TÓM TẮT:
Nghiên cứu này sử dụng phương pháp phân tích nhân tố khám phá (EFA) và phân tích nhân tố khẳng định (CFA) để kiểm định thang đo mức độ ảnh hưởng của các nhân tố sự phát triển ngành Công nghiệp Thái Nguyên. Đây là kết quả của đề tài nghiên cứu khoa học mang mã số S2017-07-16, được tài trợ bởi kinh phí của Trường Đại học Công nghệ Thông tin và Truyền thông. Nghiên cứu đã xác định thang đo các nhân tố ảnh hưởng gồm 7 thành phần với 30 biến quan sát. Kết quả nghiên cứu giúp kiểm chứng lại những nhận định mang tính định tính về mức độ tác động của các nhân tố đến sự phát triển của ngành Công nghiệp, đồng thời cung cấp mô hình lý thuyết về thang đo đánh giá tác động của các nhân tố cho các nghiên cứu tiếp theo, làm cơ sở cho việc đánh giá tác động của các nhân tố đến sự phát triển ngành công nghiệp của tỉnh Thái Nguyên để có các chính sách phù hợp, nhằm phát huy lợi thế, nâng cao hiệu quả của các ngành kinh tế nói chung, công nghiệp nói riêng.
Từ khóa: Ngành Công nghiệp, tỉnh Thái Nguyên, kiểm định Cronbach Alpha, nhân tố ảnh hưởng, phân tích nhân tố khám phá EFA, phân tích nhân tố khẳng định CFA.
1. Tổng quan về các nhân tố ảnh hưởng đến sự phát triển ngành Công nghiệp
Thái Nguyên là tỉnh có nhiều lợi thế về tự nhiên và kinh tế - xã hội để phát triển kinh tế, đặc biệt là công nghiệp.
Thứ nhất, tài nguyên khoáng sản của tỉnh rất phong phú về chủng loại, nhiều loại có trữ lượng lớn. Điều đó đã tạo ra lợi thế so sánh lớn trong việc phát triển một nền công nghiệp đa lĩnh vực với các ngành có ưu thế vượt trội như công nghiệp luyện kim, khai khoáng. Đây cũng là cơ hội để Tỉnh thu hút các nhà đầu tư, đặc biệt là đầu tư trực tiếp nước ngoài FDI.
Thứ hai, Thái Nguyên có lực lượng lao động đông đảo, dân số trẻ, năng động, lại là cái nôi đào tạo, dạy nghề, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực cho các tỉnh trong khu vực và cả nước với nhiều trường đại học, cao đẳng, là trung tâm nghiên cứu khoa học và chuyển giao công nghệ tiềm năng.
Thứ ba, tỉnh nằm ở vị trí chiến lược, liền kề với thủ đô Hà Nội, cách không xa cảng biển Hải Phòng, kề cận với các tỉnh tiếp giáp với Trung Quốc về phía Bắc, lại tiếp giáp với các địa phương có nền kinh tế phát triển năng động như Bắc Ninh, Quảng Ninh,… Mặt khác, Thái Nguyên là một trong những trung tâm chính trị, kinh tế, giáo dục của khu Việt Bắc nói riêng, của vùng trung du miền núi phía Bắc nói chung, được coi là cửa ngõ phía Nam nối vùng Việt Bắc với Hà Nội, các tỉnh đồng bằng sông Hồng với các tỉnh khác trong cả nước, Thái Nguyên có rất nhiều lợi thế trong việc liên kết, trao đổi về kinh tế với các địa phương.
Thứ tư, Thái Nguyên có hệ thống cơ sở vật chất và kết cấu hạ tầng khá hoàn thiện, thuận lợi cho việc mở rộng quy mô, nâng cao hiệu quả hoạt động của ngành Công nghiệp, hấp dẫn các nhà đầu tư nước ngoài.
