Kinh nghiệm hợp tác giữa trường đại học và doanh nghiệp tại Nhật Bản

ThS. NGUYỄN HỒ PHƯƠNG NHẬT (Giảng viên - Phân hiệu Trường ĐH Nội vụ Hà Nội tại tỉnh Quảng Nam)

TÓM TẮT:

Trường đại học (ĐH) trong thời đại hội nhập có vai trò quan trọng thúc đẩy đổi mới sáng tạo, cải tiến và chuyển giao công nghệ, đào tạo nguồn nhân lực chất lượng phù hợp với yêu cầu xã hội, góp phần năng cao lực cạnh tranh và phát triển kinh tế quốc gia. Hợp tác giữa Trường ĐH và doanh nghiệp (DN) là một chính sách được các nước phát triển trên thế giới khuyến khích và áp dụng thành công để hoàn thành vai trò đó. Thông qua việc tìm hiểu lý thuyết và kinh nghiệm thực hiện hợp tác giữa Trường ĐH và DN ở Nhật Bản, bài viết đưa ra một số gợi ý cho các trường ĐH ở Việt Nam.

Từ khóa: trường đại học, doanh nghiệp, hợp tác, Nhật Bản.

1. Đặt vấn đề

Ngày nay, DN chịu áp lực thay đổi công nghệ nhanh chóng, cạnh tranh gay gắt trên nhiều phương diện và đặc biệt thiếu nguồn nhân lực chất lượng. Trường ĐH cũng đối mặt với thách thức về chi phí gia tăng, tìm kiếm tài trợ và mối quan hệ, gia tăng kiến thức mới, đào tạo nhân lực chất lượng và đáp ứng nghĩa vụ xã hội lớn hơn (gọi là “sứ mệnh thứ 3” - gồm ít nhất 3 hướng: hỗ trợ xã hội phi lợi nhuận, định hướng DN và sáng tạo) ngoài 2 sứ mệnh truyền thống là giáo dục và nghiên cứu [5]. Hơn nữa, năng lực sản xuất của cải của một quốc gia ngày càng phụ thuộc vào sự đầu tư  củng cố tam giác tri thức: nghiên cứu, giáo dục và đổi mới. Vì vậy, chính phủ các nước ngày càng công nhận tầm quan trọng và tác động tích cực của sự hợp tác giữa trường ĐH và DN trong việc giải quyết các thách thức trên. Tại Việt Nam, hoạt động hợp tác mang tính tự phát và ngắn hạn, chủ yếu là nhận tài trợ từ DN, cung ứng lao động cho DN, hạn chế về hợp tác nghiên cứu khoa học chung và chuyển giao phát minh/công nghệ. Rào cản chính là sự bất cập về cơ chế, thủ tục hành chính phức tạp, hạn chế về nguồn lực kinh phí và nhân lực, nhận thức và động lực hợp tác chưa mạnh [9]. Việt Nam đứng thứ 62/137 về hợp tác trường ĐH - DN trong lĩnh vực nghiên cứu và phát triển năm 2017 [10], và thứ 72/141 về hoạt động nghiên cứu và phát triển năm 2019, trong khi Nhật Bản đứng thứ nhất (#1) [11]. Vì vậy, việc tìm hiểu kinh nghiệm hợp tác giữa trường ĐH và DN tại Nhật Bản để áp dụng tại các trường ĐH ở Việt Nam là điều cần thiết.

2. Lý thuyết về hợp tác giữa trường ĐH và DN

Thuật ngữ “Hợp tác giữa trường ĐH và DN” trong tiếng Anh là “University-Industry Collaboration” (UIC), là sự tương tác giữa bất kỳ bộ phận nào của hệ thống giáo dục ĐH và các DN trong ngành, nhằm mục đích khuyến khích trao đổi chuyển giao kiến ​​thức, công nghệ và nhân lực [1]. UIC dù có nguồn gốc từ lâu, nhưng phải đến những năm 1970, giới học thuật mới chú ý và nghiên cứu nhiều hơn, tiêu biểu như Mô hình Chuỗi Xoắn Ba gồm 3 mô hình về quan hệ giữa 3 bên liên quan: ĐH, DN và chính phủ [2]; hoặc mô hình 14 yếu tố đảm bảo thành công của UIC [1]. Các hình thức UIC đa dạng từ đơn giản như tạo cơ hội việc làm/thực tập cho sinh viên, hội thảo và tọa đàm, phát triển chương trình đào tạo, hỗ trợ kinh phí đến các hình thức mang tính chuyên sâu, chiến lược hơn, như dự án nghiên cứu chung, di chuyển nhân sự của cả hai bên, thương mại hóa kết quả, sử dụng cơ sở vật chất của hai bên, công ty khởi nghiệp, công viên công nghệ, trung tâm nghiên cứu hợp tác ngành nghề.

