Khuyến khích tư nhân phát triển năng lượng tái tạo

Thực hiện chủ trương khuyến khích các thành phần kinh tế, đặc biệt là kinh tế tư nhân tham gia phát triển năng lượng trong đó có năng lượng tái tạo, Bộ Công Thương đã phối hợp với các Bộ, ngành nghiên cứu đề xuất các khuôn khổ pháp lý xây dựng cơ chế khuyến khích phát triển các dự án điện năng lượng tái tạo.
điện gió

 

Cụ thể, từ năm 2011 đến nay, Bộ Công Thương đã trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt cơ chế bán điện từ các dự án điện năng lượng tái tạo như điện gió (2011, điều chỉnh năm 2018), điện sinh khối (2014, điều chỉnh năm 2019), điện từ chất thải rắn (2014), điện mặt trời (2017, điều chỉnh năm 2019, ban hành mới tiếp năm 2020) theo Biểu giá bán điện cố định (FIT).

Thông qua chính sách giá FIT, hiện đã có khoảng gần 6.000 MW điện năng lượng tái tạo vào vận hành phát điện, góp phần đảm bảo cung cấp điện kịp thời cho nền kinh tế, giảm lượng điện chạy dầu giá cao và chuyển dịch năng lượng theo hướng phát triển bền vững, giảm phát thải khí nhà kính.

Việc phát triển các dự án điện năng lượng tái tạo cũng góp phần phát triển ngành công nghiệp sản xuất máy móc, thiết bị điện mặt trời, các dịch vụ kỹ thuật và quản lý dự án; khai thác có hiệu quả các vùng đất khô cằn, hiệu quả sản xuất nông nghiệp thấp; thu hút được lượng vốn xã hội lớn đầu tư vào hạ tầng ngành điện.

Việc phát triển nhanh các dự án năng lượng tái tạo, đặc biệt là điện mặt trời giai đoạn vừa qua khiến một số dự án điện trên địa bàn tỉnh Ninh Thuận, Bình Thuận phải thực hiện hạn chế công suất phát trong một số thời điểm do quá tải lưới điện.

Tuy sản lượng điện bị hạn chế của các dự án là không nhiều nhưng có ảnh hưởng lớn đến xã hội và môi trường đầu tư. Nguyên nhân là do các dự án lưới điện không theo kịp tiến độ đầu tư các nguồn NLTT.

Dự án điện mặt trời mái nhà của doanh nghiệp chế biến thủy sản Thông Thuận,
Dự án điện mặt trời mái nhà của doanh nghiệp chế biến thủy sản Thông Thuận

 

Để giải quyết vấn đề này, Bộ Công Thương thường xuyên đôn đốc EVN và các đơn vị thành viên khẩn trương thực hiện, sớm đưa vào vận hành các công trình giải tỏa công suất các dự án điện mặt trời tại khu vực Ninh Thuận, Bình Thuận và các công trình lưới điện truyền tải được bổ sung quy hoạch tại Văn bản số 1891/TTg-CN ngày 27 tháng 12 năm 2018 của Thủ tướng Chính phủ.

Bộ Công Thương cũng yêu cầu EVN chỉ đạo Tổng công ty Điện lực miền Nam, Trung tâm điều độ Hệ thống điện miền Nam phối hợp với Chủ đầu tư các dự án điện mặt trời lên phương án thi công (thi công ban đêm) đóng điện vận hành công trình cải tạo và xây dựng mạch 2 đường dây 110 kV Tháp Chàm - Tuy Phong - Phan Rí để hạn chế cắt điện khi điện mặt trời phát công suất.

Đến nay, vấn đề quá tải lưới điện cơ bản được giải quyết, phấn đấu hết năm 2020, khi hoàn thành đưa vào vận hành các công trình lưới điện trên địa bàn tỉnh Ninh Thuận, Bình Thuận (như TBA 220 kV Phan Rí, TBA 220 kV Ninh Phước, mạch 2 đường dây 110 kV Tháp Chàm - Tuy Phong - Phan Rí, ...), đặc biệt là trạm biến áp 500 kV Thuận Nam và các đường dây 500 kV, 220 kV đấu nối sẽ đảm bảo giải tỏa công suất các dự án điện năng lượng tái tạo trên địa bàn 2 tỉnh Ninh Thuận, Bình Thuận đã được quy hoạch.

điện mặt trời mái nhà

 

Ngoài ra, Bộ Công Thương đã có Văn bản số 2199/BCT-ĐL ngày 27 tháng 3 năm 2020 báo cáo Thủ tướng Chính phủ đề nghị bổ sung các công trình lưới điện truyền tải đảm bảo giải tỏa công suất nguồn năng lượng tái tạo và cung ứng điện đến năm 2025.

Thủ tướng Chính phủ đã có Văn bản số 441/TTg-CN ngày 16 tháng 4 năm 2020 đồng ý bổ sung quy hoạch điện quốc gia danh mục các dự án lưới điện truyền tải tại Văn bản số 2199/BCT-ĐL của Bộ Công Thương.

Đô Lương