Thứ năm, là một tỉnh thuộc vùng Trung du, miền núi, do đó Thái Nguyên có nhiều ưu đãi về chính sách và nguồn vốn, khuyến khích các nhà đầu tư, thu hút các dự án vào ngành Công nghiệp. Tỉnh đã thực hiện đổi mới công tác cải cách hành chính, đăng ký kinh doanh, chấp thuận đầu tư, cấp phép đầu tư, tạo điều kiện thuận lợi cho các loại hình doanh nghiệp, cơ sở sản xuất công nghiệp phát triển; Công tác thu hút đầu tư được đẩy mạnh, đã ban hành nhiều cơ chế, chính sách ưu đãi; tổ chức nhiều chương trình xúc tiến đầu tư, thu hút các nhà đầu tư trong nước và nước ngoài.
Nhờ đó, ngành Công nghiệp Thái Nguyên đã có bước phát triển đáng kể, bước đầu định hướng được sự phát triển, tập trung khai thác các thế mạnh, hình thành được một số sản phẩm công nghiệp có vị trí so với vùng và cả nước, giải quyết việc làm cho nhiều lao động trong tỉnh và các tỉnh khác, đóng góp tương đối vào nguồn ngân sách của tỉnh, dần khẳng định vai trò và vị trí của ngành trong nền kinh tế của tỉnh.
Trong cơ cấu tổng sản phẩm trên địa bàn, công nghiệp đóng vai trò quan trọng, luôn chiếm trên 50% giá trị GRDP (giai đoạn 2005 - 2015).
Cơ cấu kinh tế Thái Nguyên có sự chuyển dịch tích cực, theo hướng tăng tỉ trọng của ngành Công nghiệp, Xây dựng, Dịch vụ và giảm dần tỉ trọng của ngành Nông nghiệp trong cơ cấu GRDP.
Ngành Công nghiệp có sự chuyển dịch theo hướng tích cực, tăng nhóm ngành có lợi thế, tập trung phát triển công nghiệp hỗ trợ, công nghiệp công nghệ thông tin, điện tử và vi mạch bán dẫn, chế tạo máy, gia công kim loại và cơ khí lắp ráp.
2. Mục tiêu nghiên cứu
Nghiên cứu tiến hành kiểm định thang đo các nhân tố ảnh hưởng tới sự phát triển ngành Công nghiệp Thái Nguyên; xây dựng bộ thang đo các nhân tố ảnh hưởng tới ngành Công nghiệp; kiểm định thang đo mức độ tác động của các nhân tố tới ngành Công nghiệp cho trường hợp nghiên cứu ngành Công nghiệp tỉnh Thái Nguyên.
3. Phương pháp nghiên cứu
3.1. Thang đo
Các nhân tố nhân tố hưởng đến phát triển kinh tế gồm có điều kiện tự nhiên, kinh tế - xã hội, vị trí và hệ thống cơ chế chính sách - thể chế pháp lý. Thang đo các nhân tố ảnh hưởng tới sự phát triển của ngành Công nghiệp Thái Nguyên là thang đo 7 thành phần với 30 thuộc tính, bao gồm: (1) lao động, (2) tài nguyên thiên nhiên, (3) vị trí, (4) cơ sở hạ tầng - vật chất - công nghệ, (5) cơ chế chính sách và thể chế pháp lý, (6) thị trường và (7) vốn (Xem Bảng 1).
3.2. Phương pháp phân tích
- Bài báo sử dụng phương pháp khảo sát điều tra, sử dụng dạng câu hỏi đã được tiêu chuẩn hóa và định sẵn các phương án trả lời trong bảng câu hỏi. Sau đó, tiến hành phát phiếu điều tra tại các doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực công nghiệp. Mục tiêu nghiên cứu này là đưa ra các số liệu cụ thể, từ đó, có thể dự đoán chính xác mối quan hệ giữa các nhân tố cần nghiên cứu và có cái nhìn toàn diện hơn về vấn đề nghiên cứu. Nghiên cứu được thực hiện với mẫu 98 phiếu điều tra doanh nghiệp công nghiệp tại Thái Nguyên theo phương pháp phát phiếu khảo sát.
