Tiềm năng to lớn
Người theo đạo Hồi chỉ được ăn thịt Halal, tức là thịt được giết mổ theo nghi thức của đạo hồi. Tuy nhiên, trong trường hợp tuyệt đối không có gì ăn, họ được ăn mọi thứ để duy trì sự sống. Halal theo ngôn ngữ Ả Rập có nghĩa là “hợp pháp” hoặc cho phép. Đối lập với Halal là Haram, có nghĩa là trái pháp luật hoặc bị cấm. Halal và Haram là những thuật ngữ áp dụng cho tất cả các khía cạnh của cuộc sống người Hồi giáo. Những món ăn Halal phải đạt tiêu chuẩn và phù hợp với chế độ ăn uống mà đạo Hồi đề ra trong kinh Coran.
Có sự khác biệt giữa thịt đạt tiêu chuẩn Halal và thịt bình thường, với 5 dấu hiệu sau:
Một là người giết mổ thịt phải nói trước từ Allah (nghĩa là chúa trời). Hai là động vật phải được giết mổ ở khe cổ họng với dụng cụ được mài sắc để đảm bảo tính nhân đạo. Ba là động vật phải còn sống trước khi giết mổ. Bốn là thịt Halal không dính máu. Sau khi hoàn tất quá trình giết mổ, thịt phải được treo ngược lên để máu chảy hết ra. Năm là động vật không được cho ăn bởi những thức ăn làm từ động vật khác.
Các động vật như bò, dê, cừu, nai, gà, chim, vịt,… nếu được giết mổ theo đúng nghi thức Hồi Giáo trên thì mới đạt chuẩn Halal.
Để được nhập khẩu vào thị trường các nước Hồi giáo, thực phẩm phải có chứng nhận Halal. Halal à giấy chứng nhận sản phẩn đáp ứng được các yêu cầu của tiêu chuẩn Halal và đạt các yêu cầu về vệ sinh an toàn thực phẩm. Đây là giấy kiểm định chất lượng sản phẩm tiêu dùng để người theo đạo Hồi có thể sử dụng được; và là chứng nhận bắt buộc khi nhập khẩu hàng hóa vào một số nước theo đạo Hồi. Chứng nhận Halal có thể áp dụng cho tất cả các loại sản phẩm không phải là Haram hoặc không chứa bất kì thành phần nào là Haram và đáp ứng các yêu cầu của tiêu chuẩn Halal.
Các doanh nghiệp muốn được cấp Giấy chứng nhận Halal phải thiết lập hệ thống quản lý và vận hành nội bộ theo quy trình Halal. Hệ thống này có tên gọi là Halal Assurance System - HAS. Hệ thống này phải được phổ biến rộng rãi tới cán bộ, công nhân và cổ đông của công ty và in thành sổ tay (Halal Manual). HAS được cập nhật và theo dõi độc lập với các hệ thống chất lượng khác.
Chứng nhận Halal cũng yêu cầu nguyên liệu là động vật hoặc có liên quan đến động vật, chất phụ gia và hương liệu được sử dụng trong quá trình sản xuất, chế biến của doanh nghiệp phải được cơ quan có thẩm quyền chứng nhận đạt tiêu chuẩn Halal.
Quy trình sản xuất chế biến thực phẩm phải sạch sẽ, vệ sinh phù hợp quy định của Đạo Hồi. Theo đó, một số loại thực phẩm ăn và đồ uống bị cấm tuyệt đối sử dụng để sản xuất chế biến thực phẩm, như: thịt động vật bị chết (máu, thịt con vật đã chết trước khi được cắt tiết theo nghi thức); rượu và các đồ uống lên men; những con vật ăn thịt sống hay ăn tạp (như chó, mèo, chuột…); thịt lợn; động vật móng vuốt như mèo; thịt còn máu đông ở bên trong; máu động vật và chế phẩm từ máu động vật; thực phẩm có chứa các chất phụ gia như enzyme, gelatine…
Quá trình giết mổ động vật phải lưu ý không được giết mổ động vật chưa đạt tuổi giết mổ (không giết non như bê, cừu non, gà con…) và con vật khi đưa vào giết mổ phải trong trạng thái sống bình thường, không bị ốm và không có bệnh. Người làm công việc giết mổ phải hiểu rõ quy trình, không coi như việc giết mổ như sát sinh tàn bạo, mặc quần áo đồng phục bảo đảm vệ sinh và có đầy đủ trang bị bảo hộ lao động; trong quá trình giết mổ phải nhắc tên Thánh Allah (Bismilla). Con vật phải chết hẳn mới được chuyển sang làm phần lông và da. Máy móc, công cụ, nhà xưởng giết mổ phải sạch sẽ; dụng cụ giết mổ phải đầy đủ, chất lượng và được mài sắc.
Nhờ ưu điểm đảm bảo vệ sinh, an toàn thực phẩm mà nhu cầu tiêu thụ thực phẩm Halal trên thế giới ngày một tăng, không chỉ trong giới đạo hồi mà cả những người không theo đạo hồi. Thương mại toàn cầu về thực phẩm Halal hiện nay khoảng 661 tỷ USD, chiếm khoảng 16% toàn bộ thương mại nông sản, thực phẩm toàn cầu. Dự báo tới năm 2025, thực phẩm có dấu chứng nhận Halal sẽ chiếm 20% tổng giá trị thực phẩm tiêu thụ trên toàn thế giới.
