Sự kiện do Tạp chí Kinh Doanh phối hợp với các đơn vị liên quan tổ chức. Tại diễn đàn, các ý kiến của chuyên gia kinh tế, nhà quản lý tập trung vào việc làm mới vấn đề liên kết và xây dựng vùng nguyên liệu nông sản.
Diễn đàn có sự tham dự của lãnh đạo Liên minh Hợp tác xã Việt Nam, Cục Chế biến & Phát triển thị trường nông sản (Bộ NN&PTNT), Vụ Thị trường trong nước (Bộ Công Thương), Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương, chuyên gia kinh tế - tài chính, đại diện các nhà phân phối, các doanh nghiệp và hợp tác xã (HTX), các cơ quan thông tấn, báo chí.
Kết nối tiêu thụ sản phẩm trở thành vấn đề cấp bách
Trước bối cảnh tình hình kinh tế - xã hội trong nước và trên thế giới còn nhiều biến động thì vấn đề liên kết vùng và kết nối tiêu thụ sản phẩm của doanh nghiệp, HTX lại càng trở nên cấp bách. Sau tác động của đại dịch Covid-19, việc liên kết đòi hỏi phải sớm có câu trả lời thỏa đáng về chiến lược, quy hoạch, kế hoạch, cơ chế chính sách, chuỗi giá trị sản phẩm…
Với khu vực kinh tế tập thể, HTX hiện nay, vai trò liên kết vùng lại càng trở nên quan trọng khi khu vực này đang thu hút khoảng 7 triệu thành viên. Các HTX hiện nay đã thu hút được 3,28 triệu hộ nông dân (chiếm khoảng 38% tổng số hộ nông dân cả nước). Trên địa bàn cả nước đã tổ chức được trên 1.600 chuỗi cung ứng nông sản an toàn, trong số các chuỗi nêu trên có sự tham gia của trên 300 công ty, 150 HTX.
Tỷ lệ nông sản chủ lực tiêu thụ thông qua liên kết sản xuất tiêu thụ nông sản từ 10% năm 2017 (trước khi triển khai Nghị định số 98/2018/NĐ-CP ngày 05/7/2018 về chính sách khuyến khích phát triển hợp tác, liên kết sản xuất và tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp) lên hơn 30% hiện nay, trong đó tỷ lệ HTX nông nghiệp thực hiện liên kết, tiêu thụ nông sản cho nông dân đạt 37% (tăng 25%).
Tuy nhiên, trong liên kết vùng và kết nối tiêu thụ sản phẩm giữa doanh nghiệp với HTX thì vai trò của các bên tham gia hợp tác, liên kết trong chuỗi giá trị nông sản còn nhiều hạn chế (còn gần 70% hợp tác xã nông nghiệp chưa tham gia tiêu thụ nông sản, chưa làm được vai trò cầu nối nông dân với doanh nghiệp, một số HTX có tham gia nhưng cũng ở mức độ, quy mô hạn chế).
Không những vậy, hợp tác, liên kết giữa doanh nghiệp và nông dân chưa bền vững, chủ yếu vẫn là thỏa thuận mua bán, tổ chức các vùng nguyên liệu đạt chuẩn về chất lượng, sản xuất theo hợp đồng gắn với thị trường tiêu thụ diễn ra chậm. Việc tiêu thụ sản phẩm còn qua nhiều trung gian, hiệu quả kinh tế không cao.
Chính vì vậy, một số giải pháp được Phó Chủ tịch Liên minh HTX Việt Nam Nguyễn Văn Thịnh đưa ra Diễn đàn lần này là cần tiếp tục nghiên cứu hình thành tổ chức quản trị - điều hành cấp vùng phù hợp, đủ sức đảm đương và điều tiết các nhu cầu cấp vùng và thực hiện quản lý nhà nước về phát triển vùng.
Đưa nông dân vào guồng máy sản xuất lớn
Để đưa nông dân vào guồng máy sản xuất lớn trong nền nông nghiệp hiện đại cùng với sự liên kết của doanh nghiệp và HTX thì phải giải quyết được bài toán tích tụ ruộng đất. Ngoài ra, cần thắt chặt liên kết “bốn nhà” (trong đó có mô hình liên kết HTX) chính là nhằm khắc phục những hạn chế hiện nay trong sản xuất nông nghiệp, đồng thời xây dựng nền tảng vững chắc, phát huy lợi thế từng địa phương, vùng miền. Mặt khác, cần quan tâm đầu tư hạ tầng sản xuất và khâu tiêu thụ sản phẩm của các HTX nói riêng và các đơn vị sản xuất kinh doanh nông nghiệp nói chung.