- Kiểm định độ tin cậy thang đo bằng hệ số Cronbach Alpha: Đây là phép kiểm định thống kê về mức độ chặt chẽ (khả năng giải thích cho khái niệm nghiên cứu) của tập hợp các quan sát (câu hỏi) trong thang đo. Thang đo có độ tin cậy tốt khi hệ số Cronbach Alpha có giá trị từ 0,8 trở lên đến gần 1,0; từ 0,7 đến gần 0,8 là sử dụng được. Nếu hệ số này >0.60 là thang đo có thể chấp nhận được trong trường hợp khái niệm đang nghiên cứu là mới, hoặc mới đối với người trả lời trong bối cảnh nghiên cứu. Nếu một biến đo lường có hệ số tương quan biến tổng > 0.30 thì biến đó đạt yêu cầu, những biến nào có hệ số tương quan biến tổng nhỏ hơn 0,3 sẽ bị loại bỏ.
- Phân tích nhân tố khám phá (Exploratory Factor Analysis - EFA): Sau khi kiểm tra hệ số Cronbach Alpha, các quan sát có ý nghĩa và đạt được độ tin cậy nhất định sẽ tiếp tục đưa vào phân tích EFA để đánh giá sơ bộ tính đơn hướng, giá trị hội tụ và giá trị phân biệt của thang đo. Trong nghiên cứu này, phân tích EFA sử dụng để đánh giá sơ bộ thang đo cho từng khái niệm bằng phương pháp trích Principal Axis Factoring với phép xoay Promax (phương pháp trích này phản ảnh cấu trúc dữ liệu chính xác hơn phương pháp trích Principal Components với phép xoay Varimax).
- Phân tích nhân tố khẳng định (Confirmatory Factor Analysis - CFA): Mục đích để đánh giá mức độ phù hợp của mô hình với dữ liệu nghiên cứu. CFA là bước tiếp theo của EFA, vì CFA chỉ sử dụng thích hợp khi nhà nghiên cứu có sẵn một số kiến thức về cấu trúc tiềm ẩn cơ sở, trong đó mối quan hệ hay giả thuyết (có được từ lý thuyết hay thực nghiệm) giữa biến quan sát và nhân tố cơ sở thì được nhà nghiên cứu mặc nhiên thừa nhận trước khi tiến hành kiểm định thống kê. Phương pháp CFA được sử dụng để khẳng định lại tính đơn biến, đa biến, giá trị hội tụ và phân biệt của bộ thang đo đánh giá các nhân tố ảnh hưởng tới sự phát triển ngành công nghiệp tỉnh Thái Nguyên.
4. Kết quả phân tích
4.1. Đánh giá độ tin cậy thang đo với hệ số Cronbach Alpha
Các nhân tố ảnh hưởng đến sự phát triển công nghiệp Thái Nguyên được đo lường bởi 7 thành phần. Tổng cộng có 30 biến quan sát được sử dụng. Kết quả Cronbach's Alpha cho thấy, các thành phần của thang đo đều đạt hệ số tin cậy cao và tốt (lớn hơn 0,5).
Kết quả kiểm định Cronbach's Alpha cho thấy: Hệ số Cronbachs Alpha của các biến có giá trị như sau: biến TNTN = 0.794, biến LD = 0.702, TTTT = 0.758, PL = 0.827, CSHT = 0.819, VT = 0.757, VON = 0.879. Tất cả các giá trị kiểm định đều lớn hơn 0.5, có nghĩa là đều đạt yêu cầu kiểm định. Nếu loại bỏ các thang đo ra khỏi mô hình nghiên cứu thì hệ số Cronbachs Alpha biến loại luôn nhỏ hơn hệ số Cronbachs Alpha biến tổng, chứng tỏ giá trị của các biến khi loại bỏ ra khỏi mô hình làm cho hệ số Cronbachs Alpha giảm xuống. Do vậy, ta có thể kết luận, các thang đo của các biến đều phù hợp với mô hình nghiên cứu. Các biến đo lường của các thành phần này đều được sử dụng cho phân tích EFA.
4.2. Phân tích nhân tố khám phá EFA
Sau khi đã đánh giá được các biến và các thang đo của biến phù hợp với mô hình và dữ liệu nghiên cứu bằng phương pháp phân tích hệ số tin cậy alpha, ta tiến hành phân tích nhân tố khám phá EFA để tiếp tục loại bỏ biến ra khỏi mô hình. Theo phương pháp này, ta dùng chúng để rút gọn một tập hợp nhiều biến phụ thuộc lẫn nhau thành một tập biến ít hơn, để chúng có ý nghĩa hơn và vẫn chứa đựng hầu hết thông tin của tập biến ban đầu.
