TÓM TẮT:
Nghiên cứu nhằm đánh giá tác động của nguồn vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) đến tăng trưởng tỉnh Quảng Nam và sử dụng phương pháp hồi quy hai giai đoạn 2SLS để khắc phục được những hạn chế của mô hình hồi quy thông thường. Thông qua việc sử dụng các biến công cụ, nghiên cứu cũng cho thấy tầm quan trọng của việc xem xét môi trường vĩ mô khi đánh giá, xem xét tác động của nguồn vốn đầu tư nước ngoài. Kết quả nghiên cứu cho thấy FDI, có mối tương quan mạnh mẽ và có ý nghĩa ở mức cao trong tất cả các mô hình. Điều này thể hiện mối quan hệ mạnh mẽ giữa nguồn vốn này với tăng trưởng của địa phương. Tuy nhiên kết quả trên cũng đưa ra sự sụt giảm về tác động của FDI nếu như các yếu tố kinh tế không bảo đảm điều kiện tiếp nhận tốt nhất cho nguồn vốn.
Từ khóa: vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài, tăng trưởng kinh tế, tỉnh Quảng Nam.
1. Đặt vấn đề
Tại Quảng Nam hiện tại đã có một vài nghiên cứu liên quan đến đề tài mối quan hệ giữa đầu tư và tăng trưởng. Tuy nhiên, hầu hết các nghiên cứu đến bây giờ vẫn chỉ dừng lại ở mức độ định tính, thiên về mô tả chứ chưa có một nghiên cứu chính thức nào chỉ ra mối quan hệ giữa đầu tư trực tiếp từ nước ngoài (FDI) và tăng trưởng.
Tác giả lựa chọn tỉnh Quảng Nam để làm đối tượng nghiên cứu bởi vì: (1) lượng vốn đầu tư trực tiếp FDI của tỉnh qua các năm có sự gia tăng nhanh về quy mô. Năm 2010, quy mô vốn FDI đạt khoảng 343,05 triệu USD và tăng mạnh trong các năm tiếp theo. Nguyên nhân chính là thúc đẩy gia tăng nguồn vốn cho địa phương xuất phát từ hệ thống hạ tầng cơ sở hạ tầng kinh tế xã hội đáp ứng được nhu cầu của các nhà đầu tư. (2) Sự thay đổi tích cực đến từ khu vực công đã khuyến khích dòng vốn chảy vào địa phương đầu tư nhiều hơn khi hành lang pháp lý được đảm bảo với nhiều chính sách linh hoạt để tạo một môi trường đầu tư năng động sáng tạo với các cơ chế thoáng mở thu hút nguồn lực, liên kết vùng, tạo động lực hình thành nên các trọng điểm kinh tế tạo động lực phát triển. Với đặc điểm đặc biệt là một tỉnh với một lượng lớn vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài tập trung vào một khu vực trọng điểm - khu kinh tế mở Chu Lai, thì đây sẽ là một địa phương đáng để nghiên cứu, xem sự tác động của nguồn vốn này có tính hiệu quả như thế nào so với các địa phương khác.
2. Tổng quan nghiên cứu
Các nhà kinh tế học trên thế giới đã từ lâu tranh luận ở nhiều khía cạnh về tác động của đầu tư trực tiếp nước ngoài đến tăng trưởng kinh tế, như Aschauer (1989a, 1989b); Hadjimichael Ghura (1995); Jwan James (2014); Blomstrom Persson (1983); Aviral Kumar Tiwari và Mihai Mutascu (2011) đã cho rằng, đầu tư có tác động tích cực đến tăng trưởng qua cả chiều hướng gián tiếp và trực tiếp. Trong khi đó, Deverajan (1996); Karikari (1992); Carkovic và Levine (2002) cho rằng, đầu tư có tác động tiêu cực hoặc không có quan hệ tới tăng trưởng; hay nghiên cứu của: (1) Tsai (1994) đã ứng dụng một mô hình cho 62 quốc gia trên thế giới và đã đưa ra kết luận về tính hai chiều của FDI và tăng trưởng; (2) Blomstrom và cộng sự (2001) sau khi sử dụng mô hình đồng thời cũng cho rằng FDI chỉ tác động vào nền kinh tế khi và chỉ khi nền giáo dục trong nước tiếp nhận đạt đến một mức độ nhất định; (3) Kim và Seo (2003) đã thực hiện một nghiên cứu về hiện tượng chèn ép của FDI đến đầu tư trong nước ở Hàn Quốc giai đoạn 1985 - 1999. Nghiên cứu đã cho thấy có hiện tượng tác động mạnh một cách tích cực từ tốc độ tăng trưởng đến vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài FDI nhưng lại không thấy hiện tượng tác động của FDI đến tăng trưởng kinh tế, mà FDI chỉ góp phần làm tăng đầu tư trong nước, thể hiện tác động lan tỏa dòng vốn FDI đến dòng vốn đầu tư trong nước.
