Theo báo cáo nhanh của lực lượng Quản lý thị trường các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, trong ngày 10/4/2020, lực lượng quản lý thị trường cả nước đã kiểm tra, giám sát 50 vụ; xử lý 2 vụ việc vi phạm, số tiền xử phạt vi phạm hành chính hơn 2 triệu đồng
Lũy kế từ ngày 31/1 đến ngày 10/4/2020, lực lượng quản lý thị trường cả nước đã kiểm tra, giám sát 7.897 vụ việc, số tiền xử phạt vi phạm hành chính 3,267 tỷ đồng.
Điển hình, chiều 10/4, lực lượng chức năng TP Hồ Chí Minh đã kiểm tra, phát hiện một cơ sở trên địa bàn quận 9 sản xuất hàng chục ngàn khẩu trang có dấu hiệu vi phạm nhãn hiệu, không lớp kháng khuẩn theo quy định.
Cơ sở sản xuất khẩu trang này ở địa chỉ 254/17K, đường Dương Đình Hội, quận 9 (TP Hồ Chí Minh). Có rất nhiều công nhân đang sản xuất khẩu trang bên trong.
Qua kiểm tra, cơ quan chức năng phát hiện có hơn 23.000 chiếc khẩu trang thành phẩm và bán thành phẩm, đang đóng trong các hộp để chuẩn bị tung ra thị trường. Hàng ngàn vỏ hộp, thùng các tông và hơn 100 kg nguyên liệu vải không dệt cùng nhiều tem dán, máy móc để sản xuất cũng được tìm thấy tại cơ sở.
Theo cơ quan chức năng, toàn bộ số hàng hóa trên có dấu hiệu vi phạm bao bì, nhãn mác, không đúng thương hiệu và địa chỉ, đồng thời khẩu trang không có lớp vải kháng khuẩn như đăng ký.
Trước đó, Đội QLTT số 12 thuộc Cục QLTT Gia Lai đã tiến hành kiểm tra đột xuất Cơ sở kinh doanh Hoàng Dung do bà Nguyễn Thị Phù Dung làm chủ ở địa chỉ 55-57 Trần Phú, Thành phố Pleiku, tỉnh Gia Lai.
Tại thời điểm kiểm tra Đoàn kiểm tra đã bắt quả tang bà Dung bán khẩu trang y tế 03 lớp nhãn hiệu Perfetta cho khách hàng với giá 350.000 đồng/hộp. Qua làm việc bà Dung khai nhận đã tự định giá khẩu trang cao gấp 8 lần giá khẩu trang trước thời điểm dịch bệnh xảy ra.
Ngoài ra, Đoàn kiểm tra còn phát hiện cơ sở kinh doanh của bà Dung còn bán hàng hóa gồm 162 cái túi xách, 38 cái ví nam, 135 dây nịt, 105 hộp sáp đánh giầy và 50 cây cọ môi không có căn cứ để xác định nguồn gốc, xuất xứ; 160 sản phẩm mỹ phẩm các loại do nước ngoài sản xuất nhưng không có hóa đơn, chứng từ kèm theo.
Sau khi xác minh làm rõ, Đoàn kiểm tra đã hoàn chỉnh hồ sơ, trình Cục trưởng Cục QLTT ban hành quyết định xử phạt vi phạm hành chính theo thẩm quyền.
Báo cáo của Cục Quản lý thị trường các địa phương trong ngày 10/4 cũng cho biết, các cơ sở kinh doanh cơ bản đã chấp hành nghiêm việc niêm yết giá và bán theo giá niêm yết. Các siêu thị, cửa hàng tiện ích tăng lượng dự trữ hàng hóa nên nguồn cung các mặt hàng lương thực, thực phẩm tương đối đầy đủ.
Trong thời gian tới, Tổng cục sẽ tiếp tục chỉ đạo lực lượng QLTT tăng cường kiểm tra, xử lý nghiêm các trường hợp buôn lậu, gian lận thương mại, đầu cơ găm hàng, gây khan hiếm giả tạo, hàng giả, hàng nhái trên thị trường, nhất là các mặt hàng thiết yếu trong phòng chống dịch như khẩu trang, nước rửa tay khô, vật tư y tế.