Khó khăn và thách thức khi áp dụng giá trị hợp lý trong công tác kế toán của các doanh nghiệp Việt Nam

Đề tài Khó khăn và thách thức khi áp dụng giá trị hợp lý trong công tác kế toán của các doanh nghiệp Việt Nam do ThS. Đỗ Ngọc Phương Anh (Khoa Kế toán – Kiểm toán, Học viện Chính sách và Phát triển) thực hiện.

TÓM TẮT:

Luật Kế toán số 88/2015 cho phép áp dụng giá trị hợp lý là một bước tiến quan trọng trong việc hoàn thiện hệ thống chuẩn mực kế toán Việt Nam nhằm đảm bảo mức độ tương thích ngày càng cao với thông lệ kế toán và chuẩn mực kế toán quốc tế. Tuy nhiên, việc áp dụng giá trị hợp lý trong kế toán cũng đặt ra nhiều thách thức cả về xây dựng các quy định hướng dẫn cũng như áp dụng thực tế ở các doanh nghiệp. Việt Nam cần nghiên cứu và ban hành các Chuẩn mực kế toán, trong đó có Chuẩn mực kế toán về giá trị hợp lý để hướng dẫn thực hiện Điều 28 Luật Kế toán năm 2015”. Qua bài viết, tác giả đã đưa ra một số kiến nghị Việt Nam cần xây dựng đề án đưa IFRS nói chung và IFRS 13 - Giá trị hợp lý nói riêng vào Việt Nam và cập nhật, sửa đổi ban hành mới VAS/VFRS.

Từ khóa: giá trị hợp lý, Luật kế toán, doanh nghiệp Việt Nam, chuẩn mực.

1. Đặt vấn đề

Giá trị hợp lý đã được đề cập trong các nghiên cứu về kế toán từ rất lâu. Tuy nhiên, phải đến những năm gần đây, giá trị hợp lý mới được thể chế hóa trong các quy định của Luật, chuẩn mực kế toán. Theo kinh nghiệm áp dụng giá trị hợp lý tại nhiều quốc gia trên thế giới, hầu hết các quốc gia đều đưa ra lộ trình áp dụng giá trị hợp lý trước hết đối với các doanh nghiệp niêm yết và công ty đại chúng - một trong những thị trường được coi là có mức độ hoạt động cao nhất. Trong đó, tập trung chủ yếu các doanh nghiệp niêm yết trên thị trường chứng khoán - thành viên quan trọng của thị trường chứng khoán mỗi quốc gia.

Giá trị hợp lý không được đề cập như một loại giá độc lập trong khuôn mẫu lý thuyết nhưng nó đã trở thành một xu hướng quan trọng và gây nhiều tranh luận, do đó, vấn đề giá trị hợp lý được rất nhiều nhà nghiên cứu trong và ngoài nước tìm hiểu, phân tích và trình bày trong các đề tài nghiên cứu. Các nghiên cứu về giá trị hợp lý chủ yếu tập trung vào sự khác biệt giữa kế toán giá trị hợp lý và kế toán theo giá gốc, tranh luận xung quanh việc nên hay không nên sử dụng giá trị hợp lý làm cơ sở định giá trong kế toán thay thế cho các loại giá khác và giá trị hợp lý có đáng tin cậy, có đảm bảo tính minh bạch khi trình bày báo cáo tài chính. 

Thứ nhất, những năm tới, Việt Nam sẽ hội nhập sâu và toàn diện vào nền kinh tế khu vực và thế giới trên cơ sở các hiệp định hợp tác đã và sẽ được kí kết giữa Việt Nam và các nước. Điều này đòi hỏi công tác kế toán Việt Nam phải có những cải cách căn bản phù hợp với thông lệ kế toán quốc tế. Một trong những thay đổi cốt lõi có tính chất quyết định là việc áp dụng giá trị hợp lý trong kế toán mà Luật Kế toán năm 2015 đã đặt ra.

Thứ hai, để triển khai Luật Kế toán năm 2015, Chính phủ và Bộ Tài chính cần hoàn thiện các quy định liên quan như cần có hướng dẫn chi tiết, đầy đủ về giá trị hợp lý và áp dụng giá trị hợp lý tại các doanh nghiệp nói chung và doanh nghiệp niêm yết trên thị trường chứng khoán Việt Nam nói riêng. Đây là một thách thức rất lớn, vì giá trị hợp lý là một vấn đề mới, hiện chưa có các quy định pháp lý cụ thể, do vậy đòi hỏi phải có nghiên cứu lý luận, thực tiễn một cách đầy đủ và khoa học.

