợp các thủ tục thời gian qua của một số Bộ, ngành đã được rà soát đầy đủ chưa, hay mới chỉ là thống kê về mặt cơ học; đồng thời cần phải có những đánh giá sâu hơn nữa nhằm đơn giản hoá và lược bỏ bớt những thủ tục không thật sự cần thiết hoặc đưa các thủ tục có chung bản chất/thành phần hồ sơ thành một thủ tục hợp nhất. Đặc biệt, trong nhận thức cần có sự biến chuyển theo hướng cải cách mạnh mẽ và thực sự tạo thuận lợi thương mại.
c. Về xây dựng hệ thống CNTT
Việc triển khai thủ tục đầu tư tại các Bộ, ngành để xây dựng hệ thống xử lý chuyên ngành thường xuyên không theo kịp yêu cầu thực hiện nhiệm vụ.
3.3. Nguyên nhân của những mặt còn tồn tại
Những nguyên nhân cơ bản của các tồn tại, vướng mắc nêu trên gồm:
a. Về hệ thống VBQPPL
Hệ thống VBQPPL về các TTHC liên quan đến XK, NK và vận tải quốc tế chưa được rà soát nhằm đảm bảo tính đồng bộ, thống nhất khi đưa lên thực hiện thông qua NSW. Trong thời gian tới, cần sớm xây dựng, ban hành Nghị định của Chính phủ về NSW để làm cơ sở pháp lý triển khai một cách tổng thể và đồng bộ trên nền tảng tổng kết rút kinh nghiệm của cả giai đoạn triển khai trước đó.
b. Về công tác chỉ đạo thực hiện tại các Bộ, ngành
Do đây là phương thức mới, một số Bộ, ngành vẫn chưa thực sự quyết liệt trong tổ chức thực hiện. Một số Bộ, ngành vẫn có sự lo ngại về trách nhiệm xử lý hồ sơ, cũng như chưa thực sự tin tưởng vào tính ổn định của hệ thống. Việc triển khai NSW ở một số nơi vẫn còn mang tính thăm dò, chưa thực sự đi vào thực chất.
c. Xây dựng hệ thống CNTT và thủ tục đầu tư
Hạ tầng CNTT của các cơ quan chính phủ chưa đồng đều và chưa hoàn thiện. Việc lựa chọn cách thức xây dựng các hệ thống CNTT của các Bộ, ngành cũng còn một số hạn chế. Cụ thể, qua rà soát sơ bộ từ bộ TTHC của các Bộ, ngành, ước tính ít nhất có khoảng 30% các TTHC liên quan đến thực hiện NSW có tần suất thực hiện dưới 1000 giao dịch/năm. Khi đó nếu đầu tư xây dựng hệ thống xử lý chuyên ngành phân tán tại các Bộ, ngành vừa không tận dụng được năng lực xử lý của Cổng thông tin một cửa quốc gia (vốn đã được đầu tư để đảm bảo năng lực triển khai cho tất cả các Bộ ngành) vừa chậm tiến độ và không hiệu quả khi đầu tư. Thực tế, đã có một số Bộ, ngành lựa chọn phương án triển khai tập trung trên Cổng thông tin một cửa quốc gia đối với một số thủ tục (ví dụ: Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Bộ Y tế lựa chọn thực hiện tính năng tiếp nhận và xử lý hồ sơ kiểm dịch khi làm thủ tục cho tàu biển xuất/nhập cảnh, quá cảnh). Nguồn lực CNTT của các Bộ, ngành chưa đáp ứng đầy đủ để triển khai nhiệm vụ.
Thủ tục đầu tư xây dựng hạ tầng CNTT còn phức tạp nên tiến độ xây dựng ứng dụng CNTT của các Bộ, ngành thường chậm hơn so với yêu cầu nhiệm vụ. Mặc dù các Bộ, ngành đã áp dụng cơ chế chỉ định thầu song vấn đề này chỉ giải quyết được khâu thực hiện mua sắm. Các thủ tục chuẩn bị đầu tư phải thực hiện theo quy định của Luật Đầu tư công và các văn bản hướng dẫn hiện hành nên tổng thời gian thực hiện thủ tục không rút ngắn được nhiều.