Đây là mối quan hệ win - win. DN được lợi từ việc thu hút và tuyển dụng nhân lực được đào tạo chuyên môn, sáng tạo sản phẩm mới, nâng cao hiệu quả quản lý điều hành, phát triển công nghệ, nâng cao thương hiệu và uy tín. Trường ĐH có lợi ích kinh tế như doanh thu từ giấy phép/bằng sáng chế, tài trợ nghiên cứu và cơ hội kinh doanh cũng như lợi ích về thể chế, cơ hội tiếp cận thực tiễn/ý tưởng mới và thiết bị hiện đại, kích thích nghiên cứu, cơ hội đào tạo/việc làm cho sinh viên, xây dựng uy tín và niềm tin cho giới học thuật, kích thích phát triển công ty khởi nghiệp, xuất bản bài nghiên cứu riêng hoặc chung với ngành [5]. Hơn nữa, nghiên cứu về UIC của các nước OECD và Trung Quốc khẳng định hoạt động công nghiệp chuyên sâu xảy ra trong khoảng cách 30km từ trường ĐH/viện nghiên cứu thể hiện khoảng cách gần các trường ĐH có tác động tích cực tới sự nghiên cứu và phát triển của DN địa phương; đặc biệt trong lĩnh vực công nghệ sinh học, máy móc ôtô [7].

3. Kinh nghiệm UIC ở nước Nhật Bản

3.1. Lịch sử phát triển UIC

UIC ở Nhật Bản có lịch sử hơn 100 năm, ở nhiều hình thức khác nhau, cả chính thức và không chính thức, nhưng đến những năm 2000, thuật ngữ UIC mới thông dụng. Nhìn chung, UIC tại Nhật Bản phát triển qua 3 giai đoạn:

- Giai đoạn 1 là trước năm 1998 (đặc biệt từ năm 1983, khi Đạo luật Tecnhnopolis được ban hành, cho phép các trường ĐH quốc gia và viện nghiên cứu công lập có thể công khai nhận tài trợ và nghiên cứu chung với các nhà nghiên cứu của DN). UIC được thể hiện qua các mối quan hệ không chính thức và ‘giữa các cá nhân’ của các giảng viên với các nhà nghiên cứu của công ty, với mục tiêu chính là tuyển dụng sinh viên và tư vấn công nghệ [8]. Loại tài trợ phổ biến nhất là hình thức học bổng từ DN.

- Giai đoạn 2 là sau năm 1998, đạt đỉnh điểm năm 2003, do ảnh hưởng tích cực từ chính sách pháp luật của Chính phủ, như: Luật Khuyến khích chuyển giao Công nghệ (gồm quy định thành lập Tổ chức Cấp phép Công nghệ tại Trường) năm 1998 [11]; Luật Bayh-Dole phiên bản Nhật Bản năm 1999 (giống của nước Mỹ) trao quyền sở hữu cho các nhà nghiên cứu, trường ĐH và tổ chức nghiên cứu, thúc đẩy chuyển giao công nghệ cho ngành công nghiệp để thương mại hóa; Luật “Tăng cường công nghệ công nghiệp” năm 2000 cho phép các giảng viên/các nhà nghiên cứu đảm nhận vị trí quản lý trong công ty, có thể nghỉ làm tại trường tới 3 năm để hoàn thiện các phát minh; Kế hoạch Hiranuma năm 2001 khuyến khích các trường ĐH thành lập các liên doanh kinh doanh để thương mại hóa kết quả nghiên cứu; các chính sách ưu tiên miễn giảm thuế và lãi suất thấp dành riêng cho các DN có dự án UIC, đặc biệt “Thuế Thiên thần” cho phép thời gian chuyển tiếp 3 năm đối với các khoản lỗ do đầu tư vào các DN mạo hiểm từ UIC. Tuy nhiên, các hoạt động UIC vẫn còn ngắn hạn, có giá trị thấp và quy mô nhỏ.