 Thứ ba, đối với các doanh nghiệp niêm yết và người sử dụng thông tin kế toán Việt Nam, khái niệm giá trị hợp lý và áp dụng giá trị hợp lý trong kế toán là hoàn toàn mới mẻ. Vì vậy, cần có các nghiên cứu, đánh giá khả năng áp dụng giá trị hợp lý, chi phí cho việc áp dụng giá trị hợp lý, các nhân tố chi phối đến mức độ áp dụng giá trị hợp lý trong kế toán ở các doanh nghiệp niêm yết trên thị trường chứng khoán Việt Nam.

2. Cơ sở lý thuyết

Giá trị hợp lý lần đầu tiên được Hội đồng Chuẩn mực kế toán quốc tế (IASB) đề cập trong Chuẩn mực kế toán quốc tế 16 (IAS 16) - Tài sản, nhà cửa và thiết bị như sau: “Giá trị hợp lý là tài sản có thể đem trao đổi giữa các bên có hiểu biết, có thiện chí trong một giao dịch ngang giá”. Sau đó, IASB công bố dự thảo Chuẩn mực về đo lường Giá trị hợp lý - được hiểu là giá trị sẽ nhận được khi bán một tài sản hoặc giá trị thanh toán để chuyển giao một khoản nợ phải trả trong một giao dịch có tổ chức.

Tháng 5/2011, IASB phát hành Chuẩn mực quốc tế về Báo cáo tài chính 13 (IFRS 13) - Đo lường giá trị hợp lý. Theo IFRS 13, giá trị hợp lý là giá trị sẽ nhận được khi bán một tài sản hay giá trị thanh toán để chuyển giao một khoản nợ phải trả trong một giao dịch có tổ chức giữa các bên tham gia thị trường tại ngày đo lường. Khái niệm giá trị hợp lý trong chuẩn mực này nhấn mạnh giá trị hợp lý được xác định trên cơ sở giá thị trường, chứ không phải DN. Do đó, IFRS 13 về Giá trị hợp lý ra đời là bước tiến quan trọng, khẳng định ý nghĩa của giá trị hợp lý trong việc cải thiện tính nhất quán của thông tin tài chính toàn cầu.

GTHL là cơ sở tính giá phản ánh mức giá kỳ vọng của thị trường hiện tại và tương lai đối với một tài sản hoặc một khoản nợ phải trả. Do vậy, trong mối quan hệ với các cơ sở định giá khác thay thế, GTHL được coi là cơ sở định giá giúp thông tin tài chính phản ánh tốt nhất dòng tiền tương lai của đơn vị, cũng như khả năng thanh khoản và linh hoạt tài chính của DN.

Trong kế toán Việt Nam, giá trị hợp lý được sử dụng chủ yếu trong ghi nhận ban đầu như: ghi nhận ban đầu tài sản cố định, doanh thu, thu nhập khác; ghi nhận ban đầu báo cáo các khoản mục tiền tệ có gốc ngoại tệ… Giá trị hợp lý lần đầu tiên được định nghĩa trong VAS 14 - Doanh thu và thu nhập khác, rằng giá trị hợp lý là giá trị tài sản có thể trao đổi hoặc giá trị một khoản nợ được thanh toán một cách tự nguyện giữa các bên có đầy đủ hiểu biết trong trao đổi ngang giá.

Sau đó, vào các khoảng thời điểm năm 2005, 2006, Bộ Tài chính cũng có những quy định cụ thể về các phương pháp định giá, thẩm định giá - cũng là một tiền đề quan trọng của việc sử dụng giá trị hợp lý. Tuy nhiên, việc áp dụng các quy định, các phương pháp còn mờ nhạt và kế toán vẫn bỏ ngỏ.

Tại Luật Kế toán sửa đổi, bổ sung số 88/2015/QH13, một trong các nội dung quan trọng được bổ sung đó là quy định các nguyên tắc kế toán liên quan đến GTHL. Đây được coi là một bước tiến mạnh mẽ nhưng khả năng áp dụng vẫn mang tính chắp vá, chưa có một định hướng rõ ràng về việc sử dụng GTHL, chưa được đưa cụ thể vào Chuẩn mực kế toán.

Trên thực tế, cho đến nay, vẫn còn không ít tranh luận xung quanh việc sử dụng giá trị hợp lý. Trong khi những người bảo vệ giá gốc nhấn mạnh đến việc sử dụng giá gốc giúp đánh giá trách nhiệm giải trình, các lập luận phê phán cho rằng để đạt được mục tiêu này không nhất thiết phải phản ánh các giao dịch dựa trên quá khứ (giá gốc).