Trao đổi tại Diễn đàn, ông Nguyễn Quốc Toản, Cục trưởng Cục Chế biến và Phát triển thị trường nông sản – Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cho biết, gần đây, liên tiếp xuất hiện tin vui từ thị trường nhập khẩu như quả sầu riêng được xuất khẩu chính ngạch sang Trung Quốc, quả bưởi da xanh xuất khẩu vào Mỹ… Kim ngạch xuất khẩu không ngừng tăng lên nhưng vấn đề làm sao để duy trì đà tăng trưởng bền vững mới quan trọng. Rõ ràng giá trị quyết định tất cả bởi nhu cầu thị trường luôn biến động.
Thế giới đang đứng trước những xu hướng mới mà nếu không theo kịp thì chúng ta tụt hậu so với thế giới như giảm tiêu thụ sản phẩm động vật, người trẻ thế giới ưu sản phẩm hữu cơ nhanh, gọn, tiện, có không gian tiêu dùng; Xu hướng chuyển đổi số cũng đẩy mạnh không ngừng.
Do vậy, Cục trưởng Cục Chế biến và Phát triển thị trường nông sản cho rằng, sản phẩm nông sản cần hàm lượng chế biến sâu và tinh thông qua xây dựng vùng nguyên liệu tập trung, có hạ tầng giao thông vận tải thuận lợi, không gian trung chuyển.
Đồng thời, ông Toản nhấn mạnh cần xây dựng vùng nguyên liệu theo yêu cầu thị trường, áp dụng được công nghệ hiện đại. Tổ chức lại sản xuất cho người nông dân, doanh nghiệp, khi tham gia liên kết với người nông dân thì phải nhìn ra được nhu cầu thị trường.
Phát biểu về vấn đề này tại Diễn đàn, ông Dương Thái Trung, Vụ Thị trường trong nước (Bộ Công Thương), đánh giá thị trường nông sản của Việt Nam thời gian qua đã có những bước phát triển vượt bậc cùng với những thành tựu to lớn của nền nông nghiệp nước nhà.
Xuất khẩu nông sản tăng nhanh cả về sản lượng và kim ngạch. Nếu như năm 2010 mới chỉ có 03 mặt hàng đạt kim ngạch xuất khẩu trên 1 tỷ USD thì đến hết năm 2021, nhóm hàng nông sản đã có 10 mặt hàng đạt kim ngạch xuất khẩu trên 1 tỷ USD, trong đó 6 nhóm hàng xuất khẩu trên 3 tỷ USD.
Tuy nhiên, Vụ Thị trường trong nước cũng đánh giá việc tổ chức các kênh tiêu thụ nông sản tại thị trường trong nước và quốc tế nhằm đáp ứng nhu cầu ngày càng cao của người tiêu dùng, đồng thời phục vụ quá trình tái cơ cấu ngành nông nghiệp theo hướng nâng cao chất lượng, giá trị gia tăng và bền vững vẫn chưa đáp ứng được yêu cầu.
Trong đó, tiêu thụ hàng nông sản nước ta liên tục gặp khó khăn, hàng nông sản thường xuyên rơi vào tình trạng “được mùa mất giá”. Hệ thống phân phối nông sản phần lớn tự phát, manh mún, nhỏ lẻ tổ chức kém và thiếu liên kết làm tăng rủi ro, chi phí giao dịch, gây khó khăn cho kiểm soát chất lượng, an toàn thực phẩm và kiểm soát dịch bệnh.
Thị trường xuất khẩu nông sản lệ thuộc nhiều vào thị trường truyền thống dễ bị tổn thương khi thị trường này bị ngưng trệ do nguyên nhân khách quan và chủ quan (gần đây nhất là tác động của dịch COVID- 19). Hện tượng mất cân đối cung cầu đối với nhiều mặt hàng nông sản vẫn diễn ra phổ biến (như tình trạng dư cung, giá giảm mạnh đối với ngành hàng thịt lợn vào đầu năm 2017 những lại thiếu và giá tăng cao năm 2020...).
Nguyên nhân được Vụ Thị trường trong nước chỉ ra là do đặc điểm sản xuất nông nghiệp nước ta có quy mô nhỏ, manh mún (trung bình chỉ đạt 0,18ha/thửa và 2,5 thửa đất/hộ), hình thức tổ chức sản xuất nông nghiệp chủ yếu hiện nay vẫn ở dạng hộ sản xuất với hơn 9,2 triệu hộ.
