TÓM TẮT:
Kế toán trách nhiệm xã hội là thuật ngữ còn khá mới tại Việt Nam nhưng trên thế giới kế toán trách nhiệm xã hội đã được nghiên cứu từ những năm 1970 và đưa vào thực hiện từ những năm 2000. Các doanh nghiệp Việt Nam trong thời kỳ hội nhập đã nhận thức rõ về trách nhiệm xã hội gắn với hoạt động sản xuất - kinh doanh, những tập đoàn lớn đã bắt đầu thực hiện các hoạt động trách nhiệm xã hội và sử dụng công cụ kế toán trách nhiệm xã hội để đo lường. Bài viết đưa ra kinh nghiệm áp dụng kế toán trách nhiệm xã hội tại Nhật Bản, từ đó rút ra một số hàm ý đối với Việt Nam.
Từ khóa: kế toán trách nhiệm xã hội, doanh nghiệp, môi trường.
1. Khái niệm kế toán trách nhiệm xã hội
Thuật ngữ kế toán trách nhiệm xã hội (Social Responsibility Accounting - SRA), kế toán phát triển bền vững (Sustainability Accounting - SA), kế toán xã hội và môi trường (Social and Environmental Accounting - SEA) tuy có cách gọi khác nhau, nhưng về cơ bản đều có cùng nội dung, bản chất và mục tiêu, đó là cung cấp thông tin về mặt xã hội, về môi trường, về tình hình và kết quả hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp cho nhà quản trị và các đối tương khác có liên quan.
Những đối tượng này, doanh nghiệp có trách nhiệm ràng buộc về mặt pháp lý, hoặc có trách nhiệm mang tính tự nguyện. Việc sử dụng các thuật ngữ khác nhau phụ thuộc vào quá trình phát triển của lý luận về trách nhiệm xã hội của doanh nghiệp, phụ thuộc vào tình hình kinh tế, chính trị, xã hội, môi trường của mỗi quốc gia và thế giới, phụ thuộc vào quan điểm của các nhà nghiên cứu, các tổ chức quốc tế.
Trong giai đoạn đầu của sự phát triển, kế toán trách nhiệm xã hội quan tâm, chú trọng đến những khía cạnh về môi trường, vì vậy thuật ngữ thường được các nhà nghiên cứu, các nhà quản trị sử dụng là kế toán xã hội và môi trường. Kế toán môi trường là một bộ phận của kế toán trách nhiệm xã hội. Trong giai đoạn hiện nay, các doanh nghiệp, các quốc gia và toàn thế giới quan tâm, chú trọng đến sự phát triển bền vững và đạt được mục tiêu phát triển bền vững thì thuật ngữ thường được sử dụng là kế toán phát triển bền vững.
Kế toán trách nhiệm xã hội là một khoa học quan sát, đo lường, tính toán, ghi chép, phản ảnh, tổ chức, xử lý và phân tích thông tin về trách nhiệm xã hội của doanh nghiệp cam kết như: trách nhiệm bảo vệ môi trường, trách nhiệm đóng góp cho cộng đồng xã hội, trách nhiệm với nhà cung cấp, trách nhiệm với người lao động, trách nhiệm bảo đảm lợi ích và an toàn cho người tiêu dùng... trong mối quan hệ với kết quả, hiệu quả hoạt động sản xuất - kinh doanh của doanh nghiệp, nhằm cung cấp thông tin cho nhà quản trị doanh nghiệp, cho các cơ quan chức năng của Nhà nước, cơ quan quản lý môi trường và cho các thành phần có liên quan như: người lao động, khách hàng, nhà cung cấp, các hiệp hội, cộng đồng lãnh thổ ở địa phương...
Kế toán trách nhiệm xã hội công nhận nguồn lực của một doanh nghiệp tạo ra sự giàu có và giá trị gia tăng không chỉ phụ thuộc vào vốn sản xuất, vốn tài chính, mà còn phụ thuộc vào vốn con người, xã hội và tự nhiên. Điều này có nghĩa là, các khoản chi trả cho người lao động, chi bảo vệ môi trường và chi cho các chương trình cộng đồng có thể được tái đầu tư vào các tài sản của doanh nghiệp, góp phần tạo ra của cải tích cực.
Về cơ bản, kế toán trách nhiệm xã hội phản ánh, lượng hóa thông tin về kinh tế, xã hội, môi trường của doanh nghiệp nhằm cung cấp cho các nhà quản trị và các đối tượng khác có liên quan đến doanh nghiệp, kế toán trách nhiệm xã hội bao gồm cả kế toán tài chính và kế toán quản trị về trách nhiệm xã hội.