- Giai đoạn 3 bắt đầu sau năm 2007 và đạt đỉnh điểm sau năm 2010, do tác động bước ngoặt về cơ chế của Luật Công ty ĐH Quốc gia năm 2004 thay đổi cơ cấu trường ĐH quốc gia thành các tập đoàn và tư nhân hóa một phần hệ thống ĐH quốc gia; Chiến lược “Đổi mới 25” năm 2007 gồm chính sách tập trung vào cải cách trường ĐH, khuyến khích đổi mới dịch vụ, cơ sở hạ tầng và khởi nghiệp [8]; Chương trình Nâng cao sự phát triển của doanh nhân Toàn cầu và Luật Nâng cao năng lực cạnh tranh công nghiệp có hiệu lực năm 2014 giúp các trường ĐH có thể thành lập hoặc tài trợ Quỹ Đầu tư mạo hiểm; Kế hoạch Cơ bản về Khoa học và Công nghệ (5 năm/1 lần) thúc đẩy một “xã hội siêu thông minh”. UIC giai đoạn này mang tính chiến lược dài hạn hơn (10 năm), phù hợp với các dự án nghiên cứu chuyên sâu trong ngành dược, y, công nghệ sinh học,… cũng như có hình thức đa dạng hơn, như: (1) Nghiên cứu và phát triển; (2) Tư vấn và hướng dẫn công nghệ; (3) Trao đổi nhân lực từ cả 2 phía; (4) Đăng ký sở hữu trí tuệ (chuyển giao sở hữu trí tuệ từ trường ĐH sang DN); (5) Liên doanh kinh doanh.

UIC tại Nhật Bản đạt thành công nhất định như hơn 150 công ty học thuật thành lập mỗi năm từ năm 2000 và 1.773 DN hoạt động vào năm 2015 [12]; 23 vườn ươm doanh nhân năm 2004. Năng lực kinh doanh của các trường ĐH Nhật Bản được cải thiện ở mọi khía cạnh và thu nhập từ sở hữu trí tuệ cũng tăng lên. Năm 2015, Nhật Bản có số lượng nhà nghiên cứu trung bình trong 1 triệu người dân cao nhất thế giới (5.231 người), cao hơn Mỹ (4.232 người) [6]. Năm 2019, Nhật Bản đứng thứ 9 trong Top những quốc gia có nền kinh tế sáng tạo nhất thế giới [14]; đứng thứ 5 trong danh sách đất nước có Top 100 Trường ĐH Sáng tạo nhất thế giới, gồm 6 Trường ĐH: Tokyo (#26),  Osaka (#35), Kyoto (#43), Kyushu (#57), Tohoku (# 61), Viện Kỹ thuật Tokyo (# 74) [17].

3.2. Kinh nghiệm UIC của các trường ĐH ở Nhật Bản

3.2.1. Trường ĐH Toyko

ĐH Tokyo (ĐH Tokyo) là trường ĐH quốc gia đầu tiên tại Nhật Bản, thành lập năm 1877, hiện là trường nghiên cứu lớn nhất có 10 trường ĐH, 15 trường sau ĐH, 11 viện nghiên cứu trực thuộc và 21 trung tâm nghiên cứu và dịch vụ tại 5 khu vực [5]. ĐH Tokyo đứng đầu trong tất cả các hoạt động chính của UIC tại Nhật Bản như cấp phép bằng sáng chế, nghiên cứu hợp tác, nghiên cứu theo hợp đồng và công ty khởi nghiệp.

