Tóm tắt:
Công viên khoa học chủ yếu chú trọng đến việc ứng dụng khoa học và kỹ thuật để phát triển các sản phẩm và quy trình mới với tiềm năng thương mại. Công viên khoa học được nhiều quốc gia coi đây là một trong những chiến lược trọng tâm nhằm thúc đẩy đổi mới sáng tạo, giúp đẩy nhanh tiến trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa và hướng đến phát triển bền vững đất nước. Tuy nhiên, thực tế hình thành và phát triển các công viên khoa học trên thế giới thời gian qua cho thấy, tỷ lệ công viên khoa học được đánh giá là thành công, đáp ứng mục tiêu, kỳ vọng đặt ra còn rất khiêm tốn. Bài viết sẽ tập trung xem xét những các điều kiện tạo nên sự thành công của một công viên khoa học từ tổng hợp kinh nghiệm của một số quốc gia trên thế giới, từ đó đưa ra một số gợi ý cho Việt Nam.
Từ khóa: công viên khoa học, đổi mới sáng tạo, nghiên cứu và phát triển.
1. Đặt vấn đề
Câu chuyện thành công của Thung lũng Silicon (Mỹ) đã truyền cảm hứng cho sự phát triển công viên khoa học trên toàn thế giới. Tiền thân là Công viên Khoa học Đại học Stanford, Thung lũng Silicon được thành lập từ năm 1950; tiếp đến là Công viên Sophia Antipolis (Pháp) được thành lập vào những năm 1960 và Thành phố Khoa học Tsukuba (Nhật Bản) vào đầu những năm 1970 (ESCAP, 2019) - Bộ ba này đại diện cho các công viên khoa học lâu đời nhất thế giới ở mỗi châu lục. Sau đó, từ những năm 1980 đến nay, số lượng công viên khoa học ngày càng tăng và phần lớn các khu công viên khoa học đều tập trung ở các nền kinh tế phát triển.
Khi các nền kinh tế đang phát triển cố gắng thu hẹp khoảng cách công nghệ với các nước phát triển, các Chính phủ đang ngày càng chuyển sang sử dụng công viên khoa học như một phần trong chiến lược phát triển kinh tế nói chung và chiến lược phát triển công nghiệp nói riêng của quốc gia mình. Tuy nhiên, thực tiễn phát triển công viên khoa học thời gian qua ở nhiều nước cho thấy phần lớn các công viên không có tác động đáng kể tích cực nào đến nền kinh tế trong vòng 12 năm, thậm chí 20 năm sau khi thành lập (Firas Thlji, 2005). Nhiều công viên khoa học đã không thể phát triển như mục tiêu ban đầu đề ra, thậm chí ở các nước có nền kinh tế phát triển, chỉ có 25% trong tổng số công viên khoa học được đánh giá là hoạt động thành công (Tengfei Wang, 2019).
Vậy, để xây dựng và phát triển công viên khoa học thành công, cần chuẩn bị điều kiện tiền đề gì và Việt Nam cần chú ý những vấn đề gì để thúc đẩy phát triển các công viên này? Đây là điều cần thiết để chúng tôi nghiên cứu phân tích trong nội dung bài viết dưới đây.
2. Đặc điểm của công viên khoa học và công nghệ
Hiện nay, chưa có một định nghĩa chung, thống nhất về công viên khoa học do sự đa dạng về bản chất và chức năng của công viên, bởi từ sau những năm 1980, trên thế giới đã hình thành nhiều công viên/khu với tên gọi khác nhau, như: công viên nghiên cứu, công viên khoa học, công viên đổi mới, thành phố/đô thị công nghệ, trung tâm công nghệ và đổi mới,… Năm 2017, Hiệp hội Quốc tế về công viên khoa học (the International Association of Science Parks - IASP) đã đưa ra định nghĩa “Công viên khoa học là một tổ chức được quản lý bởi các chuyên gia có chuyên môn với mục đích chính là tăng cường sự giàu có cho cộng đồng bằng cách thúc đẩy văn hóa đổi mới sáng tạo và khả năng cạnh tranh của các doanh nghiệp và các tổ chức dựa vào tri thức”.