Trái lại, việc phản ánh theo giá hiện hành (giá trị hợp lý) sẽ cung cấp thông tin hữu ích hơn và được bàn đến như là hướng đi mới của định giá trong kế toán. Mặc dù, xác định giá trị hợp lý không phải là điều dễ dàng trong một số trường hợp, đặc biệt trong bối cảnh thị trường Việt Nam nhưng việc ghi nhận dựa trên giá gốc sẽ không đem lại cái nhìn đúng đắn về tình hình tài chính của DN, đặc biệt đối với danh mục tài sản - phần mà giá trị hợp lý thay đổi theo thời gian, như: nhà, đất, thiết bị…

3. Phương pháp nghiên cứu

Tác giả sử dụng cách tiếp cận so sánh nhằm đánh giá rà soát các quy định hiện hành của hệ thống kế toán Việt Nam về giá trị hợp lý và cách tiếp cận thực chứng nhằm nghiên cứu kinh nghiệm của các doanh nghiệp niêm yết trên thị trường chứng khoán Việt Nam trong việc áp dụng giá trị hợp lý phục vụ cho mục tiêu báo cáo tài chính theo IFRS. Nghiên cứu, đánh giá nhu cầu sử dụng thông tin kế toán của các chủ thể liên quan; đánh giá, khuyến nghị áp dụng giá trị hợp lý trong kế toán tại các doanh nghiệp niêm yết trên thị trường chứng khoán Việt Nam.

Để đạt được mục tiêu nghiên cứu, trên cơ sở phương pháp, cách tiếp cận nêu trên, với cơ sở phương pháp luận duy vật biện chứng và duy vật lịch sử, đề tài sử dụng các phương pháp chủ yếu như: Phương pháp mô hình hóa; Phương pháp phân tích, tổng hợp; Phương pháp thống kê;

4. Kết quả và thảo luận

Đã có những quy định về nguyên tắc kế toán giá trị hợp lý trong một số chuẩn mực kế toán (CMKT) Việt Nam. Hệ thống các CMKT Việt Nam (VASs) trước đây đã tạo ra một khung các nguyên tắc kế toán giá trị hợp lý ban đầu, gợi mở cho công tác xây dựng, hoàn thiện và ban hành các quy định/hướng dẫn về kế toán theo giá trị hợp lý sau này.

Đã có những hướng dẫn về kế toán giá trị hợp lý trong chế độ kế toán dành cho Công ty chứng khoán (CTCK) ở Việt Nam, trong đó có bao gồm các doanh nghiệp niêm yết (DNNY). Với đặc thù là những đơn vị có khả năng áp dụng giá trị hợp lý được nhiều nhất đối với các đối tượng kế toán, các CTCK ở Việt Nam đã được xây dựng chế độ kế toán riêng. Và theo các văn bản hiện hành, các hướng dẫn về kế toán giá trị hợp lý đối với các CTCK đã phần nào tương đồng với các quy định tương tự trong hệ thống chuẩn mực IFRS và US. GAAP bước đầu phản ánh được thông tin một cách kịp thời cho các đối tượng sử dụng thông tin.

Chiến lược Kế toán - Kiểm toán Việt Nam đến năm 2020, tầm nhìn 2030 đã được ban hành. Một trong những mục tiêu tổng quát của chiến lược này nhằm tạo lập một hệ thống kế toán hoàn chỉnh, phù hợp với cơ chế quản lý của Việt Nam và phát triển nghề nghiệp kế toán, nhằm thỏa mãn nhu cầu thông tin cho quản lý, điều hành, kiểm tra, kiểm soát các nguồn lực kinh tế, các hoạt động kinh tế - tài chính của đất nước. Đồng thời Chiến lược Kế toán - Kiểm toán cũng hướng đến mục tiêu xây dựng và phát triển một hệ thống khuôn khổ pháp lý về kế toán, kiểm toán trên cơ sở nghiên cứu, tiếp thu về cơ bản các thông lệ quốc tế vào điều kiện cụ thể của Việt Nam. Từ đó, tạo môi trường pháp lý đầy đủ, chặt chẽ, phù hợp để thúc đẩy hoạt động kế toán, kiểm toán phát triển, đồng thời quản lý chặt chẽ, nâng cao chất lượng, đạo đức nghề nghiệp, phát triển nguồn nhân lực trong lĩnh vực kế toán kiểm toán . Ngoài ra, Chiến lược Kế toán - Kiểm toán cũng tập trung vào việc tăng cường quan hệ, hợp tác với các tổ chức quốc tế về Kế toán - Kiểm toán và tạo lập mối liến kết chặt chẽ, thừa nhận lẫn nhau giữa Việt Nam và các nước trong khu vực, trên thế giới.  