Năm 2004, ĐH Tokyo thành lập Đơn vị Quan hệ ĐH - DN, tạo điều kiện tiếp cận trực tiếp và xây dựng mạng lưới liên kết giữa các giảng viên ĐH và các đối tác công nghiệp [12], gồm 3 phòng: (1) Phát triển Nghiên cứu UIC (thông tin nghiên cứu); (2) Sở hữu Trí tuệ (giấy phép và bằng sáng chế); (3) Ươm tạo DN (thương mại hóa). Đơn vị này quản lý nhiều chương trình, như: Nghiên cứu hợp tác mới/ uỷ thác (mỗi năm hơn 3.000 chủ đề); Chương trình Proprius 21; Đề xuất Quan hệ DN - hiện tại phổ biến khoảng 1.600 đề xuất nghiên cứu tích lũy trên web Trường, là cơ sở dữ liệu lớn nhất về loại này ở Nhật Bản; Hiệp hội Hội chợ thương mại; Diễn đàn Trao đổi Khoa học và Công nghệ; Chương trình Trung tâm Đổi mới - Hỗ trợ nghiên cứu và phát triển có thách thức và rủi ro cao (lên đến 9 năm); Chương trình Đào tạo Thành viên liên lạc công nghệ dành cho nhân viên chính quyền địa phương Nhật Bản; Mạng lưới quan hệ DN; Chương trình Giáo dục ĐH Boeing (của Mỹ) [13]. Chương trình Proprius 21 được chú ý nhiều nhất, là sự thành công của UIC với các hợp tác nghiên cứu có giá trị từ 30,000 USD đến 3 triệu USD, với các DN như Điện tử Mitsubishi, Panasonic, Hiệp hội Khí tự nhiên Nhật Bản, Hội đồng Khí tự nhiên Keiyo, Hitachi, IBM Nhật Bản từ năm 2006-2008 [4].

Tổng số nghiên cứu hợp tác UIC tại Trường tăng gấp 2 lần từ 543 (năm 2003) lên 1.008 (năm 2007). Tổng doanh thu của nghiên cứu hợp tác tăng gần gấp 2 lần từ 25,7 triệu USD (năm 2003) lên 45,5 triệu USD (năm 2007). Số lượng giảng viên tham gia tăng từ 178 (năm 2003) lên 427 (năm 2007) và số lượng nghiên cứu hợp tác tăng từ 217 (năm 2003) lên 433 (năm 2007). DN học thuật tích lũy từ 41 (năm 2005) tăng thành 107 (đứng đầu Nhật Bản năm 2007) và thành 189 (năm 2015) - chiếm 10,6% tổng số DN học thuật Nhật Bản, và có tỷ lệ cao so với tỷ lệ giảng viên (1,3%) và sinh viên sau ĐH (7,9%) của Trường [12].

3.2.2. ĐH Kyoto

          ĐH Kyoto (ĐHK) là Trường ĐH hoàng gia thứ 2 được thành lập năm 1897 và đổi tên thành ĐHK năm 1947 [3], có 18 trường nhỏ bao gồm 10 khoa, 14 viện nghiên cứu và 17 trung tâm giáo dục và nghiên cứu. Tại ĐHK, Văn phòng hợp tác Học thuật - Xã hội cho Đổi mới chịu trách nhiệm về hoạt động UIC của toàn trường, với 3 vai trò chính: phê duyệt nghiên cứu, quản lý quyền sở hữu trí tuệ và hỗ trợ mạo hiểm mới. Văn phòng này bao gồm 3 ban: Liên hệ công nghiệp, Sở hữu trí tuệ và cấp phép, và Vấn đề pháp lý; thành lập công ty đầu tư mạo hiểm - Quỹ Đổi mới ĐHK vào tháng 12/2004. Ngoài ra, còn có văn phòng phụ trách UIC tại các khoa, trường và viện, như: Văn phòng liên lạc Khoa học Y tế và Kinh doanh của ĐHK tại Khoa Y, khoa Sau ĐH, Phòng Liên minh nghiên cứu tại Bệnh viện ĐHK, Văn phòng Sở hữu trí tuệ tại Trung tâm Nghiên cứu và Ứng dụng Tế bào iPS, v.v… Các văn phòng có mối liên hệ chặt chẽ với Văn phòng hợp tác Học thuật - Xã hội cho đổi mới thông qua việc chia sẻ thông tin về quyền sở hữu trí tuệ, pháp luật và hợp tác công nghiệp trong từng lĩnh vực.

ĐHK cũng ký hợp đồng với 2 Văn phòng chuyển giao công nghệ và thành lập Văn phòng Liên lạc Khoa học và Kinh doanh của Hiệp hội Cựu sinh viên Sirankai. ĐHK cung cấp hỗ trợ kinh doanh mạo hiểm nhằm thúc đẩy tài trợ thông qua việc liên kết Quỹ đổi mới ĐHK và 2 Quỹ đầu tư mạo hiểm của ĐHK. Đến tháng 9/2014, có 19 công ty mạo hiểm được hỗ trợ bởi 2 Quỹ đầu tư mạo hiểm của ĐHK. ĐHK cũng giới thiệu rộng rãi các bằng sáng chế cho các công ty, học viện và trường ĐH trên web. Mỗi năm, ĐHK có khoảng 420 sáng chế và khoảng 250 đơn đăng ký bằng sáng chế.

