Luận bàn về năng lực chủ tịch phường ở Thành phố Hồ Chí Minh

THS. LÊ BÁ KHÁNH TRÌNH (UBND Quận 7, TP. Hồ Chí Minh)

TÓM TẮT:

Trong hệ thống các cấp chính quyền thì cấp xã được xem là cấp nền tảng, cơ sở. Cấp xã hiện nay gồm 3 loại là xã, phường, thị trấn. Cấp xã có một vị trí và vai trò hết sức quan trọng trong hoạt động của bộ máy nhà nước cũng như đối với người dân. Đảng và Nhà nước ta luôn quan tâm chăm lo, xây dựng, bồi dưỡng và phát triển đội ngũ công chức xã, đặc biệt là chức danh chủ tịch xã. Nội dung bài viết tập trung vào luận bàn về năng lực của chủ tịch phường, những kiến thức và kỹ năng cần có để nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý của chủ tịch phườngthành phố Hồ Chí Minh.

Từ khóa: Chủ tịch phường, năng lực, thành phố Hồ Chí Minh.

1. Nhận thức về chủ tịch ủy ban nhân dân phường và năng lực

1.1. Về chủ tịch ủy ban nhân dân phường

1.1.1. Khái niệm

Phường là một đơn vị hành chính cấp xã ở địa phương, tương đương với xã, thị trấn. Cấp xã hiện nay gồm 3 loại là xã, phường, thị trấn. “Chính quyền cơ sở gồm xã, phường và thị trấn gắn liền với ba tính chất khác nhau: xã là chính quyền cơ sở ở vùng nông thôn; phường là chính quyền cơ sở khu vực đô thị; thị trấn là chính quyền cơ sở ở khu vực nông thôn nhưng nó là trung tâm chính trị, kinh tế, văn hóa, xã hội của một huyện” [6]]. Như vậy, phường được tổ chức ở các thị xã, quận và thành phố thuộc tỉnh. Đơn vị hành chính phường được tổ chức ở các khu vực có kinh tế - xã hội phát triển, thường được gọi là khu vực đô thị.

Người đứng đầu ủy ban nhân dân (UBND) là Chủ tịch UBND. Hiện nay các văn bản pháp luật ở nước ta chỉ nêu chức năng, nhiệm vụ, vị trí của Chủ tịch UBND phường mà không định nghĩa chính thức thuật ngữ này. Quy định về chức danh Chủ tịch UBND phường thường gắn chung với chức danh Chủ tịch UBND cấp xã. Theo Quyết định số 04/2004/QĐ-BNV ngày 16/01/2004 của Bộ trưởng Bộ Nội vụ về việc ban hành quy định chuẩn chức danh cụ thể đối với cán bộ, công chức xã, phường, thị trấn thì “Chủ tịch UBND cấp xã là cán bộ chuyên trách lãnh đạo Ủy ban nhân dân cấp xã, chịu trách nhiệm lãnh đạo, chỉ đạo, điều hành hoạt động của Ủy ban nhân dân và hoạt động quản lý nhà nước đối với các lĩnh vực kinh tế - xã hội, an ninh, quốc phòng đã được phân công trên địa bàn xã, phường, thị trấn”[1]. Cách tiếp cận này cũng một lần nữa khẳng định vị trí, vai trò của Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp xã.

Tuy nhiên, Luật Chính quyền địa phương năm 2015 thì không nêu rõ định nghĩa Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp xã mà chỉ khẳng định “Ủy ban nhân dân gồm Chủ tịch, Phó Chủ tịch và các Ủy viên, số lượng cụ thể Phó Chủ tịch UBND các cấp do Chính phủ quy định”[36]. Theo cách tiếp cận này thì Chủ tịch Ủy ban nhân dân nằm trong cơ cấu UBND. Điều này tiếp tục được khẳng định tại Điều 62 của Luật này “Cơ cấu tổ chức của UBND phường:UBND phường gồm Chủ tịch, Phó Chủ tịch, Ủy viên phụ trách quân sự, Ủy viên phụ trách công an”[4].

Như vậy. Luật Tổ chức Chính quyền địa phương năm 2015 không định nghĩa chức danh Chủ tịch UBND cấp xã dựa trên vị trí, vai trò mà chỉ nêu chức năng nhiệm vụ của chức danh này.

Trên cơ sở các văn bản quy phạm luật có thể khái quát như sau: Chủ tịch UBND cấp xã là người đứng đầu UBND cấp xã, lãnh đạo và điều hành công việc của UBND, chịu trách nhiệm cá nhân về việc thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn của mình và cùng với tập thể UBND chịu trách nhiệm về hoạt động của UBND trước HĐND cấp xã và trước cơ quan nhà nước cấp trên.

