Kinh tế tăng trưởng 5,64% trong nửa đầu năm
Sáng 29/6, Tổng cục Thống kê tổ chức họp báo công bố số liệu kinh tế - xã hội Việt Nam Quý II và 6 tháng đầu năm.
Bà Nguyễn Thị Hương, Tổng cục trưởng Tổng cục Thống kê cho biết, tổng sản phẩm trong nước (GDP) quý II ước tính tăng 6,61% so với cùng kỳ năm trước. Trong đó, khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản tăng 4,11%; khu vực công nghiệp và xây dựng tăng 10,28%; khu vực dịch vụ tăng 4,3%.
Tính chung 6 tháng đầu năm, GDP tăng 5,64%, cao hơn tốc độ tăng 1,82% của 6 tháng đầu năm 2020 nhưng thấp hơn kết quả 7,05% và 6,77% của cùng kỳ năm 2018 và 2019.
“Dịch Covid-19 bùng phát tại một số địa phương trên cả nước từ cuối tháng 4 với những diễn biến phức tạp, khó lường đã đặt ra nhiều thách thức, rủi ro cho nước ta trong việc thực hiện mục tiêu kép vừa phòng chống dịch bệnh, vừa phát triển kinh tế”, Tổng Cục trưởng Nguyễn Thị Hương thông tin.
70.200 doanh nghiệp đóng cửa
Về hoạt động của doanh nghiệp, Tổng cục Thống kê cho biết, cả nước có 11.300 doanh nghiệp được thành lập mới trong tháng 6 với số vốn đăng ký 164.300 tỷ đồng, giảm 2,5% về số doanh nghiệp nhưng tăng 9,1% về vốn đăng ký.
Tính chung 6 tháng, có 67.100 doanh nghiệp đăng ký thành lập mới với tổng số vốn đăng ký 942.600 tỷ đồng, vốn đăng ký bình quân một doanh nghiệp thành lập mới đạt 14,1 tỷ đồng.Từ đầu năm, cả nước có thêm 26.100 doanh nghiệp quay trở lại hoạt động.
Trong chiều ngược lại, trong nửa đầu năm 2021, 70.200 doanh nghiệp tạm ngừng kinh doanh có thời hạn, ngừng hoạt động chờ làm thủ tục giải thể và hoàn tất thủ tục giải thể, tăng 24,9% so với cùng kỳ năm 2020. Như vậy tính trung bình mỗi tháng có 11.700 doanh nghiệp rút lui khỏi thị trường.
Trong hơn 70.000 doanh nghiệp đóng cửa trong 6 tháng đầu năm có: 35.600 doanh nghiệp tạm ngừng kinh doanh có thời hạn; 24.700 doanh nghiệp ngừng hoạt động chờ làm thủ tục giải thể; 9.900 doanh nghiệp hoàn tất thủ tục giải thể.
CPI tăng thấp nhất kể từ năm 2016
Trong khi đó, chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tháng 6 tăng 0,19% so với tháng trước và tăng 1,62% so với tháng 12/2019. Mức tăng chủ yếu do giá nguyên nhiên vật liệu đầu vào tăng theo giá thế giới; giá điện, nước sinh hoạt tăng theo nhu cầu tiêu dùng.
Lạm phát cơ bản tháng 6 tăng 0,07% so với tháng trước và tăng 1,14% so với cùng kỳ năm trước. Lạm phát cơ bản bình quân 6 tháng đầu năm 2021 tăng 0,87% so với bình quân cùng kỳ năm 2020.
Chỉ số giá vàng tháng 6 tăng 1,12% so với tháng trước; tăng 0,23% so với tháng 12/2020 và tăng 12,37% so với cùng kỳ năm 2020. Chỉ số giá USD tháng 6 giảm 0,3% so với tháng trước; giảm 0,32% so với tháng 12/2020 và giảm 0,87% so với cùng kỳ năm 2020.
Tháng thứ 2 liên tiếp nhập siêu
Ước tính tháng 6/2021, kim ngạch xuất khẩu hàng hoá ước tính đạt 26,5 tỷ USD. Trong khi kim ngạch nhập khẩu hàng hoá trong tháng 6 đạt 27,5 tỷ USD. Như vậy sau tháng 5, đây là tháng thứ 2 liên tiếp của cán cân thương mại của Việt Nam nhập siêu.
Tính chung 6 tháng đầu năm, kim ngạch xuất khẩu hàng hóa ước tính đạt 157,63 tỷ USD. Trong khi, kim ngạch nhập khẩu hàng hóa ước tính đạt 159,1 tỷ USD. Tính chung 6 tháng đầu năm 2021, cán cân thương mại hàng hóa nhập siêu 1,47 tỷ USD (cùng kỳ năm trước xuất siêu 5,86 tỷ USD).