Trong kế hoạch triển khai Chiến lược Kế toán - Kiểm toán, Bộ Tài chính đã dự kiến nhiều nội dung cụ thể, trong đó có những nội dung liên quan đến giá trị hợp lý như Nghị định hướng dẫn Luật Kế toán năm 2015, Xây dựng các Thông tư ban hành 26 Chuẩn mực kế toán cập nhật lại theo sự đổi mới của Chuẩn mực kế toán quốc tế; Xây dựng Tài liệu hướng dẫn 26 Chuẩn mực kế toán cập nhật lại theo sự đổi mới của Chuẩn mực kế toán quốc tế; Xây dựng các Thông tư ban hành một số Chuẩn mực báo cáo tài chính (BCTC) Việt Nam (VFRS),; Xây dựng Tài liệu hướng dẫn các Chuẩn mực BCTC Việt Nam (VFRS). Các tài liệu trên đều hướng đến việc xây dựng các chuẩn mực kế toán Việt Nam và các văn bản pháp quy liên quan một cách đầy đủ, rõ ràng và hệ thống hơn dựa trên cơ sở các chuẩn mực kế toán quốc tế.

Tuy nhiên, trong các tài liệu ban hành vẫn chưa có chuẩn mực chung hướng dẫn về kế toán theo giá trị hợp lý tương tự như IFRS 13 hay FAS 157. Các quy định về giá trị hợp lý và sử dụng giá trị hợp lý trong kế toán hiện nay được nằm rải rác và có sự khác biệt giữa các CMKT cũng như các văn bản pháp quy khác dẫn đến tình trạng không nhất quán và thiếu tính hệ thống. Các quy định về giá trị hợp lý mới chỉ chủ yếu được dùng trong công tác ghi nhận ban đầu mà chưa được sử dụng để trình bày các khoản mục sau ghi nhận ban đầu, vì vậy chưa đạt được mục đích trong việc phản ánh các thông tin trên BCTC một cách đầy đủ và toàn diện. Trong bối cảnh tài sản nhạy cảm theo sự biến động liên tục của thị trường hiện nay, việc bổ sung, cập nhật các vấn đề liên quan đến giá trị hợp lý của tài sản rất cần thiết để đảm bảo phù hợp với các chuẩn mực kế toán quốc tế cũng như yêu cầu thực tế của thị trường.

5. Kết luận và kiến nghị

Để phù hợp với xu thế hội nhập kinh tế toàn cầu, việc lập BCTC theo IFRS ngày càng nhận được sự ủng hộ của các quốc gia và vùng lãnh thổ trên thế giới. Theo thống kê của Ủy ban Chuẩn mực kế toán quốc tế (IASB) có khoảng 126/140 quốc gia được khảo sát đã yêu cầu các công ty niêm yết áp dụng IFRS. Hầu hết các nước còn lại đã cho phép áp dụng IFRS. Tất cả các tổ chức có tác động quan trọng đến nền kinh tế thế giới như G20, Ngân hàng Thế giới (WB), Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF), Hội đồng Ổn định Tài chính Quốc tế (FSB) và Tổ chức Quốc tế các Ủy ban Chứng khoán (IOSCO) đều ủng hộ và hỗ trợ việc áp dụng IFRS trên toàn cầu. Do vậy, việc lập báo cáo tài chính theo IFRS ngày càng trở nên bức thiết đối với kế toán tài chính để kinh tế Việt Nam có thể hòa nhập vào dòng chảy kinh tế thế giới, trong đó có dòng chảy rất quan trọng về nguồn vốn. Đồng thời, Thủ tướng Chính phủ đã ra Quyết định số 480/QĐ - TTg ngày 18/3/2013 về việc phê duyệt Chiến lược Kế toán - Kiểm toán đến năm 2020, tầm nhìn 2030 và Nghị quyết số 35/NQ-CP ngày 16/5/2016 về hỗ trợ và phát triển doanh nghiệp đến 2020. Để triển khai thực hiện Quyết định số 480/QĐ - TTg và Nghị quyết số 35/NQ-CP, việc phát triển và hoàn thiện khuôn khổ pháp lý về Chuẩn mực báo cáo tài chính tại Việt Nam (VAS) là một trong những nhiệm vụ trọng tâm, cấp bách cần phải được sớm triển khai để đáp ứng yêu cầu của nền kinh tế trong giai đoạn mới. Để làm được điều này, Việt Nam cần xây dựng Đề án đưa IFRS nói chung và IFRS 13 - Giá trị hợp lý nói riêng vào Việt Nam và cập nhật, sửa đổi ban hành mới VAS/VFRS, trong đó đề cập đến hướng đi cho Việt Nam, lộ trình áp dụng, biện pháp triển khai, thực hiện…