Những năm gần đây, Ngân hàng Thế giới (WB) và Hội nghị Liên Hợp quốc về Thương mại và Phát triển (UNCTAD) đã xếp công viên khoa học dưới tên gọi chung là khu kinh tế đặc biệt; và đưa ra nội hàm công viên khoa học được hiểu là khu vực hỗ trợ và thúc đẩy phát triển công nghệ thông qua nghiên cứu và thu hút các công ty dựa trên công nghệ. Theo nghiên cứu của ESCAP (2019), hiện nay, mô hình hoạt động của công viên khoa học khá đa dạng, trong đó có sự đa dạng về quy mô (diện tích), về vị trí thành lập, về chức năng hoạt động và về quyền sở hữu, quyền quản lý và đầu tư,... Trước tiên, mô hình phát triển công viên khoa học trên thế giới đang hoạt động theo 3 phương thức: (i) Tập trung vào nghiên cứu cơ bản (hay còn gọi là công viên khoa học đại học - University science park) như Silicon Valley và Cambridge; (ii) Tập trung nghiên cứu ứng dụng như ở Singapore; và (iii) Tập trung vào năng lực sản xuất như Hsinchu (ở Tân Trúc - Đài Loan - Trung Quốc).
Số liệu khảo sát công bố của Hiệp hội quốc tế về Công viên khoa học năm 2015 (Ekaterina S. Murzina, 2015) cũng đã chứng minh thêm cho những nhận định của ESCAP. Cụ thể là:
- Về diện tích các công viên khoa học: gần 45,4% trong tổng số công viên khoa học có diện tích dưới 20 ha (với ít hơn 100 công ty thường xuyên hoạt động trong khu công viên này); 21,8% có diện tích từ 20-60 ha; 7,6% có diện tích từ trên 60 ha đến 100 ha; và 25,2% có diện tích trên 100 ha (trong đó, chỉ có 3% số công viên khoa học có diện tích trên 100 ha có trên 1.000 công ty thường trú). Quy mô diện tích công viên khoa học đủ lớn sẽ tạo điều kiện thu hút được nhiều doanh nghiệp và tổ chức nghiên cứu; từ đó tạo ra nhiều cơ hội hơn để các chủ thể hoạt động trong công viên khoa học hợp tác với nhau. Kinh nghiệm thực tiễn cho thấy các tổ chức/công ty hoạt động trong công viên khoa học thường thích gặp gỡ, thảo luận các dự án ở trong các quán bar, nhà hàng,… đây là những địa điểm khuyến khích sự giao lưu, hợp tác xã hội. Tuy nhiên, diện tích lớn đòi hỏi nguồn lực đầu tư lớn; và chỉ có khoảng 21,8% tổng số công viên khoa học trên thế giới có hạ tầng phục vụ cho nhu cầu cư dân thuê.
- Về vị trí thành lập công viên khoa học: các công viên có thể nằm trong thành phố, khu vực đô thị hay ngoại thành nhưng phần lớn vẫn chủ yếu được đặt xung quanh các cơ sở khoa học (như: trung tâm nghiên cứu, trường đại học,...) hoặc/và nơi có tinh thần văn hóa doanh nhân, kết nối giao thông,… (Ekaterina S. Murzina, 2015).
- Về công nghệ: có khoảng gần một nửa (47,1%) số công viên khoa học trên thế giới không thể hiện rõ sự tập trung vào bất kỳ công nghệ chuyên biệt nào, mà chủ yếu là ứng dụng nhiều loại công nghệ, hay hình thành cụm khoa học chung. Hơn 1/3 số công viên khoa học (34,5%) có tập trung công nghệ chuyên biệt rõ ràng trong một hoặc nhiều lĩnh vực công nghệ cao. Khoảng 20% số công viên khoa học tập trung phát triển một hoặc một số loại hình công nghệ (cụm khoa học chuyên ngành). Bên cạnh đó, 91,6% tổng số công viên khoa học có vườn ươm doanh nghiệp và 80,7% có trung tâm nghiên cứu. Các tổ chức/doanh nghiệp trong công viên khoa học hoạt động dựa trên khoa học, công nghệ, tri thức, trong một số lĩnh vực như: thiết bị điện tử, viễn thông, công nghệ sinh học, AI, phần cứng, phần mềm và không gian vũ trụ, năng lượng, môi trường, sức khoẻ, dược phẩm,…
- Về quyền sở hữu và quản lý công viên khoa học: khảo sát của Hiệp hội quốc tế về Công viên khoa học (2015) đã chỉ ra có 3 hình thức đầu tư khu công viên khoa học, đó là: (i) Nhà nước trực tiếp đầu tư ban đầu để hình thành và phát triển công viên khoa học, sau đó quản lý và thu phí dịch vụ vận hành; (ii) Tư nhân đầu tư vì lợi nhuận, dựa trên kinh doanh bất động sản; và (iii) Nhà nước đầu tư vốn vào cơ sở hạ tầng và các hoạt động ban đầu (trong vòng từ 3 đến 5 năm), sau đó nhà đầu tư tư nhân sẽ tiếp quản và phát triển.
