Ẩn số Omicron – Khởi đầu cho đoạn kết của đại dịch?
Thế giới đã bước sang năm COVID-19 thứ ba khi biến thể Omicron của chủng virus SARS-CoV-2 lần đầu tiên bùng phát tại Trung Quốc vào cuối năm 2019, gây xáo trộn kế hoạch tái mở cửa của hàng loạt nền kinh tế. Vương quốc Anh, Đức, Nhật Bản đã buộc phải tái áp dụng các biện pháp hạn chế diện rộng; trong khi đó, Trung Quốc vẫn kiên trì thực hiện chiến lược “không ca mắc” để kiểm soát dịch bệnh.
Hầu hết giới chuyên gia đều nhất trí định hướng chiến lược trong năm nay vẫn là thích ứng an toàn với dịch bệnh và thách thức lớn nhất lúc này là phải xác định mức độ tác động đến sức khoẻ cộng đồng có thể chấp nhận được đối với từng quốc gia trong một thế giới ngày càng kết nối với nhau, việc lây lan biến thể Omicron hoặc các biến thể mới gần như là không thể tránh khỏi.
Do đó việc tiếp tục đóng cửa với nhau sẽ chỉ khiến chuỗi cung ứng vốn đã căng thẳng chìm sâu hơn vào khủng hoảng, tâm lý lo sợ làm sói mòn niềm tin của người tiêu dùng và doanh nghiệp, tổn hại đến nhu cầu đang phục hồi yếu, và khiến nhiều nền kinh tế rơi vào vũng lầy đình lạm (stagflation - lạm phát cao kết hợp với tăng trưởng chậm).
Bên cạnh đó, các dữ liệu y khoa ban đầu cho thấy biến thể Omicron ít gây bệnh nghiêm trọng. Báo cáo chính thức đầu tiên của Vương quốc Anh cho thấy nguy cơ nhập viện do nhiễm biến thể Omicron thấp hơn từ 50 đến 70% so với biến thể Delta. Nhiều nhà khoa học nghiêng về hướng biến thể này sẽ giúp hình thành cơ chế miễn dịch đối với chủng virus SARS-CoV-2, mở đầu cho quá trình con người chung sống với loại virus này như một căn bệnh đặc hữu.
Trong báo cáo mới nhất, Tổ chức Hợp tác và Phát triển kinh tế (OECD) mặc dù nhấn mạnh biến chủng Omicron sẽ khiến nền kinh tế toàn cầu trở nên bất ổn, đối mặt rủi ro cao hơn nhưng vẫn giữ nguyên dự báo tăng trưởng kinh tế thế giới năm 2022 ở mức 4,5%, so với mức 5,6% trong năm 2021.
Tương tự, Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) cảnh báo Omicron có thể làm chậm lại sự phục hồi kinh tế toàn cầu như biến thể Delta từng tác động nhưng giữ triển vọng tích cực đối với tăng trưởng kinh tế toàn cầu với mức dự báo tăng 4,9% trong năm 2022, so với mức dự báo tăng 5,9% của năm 2021.
Tỷ lệ tăng trưởng giảm so với năm 2021 phản ánh đà tăng trưởng đã ổn định sau thời gian tăng vọt từ đáy suy thoái, bên cạnh việc các gói hỗ trợ khẩn cấp kích thích kinh tế dần dược dỡ bỏ khi mở cửa và các ngân hàng trung ương rút dần chính sách tiền tệ siêu nới lỏng.
Lạc quan hơn, Ngân hàng Đầu tư J.P. Morgan (Hoa Kỳ) cho rằng năm 2022 sẽ là năm kinh tế toàn cầu phục hồi hoàn toàn với mức tăng trưởng đạt 4,7% nhờ miễn dịch cộng đồng rộng rãi, sự ra đời của các loại vaccine và thuốc điều trị Covid-19 mới. Thậm chí, Trung tâm Nghiên cứu Kinh tế và Kinh doanh (CEBR, Vương quốc Anh), còn cho rằng tổng GDP toàn cầu trong năm 2022 sẽ vượt ngưỡng 100.000 tỷ USD, lần đầu tiên trong lịch sử và sớm hơn 2 năm so với dự báo trước đó.
“Sức nóng” lạm phát và vấn đề tắc nghẽn chuỗi cung ứng
Trong suốt năm 2021, các ngân hàng trung ương và hầu hết nhà kinh tế đều cho rằng tình trạng đình lạm trên toàn cầu chỉ là tạm thời, các nút thắt trong chuỗi cung ứng sẽ được giải tỏa, giá năng lượng sẽ bình ổn, lao động tại các nền kinh tế phát triển sẽ quay trở lại làm việc. Nhưng khi thế giới bước sang năm 2022, niềm tin này gần như đã đảo lộn.