3. Phương pháp nghiên cứu
Trong nội dung nghiên cứu này sẽ sử dụng 2 phương pháp nghiên cứu chính:
Phương pháp phân tích và tổng hợp lý thuyết các số liệu về đầu tư trực tiếp từ nước ngoài tại tỉnh Quảng Nam, tăng trưởng GDP tỉnh Quảng Nam theo giá so sánh năm 2010 trong giai đoạn từ năm 2005-2019.
Phương pháp mô hình hóa sử dụng phương pháp hồi quy 2SLS sử dụng các biến công cụ để phân tích ra mối quan hệ trên về mặt định lượng, Dựa trên mô hình hồi quy cơ bản:
Yi = β1 + β2X2 + ... + βnXn + ui
Trong đó: Y là biến phụ thuộc - tăng trưởng GDP theo giá so sánh 2010; Xi (I = 2-n) là các biến độc lập và các biến công cụ. Trong nghiên cúu này sẽ lần lượt là: lượng vốn đầu tư trực tiếp từ nước ngoài, tốc độ gia tăng dân số và các biến công cụ như: nợ công, lương trung bình một tháng, dân cư thành thị.
4. Kết quả nghiên cứu
4.1. Tổng quan nền kinh tế và thực trạng nguồn vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài FDI tại Quảng Nam
Trong giai đoạn từ 2005 - 2010, nền kinh tế Quảng Nam duy trì được tốc độ tăng trưởng bình quân tăng 11,89%/năm, đây là mức tăng trưởng cao trong bối cảnh suy thoái chung của thế giới. Với các chính sách phù hợp và hạ tầng đã được đầu tư giúp cho tỉnh Quảng Nam thu hút được gần 21.000 tỉ đồng. Cho đến cuối năm 2010, tổng số FDI trên địa bàn tỉnh 79 dự án còn hiệu lực với tổng mức đầu tư hơn 1 tỷ USD.
Biểu đồ 1: Quy mô và tốc độ tăng trưởng GDP tỉnh Quảng Nam
trong giai đoạn 2005-2019
Trong giai đoạn từ 2011 đến 2015, tốc độ tăng trưởng bình quân đạt 11,5%, theo đó phải kể đến là sự đóng góp của khu vực công nghiệp và dịch vụ luôn duy trì được đà tăng trưởng với sự gia tăng của các ngành Chế biến, chế tạo gắn với xuất khẩu. Khu vực FDI cũng đóng góp đáng kể với 39 doanh nghiệp được thành lập trong vòng 5 năm, nâng số dự án lên 107 dự án với tổng mức đầu tư, đóng góp bình quân hàng năm hơn 500 tỷ đồng cho ngân sách nhà nước và hơn 70% giá trị xuất khẩu toàn tỉnh.
Tốc độ tăng GDP bình quân vào giai đoạn 2016-2019 đạt 10,7%/năm; GDP bình quân đầu người đạt 66,3 triệu đồng. Ngành Công nghiệp vẫn đang là ngành tiên phong mũi nhọn trong công cuộc tăng trưởng, đặc biệt là ngành Công nghiệp lắp ráp ô tô. Thu ngân sách của tỉnh tăng cao, riêng năm 2019, tổng thu ngân sách khoảng 23.000 tỷ đồng với sự đóng góp tích cực của các doanh nghiệp FDI.
Trên địa bàn tỉnh Quảng Nam có 184 dự án đầu tư trực tiếp nước ngoài còn hiệu lực từ 26 quốc gia và vùng lãnh thổ, với tổng vốn đầu tư đăng ký 5,439 tỷ USD. Trong đó, từ năm 2005 - 2019, có 85 dự án được cấp phép với tổng vốn đầu tư đăng ký là 447,3 triệu USD. Trong giai đoạn này, Quảng Nam vươn mình trở thành một trong những địa phương hấp dẫn nguồn vốn FDI nhất của cả. Đến năm 2016, Quảng Nam đã trở thành tỉnh dẫn đầu khu vực miền Trung với 11 dự án FDI có tổng mức đầu tư 157,8 triệu USD; đến năm 2019 đã đạt mức 326,7 triệu USD.