Do đó, mô hình nghiên cứu phải thỏa mãn một số điều kiện nhất định. Hệ số KMO phải nằm trong khoảng từ 0.5 đến 1 và hệ số ý nghĩa của mô hình theo Bartlett phải có ý nghĩa thống kê 5%. Với các biến có trọng số nhỏ hơn 0.5 trong EFA sẽ bị loại ra khỏi mô hình nghiên cứu. Có phương pháp trích hệ số sử dụng là principal components với phép quay varimax và điểm dừng khi trích các yếu tố có eigenvalue =1. Thang đo được chấp nhận khi tổng phương sai trích bằng hoặc lớn hơn 50% và trọng số nhân tố từ 0.5 trở lên.
Kết quả kiểm định KMO và Bartletts:
Hệ số KMO = 0.767 > 0.5: Phân tích nhân tố thích hợp với dữ liệu nghiên cứu. Kết quả kiểm định Bartletts là 1193.746 với mức ý nghĩa sig = 0.000 < 0.5, như vậy giả thuyết về mô hình nhân tố là không phù hợp và sẽ bị bác bỏ, điều này chứng tỏ dữ liệu dùng để phân tích nhân tố là hoàn toàn thích hợp. Kết quả này được tiếp tục kiểm định với phân tích nhân tố khẳng định CFA.
4.3. Phân tích nhân tố khẳng định CFA
Trong kiểm định thang đo, phương pháp phân tích nhân tố khẳng định CFA, phân tích cầu trúc moment có nhiều ưu điểm hơn so với phương pháp truyền thống. Lý do là phương pháp CFA cho phép kiểm định cấu trúc lý thuyết của thang đo lường như mối quan hệ giữa một khái niệm nghiên cứu với các khái niệm khác mà không bị chệch do sai số đo lường. Mặt khác, chúng ta có thể kiểm định giá trị hội tụ và giá trị phân biệt của thang đo một cách rất đơn giản, trực quan, nhanh chóng mà không cần nhiều thủ tục như các phương pháp truyền thống khác.
Để đo lường mức độ phù hợp của mô hình với bộ dữ liệu khảo sát, các nhà nghiên cứu sử dụng một số chỉ số đánh giá như Chi-square/df; GFI; AGFI; CFI; RMSEA. Nếu một mô hình nhân được giá trị Chi-square/df < 3; GFI, AGFI, CFI từ 0.9 đến 1: RMSEA < 0.08 được xem là mô hình phù hợp tốt với bộ dữ liệu khảo sát.
Phân tích nhân tố khẳng định (CFA) là bước phân tích tiếp theo của phân tích nhân tố khám phá EFA, bao gồm thiết kế để xác định, kiểm nghiệm và điều chỉnh các mô hình đo lường một cách độc lập. Mục đích CFA là nhằm thiết lập các mô hình đo lường phù hợp tốt được dùng để kiểm định mô hình cấu trúc. Xác định độ phù hợp của mô hình dựa trên một số chỉ số đánh giá như trên đã trình bày.
Sau khi có kết quả phân tích nhân tố khám phá EFA, ta tiến hành bước tiếp theo là phân tích nhân tố khẳng định CFA. Sử dụng dữ liệu nghiên cứu ta phân tích bằng phần mềm spss bằng phương pháp principal axis factoring với promax và kết quả đạt được ta lấy ma trận xoay các thang đo độc lập.
