Ông Lionel Adenot, CEO hãng đồ thể thao và dã ngoại Decathlon tại Việt Nam nhận định, Việt Nam đang có cơ hội lớn để trở thành mắt xích quan trọng trong chuỗi cung ứng toàn cầu trong bối cảnh cảnh thương mại quốc tế đối mặt nhiều thách thức. Các vấn đề thiếu nguồn nguyên liệu thô, dư chấn của đại dịch vẫn kéo dài, ảnh hưởng đến nhu cầu và khả năng cung cấp hàng hóa.
Để nắm bắt tốt cơ hội này, đại diện Decathlon đưa ra lời khuyên cho các doanh nghiệp phải có tầm nhìn dài hạn. Ông Lionel Adenot cũng cho biết, Decathlon đang tìm kiếm những nhà cung cấp tự chủ và tự lực để tin tưởng hợp tác.
Ông Oliver Langlet, Tổng giám đốc chuỗi bán lẻ Central Retail tại Việt Nam đánh giá, ngành sản xuất nội địa càng ngày phát triển tốt khi cho ra nhiều sản phẩm có chất lượng cao, đội ngũ lao động lành nghề. Trong 30 năm qua, Việt Nam đã có bước tiến đáng kể về nguồn nguyên liệu thô, trở thành nơi có ngành công nghiệp chế biến phát triển mạnh mẽ.
Không chỉ những đơn vị đã có mặt tại Việt Nam như Central Retail hay Decathlon, nhiều tập đoàn tên tuổi toàn cầu khác cũng đánh giá cao tiềm năng thích ứng và phát triển của nội địa.
Walmart, Amazon, Boeing, AES, Carrefour, … là những cái tên lớn trong các lĩnh vực hiện đang mong muốn tìm kiếm nhà cung ứng Việt Nam tham gia chuỗi cung ứng của họ trên toàn cầu.
Ông Avaneesh Gupta, Phó chủ tịch điều hành Tập đoàn Walmart cho biết, Việt Nam luôn là một trong những thị trường cung ứng hàng hóa quan trọng nhất của nhà bán lẻ này và cũng là trung tâm cung ứng cho khắp Đông Nam Á.
Việt Nam có nhiều thế mạnh trong xuất khẩu hàng hóa. Trong đó, Walmart cũng tìm kiếm, thu mua các mặt hàng thực phẩm như: hải sản, hạt điều, sữa đậu nành, cà phê, trái cây tươi và một số sản phẩm chế biến từ trái cây, ...
Đánh giá cao tiềm năng và vị trí quan trọng của thị trường Việt Nam đối với chiến lược kinh doanh của Boeing, ông Maxime Dourdan, Giám đốc Phát triển Chuỗi cung ứng của Boeing khu vực Đông Nam Á, Nhật Bản và Hàn Quốc cho biết, trong thời gian tới, Boeing sẽ tập trung vào 3 định hướng chính: làm sâu sắc hơn quan hệ thương mại trong lĩnh vực hàng không với các hãng hàng không tại Việt Nam; hợp tác trong một số lĩnh vực đặc thù như máy bay trực thăng, vận tải; đầu tư phát triển chuỗi cung ứng phụ tùng, thiết bị hàng không tại Việt Nam.
Trong 8 tháng đầu năm nay, tổng kim ngạch xuất nhập khẩu của Việt Nam đạt hơn 435 tỷ USD với cán cân nghiêng về xuất siêu hơn 20 tỷ USD.