Lạm phát tại Hoa Kỳ đã lên gần 7% và hầu hết các thị trường lớn đều chứng kiến tình trạng giá cả tăng mạnh sau hàng thập niên ổn định. Các nhà hoạch định chính sách đang phải đối mặt với tình thế rất cấp bách nhưng cũng đầy khó xử. Về lý thuyết, cách xử lý lạm phát do gián đoạn nguồn cung là để nó tự điều chỉnh. Bởi lẽ, tăng lãi suất không giải quyết tình trạng tắc nghẽn ở các cảng, không thể giúp bơm thêm khí đốt hoặc khiến đại dịch chấm dứt.
Sức ép lạm phát đã buộc hàng loạt ngân hàng trung ương lớn như Cục Dự trữ Liên bang Hoa Kỳ (FED), Ngân hàng Trung ương Anh (BOE) đã bắt đầu siết lại chính sách tiền tệ khi nhận ra rằng không thể giữ lạm phát ở mức mục tiêu mà không phải hy sinh việc làm. Các thị trường mới nổi đã quen với sự đánh đổi “đau đớn” giữa tăng trưởng và lạm phát nhưng các nước giàu vài chục năm nay thì không.
CEBR cảnh báo nếu các nền kinh tế không có biện pháp đối phó với lạm phát, thế giới sẽ phải gồng mình chống chọi với suy thoái vào năm 2023 hoặc 2024. Việc các nền kinh tế lớn siết chặt chính sách tiền tệ có thể ảnh hưởng tiêu cực đến một số nền kinh tế mới nổi như Thổ Nhĩ Kỳ, Nam Phi và Argentina.
Tuy nhiên, giới phân tích hiện kỳ vọng sức ép lạm phát sẽ giảm nhiệt sau quý 2/2022 bời nhiều yếu tố. Giá năng lượng sẽ giảm xuống khi cao điểm tiêu thụ vào mùa đông kết thúc; tỷ lệ tiêm chủng tăng sẽ giúp nhiều người tái quay lại thị trường lao động; và người tiêu dùng chuyển hướng sang chi tiêu cho các dịch vụ, xoa dịu tình trạng thiếu hụt hàng hoá. Đồng thời, các hãng cung ứng tăng cường các phương thức vận chuyển thay vì phụ thuộc phần lớn vào vận tải biển, giúp dần tháo gỡ các điểm nghẽn cung ứng, và đạt sự cân bằng cung – cầu vào năm 2023.
Xét về mô hình tăng trưởng, những nền kinh tế phụ thuộc vào sản xuất sẽ được hưởng lợi từ việc nới lỏng các nút thắt trong chuỗi cung ứng, trong khi việc nới lỏng giãn cách và tái cân bằng chi tiêu tiêu dùng được cho là đem lại lợi ích cho các nước phụ thuộc vào du lịch và lĩnh vực dịch vụ.
Những kịch bản về tăng trưởng kinh tế toàn cầu năm 2022 vẫn còn nhiều điều chưa chắc chắn và rõ ràng do bị đại dịch COVID-19 chi phối nhưng ngay cả những dự báo tiêu cực nhất cũng khẳng định rằng kinh tế thế giới đã sẵn sàng trở lại quỹ đạo tăng trưởng như trước đại dịch.
Tuy nhiên, tăng trưởng kinh tế trong năm 2022 được đánh giá tiếp tục phân hoá trên toàn cầu. Các nước trong khu vực châu Á-Thái Bình Dương sẽ chứng kiến đà phục hồi mạnh nhất; trong khi Hoa Kỳ, châu Âu và các nền kinh tế mới nổi vốn đã mở cửa từ khi tỷ lệ các ca mắc COVID-19 còn cao sẽ ghi nhận tốc độ tăng trưởng chậm hơn. OECD dự báo trong năm 2022, Hoa Kỳ sẽ ghi nhận mức tăng trưởng thực 3,7%, Khu vực đồng tiền chung châu Âu (Eurozone) là 4,2%, và Trung Quốc đạt mức 5,1%.
Các nhà phân tích kinh tế nhấn mạnh chìa khoá để tái khởi động cỗ máy kinh tế toàn cầu hiệu quả trong năm 2022 tiếp tục là vaccine và thuốc điều trị. Hai công cụ này sẽ giúp giảm áp lực đáng kể lên hệ thống y tế, đặc biệt là tại các nền kinh tế đang phát triển và kém phát triển, cho phép các chính phủ có thêm không gian để đẩy nhanh quá trình phục hồi kinh tế.
Các nền kinh tế phát triển sẽ cần phải nỗ lực hơn trong việc đảm bảo phân phối công bằng vaccine và thuốc điều trị, giúp tăng tỷ lệ bao phủ vaccine và đẩy mạnh tiêm liều tăng cường trên quy mô toàn cầu nhằm giúp quá trình phục hồi kinh tế diễn ra đồng đều, bền vững hơn.