Kết quả nghiên cứu cho thấy mức độ ảnh hưởng của các biến là khác nhau. Thứ nhất, ảnh hưởng lớn nhất là “vốn” với độ tin cậy là 0.879, thứ hai là “cơ chế, chính sách và thể chế pháp lý” với độ tin cậy là 0.827, thứ ba là “cơ sở hạ tầng” với độ tin cậy là 0.819, thứ tư là “tài nguyên thiên nhiên” với độ tin cậy là 0.794, thứ năm là “ thị trường tiêu thụ” với độ tin cậy là 0.758, thứ sáu là “vị trí” với độ tin cậy là 0.757 và cuối cùng là “lao động” với độ tin cậy là 0.702. Kết quả này sẽ sử dụng để làm dữ liệu phân tích nhân tố khẳng định CFA trong phần mềm AMOS. Kết quả thu được như sau:
Mô hình này có Chi-square/df = 1.136 < 2 với giá trị p=0.000. Tuy nhiên, các chỉ tiêu khác cho thấy mô hình này phù hợp với dữ liệu nghiên cứu (CFI = 0.953; RMSEA = 0.037< 0.08). Các thang đo TNTN, LD, CSHT, TTTT, PL,VT và VON đều không có mối tương quan giữa các sai số của biến nên đều đạt được tính đơn hướng.
Hệ số tương quan giữa các thành phần nhỏ hơn 1 kèm theo sai lệch chuẩn nhỏ hơn 0.05. Vì vậy, các thang đo TNTN, LD, CSHT, TTTT, VT, PL và VON đều đạt được giá trị phân biệt. Các trọng số chuẩn hóa đều đạt tiêu chuẩn cho phép (>=0.5) và có ý nghĩa thống kê đều bằng 0.000. Vì vậy, có thể kết luận rằng, các biến dùng để đo lường tổng hợp và tổng phương sai trích đều >0.5 nên các thành phần này đều đạt độ tin cậy.
Qua kiểm chứng thực tiễn phát triển ngành Công nghiệp Thái Nguyên cho thấy, kết luận này là hoàn toàn phù hợp. Từ năm 2013 trở lại đây, khi Tập đoàn Samsung của Hàn Quốc đầu tư tại Thái Nguyên đã làm cho nguồn vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài FDI và số dự án tăng lên nhanh chóng. Năm 2000, số dự án đầu tư tại Thái Nguyên mới chỉ có 01 dự án, với tổng số vốn đăng ký là 0.2 triệu USD. Nhưng từ năm 2013 trở lại đây, đặc biệt là năm 2015, số dự án đầu tư đã tăng lên có 94 dự án, với tổng số vốn đăng ký 7084.72 triệu USD. Vì vậy, đã làm cho ngành Công nghiệp có sự tăng trưởng mạnh mẽ, giá trị sản xuất công nghiệp tăng từ 8,028.9 tỷ đồng (năm 2005) lên 477000 tỷ đồng (năm 2015), tức là tăng 59,4 lần trong vòng 10 năm.
- Kiểm định các giả thuyết của mô hình nghiên cứu
Kết quả kiểm định mối quan hệ giữa các yếu tố nghiên cứu cho thấy tất cả các mối quan hệ trong mô hình nghiên cứu đều có ý nghĩa thống kê hay các giả thuyết đều được chấp nhận thông qua các trọng số hồi quy chuẩn hóa mối quan hệ giữa các yếu tố này có ảnh hưởng tỷ lệ thuận với nhau.
Như vậy, kết quả sau khi phân tích CFA chỉ ra thang đo yếu tố đầu vào đến phát triển công nghiệp Thái Nguyên gồm 7 thành phần: (1) vị trí, (2) tài nguyên thiên nhiên, (3) lao động, (4) cơ sở hạ tầng- vật chất- kĩ thuật - công nghệ, (5) thị trường tiêu thụ, (6) cơ chế, chính sách và thể chế pháp lý, (7) vốn với 30 biến quan sát. Các thành phần có mối quan hệ qua lại lẫn nhau. Các biến quan sát đều đạt được giá trị hội tụ, giá trị phân biệt và đạt yêu cầu về giá trị cũng như độ tin cậy.