4. Giải pháp nâng cao hiệu quả thực hiện ASW, NSW
Trước những yêu cầu mới, xuất phát từ kết quả đạt được cũng như tồn tại, khó khăn sẵn có, Việt Nam có thể xem xét các giải pháp như sau nhằm nâng cao hiệu quả thực hiện ASW, một cửa quốc gia như sau:
4.1. Hoàn thiện cơ sở pháp lý và cải cách TTHC
- Tạo hành lang pháp lý đầy đủ cho việc sử dụng, trao đổi chứng từ điện tử, hồ sơ điện tử đối với TTHC trong nước và các nước, khối - cộng đồng kinh tế.
- Rà soát và tiến hành sửa đổi, bổ sung các VBQPPL theo định hướng: Cắt giảm các TTHC không cần thiết; đơn giản hóa quy trình thực hiện đơn giản hóa bộ hồ sơ, chứng từ xuất trình theo hướng áp dụng tối đa chứng từ điện tử; sử dụng lại các thông tin, chứng từ điện tử, quyết định hành chính đã được lưu trữ để thực hiện TTHC thông qua NSW thay vì yêu cầu DN, tổ chức xuất trình.
- Đảm bảo đầy đủ cơ sở pháp lý cho việc cung cấp dịch vụ công mức độ 4 thông qua NSW.
- Xây dựng bộ dữ liệu quốc gia về biểu mẫu và chứng từ điện tử trong lĩnh vực hành chính và thương mại để áp dụng chung cho tất cả các TTHC thực hiện thông qua NSW.
- Tạo thuận lợi thương mại thông qua áp dụng các phương pháp quản lý tiên tiến như quản lý rủi ro, kiểm tra sau.
- Tạo cơ sở pháp lý cho việc sử dụng các dịch vụ do bên thứ ba cung cấp để đưa ra các tiện ích cho cả DN và các CQNN trong quá trình thực hiện.
4.2. Xây dựng, triển khai hệ thống CNTT
- Hệ thống CNTT phục vụ triển khai NSW được xây dựng và phát triển theo định hướng xử lý tập trung trên nền tảng Cổng thông tin một cửa quốc gia tích hợp và kết nối liên thông với các hệ thống thanh toán điện tử trong nền kinh tế nhằm đáp ứng tiến độ triển khai, tiết kiệm và đảm bảo hiệu quả đầu tư, tận dụng nguồn lực cũng như tăng cường khả năng bảo mật, an toàn thông tin.
- Cổng thông tin một cửa quốc gia được triển khai đầy đủ các tính năng về an ninh, an toàn, dự phòng để đảm bảo các giao dịch trực tuyến được thực hiện thông suốt 24 giờ/ngày, 7 ngày/tuần.
- Hoàn thiện Cổng thông tin một cửa quốc gia sẵn sàng về mặt kỹ thuật để thực hiện ASW theo lộ trình và đảm bảo trao đổi, xử lý chứng từ thương mại với các nước, khối - cộng đồng kinh tế; giữa DN với DN nhằm tạo thuận lợi thương mại và tăng cường khả năng canh tranh quốc gia.
- Đẩy mạnh thuê dịch vụ của bên thứ ba trong cung cấp các tiện ích cho cả DN và các CQNN.
4.3. Đào tạo, tuyên truyền và hỗ trợ
Các Bộ, ngành:
- Xây dựng kế hoạch, triển khai đào tạo, tuyên truyền, nâng cao nhận thức cho người dân, DN về NSW thuộc lĩnh vực được phân công phụ trách.
- Phối hợp với Bộ Tài chính (Tổng cục Hải quan) thực hiện các nhiệm vụ bao gồm: Xây dựng, cập nhật tài liệu tuyên truyền, hướng dẫn thực hiện NSW, ASW; tổ chức hỗ trợ tổ chức, DN tham gia NSW; tổ chức đào tạo, tập huấn đội ngũ cán bộ chuyên trách về CNTT ở các cơ quan quản lý nhà nước các cấp để đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ về CNTT; tuyên truyền nâng cao nhận thức cho người dân, DN về cơ chế này.
