Thương vụ Việt Nam tại Bỉ và EU cho biết, ngày 20 tháng 3 năm 2019, Ủy ban Sức khỏe và An toàn thực phẩm của EU - DGSANTE của EU vừa có thông báo gấp về chứng thư xuất khẩu sang EU trong bối cảnh COVID 19 và EU đang phong tỏa biên giới.
Theo đó, để đảm bảo hoạt động xuất khẩu diễn ra thuận lợi, DGSANTE khuyến cáo sử dụng nền tảng TRACES (https://webgate.ec.europa.eu/tracesnt/ecas-login) cho các chứng thư về vệ sinh và kiểm dịch thực vật của động vật, thực vật đối với các sản phẩm được xuất khẩu sang EU.
Đối với các quốc gia không sử dụng TRACES, doanh nghiệp cần đảm bảo cung cấp chứng thư gốc kèm với các lô hàng trong phương tiện vận chuyển. Trong trường hợp chứng thư gốc không thể gửi kèm lô hàng, Ủy ban Sức khỏe và An toàn thực phẩm của EU sẽ đề xuất với các Trạm kiểm soát biên giới tại EU chấp nhận các bản sao giấy chứng thư đáp ứng các điều kiện sau:
Bản scan giấy chứng thư gốc được gửi bằng email, từ hòm thư thuộc cơ quan có thẩm quyền cấp trung ương của nước sở tại đến hòm thư của Trạm kiểm soát biên giới tại EU của điểm nhập cảnh tại EU, được cung cấp tại các trang web sau:
- Đối với động vật và sản phẩm động vật:
https://ec.europa.eu/food/animals/vet-border-control/bip-contacts_en
- Đối với thực phẩm và thức ăn có nguồn gốc phi động vật:
https://ec.europa.eu/food/safe/official_controls/legislation/imports/non-animal_en
- Đối với cây trồng và sản phẩm thực vật :.
https://ec.europa.eu/food/safe/official_controls/legislation/imports/plants_en
Giấy chứng thư gốc được gửi đến Trạm kiểm soát biên giới tại EU sớm nhất có thể về mặt kỹ thuật, khi các hạn chế được đề cập ở trên đã được xem xét hoặc dỡ bỏ đáng kể.
Trong trường hợp có vấn đề phát sinh, cơ quan kiểm tra của EU sẽ liên hệ với Thương vụ Việt Nam tại Bỉ và EU để cùng xác nhận.
Doanh nghiệp Việt Nam khi gặp khó khăn liên quan đến chứng thư kiểm dịch động thực vật trong thời kỳ dịch virus COVID 19, có thể liên hệ với Thương vụ Việt Nam tại Bỉ và EU theo email be@moit.gov.vn để được hỗ trợ tốt nhất trong việc xuất khẩu vào EU.
Hiện nay, EU là đối tác thương mại quan trọng, là thị trường xuất khẩu lớn thứ hai của Việt Nam. Lưu lượng hàng hóa xuất nhập khẩu của Việt Nam sang EU tương đối lớn.
Trong năm 2019, lượng hàng hóa xuất khẩu qua đường biển đạt 20,5 tỷ euro, đường hàng không đạt 14,5 tỷ euro, đường sắt đạt 671 triệu euro; trong khi nhập khẩu qua đường biển, đường hàng không và đường sắt lần lượt là 5,990 tỷ euro, 3,56 tỷ euro và 9 triệu euro.
Bộ Công Thương dự báo, xuất khẩu Quý I, II của Việt Nam sang EU có thể giảm từ 6% - 8% nếu dịch bệnh tiếp tục kéo dài đến tháng 6. Một số mặt hàng chủ lực như máy tính, điện thoại và linh kiện dự kiến sẽ tiếp tục sụt giảm mạnh do gặp khó khăn cả về khâu cung ứng lẫn nhu cầu thị trường giảm.Tăng trưởng xuất khẩu nửa cuối năm 2020 có thể khả quan hơn do bệnh dịch được đẩy lùi và EVFTA đi vào hiệu lực.