3.2.3. ĐH Tohoku

ĐH Tohoku (ĐHT) là Trường ĐH hoàng gia thứ 3 tại Nhật Bản, được thành lập năm 1907 [8]. ĐHT thành lập Viện nghiên cứu Nguyên liệu năm 1915 và Viện nghiên cứu Giao tiếp Điện tử năm 1935, có nhiều nghiên cứu được cấp bằng sáng chế và thương mại hóa. Những nghiên cứu này góp phần đáng kể vào sự phát triển công nghiệp vật liệu và điện tử, lan tỏa đến địa phương và dẫn đến sự hình thành các DN như Dao Tokyo (1921), DN hợp tác Trách nhiệm hữu hạn Dây Nhiệt Nhật Bản (1926), Công nghiệp kim loại Tohoku (1933) và Thép Tohoku (1937).

ĐHT lần lượt thành lập Hiệp hội Xúc tiến Nghiên cứu Chất bán dẫn để thúc đẩy bằng sáng chế chung năm 1961, Tổ chức Sáng tạo Công nghiệp Mới và Công ty TNHH Tohoky Technoarch (cấp bằng sáng chế) năm 1998, Cơ sở Miễn phí Biến động cho ngành Công nghiệp thông tin mới năm 2000 (nghiên cứu theo định hướng công nghiệp), Vườn ươm Hatchery Square năm 2002 và Văn phòng Xúc tiến Nghiên cứu và Sở hữu trí tuệ. Trong khuôn khổ các hợp tác do chính phủ lãnh đạo, số lượng các dự án nghiên cứu hợp tác giữa ĐHT và các công ty trên khắp Nhật Bản đã tăng lên đáng kể từ cuối những năm 1990 và gần như tăng gấp 2 lần từ năm 1998 đến năm 2002. ĐHT đứng trong số 5 trường ĐH hàng đầu ở Nhật Bản về số lượng các công ty học thuật.

3.2.4. ĐH Osaka  

ĐH Osaka (ĐHO) thành lập năm 1931, là trường ĐH quốc gia thứ 6 của Nhật Bản, có 11 trường đào tạo ĐH, 16 trường sau ĐH, 27 trung tâm và viện nghiên cứu và 2 bệnh viện ĐH, và là một trong những trường ĐH tổng hợp xuất sắc của Nhật Bản [16]. Văn phòng UIC đầu tiên của ĐHO thành lập năm 1995 chỉ có một giáo sư và một phó giáo sư [11]. Tháng 4/2017, đổi tên thành Văn phòng Đồng Sáng tạo ĐH - Công nghiệp, gồm 4 bộ phận: (1) Đồng Sáng tạo - điều phối nghiên cứu do chính phủ tài trợ và nghiên cứu chung/ủy quyền với các đối tác trong ngành trong khuôn viên trường; (2) Chuyển giao Công nghệ - điều phối các tài sản trí tuệ; (3) Giáo dục Đồng sáng tạo - phát triển nguồn nhân lực với các kỹ năng phù hợp thông qua các Tổ chức Nghiên cứu Chung và Phòng thí nghiệm Liên minh Nghiên cứu; (4) Ươm tạo DN - sử dụng các dự án do chính phủ tài trợ để tạo ra một hệ sinh thái đổi mới. Nhãn hiệu của ĐHO là “Công nghiệp trong Trường học” được triển khai thông qua một loạt các hoạt động khác nhau. Trường có 6 Hệ thống ghế nghiên cứu chung, 6 Phòng thí nghiệm Nghiên cứu Liên Minh trong Tòa nhà TechnoAlliance. Đáng chú ý, chương trình Thương mại hóa và Doanh nhân Công nghệ toàn cầu (G-TEC) từ năm 2011 đến năm 2016 là một điển hình của UIC trong lĩnh vực giáo dục khởi nghiệp, là một chương trình ngắn hạn gồm 20 người, trong 2 tuần, với học phí khoảng 2.500 USD, 44% là sinh viên/giảng viên và 56% là học viên từ ngành. Hơn 60% của chương trình học về kế hoạch đánh giá và thương mại hóa. Điều hành viên chương trình G-TEC bao gồm 3 giảng viên ĐH và 2 nhân viên từ DN. Ngoài ra, ĐHO thành lập Công ty TNHH Vốn đầu tư mạo hiểm ĐHO vào tháng 12/2014, với vốn đầu tư 10 tỷ Yên từ Chính phủ, ký Hợp đồng nghiên cứu chung (trị giá 10 tỷ Yên trong 10 năm) vào tháng 5/2016 với Công ty Dược phẩm Chugai [15].