Theo nghiên cứu mới đây của Trường Đại Học Bách khoa Puerto Rico, USA dân số đạo Hồi hiện có gần 1,8 tỷ người, chiếm khoảng 23% dân số thế giới. Việc tăng dân số và tăng thu nhập của người tiêu dùng thực phẩm Halal cũng đã và đang làm cho thương mại thực phẩm Halal tăng trưởng nhanh chóng. Người theo đạo Hồi có tỷ lệ đa số ở các quốc gia như Malaysia, Indonesia, Brunei, Arab, Các tiểu Vương quốc Arab Thống nhất (UAE) và các nước Trung Đông, nhưng chỉ có một số ít quốc gia sản xuất các sản phẩm Halal. Đây là cơ hội cho các nước có tiềm năng sản xuất thực phẩm xuất khẩu, trong đó có Việt Nam.
Việt Nam có nhiều lợi thế trong xuất khẩu thực phẩm sang thị trường Halal. Trước hết, về vị trí địa lý, Việt Nam gần những thị trường Halal lớn với khoảng 62% dân số Hồi giáo tập trung tại châu Á; ngay tại Đông Nam Á, Indonesia, quốc gia Hồi giáo đông dân nhất thế giới, là một thị trường tiềm năng, không xa lạ với doanh nghiệp Việt Nam. Lợi thế thứ hai, đối với khu vực Trung Đông - Châu Phi (tập trung khoảng 30% dân số Hồi giáo), Việt Nam đang tích cực triển khai Đề án phát triển quan hệ với các nước Trung Đông - Châu Phi giai đoạn 2016-2025, trong đó có việc thực hiện các Tuyên bố cấp cao của Việt Nam với một số đối tác quan trọng về hợp tác, thúc đẩy xuất, nhập khẩu và chứng nhận các sản phẩm Halal. Thứ ba, Việt Nam là một trong những quốc gia xuất khẩu nông, thủy sản lớn trên thế giới với nhiều mặt hàng tiêu biểu như gạo, cao su, chè, điều, cà phê, hồ tiêu, tôm, cá… nếu tận dụng được và phát huy tốt sẽ giúp xuất khẩu của Việt Nam vững vàng tham gia vào thị trường sản phẩm Halal.
Chủ động nắm bắt thị trường
Tiềm năng là vậy, doanh nghiệp cần làm gì để chinh phục thị trường Halal? Hiện không nhiều doanh nghiệp Việt Nam xuất khẩu sang thị trường Halal. Mới có một số công ty của Việt Nam như: Orion Vina, Vinamilk, Nestlé Vietnam, Cai Lan Oils and Fats Industries, Công ty dầu thực vật Tường An, Công ty thủy sản Minh Phú... đã nhận được chứng nhận Halal. Tính bình quân, mỗi năm Việt Nam có khoảng 50 công ty - một con số khá thấp so với tiềm năng - được cấp chứng nhận Halal với các sản phẩm chủ yếu là hải sản, đồ uống, thực phẩm đóng hộp, bánh kẹo, đồ ăn chay và dược phẩm.
Tính đến thời điểm hiện tại, Việt Nam mới có khoảng trên 20 loại sản phẩm hàng hóa Halal xuất khẩu sang nhiều nước Hồi giáo và nhiều nước khác có nhu cầu tiêu thụ sản phẩm chứng nhận Halal trên thế giới, như sản phẩm nông nghiệp (gạo, hạt điều, hạt tiêu, cà phê xanh, trái cây tươi, trái cây chế biến, sắn khô, các loại hạt); sản phẩm từ cà phê: cà phê rang, cà phê xay; thực phẩm chế biến; bánh ngọt, trà, bột mì, nước trái cây, các loại bánh kẹo, thức ăn gia súc, quế, đồ uống không cồn, mật ong tự nhiên. Đây là những loại sản phẩm có lượng cung tương đối lớn và có nhu cầu tìm đầu ra hiện nay.
Theo ý kiến các chuyên gia, sản phẩm Việt Nam rất tốt nhưng lại không vào được vì sản phẩm của nhỏ lẻ, bên cạnh đó, các doanh nghiệp cũng chưa hiểu rõ về thị trường này, đặc biệt về tiêu chuẩn họ đưa ra. Ví dụ như, phải là vùng nguyên liệu lớn, sạch, trồng theo tiêu chuẩn GlobalGAP, hoặc hướng đến hữu cơ; nhà máy dược phẩm, thực phẩm phải đạt các tiêu chuẩn ISO, FDA, GMP,…
Có điều may mắn là một số thị trường Halal đã chủ động tìm khách hàng cung cấp từ Việt Nam. Hiện các cơ quan chức năng và doanh nghiệp Ai Cập sẵn sàng hợp tác để nhập khẩu thực phẩm Halal. Ai Cập sẵn sàng có chương trình hỗ trợ cho các chuyên gia của Việt Nam để đào tạo một số kỹ thuật, tiêu chuẩn về việc chuẩn bị và chế biến thực phẩm Halal.
Tuy nhiên, các chuyên gia cũng cho rằng, điểm mấu chốt nhất vẫn phải là các doanh nghiệp Việt Nam chủ động trong việc nghiên cứu từng thị trường Hồi giáo khác nhau, để nắm được quy trình, điều kiện, yêu cầu kỹ thuật riêng biệt của mỗi nước. Theo đánh giá, về cơ bản, thế giới hồi giáo có những quy định lớn là giống nhau, tuy nhiên, đi vào những chi tiết kỹ thuật thì lại có những điểm khác nhau.