Theo hướng dẫn của dự án SIGMA Anh quốc, năm 2003, kế toán trách nhiệm xã hội thực hiện theo mô hình Trible Bottom Line (TBL) của John Elkington, có nội dung cơ bản là: hạch toán tài sản và nguồn vốn; hạch toán doanh thu, chi phí và kết quả hoạt động; hạch toán dòng tiền liên quan đến kinh tế, môi trường và xã hội, ở phạm vi tác động bên trong và bên ngoài doanh nghiệp. Kế toán trách nhiệm xã hội, hạch toán chi phí và lợi ích về kinh tế, môi trường và xã hội bên trong (Internal Costs & Benefits) và bên ngoài (External Costs & Benefits) doanh nghiệp. Các chi phí về xã hội bao gồm: chi phí chăm sóc sức khỏe, đào tạo và phát triển nhân viên; chi phí chăm lo đời sống văn hóa tinh thần cho người lao động; chi phí đóng góp cho phát triển cộng đồng; chi phí hoạt động từ thiện; tiền phạt do vi phạm về chế độ bảo hiểm xã hội của Nhà nước; chi phí phát sinh từ những vụ kiện về trách nhiệm dân sự, hình sự do tranh chấp xã hội, chi phí phát sinh từ đình công, bất ổn chính trị; chi phí mà doanh nghiệp phải trả để giảm thiểu thiệt hại hoặc đền bù tự nguyện những thiệt hại cho các cá nhân, tổ chức, doanh nghiệp và chủ thể khác do những hoạt động làm ảnh hưởng môi trường và xã hội mà doanh nghiệp gây ra…
Thu nhập, lợi ích xã hội bao gồm: thu nhập tăng lên do uy tín của doanh nghiệp đóng góp vào sự phát triển cộng đồng, do chăm sóc khách hàng, do quan tâm đến lợi ích người lao động, do sản xuất sạch, do sản xuất sản phẩm xanh, sản phẩm thân thiện với môi trường; thu nhập tăng lên từ tiết kiệm chi phí bảo hiểm do cải thiện sức khỏe và an toàn cho người lao động, thu nhập từ việc tránh được những khoản nộp phạt do vi phạm luật, thu nhập từ các giải thưởng, trợ cấp của Chính phủ về thành tích phát triển cộng đồng, xã hội...
Kế toán trách nhiệm xã hội, hạch toán tài sản và các khoản nợ về môi trường và xã hội của doanh nghiệp bao gồm các tài sản vô hình (thương hiệu, sự trung thành của khách hàng, quy trình quản lý, văn hóa doanh nghiệp, kỹ năng làm việc của người lao động...), các khoản nợ tiềm tàng, nợ phải trả về xã hội, về môi trường liên quan đến chi phí xã hội và môi trường bên ngoài... Kế toán trách nhiệm xã hội cung cấp kỹ thuật để ghi nhận, phản ánh, trình bày các thông tin về tài sản, nguồn vốn, doanh thu, chi phí và kết quả hoạt động liên quan đến kinh tế, môi trường và xã hội trên báo cáo tài chính của doanh nghiệp.
2. Kinh nghiệm triển khai kế toán trách nhiệm xã hội tại Nhật Bản
Từ rất sớm, Nhật Bản đã rất quan tâm và trở thành quốc gia có nhiều doanh nghiệp hàng đầu thế giới về hoạt động trách nhiệm xã hội của doanh nghiệp (CSR). Ngay cả trong quan điểm sản xuất - kinh doanh, doanh nghiệp Nhật Bản luôn thấm nhuần và tuân thủ triết lý kinh doanh và coi triết lý kinh doanh là nền tảng cho mọi hành động. Các doanh nghiệp Nhật Bản nhận thức rõ vấn đề thực hiện CSR xuất phát từ yêu cầu thực tiễn kinh doanh trong bối cảnh toàn cầu hóa, hội nhập quốc tế và những tác động của CSR đến sự phát triển bền vững của mỗi doanh nghiệp.