Cũng theo khảo sát của Hiệp hội quốc tế về Công viên khoa học, có tới 54,5% trong tổng số công viên khoa học do khu vực công đầu tư và vận hành; 29,4% do nhà nước (chủ yếu là chính quyền địa phương) và các viện nghiên cứu tư nhân cùng hợp tác, vận hành; 16% số công viên khoa học còn lại do khu vực tư nhân đầu tư và vận hành.
Bảng 1. Khái quát một số nét về một số công viên khoa học trên thế giới
Các thông tin |
Công viên nghiên cứu Stanford |
Công viên khoa học Cambrigde |
HongKong STP |
MANTAM |
Công viên Hsinchu |
Ví trí |
Palo Alto |
Cambridge |
Hong Kong |
Haifa Israel |
Taiwan |
Năm thành lập |
1951 |
1970 |
2001 |
1970 |
1985 |
Lĩnh vực tập trung |
AI, điện, công nghệ sinh học, không gian vũ trụ
|
viễn thông, điện tử, Công Nghệ Sinh Học |
Viễn thông tổng hợp, điện tử và công nghệ sinh học |
Viễn thông tổng hợp, điện tử và công nghệ sinh học |
Công nghệ sinh học, KH máy tính, thiết bị điện, CNTT, vật liệu, quang học |
Diện tích |
310 ha |
14,5 ha |
2,2 ha |
22 ha |
1.342 ha |
Thành phần |
95 doanh nghiệp nghiên cứu và dịch vụ |
66 doanh nghiệp |
Chỉ nghiên cứu |
Chỉ nghiên cứu |
530 DN nghiên cứu và dịch vụ |
Chủ quản |
Trường ĐH Stanford |
Các Tư vấn Cambridge |
Công ty quản lý chuyên biệt |
Công ty quản lý chuyên biệt |
|
Số trường, Viện NC |
4 |
2 |
6 |
3 |
4 |
Cơ sở hạ tầng |
3 sân bay + kết nối internet tốc độ cao |
Kết nối internet tốc độ cao, an toàn |
Kết nối internet tốc độ cao, an toàn |
Kết nối internet tốc độ cao, an toàn |
Kết nối internet tốc độ cao, an toàn |
Nguồn: Firas Thlji (2005)
3. Điều kiện để công viên khoa học hoạt động thành công
Không phải các công viên khoa học được thành lập và đang hoạt động ở các nước trên thế giới đều thành công một cách suôn sẻ. Các nghiên cứu của Sanni và cộng sự (2009), ESCAP (2019) và Jacques van Dinteren (2021) đã chỉ ra sự cần thiết phải duy trì một số điều kiện tiền đề để thúc đẩy công viên khoa học hoạt động hiệu quả và thành công.
Trước hết, vai trò của chính quyền các cấp, đặc biệt là chính quyền Trung ương và chính quyền các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương trong việc khởi xướng thành lập và tạo điều kiện cho công viên khoa học hoạt động hiệu quả rất lớn, thậm chí có ý nghĩa quyết định. Chính quyền Trung ương và địa phương thông qua ban hành các cơ chế, chính sách đặc biệt để khuyến khích, thu hút các nhà đầu tư có tiềm lực công nghệ đầu tư và hoạt động trong công viên khoa học. Đặc biệt, các chính sách phát triển công viên khoa học cần được lồng ghép trong các chính sách đổi mới sáng tạo của quốc gia. Một số các cơ chế, chính sách được vận dụng chủ yếu bao gồm: thuận lợi hó về thủ tục và chi phí đăng ký thành lập doanh nghiệp; có cơ chế tài trợ linh hoạt (quỹ đầu tư mạo hiểm, các chương trình bảo lãnh khoản vay, ưu đãi thuế cho nghiên cứu và các nghiên cứu hợp tác giữa trường/viện nghiên cứu và doanh nghiệp, có hệ thống pháp luật bảo vệ quyền kinh doanh và sở hữu trí tuệ, cung cấp cơ sở vật chất giá rẻ, ưu đãi thuế: thu nhập cá nhân, xuất nhập khẩu,…).