Các hoạt động UIC của ĐHO đã rất thành công cho giai đoạn 2002-2015 như số lượng hợp đồng nghiên cứu chung tăng gần 4 lần, đạt 993 năm 2015 với thu nhập tạo ra tăng gấp 3 lần, đạt 35,7 triệu USD năm 2015; Số lượng hợp đồng nghiên cứu được ủy thác tăng gần gấp 3 lần, từ 388 năm 2002 lên 950 năm 2015 và thu nhập tạo ra cũng tăng gấp 3 lần, đạt 154,4 triệu USD năm 2015 [8]. Tài trợ nghiên cứu tăng dần và mang lại thu nhập lên tới 47,8 triệu USD năm 2015. Số lượng phát minh mới là 354 (năm 2015). Số lượng giấy phép được cấp từ 0 (năm 2002) lên 89 (năm 2015), thu nhập từ giấy phép là 1,2 triệu USD.

4. Bài học cho các trường ĐH ở Việt Nam

Từ khung lý thuyết và kinh nghiệm phát triển UIC của các trường ĐH tại Nhật Bản, một số đề xuất đối với các Trường ĐH tại Việt Nam gồm:

- Thay đổi nhận thức về UIC của ban lãnh đạo, các khoa chuyên môn và sinh viên để có tầm nhìn, động lực, định hướng và cam kết thực hiện UIC;

- Có kế hoạch chiến lược thúc đẩy UIC, truyền đạt rõ ràng cho toàn tổ chức. Tham khảo và xác định rõ mô hình UIC muốn theo đuổi (nên hướng tới mô hình thứ 3);

- Thành lập một đơn vị riêng biệt chịu trách nhiệm chính về hoạt động UIC, đồng thời phát triển một hệ thống sinh thái cho toàn cơ sở, gồm cơ sở vật chất, phòng thí nghiệm liên minh, vườn ươm công nghệ, công ty học thuật…;

- Đa dạng hình thức UIC và mang tính chiến lược dài hạn, như: (1) Nghiên cứu và phát triển các dự án chung, tài trợ từ các DN và tổ chức các hội thảo trao đổi chia sẻ kiến thức; (2) Phát triển các chương trình tư vấn/hướng dẫn chuyên môn nghiệp vụ cho DN, khuyến khích DN tư vấn xây dựng chương trình đào tạo, đào tạo khởi nghiệp (giống G-TEC); (3) Trao đổi nhân lực như cho phép giảng viên tham gia vận hành công ty, yêu cầu sinh viên tham gia các khóa thực tập dài hạn hơn tại DN, và cho phép chuyên gia trong ngành tham gia giảng dạy, thẩm định khóa luận, luận văn, luận án và quản lý hội đồng trường; (4) Tăng cường đăng ký sở hữu trí tuệ để làm chủ các phát minh, kết quả nghiên cứu; (5) Thành lập các công ty riêng để phát triển và thương mại hóa kết quả nghiên cứu;

- Xây dựng mạng lưới cựu sinh viên, đặc biệt là những cựu sinh viên là doanh nhân/đảm nhận các vị trí quản lý trong công ty;

- Có cơ chế chính sách hỗ trợ, thúc đẩy UIC cùng các hướng dẫn và thủ tục hành chính đơn giản, như bắt buộc hàng năm tổ chức các hoạt động thực tập, tham quan DN, tham gia các chương trình nghiên cứu, đào tạo bồi dưỡng ngắn hạn trong lĩnh vực chuyên môn; trao quyền nhiều hơn cho các Khoa chuyên môn và giảng viên; cho phép giảng viên nghỉ phép thời gian dài để nghiên cứu hoặc phát triển sản phẩm thương mại hóa; đổi mới chính sách đánh giá thực hiện công việc, khen thưởng, đãi ngộ và thăng tiến của giảng viên theo tiêu chí tham gia vào UIC.