Một tinh thần CSR có tính chủ động và xuất phát từ doanh nghiệp chứ không chờ đợi đến sự hỗ trợ từ phía Nhà nước có lẽ là điểm đáng quan tâm nhất đối với các doanh nghiệp Nhật Bản trong quá trình triển khai CSR. Theo quan niệm của các doanh nghiệp Nhật Bản, xét cho cùng việc thực hiện CSR là hiện thực hóa sứ mệnh của doanh nghiệp với xã hội, là mục tiêu cho sự tồn tại của doanh nghiệp đối với cộng đồng. Một lợi ích có tính bền vững sẽ xuất hiện khi doanh nghiệp tối đa hóa và hài hòa được lợi ích đối với tất cả các bên có liên quan và đó cũng là điều kiện tiên quyết cho sự tồn tại và phát triển lâu dài của các doanh nghiệp ở Nhật Bản. Doanh nghiệp, khu vực tư nhân, các tổ chức dân sự, trình độ nhận thức của người dân cũng như các nhà quản lý doanh nghiệp chiếm vị trí trung tâm trong thực hiện CSR ở quốc gia này. Điều đó không có nghĩa Chính phủ đứng bên ngoài, ngược lại, Chính phủ là một bên liên quan có vai trò, quyền lợi và trách nhiệm như các bên có lợi ích liên quan khác của doanh nghiệp. Trước hết ở việc hỗ trợ thông tin và trao đổi kinh nghiệm trong, ngoài nước, cung cấp dịch vụ tiện ích cho thực hiện CSR và các hành vi khuyến khích khác, tham gia bình đẳng với các chủ thể khác trong định hướng hành vi doanh nghiệp và xây dựng các chuẩn mực, tiêu chuẩn CSR Nhật Bản và quốc tế,…
Trong suốt quá trình hình thành và phát triển, quan niệm về CSR được các doanh nghiệp Nhật Bản quan tâm và thực hiện với nhiều khía cạnh khác nhau của CSR, không chỉ hạn chế trong các vấn đề liên quan đến môi trường sinh thái và các hoạt động từ thiện như trước đây, mà bao trùm lên nhiều lĩnh vực khác trong và ngoài doanh nghiệp, trong nước và quốc tế, vật chất và phi vật chất, lợi nhuận và phi lợi nhuận. Khung hoạt động CSR của các doanh nghiệp Nhật Bản cho thấy tính phức tạp, đa dạng, quy mô và tầm ảnh hưởng của hoạt động này. Cũng chính bởi CSR có phạm vi rộng và tác động qua lại với nhiều bên liên quan, nên muốn thực hiện có hiệu quả cần hội tụ đầy đủ các điều kiện cần thiết, từ năng lực của doanh nghiệp cho tới nhận thức chung của cả xã hội về CSR.
Để có được quan niệm và hiệu quả trong quá trình triển khai CSR ở các doanh nghiệp Nhật Bản như hiện nay là cả một sự thay đổi về nhận thức và phương thức tiến hành. Thời kỳ đầu, nhiều doanh nghiệp Nhật Bản cho rằng, việc thực hiện CSR không có mối liên hệ gì với doanh nghiệp mình vì doanh nghiệp là một tổ chức thực hiện các hoạt động kinh doanh nên cứ đảm bảo được các mục tiêu về “doanh thu và lợi nhuận” tức là đã có trách nhiệm với xã hội. Một bước tiếp theo trong quan niệm về CSR đó chính quan niệm “CSR là sự tuân thủ pháp luật và thực hiện tốt các quy định của pháp luật có liên quan”, các doanh nghiệp bên cạnh việc tạo ra doanh thu và lợi nhuận cần tuân thủ tốt các quy định có liên quan chứ không phải bằng mọi giá để đạt được mục tiêu này.
Cùng với sự trưởng thành và phát triển, một số doanh nghiệp xã hội Nhật Bản để thực hiện những sứ mệnh đặc biệt theo yêu cầu của xã hội ra đời, từ đó một luồng tư tưởng lại cho rằng, “việc thực hiện CSR là nhiệm vụ và vai trò của các doanh nghiệp xã hội” chứ không phải là nhiệm vụ của các doanh nghiệp kinh doanh thông thường. Cho tới khi các vấn đề mới nảy sinh trên phạm vi toàn cầu đã đặt ra các nhu cầu cấp bách mới, ví dụ như: toàn cầu hóa kinh doanh và sự phát sinh các vấn đề xã hội; Sự xuất hiện các vụ bê bối trong kinh doanh; Yêu cầu tồn tại và ổn định trong xã hội; Sự trầm trọng về ô nhiễm môi trường; Nạn thất nghiệp và các giới hạn của các Chính phủ; Vấn đề quyền lợi của các cổ đông, của khách hàng, của đối tác; Sự mở rộng hoạt động của các tổ chức phi chính phủ (NGOs); Sự đa dạng hóa của các công cụ tài chính và vấn đề phát triển công nghệ thông tin. Tất cả những vấn đề trên đã đặt doanh nghiệp Nhật Bản cả trong nhận thức và thực tiễn câu hỏi cần đi tìm lời giải, và câu trả lời thỏa đáng nhất để đáp ứng các yêu cầu này chính là thực hiện trách nhiệm xã hội (CSR).