Các cơ chế, chính sách được thiết kế ở một số nước cũng đặc biệt chú ý tới vấn đề lựa chọn các nhà đầu tư đầu tư vào công viên khoa học. Để được cấp phép đầu tư trong công viên khoa học đòi hỏi nhà đầu tư phải tuân thủ, đáp ứng các tiêu chuẩn một cách nghiêm ngặt. Trong các chính sách lựa chọn nhà đầu tư, yêu cầu về “tập trung vào đổi mới” được cho là phổ biến nhất, tiếp đó là yêu cầu về “tập trung vào công nghệ”. Trong giai đoạn đầu thành lập công viên khoa học, việc thu hút được một nhà đầu tư chiến lược (mỏ neo) có tác động rất tích cực đến thu hút các nhà đầu tư khác, đặc biệt là trong lĩnh vực: tư vấn, nhà cung cấp dịch vụ (kỹ thuật) chuyên biệt khác. Các doanh nghiệp, tổ chức hoạt động trong công viên khoa học chủ yếu về nghiên cứu và phát triển, kinh doanh công nghệ, các công ty tư vấn và dịch vụ, các tổ chức tài chính và một số cơ quan Chính phủ có liên quan.
Thứ hai, có cơ sở hạ tầng được đầu tư đồng bộ và hiện đại, đặc biệt là hạ tầng thông tin liên lạc hiện đại nhất, năng lượng được đảm bảo cung cấp dồi dào để đảm bảo vận hành các trung tâm dữ liệu lớn. Việc tiếp cận các cơ sở hạ tầng, các khu chức năng trong công viên khoa học cũng như tiếp cận công viên khoa học với bên ngoài cũng phải thuận lợi. Vì vậy, đối với trường hợp công viên khoa học nằm ở ngoại ô thành phố thì việc cải thiện hạ tầng giao thông công cộng rất cần được chú trọng. Bên cạnh đó, công viên khoa học cần thiết kế không gian mở, bao gồm: (i) không gian nghiên cứu chuyên biệt (trung tâm nghiên cứu, vườn ươm với các thiết bị, phòng thí nghiệm,…); (ii) không gian trưng bày ý tưởng đổi mới sáng tạo và phát minh; (iii) không gian giáo dục: các khoá học đào tạo và hội thảo, hội nghị chia sẻ (Afnan và Ghada, 2021).
Bảng 2. Một số cơ sở hạ tầng và chức năng cơ bản trong khu công viên khoa học
|
Cơ sở vật chất |
Chức năng |
Cở sở vật chất hành chính và công cộng |
Toà nhà hành chính |
|
Trung tâm hội nghị và các phòng họp |
|
|
Hub, Văn phòng chuyển giao công nghệ |
Nơi tương tác giữa các chủ thể của Khu công viên khoa học |
|
Các gian hàng triển lãm |
Nơi giới thiệu sản phẩm, ý tưởng đổi mới sáng tạo và phát minh để thu hút nhà đầu tư, khách hàng |
|
Bảo tàng |
Trình diễn công nghệ đã được phát minh và truyền cảm hứng cho các nhà sáng tạo |
|
Trung tâm y tế |
|
|
Các văn phòng tài chính |
|
|
Các khách sạn |
Không phải là yêu cầu cơ bản |
|
Khu dân cư |
||
Cơ sở vật chất chuyên dụng và R&D |
Trung tâm R&D |
|
Phòng thí nghiệm[1] |
|
|
Trung tâm ươm tạo |
Nơi thúc đẩy việc thành lập và phát triển các khởi nghiệp công nghệ hứa hẹn/triển vọng |
|
Thư viện chuyên dụng |
|
|
Văn phòng và Xưởng |
|
|
Cơ sở vật chất phục vụ công nghiệp và hoạt động R&D tư nhân |
Tòa nhà đa chức năng |
Cho thuê văn phòng hoặc cả một sàn trong tòa nhà sau khi vượt qua giai đoạn ươm tạo |
Các tòa nhà hoặc đất sạch cho thuê |
Cho các công ty độc lập thuê toàn bộ tòa nhà hoặc các ô đất sạch |
|
Nhà xưởng sản xuất |
Phục vụ cho công nghiệp nhẹ |
|
Không gian mở |
Không gian xanh, thể thao, nhà hàng, nhà ở,... |
Phục vụ nhu cầu giải trí, thư giãn, sáng tạo cho người lớn và trẻ em |
Nguồn: Afnan và Ghada (2021)
Thứ ba, để vận hành công viên khoa học hoạt động hiệu quả, rất cần thành lập một bộ máy tổ chức quản lý, trong đó tập hợp các cán bộ có kỹ năng chuyên môn kinh doanh, tiếp thị, đàm phán, giao tiếp và thậm chí có chuyên môn nghiên cứu và triển khai (R&D). Tổ chức này có trách nhiệm quản lý hoạt động chung hàng ngày và phát triển hạ tầng trong công viên khoa học. Bên cạnh đó, tổ chức này có vai trò trung gian như một mạng lưới kết nối hiệu quả giữa doanh nghiệp và tổ chức đổi mới sáng tạo, hỗ trợ chuyển giao công nghệ và kỹ năng kinh doanh giữa trường đại học, viện nghiên cứu và nhà đầu tư công nghiệp.
