Mở “mặt trận mới” trên phòng tuyến chống hàng giả

Trước những thủ đoạn tinh vi của các đối tượng bán hàng gian, hàng giả qua mạng xã hội, lực lượng quản lý thị trường đã mở “mặt trận mới” nhằm bóc gỡ kịp thời những hành vi phạm pháp, bảo vệ người tiêu dùng và doanh nghiệp làm ăn chân chính.
quan ly thi truong
Văn phòng Thường trực Ban Chỉ đạo quốc gia chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả đã ký kết quy chế phối hợp với Tổng cục Quản lý thị trường, Bộ Công Thương

10 xe, 4 ngày, và 649 tỷ đồng!

Sau gần 6 tháng trinh sát, ngày 17/3, Tổng cục Quản lý thị trường (QLTT) chỉ đạo Tổ 368 (Tổ công tác về Thương mại điện tử) phối hợp Cục QLTT Nam Định và Công an tỉnh Nam Định ập vào kho trữ hàng hóa giả nhãn hiệu Hermès, LV, Chanel... tại huyện Vụ Bản, tỉnh Nam Định.

Kho hàng rộng hơn 500 m2 tàng trữ hàng chục nghìn sản phẩm, chủ yếu là túi xách nhái nhãn hiệu Hermès, LV, Chanel, thường được giao dịch qua mạng xã hội. Với kho hàng trị giá khoảng 6 tỷ này, đoàn kiểm tra phải dùng tới 10 xe 3,5 tấn mới có thể di chuyển hết số hàng hóa vi phạm.

Trước đó, đầu tháng 7 năm 2020, Tổng cục QLTT phối hợp với Bộ Tư lệnh Cảnh sát cơ động; Cục An ninh mạng và phòng, chống tội phạm sử dụng công nghệ cao (Bộ Công an) triệt phá kho hàng lậu chuyên bán hàng qua mạng xã hội tại TP.Lào Cai.

Bên trong kho chứa hàng nghìn sản phẩm mang thương hiệu của các hãng lớn như Adidas, Nike, Chanel... Toàn bộ số hàng này đã phải kiểm đếm trong 4 ngày đêm mới xong và được niêm phong vào trong 34 container.  

Theo Tổng cục QLTT, kho hàng lậu ở Lào cai lúc nào cũng có không dưới 70 nhân viên hoạt động nhộn nhịp; hằng ngày livestream giới thiệu sản phẩm trên Facebook.

Tối thiểu bán được trên dưới 1.000 đơn hàng với doanh thu hơn 10 tỉ đồng. Trong thời gian chưa đầy 2 năm, tính đến thời điểm bị kiểm tra, lợi nhuận của kho hàng trên là 649 tỉ đồng. Nếu tính đủ cả 2 năm, 24 tháng thì mỗi tháng cũng lãi gần 30 tỷ đồng!

Thủ đoạn mới…

Theo thống kê của Cục Quản lý cạnh tranh (Bộ Công Thương), mỗi năm cơ quan này nhận được khoảng 1.500 đơn khiếu nại của người tiêu dùng, trong đó 50% liên quan đến việc giao dịch mua bán trên các trang mạng, bao gồm các hiện tượng bán hàng giả, hàng lậu, hàng nhái, hàng kém chất lượng, hàng không rõ nguồn gốc xuất xứ, mua bán không có chứng từ hóa đơn. Nhưng việc bóc gỡ những đường dây này không đơn giản như hàng gian, hàng giả truyền thống.

Vì thế, từ đầu năm 2020, Tổng cục QLTT đã quyết định mở một “mặt trận mới” -

thành lập Tổ công tác về Thương mại điện tử (gọi tắt là Tổ 368) nhằm thu thập, tiếp nhận, xác minh thông tin các vụ việc có dấu hiệu vi phạm pháp luật về kinh doanh hàng nhập lậu, hàng giả, hàng cấm, hàng hóa không rõ nguồn gốc xuất xứ và hàng hóa xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ trong môi trường thương mại điện tử. Từ đó đã tấn công, xử lý một số đường dây, ổ nhóm quy mô lớn trên môi trường internet.