 

TÀI LIỆU THAM KHẢO:

 1. Awashthy, Richa. (2020). A framework to improve university–industry collaboration. Journal of Industry-University Collaboration, 2(2), 49-62.

  1. Etzkowitz, H. & Leydesdorff, L. (2000). The dynamics of innovation: From National Systems and “Mode 2” to a Triple Helix of university-industry-government relations. Research Policy, 29(2), 109-123.
  2. Jiang, Juan, Harayama, Yuko & Abe, Shiro. (2007). University-Industry Links in the Japanese Context: Between Policies and Practice. USA: World Bank.
  3. Lee, Kyoung-Joo, Ohta, Tomohiro & Kakehi, Kazuhiko. (2010). Formal boundary spanning by industry liaison offices and the changing pattern of university–industry cooperative research: The case of the University of Tokyo. Technology Analysis & Strategic Management, 22 (2), 189-206.
  4. Mgonja, Christopher T. (2017). Enhancing the University - Industry Collaboration in Developing Countries through Best Practices. International Journal of Engineering Trends and Technology, 50 (4), 216-225.
  5. Borowiecki, M. and C.Paunov. (2018). How is research policy across the OECD organised? Insights from a new policy database. Paris: OECD publishing, Paris.
  6. OECD. (2019). University-Industry colloboration: New evidence and policy options. Paris: OECD publishing.
  7. Ranga, Marina, Mroczkowski, Tomasz & Araiso, Tsunehisa. (2017). University–industry cooperation and the transition to innovation ecosystems in Japan. Industry and Higher Education, 31(6), 373-387.
  8. Phạm Hồng Trang. (2017). Liên kết giữa trường đai học với viện nghiên cứu và doanh nghiệp trong hoạt động khoa học và công nghệ. Tạp chí Chính sách và Quản lý Khoa học và Công nghệ, 6 (1).
  9. Klaus Schwab. (2017).The Global Competitiveness Report 2017-2018, World Economic Forum, Geneva. Retrived from: http://www3.weforum.org/docs/GCR2017-2018/05FullReport/TheGlobalCompetitivenessReport2017%E2%80%932018.pdf.
  10. Klaus Schwab, (2019). The Global Competitiveness Report 2019, World Economic Forum, Geneva. Retrieved from:http://www3.weforum.org/docs/WEF_TheGlobalCompetitivenessReport2019.pdf.
  11. Yoshioka-Kobayashi, Tohru (2019). Institutional Factors for academic entrepreneurship in Publicly owned Universities in Japan. Science, Technology & Society, 1 (23).
  12. Đại học Tokyo. <https://www.ducr.u-tokyo.ac.jp/en/activity/research/index.html>.
  13. Gemma Conroy. (2019). This graphic reveals the most innovative countries for 2019. Retrived from: https://www.natureindex.com/news-blog/data-visualization-graphic-reveals-most-innovative-countries-twenty-nineteen>.
  14. Ichiko Fuyuno. (2017). In Japan corporates make reluctant partners. Retrived from: <https://www.natureindex.com/news-blog/in-japan-corporates-make-reluctant-partners>.
  15. Đại học Osaka. <https://www.osaka-u.ac.jp/en>.
  16. David M.Ewalt. (2019). The world’s most innovative universities 2019. Retrived from: <https://www.reuters.com/innovative-universities-2019>

 

 

EXPERIENCE IN DEVELOPING THE COOPERATION

BETWEEN UNIVERSITIES AND ENTERPRISES IN JAPAN

Master. NGUYEN HO PHUONG NHAT

Lecturer, Hanoi University Of Home Affairs - Quang Nam Province Campus

ABSTRACT:

In the context of Vietnam’s international integration process, universities play an important role in promoting innovation, improving and transferring technologies, training high-quality human resources to meet social development requirements and support the national economic development. Developing cooperation between universities and businesses is a policy which has been successfully applied by developed countries in the world to fulfill the above-mentioned roles of universities. By studying theories and experience in developing the cooperation between universities and enterprises in Japan, this paper presents some suggestions for Vietnam’s universities.

Keywords: university, enterprise, cooperation, Japan.

[Tạp chí Công Thương - Các kết quả nghiên cứu khoa học và ứng dụng công nghệ, 

Số 11, tháng 5 năm 2021]