Tổ chức này có thể là tổ chức phi lợi nhuận, tổ chức công hoặc công ty tư nhân, thường tổ chức thành một số phòng/ban như: bán hàng (trong đó có nhiệm vụ chính là quảng bá về ưu thế của khu công viên khoa học); tư pháp (các nội quy, quy định, tài liệu, các hợp đồng thuê, bán,…); xây dựng/kỹ thuật (thiết kế, tính toán chi phí,…), lập kế hoạch tài chính và kiểm soát (kế hoạch vay, ngân sách, phân tích thuế,…).
Thứ tư, bên cạnh các yếu tố nêu trên, việc thành lập công viên khoa học cũng rất cần chú ý tới những địa điểm phù hợp. Theo đó, công viên khoa học là nơi có sẵn hoặc kết nối gần với hệ thống cơ sở khoa học vững chắc (có các trường đại học, viện nghiên cứu,…), tồn tại văn hóa doanh nhân (đây là yếu tố rất quan trọng thúc đẩy khởi nghiệp), có một môi trường sống hấp dẫn, đáng sống,…
4. Kết luận và gợi ý đối với Việt Nam
Nghiên cứu đặc điểm và các điều kiện tiền đề góp phần tạo dựng một công viên khoa học hoạt động hiệu quả và phát triển bền vững, đòi hỏi Việt Nam cần xây dựng lộ trình, các bước đi cụ thể và đồng bộ, đặc biệt là chú ý một số vấn đề sau:
Thứ nhất, xây dựng Đề án thành lập công viên khoa học, trong đó xác định rõ tầm nhìn, sứ mệnh và nhiệm vụ của công viên này dựa trên nhu cầu thực tế và xu hướng phát triển trong tương lai. Đề án cũng đề xuất các định hướng, cơ chế, chính sách thuận lợi, mang tính cạnh tranh cao để công viên thực sự trở thành một địa điểm có sức hút đối với các nhà đầu tư công nghệ.
Bên cạnh việc đề xuất các cơ chế, chính sách có sức hấp dẫn nhà đầu tư, rất cần xây dựng quy chế, tiêu chuẩn lựa chọn các nhà đầu tư (tổ chức) hoạt động trong công viên khoa học. Việc cấp phép cho các tổ chức này cần phải nghiêm ngặt theo quy chế, tiêu chuẩn đề ra. Các tổ chức hoạt động trong công viên phải chủ yếu hoạt động liên quan đến đổi mới, sản xuất và nghiên cứu và phát triển các sản phẩm hoặc dịch vụ công nghệ cao.
Thứ hai, việc lựa chọn vị trí thành lập công viên khoa học cũng như việc bố trí quỹ sạch đầy đủ, đúng thời hạn cho việc xây dựng công viên là rất quan trọng, cần có sự chuẩn bị kỹ lưỡng. Đồng thời, cần xây dựng kế hoạch phát triển nguồn nhân lực tại chỗ đáp ứng nhu cầu của các nhà đầu tư trong trung hạn và dài hạn.