hang gia

Lực lượng QLTT kiểm đếm số hàng hóa vi phạm giả mạo nhãn hiệu

Tuy nhiên, cuộc đấu tranh cũng hết sức cam go. Với kho hàng hiệu làm giả ở Nam Định, từ một livestream bán hàng trên mạng, lực lượng QLTT phải lần theo dấu vết mất 6 tháng mới tìm kho đầu nậu. Còn kho hàng lậu không rõ nguồn gốc, xuất xứ tại Lào Cai, các lực lượng của Tổng cục QLTT, và Cục An ninh mạng và phòng, chống tội phạm sử dụng công nghệ cao (Bộ Công an) mất đến 6 tháng, dùng nhiều biện pháp nghiệp vụ điều tra, theo dõi mới có thể đột kích chính xác tổng kho hàng lậu.

Sở dĩ việc bóc gỡ những vụ buôn lậu, hàng giả trên mạng gian truân như vậy là do công nghệ cao cho phép các chủ hàng có nhiều thủ đoạn đối phó với người tiêu dùng và các cơ quan chức năng. Để qua mặt người tiêu dùng, các đối tượng thường sử dụng các hình ảnh có thể hàng thật, hàng chính hãng để quảng cáo, chào bán hàng giả; khi khách hàng hỏi thì chỉ nhận inbox (nhắn tin riêng).

Với cơ quan chức năng,  các đối tượng thường sử dụng một địa chỉ không liên quan, địa chỉ không có thật, hoặc giả mạo địa chỉ để giao dịch; nhưng tập kết, tàng trữ hàng hóa tại nhiều địa điểm khác nhau hoặc kết hợp vừa làm nơi giao dịch vừa làm nơi ở, cất giấu hàng hóa. Đồng thời, lập nhiều tài khoản facebook để né tránh sự kiểm tra của các cơ quan chức năng và đơn vị vận chuyển.

Chính vì thế, trong vụ bóc gỡ kho hàng hóa giả nhãn hiệu ở Nam Định, sau một tuàn cơ quan chức năng vẫn chưa thông tin về nguồn gốc số hàng nhập, và chưa liên lạc được với chủ hàng.

… cần phương thức mới

Sau bước đi đầu tiên thành lập Tổ 368 cùng những kết quả tích cực, Tổng cục QLTT tiếp tục xác định, nhiệm vụ chính trong năm nay là đấu tranh chống hàng gian, hàng giả trên môi trường mạng. Làm mạnh, quyết liệt và thường xuyên, đeo bám đến cùng và linh hoạt chứ không theo cách làm truyền thống là đi kiểm tra ở ngoài phố.

Bởi thực tế, ngay cả các phương thức bán hàng truyền thống thì hiện nay cũng thỏa thuận trước trên mạng xã hội.Tổng cục cũng đề cao sự phối hợp chặt chẽ giữa các lực lượng ở biên giới hải đảo và trong nội địa nhằm tổ chức kiểm tra, triệt phá nhiều đường dây, ổ nhóm lớn trên nhiều địa bàn tỉnh, thành trên cả nước.

Trước những thủ đoạn tinh vi của tội phạm công nghệ cao, Tổng cục đặt trọng tâm vào ứng dụng công nghệ thông tin trong hoạt động tạo bước đột phá trong việc nâng cao hiệu quả hoạt động của lực lượng Quản lý thị trường Từ năm 2020, Tổng cục đã triển khai ứng dụng công nghệ thông tin vào trong hoạt động của lực lượng, đầu tư cho hạ tầng công nghệ thông tin, đưa vào vận hành chính thức Cổng thông tin điện tử; hệ thống quản lý văn bản điện tử; hệ thống thư điện tử công vụ; cở sở dữ liệu…

Trong năm nay, Tổng cục tiếp tục triển khai xây dựng cơ sở dữ liệu về hàng giả, hàng nhái, buôn lậu, gian lận thương mại và vi phạm sở hữu trí tuệ, tra cứu chứng từ điện tử, quản lý cán bộ…

Ứng dụng công nghệ thông tin sẽ góp phần quan trọng, giúp công tác chỉ đạo điều hành, bóc gỡ kịp thời những hành vi phạm pháp, bảo vệ người tiêu dùng và doanh nghiệp làm ăn chân chính.

 

Nguyễn Văn