5. Kết luận
Với kết quả nghiên cứu sự ảnh hưởng của các yếu tố đầu vào đến phát triển công nghiệp Thái Nguyên gồm: (1) vị trí, (2) tài nguyên thiên nhiên, (3) lao động, (4) cơ sở hạ tầng- vật chất- kĩ thuật - công nghệ, (5) thị trường tiêu thụ, (6) cơ chế, chính sách và thể chế pháp lý và (7) vốn. 7 thành phần này đóng góp tích cực vào sự phát triển công nghiệp của Thái Nguyên, được kiểm định và đáp ứng các yêu cầu về giá trị, độ tin cậy và sự phù hợp của mô hình với dữ liệu thị trường. Ngoài ra, các thành phần này có tác động đến sự phát triển công nghiệp Thái Nguyên thông qua phân tích cấu trúc tuyến tính SEM. Với kết quả nghiên cứu sự ảnh hưởng của các yếu tố đầu vào đến phát triển công nghiệp tỉnh Thái Nguyên cũng như nhận định về thực trạng các thành phần này đến phát triển công nghiệp cần phải cải thiện các yếu tố theo thứ tự ưu tiên: vốn; cơ chế, chính sách và thể chế pháp lý; cơ sở hạ tầng; tài nguyên thiên nhiên; thị trường tiêu thụ; vị trí; lao động. Kết quả nghiên cứu thực nghiệm cho thấy, các yếu tố có ảnh hưởng mạnh đến phát triển công nghiệp. Kết quả này giúp củng cố thêm những nhận định tính ban đầu về các yếu tố đầu vào ảnh hưởng đến phát triển công nghiệp và đưa ra một số khuyến nghị về chính sách liên quan đến các nhân tố này đến việc phát triển công nghiệp của tỉnh Thái Nguyên.
TÀI LIỆU THAM KHẢO:
1. Ban quản lý các Khu công nghiệp Thái Nguyên (2015), Thu hút FDI để phát triển bền vững khu công nghiệp, Thái Nguyên.
2. Cục Thống kê tỉnh Thái Nguyên (2005, 2010, 2015, 2016), Niên giám thống kê tỉnh Thái Nguyên.
3. Dunning, J.H. (1998), “Location and the multination enterprise: A neglected factor?”, Journal of international business studies, 29(1), pp.45-67.
4. Dunning, J.H. and Lundan, S. (2008), “Institutions and the OLI paradigm of the multinational enterprise”, Asia Pacific Journal of Management, (25), pp.537-93.
5. John Dooley, Forfas (2009), Sustaining Investment in Research and Development , Advisory Council for Science Technology and Innovation, December, 2009.
6. Porter, M.E (2008), Lợi thế cạnh tranh, Nguyễn Phúc Hoàng dịch, NXB Trẻ.
7. Ủy ban Nhân dân tỉnh Thái Nguyên (2010), Báo cáo kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội tỉnh Thái Nguyên giai đoạn 2011 - 2015, Thái Nguyên.
8. Ủy ban Nhân dân tỉnh Thái Nguyên (2015), Quy hoạch phát triển công nghiệp tỉnh Thái Nguyên giai đoạn 2016 - 2025, tầm nhìn đến năm 2030, Thái Nguyên.
EVALUATING THE IMPACTS OF EMPLOYEES TO THE DEVELOPMENT OF THAI NGUYEN INDUSTRY
NGUYEN THI HANG - NGUYEN THI BAO YEN
Thai Nguyen University of Information and Communication Technology
ABSTRACT:
The industry has many advantages to develop and make a great contribution to the Thai Nguyen economy. The development of the industry is influenced by a variety of factors, and the extent to which the factors influencing the increase in the value of production of the industry are different.
The research uses the EFA and CFA to test the measure of the impact of Thai Nguyen's growth factors. This is the result of the scientific research project code S2017-07-16, funded by the University of Information and Communication Technology. The study identified a set of seven effect factors with 30 observed variables. The results of the study help reassert qualitative judgments about the impact of factors on the development of the industry, and provide a theoretical framework for measuring the impact of Factors for further research, as a basis for assessing the impact of factors on the development of Thai Nguyen's industry, in order to have suitable policies to promote the advantages and improve the efficiency. Of economic sectors in general, industry in particular.
Keywords: Industry, Thai Nguyen province, Cronbach Alpha testing, factor analysis, EFA factor analysis, CFA assay factor analysis.
Xem tất cả ấn phẩm Các kết quả nghiên cứu khoa học và ứng dụng công nghệ số 07 tháng 06/2017 tại đây