4.4. Đảm bảo tài chính
- Nguồn kinh phí phục vụ cho triển khai NSW và ASW bao gồm: (i) Nguồn thực hiện các chương trình, dự án, đề án đã được phê duyệt kinh phí từ ngân sách; (ii) Nguồn kinh phí hỗ trợ của nước ngoài thông qua các kênh hợp tác quốc tế; (iii) Nguồn kinh phí từ xã hội hóa; (iv) Nguồn kinh phí trực tiếp của các cơ quan Chính phủ.
- Ưu tiên bố trí nguồn vốn để thực hiện kế hoạch này từ ngân sách trung ương theo cơ chế hỗ trợ có mục tiêu.
- Các Bộ, ngành chủ động ưu tiên bố trí kinh phí từ các nguồn vốn để thực hiện các nội dung của kế hoạch này.
- Cơ quan thường trực xây dựng kinh phí triển khai NSW và kinh phí đóng góp duy trì ASW đưa vào kinh phí hàng năm của Bộ Tài chính trên sự đồng thuận giữa các nước thành viên ASEAN.
4.5. Thúc đẩy thuận lợi thương mại
Việc triển khai tạo thuận lợi thương mại cần gắn liền với thực hiện Cơ chế một cửa (quốc gia, ASEAN và quốc tế) và kiểm tra chuyên ngành. Cụ thể gồm các nội dung sau:
- Đưa vào vận hành chính thức Cổng thông tin thương mại quốc gia.
- Hoàn thành công tác chuẩn bị và thực hiện các cam kết quốc tế về tạo thuận lợi thương mại.
- Triển khai các hiệp định thương mại thế hệ mới (Hiệp định TPP, Hiệp định thương mại tự do Việt Nam - EU: EVFTA…).
- Xây dựng và triển khai đề án tổng thể ứng dụng CNTT trong tạo thuận lợi thương mại.
- Tiếp tục thực hiện đề án nâng cao hiệu quả kiểm tra chuyên ngành đối với hàng hóa xuất nhập khẩu theo quyết định của Thủ tướng Chính phủ.
Tài liệu tham khảo:
1. Ủy ban chỉ đạo về cơ chế một cửa ASEAN, cơ chế một cửa quốc gia và tạo thuận lợi thương mại (2017). Cẩm nang về cơ chế một cửa quốc gia và cơ chế một cửa ASEAN.
2. Ngân hàng Thế giới. Môi trường kinh doanh 2017.
3. ThS. Hoàng Thị Việt. Cơ chế một cửa quốc gia và ASEAN: Bước đột phá trong cải cách hành chính, hội nhập. Tạp chí Tài chính số 9 kỳ 2-2015.
4. Nghị định thư về khung pháp lý để thực hiện Cơ chế một cửa ASEAN được Chính phủ Việt Nam ký ngày 04/9/2015.
5. Luật Hải quan số 54/2014/QH13 ngày 30/6/2014.
6. ERIA Discussion Paper Series (2013). Toward a truly seamless Single Windows and Trade Facilitation Regime in ASEAN Beyond 2015.
7. ASEAN (2006). Protocol to establish and implement the ASEAN Single Window.
Results of the implementation of the national single window and ASEAN single window policies: shortcomings and solutions
Do Quoc Hung
Deputy Director, Asia-Africa Market Department, Ministry of Industry and Trade
ABSTRACT:
The NSW as well as the ASEAN Single Window (ASW) is one of the key instruments for implementing the Government's Resolution 19 / NQ-CP in 2015 to reduce the time required for customs clearance. It saves time, money for businesses and society, contributing to Vietnam's comprehensive integration into the regional and international economy.
Keywords: NSW, ASW, customs clearance, regional and international economic integration.
Xem tất cả ấn phẩm Các kết quả nghiên cứu khoa học và ứng dụng công nghệ số 10 tháng 09/2017 tại đây