Nông sản sản xuất ra không theo tín hiệu thị trường; khâu chế biến, dự trữ, bảo quản nông sản kém, hạ tầng logicstics vừa thiếu vừa yếu; tư duy sản xuất của người dân chưa đáp ứng yêu cầu của kinh tế thị trường (đặc biệt là tư duy “rau hai luống, lợn hai chuồng” ) và khả năng hợp tác của nông dân còn yếu…
Cơ chế, chính sách chưa hấp dẫn, thu hút được các doanh nghiệp, HTX, hộ nông dân tham gia kinh doanh nông sản, đầu tư xã hội cho nông lâm thủy sản chỉ chiếm 6% tổng đầu tư của xã hội. Cơ chế, chính sách ban hành nhiều, nhưng chưa đồng bộ, thiếu tầm nhìn dài hạn, chính sách hỗ trợ chưa đúng trọng tâm, trọng điểm, mang tính cào bằng bình quân
Đặc biệt, thị trường tiêu thụ nông sản chưa bền vững, quá lệ thuộc vào một số thị trường, Trung Quốc là thị trường lớn nhất, hiện chiếm tới 28% tổng kim ngạch xuất khẩu nông sản của Việt Nam ra thế giới (tỷ trọng nhóm hàng nông lâm thủy sản giảm dần nhưng vẫn còn ở mức cao (năm 2008 là 30,63%, đến năm 2017 giảm xuống 21,70%; bình quân cả giai đoạn là 28%), trong đó, giá trị xuất khẩu tiểu ngạch (hay biên mậu gọi là “kinh doanh dưới chuẩn”), chiếm khoảng 60-70% (qua các cửa khẩu các tỉnh biên giới phía Bắc) do thủ tục đơn giản, chi phí thấp.
Một mặt, không khuyến khích sản xuất nông sản theo đúng các tiêu chuẩn (Vietgap, Global...), đảm bảo truy xuất nguồn gốc, an toàn thực phẩm và do “kinh doanh dưới chuẩn” nên rủi ro cao, hiện tượng bị ép giá, ép cấp, ùn ứ nông sản tại các cửa khẩu xảy ra khá phổ biến, mặt khác, không khuyến khích các phương thức kinh doanh tiêu thụ nông sản theo chuỗi giá trị bền vững phát triển.
Đẩy mạnh phát triển kết cấu hạ tầng thương mại
Trước những thách thức trên, Đại diện Vụ Thị trường trong nước kiến nghị cần đẩy mạnh phát triển kết cấu hạ tầng thương mại thông qua việc rà soát, sửa đổi Luật Thương mại theo hướng bổ sung quy định về hạ tầng thương mại để làm căn cứ pháp lý cho việc triển khai các chính sách có liên quan; Thu hút ngày càng nhiều doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp, nông dân và nông thôn theo hướng cần sớm phổ biến rộng rãi đến các cấp chính quyền địa phương và doanh nghiệp và xây dựng chương trình triển khai các giải pháp về tín dụng quy định tại Nghị định 55/2015/NĐ-CP và Nghị định 116/2018/NĐ-CP; Quyết định số 194/QĐ-TTg ngày 08/2/2021 và một số chính sách đã ban hành nhằm thu hút mạnh mẽ các doanh nghiệp.
Bên cạnh đó, cần giảm chi phí sản xuất, tổn thất thu hoạch, gia tăng giá trị cho nông sản. Thêm vào đó, hình thành các tổ khuyến nông cộng đồng, lực lượng cơ sở tại chỗ làm dịch vụ nông nghiệp phục vụ người nông dân –" nằm vùng" hướng dẫn thông tin sản xuất cho người nông dân, không để người nông dân cô đơn một mình.
Tại Diễn đàn, các nhà quản lý, chuyên gia đã chia sẻ thực tiễn liên kết vùng trong phát triển kinh tế.
Trong đó, PGS. TS Trần Đình Thiên, nguyên Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam trao đổi về vấn đề Đánh giá, nhìn nhận tiềm năng và lợi thế phát triển vùng kinh tế trọng điểm đạt hiệu quả trong thời gian tới; TS Cấn Văn Lực Chuyên gia kinh tế trưởng BIDV bàn về việc huy động nguồn lực tài chính phát triển hạ tầng, đẩy mạnh liên kết vùng.
Phần II của Diễn đàn là phiên thảo luận mở với chủ đề “Liên kết để đẩy mạnh tiêu thụ sản phẩm cho doanh nghiệp, HTX” nhằm thông tin, hỗ trợ giải đáp vướng mắc cho doanh nghiệp, hợp tác xã về tác động của mối liên kết vùng. Các đại diện của MM Mega Market, BigC/GO!, VinaNutriFood… sẽ tham gia góp ý, tư vấn, gợi mở những giải pháp tháo gỡ đầu ra cho doanh nghiệp, HTX thông qua liên kết vùng.
Bên cạnh đó, một số Chủ tịch HĐQT, Giám đốc doanh nghiệp, HTX nêu ra các nhu cầu hỗ trợ đầu ra sản phẩm… Phó Chủ tịch Liên minh HTX Việt Nam Nguyễn Văn Thịnh cho biết, các ý kiến đóng góp tại Diễn đàn sẽ được Liên minh HTX Việt Nam tập hợp làm cơ sở đề xuất lên Quốc hội, Chính phủ, các Bộ ngành để từ đó đưa ra các giải pháp thúc đẩy liên kết vùng và kết nối tiêu thụ sản phẩm cho doanh nghiệp, hợp tác xã.
[Quảng cáo]