Cũng từ nhận thức đó, CSR ngày càng trở thành hoạt động quan trọng nhất của doanh nghiệp Nhật Bản với xu thế tiêu chuẩn hóa về hành vi và chuyên nghiệp hóa về tổ chức; có chiến lược, kế hoạch và chương trình hành động rõ ràng; được xem xét, giám sát, đánh giá bằng hệ thống các tiêu chí cụ thể và chuẩn mực được thừa nhận rộng rãi. Việc áp dụng hệ thống quản lý chất lượng về CSR (ISO 26000, GRI G4, EU,...), các bộ quy tắc ứng xử quốc tế và của Nhật Bản, xây dựng và công bố báo cáo thường niên về CSR… cho thấy vai trò và mức độ chuyên nghiệp hóa, tiêu chuẩn hóa của CSR tại đất nước này.
3. Hàm ý đối với Việt Nam
Qua nghiên cứu kinh nghiệm triển khai kế toán trách nhiệm xã hội tại Nhật bản, có thể gợi mở một số nội dung cho Việt Nam trong việc áp dụng kế toán trách nhiệm xã hội gồm:
Thứ nhất, nâng cao ý thức của các doanh nghiệp. Thực tế hiện nay, chưa có quốc gia nào yêu cầu các DN thực hiện kế toán trách nhiệm xã hội. Tuy nhiên, do nền kinh tế phát triển cùng với quá trình toàn cầu hóa đang diễn ra ngày càng mạnh mẽ, trách nhiệm xã hội của doanh nghiệp ngày càng được chú trọng. Các doanh nghiệp cần được khuyến khích áp dụng kế toán trách nhiệm, học hỏi lẫn nhau để đưa ra một cách thức thực hiện kế toán trách nhiệm xã hội mang tính đồng nhất cao.
Thứ hai, khuyến khích doanh nghiệp vận dụng các hướng dẫn báo cáo phát triển bền vững của Tổ chức Sáng kiến báo cáo toàn cầu, mẫu báo cáo của Hội đồng Báo cáo Tích hợp quốc tế.
Thứ ba, sử dụng các công cụ Trible bottom line để đưa ra các mục tiêu phát triển bền vững vào chiến lượng kinh doanh, xem xét kết quả xã hội và con người, kết quả về môi trường sinh thái trong mối quan hệ mật thiết và tác động tương hỗ với kết quả tài chính của doanh nghiệp.
TÀI LIỆU THAM KHẢO:
- Lê Thị Bảo Như và Nguyễn Thị Phương Thảo (2020), “Thực hiện kế toán trách nhiệm xã hội tại Việt Nam”. Tạp chí Công Thương.
- Huỳnh Đức Lộng (2020), “Kế toán trách nhiệm xã hội”, Tạp chí Kế toán và kiểm toán.
- Trần Thị Mỹ Châu (2020), “Vai trò kế toán trách nhiệm trong hoạt động quản trị doanh nghiệp”, Tạp chí Tài chính.
- Amir Barnea & Amir Rubin (2010), Corporate Social Responsibility as a Conflict Between Shareholders. Journal of Business Ethics, 97, 71-86;
- Barbara Beliveau, Melville Cottrill & Hugh M. O'Neill (1994), Predicting corporate social responsiveness: A model drawn from three perspectives. Journal of Business Ethics, 13, 731-738.
Experiences of Japanese businesses in applying social responsibility accounting and lessons learnt for Vietnamese businesses
Master. Nguyen Thi Sam
Faculty of Accounting, University of Economics - Technology for Industries
Abstract:
Social responsibility accounting is a relatively new term in Vietnam but it has been studied since the 1970s and applied since the 2000s in the world. In the context of Vietnam’s international integration process, more and more Vietnamese enterprises are aware of their social responsibilities, and some large corporations have fullfilled their social responsibilities and used social responsibility accounting tools to measure their activities. This paper presents experiences of Japanese businesses in applying social responsibility accounting and points out lessons learnt for Vietnamese businesses.
Keywords: social responsibility accounting, enterprises, environment.
[Tạp chí Công Thương - Các kết quả nghiên cứu khoa học và ứng dụng công nghệ, Số 8 tháng 4 năm 2023]