Thứ ba, nghiên cứu và thành lập một tổ chức quản lý chuyên nghiệp (chẳng hạn: ban quản lý công viên khoa học) với các chức năng quan trọng như: (i) lựa chọn, chuẩn bị, xây dựng, quản lý và phát triển mở rộng công viên khoa học; (ii) hỗ trợ/thúc đẩy việc chuyển giao công nghệ và kỹ năng kinh doanh giữa trường đại học, viện nghiên cứu và nhà đầu tư công nghiệp (thông qua tổ chức sự kiện định hướng kinh doanh, tham gia vào mạng lưới đổi mới khu vực và (liên) quốc gia,…); và (iii) điều tra thị trường sản phẩm công nghệ. Cơ cấu tổ chức của ban quản lý công viên khoa học bao gồm các phòng/ban chức năng cơ bản đã được đề cập ở nội dung trên. Tuy nhiên, ban quản lý có thể mời các chuyên gia từ trường đại học, viện nghiên cứu, doanh nghiệp để thành lập ội đồng với chức năng: (i) tham vấn các chính sách, các vấn đề lớn về quản lý và phát triển công viên khoa học; (ii) sắp xếp và xây dựng danh mục doanh nghiệp khoa học ưu tiên thu hút đầu tư;…
Ban quản lý công viên khoa học cũng cần nghiên cứu xây dựng trang web giới thiệu về công viên khoa học, đặc biệt tạo sàn “giao dịch dịch vụ” (dịch vụ hỗ trợ doanh nghiệp mới thành lập cũng như doanh nghiệp đang ở giai đoạn ươm tạo) có thể dễ dàng tiếp cận các dịch vụ cần thiết.
Cuối cùng, để hình thành và phát triển công viên khoa học, Việt Nam có thể áp dụng mô hình đối tác công tư (PPP). Theo đó, ban đầu Nhà nước đầu tư, dẫn dắt (bởi việc đầu tư xây dựng hạ tầng công viên khoa học ở nhiều trung tâm kinh tế, thành phố lớn ở Việt Nam hiện tại không phải lúc nào cũng hấp dẫn được nhà đầu tư). Sau đó, việc quản lý và phát triển công viên khoa học nên giao cho một tổ chức hoạt động theo mô hình doanh nghiệp thì sẽ mang lại hiệu quả hơn.
Tài liệu trích dẫn:
[1] Do luôn có sự thay đổi trong nghiên cứu nên các tòa nhà, phòng thí nghiệp cũng phải được thiết kế hợp lý để có thể thay đổi. Nhiều công ty nghiên cứu của tư nhân thực hiện những thay đổi về kiến trúc, bố cục phòng thí nghiệm của họ trung bình 25% mỗi năm. Hầu hết các tổ chức học thuật hàng năm thay đổi cách bố trí từ 5% đến 10% phòng thí nghiệm của họ.
Tài liệu tham khảo:
1. Afnan Tuama Almaamory and Ghada Al Slik 2021 “Science and Technology Park as an Urban Element Towards Society Scientific Innovation Evolution”. IOP Conference Series: Materials Science and Engineering.
2. Ekaterina S. Murzina (2015) “International Practice of Innovation Infrastructure Creation as a Mechanism for the Innovative Economy Development and the Improvement of Land Use Effectiveness”. Journal of Siberian Federal University. Humanities & Social Sciences 11 (2015 8) 2535-2544.
3. ESCAP (2019) “Establishing Science and Technology Parks: A Reference Guidebook for Policymakers in Asia and the Pacific”. ST/ESCAP/2826.
4. Firas ThIji (2005) “The planning and design of Science and Technology Parks”. (PDF) The Planning and Design of Science and Technology Parks (researchgate.net)
5. IASP (2017) “Definition - IASP Science Parks”. http://www.Iasp.Ws/Our-Industry/Definitions. http://www.iasp.ws/Our-industry/Definitions.
6. Jacques van Dinteren - president of IADP “Successs factors of science parks re-examined”. Innovation Area Development Partnership (2021).
7. M Sanni, A Egbetokun and W Siyanbola (2009) “A Model for the Design and Development of a Science and Technology Park in Developing Countries”. Online at http://mpra.ub.uni-muenchen.de/25342.
8. Tengfei Wang (2019) “Establishing a science and technology park is no walk in the park”. https://www.unescap.org/blog/establishing-science-and-technology-park-no-walk park#:~:text=Only%2025%20percent%20of%20science,successful%20in%20achieving%20their%20goals (accessed on 18th 2023).
Experience of some countries in developing science parks
and suggestions for Vietnam
Ph.D Tran Thi Thu Huong1
Ph.D Nguyen Thi Phuong Thu2
1Institute of Regional Sustainable Development
2National Economics Univeristy
Abstract:
Science parks mainly focus on the application of science and technology to develop new products and business processes. In many countries, science parks are considered one of the key strategies to promote innovation and accelerate the national process of industrialization and modernization. However, the facts show that the success rate in the development of science parks remains modest. This paper reviewed the conditions facilitating the success of a science park from the experience of some countries, thereby providing some suggestions for Vietnam in this issue.
Keywords: science park, innovation, research and development.