Biểu đồ 2: Quy mô vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài vào tỉnh Quảng Nam trong giai đoạn từ 2005-2019
Đầu tư trực tiếp nước ngoài FDI trên địa bàn tỉnh Quảng Nam tập trung nhiều nhất vào lĩnh vực công nghiệp với số dự án chiếm tỷ trọng 65,87% và vốn đầu tư chiếm tỷ trọng 18,57%. Đây cũng chính là nhóm ngành mũi nhọn trong việc thu hút đầu tư trực tiếp nước ngoài vào tỉnh Quảng Nam. Nhóm ngành Du lịch đang ngày càng thể hiện được năng lực hấp dẫn các nhà đầu tư nước ngoài khi chỉ có 40 dự án FDI tính đến cuối tháng 12/2018 nhưng lại có tổng số vốn đầu tư gấp 4 lần so với tổng số vốn đầu tư trong ngành Công nghiệp, chiếm tỷ trọng 80,53%.
4.2. Mối quan hệ giữa đầu tư và tăng trưởng kinh tế tại Quảng Nam trong giai đoạn 2005 - 2019
Có thể thấy được rằng mối tương quan giữa các biến công cụ nợ công, lương trung bình 1 tháng, dân cư thành thị với biến nội sinh là tương đối tốt. Bên cạnh đó, mối quan hệ giữa chúng với biến giải thích là không đáng kể. Điều này cho thấy đây là những biến phù hợp và có thể sử dụng cho mô hình. Điều đáng chú ý nhất ở đây là mối tương quan khá mạnh giữa đầu tư trực tiếp nước ngoài và tăng trưởng. Do vậy việc không sử dụng mô hình hồi quy bội theo phương pháp OLS mà thay vào đó là việc hồi quy theo phương pháp 2SLS là hoàn toàn có cơ sở.
Bảng 1. Thống kê mô tả các biến trong mô hình
Bảng 2. Ma trận tương quan các biến
Đầu tiên ta sẽ chạy hồi quy bội thông thường để tìm được tác động cơ bản của đầu tư trực tiếp nước ngoài và tỉ lệ gia tăng dân số đến tăng trưởng theo các mô hình của kinh tế học cổ điển khi không có sự can thiệp của bất kì biến công cụ nào. Ta có thể thấy với hệ số thể hiện mối quan hệ giữa đầu tư trực tiếp nước ngoài và tăng trưởng là 0,0003155 thể hiện mối tương quan dương giữa 2 yếu tố này. Với độ tin cậy 5%, có thể nói rằng cứ mỗi 1 tỷ đồng tăng lên trong vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài sẽ làm tăng lượng tăng trưởng lên 0,0003155%.
Bảng 3. Chạy mô hình lần 1
Tác giả thực hiện lại mô hình sau khi thêm vào các biến độc lập. Kết quả đã kiểm chứng được giả thiết về việc các nhà đầu tư có xu hướng đầu tư nhiều hơn vào những địa phương có mức lương trung bình của lao động thấp hơn. Tại những địa phương có lương trung bình lao động hàng tháng càng thấp thì có xu hướng được nhiều hơn vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài, bên cạnh đó còn cho thấy biến nợ công tác động âm đến tăng trưởng phù hợp với các lý thuyết và hỳ vọng của nghiên cứu. Đồng thời, tác giả tiến hành các kiểm định cho mô hình.
Bảng 4. Chạy mô hình lần 2
Với giả thiết H0: biến FDI là biến nội sinh. Sau khi chạy kiểm định ta có được kết quả p của Wu-Hausman bằng 0,0283 < 0,05. Từ đó, ta có thể chấp nhận giả thiết H0. Do đó, việc sử dụng các biến công cụ và phương pháp 2SLS như nghiên cứu đã tiến hành là phù hợp.
Bảng 5. Kiểm định Hausman Test
Bảng 6. Kiểm định Wald Test
Tiếp theo nghiên cứu tiếp tục sử dụng Wald test để kiểm định về sự phù hợp của các biến công cụ được chọn trong mô hình. Từ Bảng 6 trên ta có thể thấy với độ tin cậy của ước lượng trên chạy từ 5%; 10%; 20%; 30% thì giá trị 2SLS Size of nominal tương ứng lần lượt là 22.30; 12.83; 9.54 và 7.80 đều nhỏ hơn Minimum eigenvalue statistic = 38.7039. Như vậy, ta có thể kết luận được các biến công cụ mà ta sử dụng ở trên đều là các biến công cụ mạnh và có hiệu quả.
Qua các mô hình phân tích ở trên, có thể thấy được rằng, biến FDI có mối tương quan mạnh mẽ và có ý nghĩa ở mức cao trong tất cả các mô hình. Điều này thể hiện mối quan hệ mạnh mẽ giữa nguồn vốn này với tăng trưởng của địa phương. Đối với một địa phương như Quảng Nam thì mối quan hệ tương quan dương giữa đầu tư và tăng trưởng đã thể hiện sự phù hợp về mặt lý thuyết kinh tế. Đồng thời, kết quả cho thấy rằng, tác động của FDI đến tăng trưởng của từng nền kinh tế trong những giai đoạn là hoàn toàn khác nhau, nó phụ thuộc nhiều vào điều kiện thực tế của nền kinh tế lúc tiếp nhận là như thế nào.