Việt Nam cần nghiên cứu và ban hành các CMKT, trong đó có CMKT về giá trị hợp lý để hướng dẫn thực hiện Điều 28 Luật Kế toán năm 2015 là “Bộ Tài chính quy định cụ thể các tài sản và nợ phải trả được ghi nhận, đánh giá lại theo giá trị hợp lý, phương pháp kế toán ghi nhận và đánh giá lại theo giá trị hợp lý". Theo Điều 6 Luật Kế toán năm 2015, "Bộ Tài chính quy định chuẩn mực kế toán trên cơ sở chuẩn mực quốc tế về kế toán phù hợp với điều kiện cụ thể của Việt Nam”. Tuy nhiên việc triển khai áp dụng IFRS tại Việt Nam vẫn đang gặp nhiều khó khăn, vướng mắc. Do đó Việt Nam cần phải nghiên cứu đồng bộ các CMKT quốc tế để cập nhật các CMKT đã và sẽ ban hành mới, đặc biệt là giá trị hợp lý và công cụ tài chính, vì nó liên quan đến nhiều CMKT khác. Việc nghiên cứu để ban hành các CMKT cần được tiến hành trên cơ sở tiếp cận, áp dụng các thông lệ, CMKT quốc tế phù hợp với hệ thống luật pháp, trình độ, kinh nghiệm kế toán của Việt Nam theo lộ trình phù hợp để đáp ứng nhu cầu minh bạch thông tin tài chính.

TÀI LIỆU THAM KHẢO:

  1. Bộ Tài chính. (2014). Thông tư số 210/2014/TT-BTC: Hướng dẫn kế toán áp dụng đối với Công ty chứng khoán.
  2. Bộ Tài chính. (2016). Thông tư số 334/2016/TT-BTC: Sửa đổi, bổ sung và thay thế phụ lục 02 và 04 của Thông tư số 210/2014/TT-BTC ngày 30/12/2014 của Bộ Tài chính hướng dẫn kế toán áp dụng đối với công ty chứng khoán.
  3. Bộ Tài chính.. Hệ thống 26 chuẩn mực kế toán Việt Nam.
  4. Bộ Tài chính.. Hệ thống các Thông tư, Quyết định hướng dẫn kế toán GTHL tại doanh nghiệp.
  5. Alsaeed, K. (2006). The association between firm-specific charateristics and disclosure: The case of Saudi Arabia. Journal of American Academy of Business, Cambridge, 7, 310-321.
  6. Barako, D. G. (2007). Determinants of voluntary disclosure in Kenyan companies annual reports. African Journal of Business management, 1, 113-128.

Difficulties and challenges to the implementation of fair value in the accounting work of Vietnamese enterprises

Master. Do Phuong Anh

Faculty of Accounting - Auditing, Academy of Policy and Development

Abstract:

The application of fair value, in accordance with Law No. 88/2015/QH13 dated November 20, 2015 on accounting, is an important step in improving Vietnam’s accounting standards system to integrate with international accounting practices and standards. However, the application of fair value in accounting also poses many challenges, both in terms of developing guiding regulations and practically applying them in businesses. It is necessary for Vietnam to research and promulgate accounting standards, including fair value accounting standards, to guide the implementation of the Law on Accounting’s Article 28. This paper pointed out that it is important for Vietnam to develop a plan for implementing International Financial Reporting Standards (IFRS), especially the IFRS 13 Fair Value Measurement in Vietnam, and to update, amend, and promulgate new Vietnam Accounting Standards (VAS) and Vietnamese Financial Reporting Standards (VFRS).

Keywords: fair value, the Law on Accounting, Vietnamese enterprises, standards.

[Tạp chí Công Thương - Các kết quả nghiên cứu khoa học và ứng dụng công nghệ, Số 14 tháng 6 năm 2024]

Tạp chí Công Thương