1.1.2. Tiêu chuẩn chung và riêng đối với chủ tịch UBND phường

Chủ tịch UBND phường là một CBCC cấp xã, do đó pháp luật đưa ra các tiêu chuẩn cho CBCC cấp xã. Trước hết, Chủ tịch UBND phường phải có những tiêu chuẩn chung của CBCC cấp xã. Việc quy định tiêu chuẩn chung của CBCC cấp xã được quy định tại Quyết định số 04/2004/QĐ-BNV ngày 16 tháng 1 năm 2004 của Bộ trưởng Bộ Nội vụ về việc ban hành quy định tiêu chuẩn cụ thể đối với cán bộ, công chức xã, phường, thị trấn.

Thứ nhất, Tiêu chuẩn chung: (1) Có tinh thần yêu nước sâu sắc, kiên định mục tiêu độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội; có năng lực tổ chức vận động nhân dân thực hiện có kết quả đường lối của Đảng, chính sách và pháp luật của Nhà nước ở địa phương. (2) Cần kiệm liêm chính, chí công vô tư, công tâm thạo việc, tận tụy với dân. Không tham nhũng và kiên quyết đấu tranh chống tham nhũng. Có ý thức kỷ luật trong công tác. Trung thực, không cơ hội, gắn bó mật thiết với nhân dân, được nhân dân tín nhiệm. (3) Có trình độ hiểu biết về lý luận chính trị, quan điểm, đường lối của Đảng, chính sách và pháp luật của Nhà nước; có trình độ học vấn, chuyên môn, đủ năng lực và sức khoẻ để làm việc có hiệu quả đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ được giao [1].

Thứ hai, Tiêu chuẩn riêng: (1) Tuổi đời: Tuổi đời của Chủ tịch Ủy ban nhân dân và Phó chủ tịch Ủy ban nhân dân do Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp tỉnh quy định phù hợp với tình hình đặc điểm của địa phương nhưng tuổi tham gia lần đầu phải đảm bảo làm việc ít nhất 2 nhiệm kỳ. (2) Học vấn: Có trình độ tốt nghiệp trung học phổ thông. (3) Chính trị: Có trình độ trung cấp lý luận chính trị trở lên đối với khu vực đồng bằng; khu vực miền núi phải được bồi dưỡng lý luận chính trị tương đương trình độ sơ cấp trở lên. (4) Chuyên môn, nghiệp vụ: ở khu vực đồng bằng, có trình độ trung cấp chuyên môn trở lên. Nếu giữ chức vụ lần đầu phải có trình độ trung cấp chuyên môn trở lên. Ngành chuyên môn phải phù hợp với đặc điểm kinh tế - xã hội của từng loại hình đơn vị hành chính xã, phường, thị trấn. Đã được bồi dưỡng nghiệp vụ quản lý hành chính Nhà nước, quản lý kinh tế [1].

1.2. Khái niệm về năng lực

Năng lực là thuật ngữ được nhiều ngành khoa học nghiên cứu và tiếp cận, đặc biệt là khoa học hành chính. Dưới từng góc độ tiếp cận khác nhau thì thuật ngữ này được hiểu khác nhau.

Theo Từ điển Tiếng Việt thông dụng do Nhà xuất bản Giáo dục ấn hành thì “Năng lực được hiểu là khả năng làm việc tốt”[7]. Theo cách tiếp cận này, năng lực được hiểu là khả năng thực hiện công việc một cách hiệu quả. Cách tiếp cận này tương đối chung chung mà chưa chỉ ra các yếu tố cấu thành của năng lực. Tiếp cận từ góc độ khoa học hành chính trong tác phẩm “Thuật ngữ Hành chính” do Bộ Nội vụ, Học viện Hành chính Quốc gia và Viện Nghiên cứu Hành chính xuất bản năm 2002 thì “năng lực” được hiểu là “Khả năng về thể chất và trí tuệ của cá nhân con người, hoặc khả năng của một tập thể có tổ chức tự tạo lập và thực hiện được các hành vi cư xử của mình trong các quan hệ xã hội nhằm thực hiện được mục tiêu, nhiệm vụ do mình đề ra hoặc do Nhà nước hay chủ thể khác ấn định với kết quả tốt nhất”[2]. Theo cách tiếp cận này, năng lực được cấu thành bởi 2 yếu tố cơ bản là thể chất và trí tuệ. Thể chất được hiểu là sức khỏe của một người, còn trí tuệ là sự hiểu biết, am hiểu thông minh của một người. Trí tuệ được cấu thành trên cơ sở nền tảng kiến thức và kỹ năng. Đồng thời theo cách tiếp cận này, năng lực không chỉ dành cho một cá nhân cụ thể mà còn dành cho một tập thể.

Dựa trên các cách tiếp cận trên có thể hiểu, năng lực là khả năng của một người để làm tốt một công việc hay một nhiệm vụ nào đó trong điều kiện hoàn cảnh nhất định. Năng lực làm việc của một người được hiểu là sự kết hợp giữa kiến thức, kỹ năng và thái độ hành vi mà người đó cần phải có và thể hiện ổn định để đáp ứng yêu cầu công việc; đồng thời là yếu tố giúp người đó làm việc hiệu quả hơn so với những người khác.

1.3. Vài nét về tổ chức bộ máy hành chính quyền các cấp ở thành phố Hồ Chí Minh

Thành phố Hồ Chí Minh được xếp hạng đô thị đặc biệt, là 1 trong 5 thành phố trực thuộc Trung ương của Việt Nam. ​Về mặt hành chính, Thành phố Hồ Chí Minh được chia thành 19 quận và 5 huyện. Trong đó, có 322 đơn vị hành chính cấp xã, bao gồm 259 phường, 58 xã và 5 thị trấn. Thành phố là một trung tâm hành chính, chinh trị, kinh tế , tài chinh, văn hóa, khọc kỹ thuật, đầu mối giao thông và du lịch của vùng và cả nước, có tốc độ tăng trưởng kinh tế nhanh, thu hút đầu tư nước ngoài, luôn có những sang tạo đổi mới cơ chế quản lý kinh tế và cải cách hành chinh,

Thành phố triển khai những việc làm cụ thể như tiếp nhận, giải quyết hồ sơ, đánh giá hài lòng việc giải quyết thủ tục hành chính tại 3 cấp (thành phố, quận huyện, phường xã thị trấn) theo yêu cầu, gửi nhận văn bản điện tử, thực hiện hiệu quả mô hình “Phòng họp không giấy”, “Ứng dụng giao việc tức thời và nhắc việc thông minh”. Thành phố triển khai đúng tiến độ về sắp xếp các đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã trên địa bàn thành phố giai đoạn 2019 - 2021, thực hiện đề án xác định vị trí việc làm và thi tuyển chức danh lãnh đạo, quản lý cấp phòng và tương đương.

2. Những yêu cầu về kiến thức, kỹ năng và thái độ của chủ tịch UBND phường ở thành phố Hồ Chí Minh

Tiếp cận năng lực từ góc độ hành chính thì cũng dựa trên các góc độ tiếp cận trên, khi chia cấu trúc của năng lực gồm 3 bộ phận: kiến thức, kỹ năng và thái độ. Các thành tố của năng lực và mối quan hệ của chúng đối với hành động có thể được diễn đạt như sau: Kiến thức là cơ sở lý luận của hành động; Kỹ năng là cơ sở thực tiễn của hành động; Thái độ là động lực của hành động.  [6, Tr.31]

Bên cạnh 3 yếu tố trên, để cấu thành năng lực thực thi công vụ còn có một số yếu tố khác, như: tình trạng sức khỏe, kinh nghiệm và thâm niên công tác, năng khiếu,… Tuy nhiên, năng lực thực thi công vụ của cán bộ, công chức với sự tổng hòa của ba yếu tố kiến thức, kỹ năng và thái độ vẫn là quan điểm được nhiều nhà khoa học nghiên cứu và công nhận.

2.1. Yêu cầu về kiến thức

Yêu cầu về kiến thức của Chủ tịch UBND phường trong thực hiện nhiệm vụ được giao bao gồm: kiến thức phổ thông, kiến thức chuyên ngành về lĩnh vực được phân công phụ trách, kiến thức về quản lý nhà nước, kiến thức về lý luận chính trị và các kiến thức bổ trợ khác.

Thứ nhất, Kiến thức phổ thông. Đó là kiến thức có được thông qua quá trình học các môn học cơ bản tại các trường đào tạo trình độ phổ thông hình thành nên trong con người đó một thế giới quan khoa học cơ bản để có khả năng nhận thức, phán đoán, tư duy và quyết định hành động đúng chuẩn mực, đúng mức độ, đúng thời điểm các hành vi trong cuộc sống của mình.

Thứ hai, Kiến thức chuyên môn. Để thực hiện chức năng, nhiệm vụ được giao thì người công chức cần có kiến thức chuyên môn, chuyên sâu về lĩnh vực được phân công phụ trách. Đối với Chủ tịch UBND phường phụ trách điều hành công việc chung tại UBND phường, vì vậy đòi hỏi phải có kiến thức trên các lĩnh vực kinh tế - xã hội.

Thứ ba, Kiến thức quản lý nhà nước. Tất cả công chức CBCC ở phường sau khi được tuyển dụng, đều phải qua lớp bồi dưỡng QLNN tương ứng với ngạch, chức danh đang đảm nhiệm. Đây là yêu cầu và là kiến thức cơ bản, cốt lõi mà người công chức phải có trong quá trình thực thi công vụ của mình. Vì thế, Chủ tịch UBND phường cũng phải qua lớp bồi dưỡng quản lý nhà nước tương đương với ngạch đang đảm nhiệm là chuyên viên hoặc trung cấp.

Thứ tư, Kiến thức về lý luận chính trị. Giúp hình thành thế giới quan, phương pháp luận khoa học, nhận thức, tư tưởng, bản lĩnh chính trị, niềm tin và năng lực hoạt động thực tiễn cho đội ngũ công chức cấp xã.

Thứ năm, Các kiến thức bổ trợ bao gồm: (1) Để đáp ứng yêu cầu trong công việc QLNN ngày nay: sử dụng công nghệ thông tin trong QLNN, thực hiện một cửa, một cửa liên thông trong giải quyết thủ tục hành chính và các yêu cầu khác của công tác cải cách hành chính, vì vậy, yêu cầu Chủ tịch UBND phường phải có chứng chỉ tin học văn phòng từ trình độ A trở lên; (2) Kiến thức về ngoại ngữ. Ngoại ngữ là một trong những kiến thức cần phải có của đội ngũ CBCC để đáp ứng yêu cầu về năng lực chung phục vụ quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa và hội nhập quốc tế của đất nước ngày nay. Chủ tịch UBND phường cần phải có kiến thức về ngoại ngữ tối thiểu là tiếng anh trình độ chứng chỉ A trở lên.

2.2. Yêu cầu về kỹ năng

Chủ tịch UBND phường là một vị trí lãnh đạo, quản lý trong cơ quan hành chính nhà nước. Việc yêu cầu kỹ năng phải dựa trên tính chất, đặc điểm và chức trách, nhiệm vụ của Chủ tịch UBND phường. Bao gồm:

Thứ nhất, Kỹ năng lập, phê duyệt kế hoạch. Một trong những công cụ quan trọng đối với người lãnh đạo, quản lý là kế hoạch và thực hiện kế hoạch.  Đối với Chủ tịch UBND phường, kế hoạch là cơ sở để chỉ đạo điều hành, đôn đốc, kiểm tra và đánh giá công việc một cách chủ động, khoa học.

Thứ hai, Kỹ năng phân tích công việc. Đây là một hoạt động tư duy, được tiến hành khi công việc xuất hiện, nhằm xác định một cách cụ thể: mục tiêu mà công việc hướng hoạt động cần tiến hành để công việc hoàn thành và đạt mục tiêu đã định, những nguồn lực cần được huy động. Đây là một trong những kỹ năng quan trọng của Chủ tịch UBND phường trong quá trình thực thi công vụ.

Thứ ba, Kỹ năng phân công, phối hợp. Trong quá trình thực hiện công việc của mình, Chủ tịch UBND phường phải có kỹ năng phối hợp, điều hòa hoạt động của các cá nhân, bộ phận trong UBND phường, cũng như giữa UBND với các ban ngành đoàn thể của phường và các cá nhân, tổ chức trên địa bàn. Chủ tịch UBND phải có kỹ năng điều hành hoạt động để đảm bảo mọi hoạt động diễn ra nhịp nhàng, đồng bộ.

Thứ tư, Kỹ năng động viên, khuyến khích nhân viên. Chủ tịch phải có kỹ năng động viên, khuyến khích cấp dưới, lắng nghe, nắm bắt tâm tư, nguyện vọng của cấp dưới. Chủ tịch UBND phường phải tạo ra được biện pháp để thúc đẩy cấp dưới hoàn thành công việc. Chủ tịch UBND phường phải thôi thúc được nhân viên của mình làm việc năng động, sáng tạo, có hiệu quả.

Thứ năm, Kỹ năng ban hành quyết định quản lý giải quyết các vấn đề. Chủ tịch UBND phường phải quyết rất nhiều vấn đề phát sinh. Những vấn đề này có thể diễn ra trong nội bộ UBND phường cũng như trên địa bàn phường. Chủ tịch UBND phường cũng phải có kỹ năng phân tích để tìm ra nguyên nhân phát sinh vấn đề, cũng như đưa ra các phương án và ban hành quyết định một cách nhanh chóng, kịp thời, chính xác, phù hợp.

Thứ sáu, Kỹ năng giao tiếp, kỹ năng tiếp công dân. Chủ tịch UBND phường phải có kỹ năng quan hệ, giao tiếp, bao gồm nhiều kỹ năng như kỹ năng nói, kỹ năng lắng nghe, kỹ năng phát ngôn, thiết lập các mối quan hệ với các cá nhân, tổ chức có liên quan. Kỹ năng tiếp công dân là khả năng ứng xử, tiếp nhận các thông tin phản ánh, kiến nghị, khiếu nại, tố cáo của công dân và cũng như kỹ năng xử lý các tình huống trong tiếp công dân.

Thứ bảy, Kỹ năng kiểm tra, giám sát. Kiểm tra, giám sát của Chủ tịch UBND phường là hoạt động thường xuyên của Chủ tịch UBND phường nhằm xem xét, theo dõi hoạt động của cá nhân, tổ chức trực thuộc trong việc thực hiện chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn được phân công.

Thứ tám, Kỹ năng quản lý sự thay đổi. Trong quá trình quản lý thì Chủ tịch UBND phường luôn phải đối diện với những sự thay đổi, do đó, Chủ tịch UBND phường phải có kỹ năng quản lý sự thay đổi. Kỹ năng này giúp cho Chủ tịch UBND phường nhận diện và giải quyết được sự thay đổi trong tổ chức.

3. Kết luận

Thành phố Hồ Chí Minh với tính chất là một đô thị loại đặc biệt, với các cấp chính quyền, trong đó, có thể nói phường vừa mang những đặc điểm chung của chính quyền cấp xã, đồng thời là đơn vị hành chính phức tạp nhất trong cấp xã, nhất là tại thành phố Hồ Chí Minh. Vì vậy, việc nâng cao năng lực của đội ngũ cán bộ, công chức phường nhất là Chủ tịch UBND phường là hết sức quan trọng và cần thiết. UBND thành phố nói chung và UBND cấp phường nói riêng cần có những biện pháp phù hợp nhằm nâng cao nâng cao năng lực thực thi công vụ của Chủ tịch UBND phường để đáp ứng yêu cầu của quá trình xây dựng chính quyền đô thị hiện nay ở thành phố Hồ Chí Minh.

TÀI LIỆU THAM KHẢO:

  1. Bộ Nội vụ (2004), Quyết định số 04/2004/QĐ-BNV ngày 16 tháng 11 năm 2004 về việc Ban hành qui định tiêu chuẩn cụ thể đối với cán bộ, công chức xã, phường, thị trấn. Hà Nội.
  1. Học viện Hành chính Quốc gia (2002), Thuật ngữ Hành chính. Hà Nội.
  2. Quốc hội (2003), Luật số 11/2003/QH11 ngày 16/11/2003 về Tổ chức Hội đồng nhân dân và UBND. Hà Nội.
  1. Quốc hội (2013), Hiến pháp nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam. Hà Nội.
  2. Quốc hội (2015), Luật Tổ chức chính quyền địa phương. Hà Nội.
  3. Nguyễn Thị Minh Thanh (2017), Năng lực chủ tịch UBND cấp xã trên địa bàn tỉnh Kiên Giang. Luận văn thạc sỹ quản lý công, Học viện Hành chính quốc gia. Hà Nội.
  1. Nguyễn Như Ý (2019), Từ điển tiếng Việt thông dụng. NXB Giáo dục.

Discussing the capacity and the competency of the position of chairman of ward-level People’s Committee in Ho Chi Minh City

 Master. Le Ba Khanh Trinh

People’s Committee of District 7, Ho Chi Minh City       

ABSTRACT:

In the system of government, the commune level is considered the foundation and grassroots level. The current commune level consists of three types including commune, ward and town. The commune level plays a very important role in the operation of the state apparatus. The Communist Party of Vietnam and the Government of Vietnam always care, build, foster and develop commune-level civil servants, especially chairmans of ward-level People’s Committee. This paper is about the capacity and required knowledge and skills of the position of chairman of ward-level People’s Committee in order to improve the management effectiveness and efficiency at commune-level authorities of Ho Chi Minh City.

Keywords:: Chairman of ward-level People’s Committee, capacity, competency, Ho Chi Minh City.

[Tạp chí Công Thương - Các kết quả nghiên cứu khoa học và ứng dụng công nghệ, Số 25, tháng 10 năm 2020]