5. Kết luận
Từ quá trình nghiên cứu và phân tích bằng cả 2 phương pháp định tính và định lượng, nghiên cứu có thể rút ra được một số kết luận chung như sau:
Thứ nhất, tác động của các nhân tố đến mối quan hệ giữa đầu tư và tăng trưởng là khác nhau theo cả chiều hướng tác động và mức độ. Độ ổn định của nên kinh tế với biến đại diện là biến nợ công có tác động mạnh mẽ và ngược chiều. Biến dân cư đô thị đại diện cho nhân tố tái cơ cấu nền kinh tế có tác động thuận chiều với đầu tư trực tiếp nước ngoài, tuy nhiên với mức độ không quá mạnh mẽ. Chi phí lao động là một trong những nhân tố đóng góp mạnh mẽ đến mối quan hệ giữa đầu tư trực tiếp nước ngoài và tăng trưởng theo hướng làm gia tăng cả về số lượng và ảnh hưởng của nguồn vốn này đến tăng trưởng. Đây là một trong những nhân tố cần được quan tâm nếu địa phương muốn tăng cường nguồn vốn cả về mặt lượng và chất.
Thứ hai, qua quá trình phân tích trên, nghiên cứu đồng tình với các nghiên cứu đi trước về chiều hướng tác động của FDI đến tăng trưởng có thể dương, âm hoặc không tác động. Việc tác động theo chiều hướng nào là do các nhân tố kinh tế khác được xét đến trong mô hình và mức độ tác động của chúng.
TÀI LIỆU THAM KHẢO:
- Nguyễn Thị Tuệ Anh, Vũ Xuân Nguyệt Hồng, Trần Toàn Thắng & Nguyễn Mạnh Hải (2006), Tác động của đầu tư trực tiếp nước ngoài tới tăng trưởng kinh tế ở Việt Nam. Truy cập tại http://www.ciem.org.vn/ Portals/0/CIEM/BaoCaoKhoaHoc/2005/RRFDITang_truong_KTvietnamese_233.pdf
- Nguyễn Thế Khang (2017), Tác động của đầu tư đến tăng trưởng kinh tế và hội tụ thu nhập tại Việt Nam. Luận án tiến sĩ, Đại học Kinh tế TP. Hồ Chí Minh.
- Sử Đình Thành & Nguyễn Minh Tiến (2014), Tác động của FDI đến tăng trưởng kinh tế địa phương ở Việt Nam. Tạp chí Phát triển kinh tế, 283, 21-41.
- Nguyễn Chất Phát (2017), Mối quan hệ giữa FDI và tăng trưởng kinh tế: Vai trò của các yếu tố chất lượng thể chế, cơ sở hạ tầng và môi trường vĩ mô. Luận án tiến sĩ, Đại học Kinh tế thành phố Hồ Chí Minh.
- Trần Nguyễn Ngọc Anh Thư & Lê Hoàng Phong (2014), Tác động của đầu tư công đối với tăng trưởng kinh tế ở Việt Nam: Góc nhìn thực nghiệm từ mô hình ARDL. Tạp chí Phát triển và Hội nhập, 19, 3-10.
- M Wang. (2009). Manufactoring FDI and economic growth: evidence from Asian economies. [Online] Avalabile at https://core.ac.uk/download/pdf/213076077.pdf
- DA Aschauer. (1989). Public investment and productivity growth in the group of seven. Journal of ecomic perspectives, 13, 17-25.
- MS Khang & MS Kumar. (1997). Public and private investment and the growth process in developing countries. Oxford Bulletin of Economics and Statistics, 59(1), 69-88.
THE RELATIONSHIP BETWEEN FOREIGN DIRECT
INVESTMENT AND QUANG NAM PROVINCE’S
ECONOMIC DEVELOPMENT
• Master. NGUYEN DANH KHOI
Faculty of Economics, University of Economics, University of Da Nang
ABSTRACT:
This study is to examine the impact of foreign direct investment (FDI) on the economic growth of Quang Nam Province with the use of Two-Stage least squares (2SLS) regression analysis. The 2SLS regression analysis was used as it tackles the drawbacks of the ordinary regression model. By analyzing variables, this study finds out that it is necessary to examine the importance of macro-environment when assessing the impacts of FDI. The study’s results show that FDI has strong correlations with a high statistical significance, showing a strong correlation between FDI and Quang Nam Province’s economic development. However, the study’s results indicate that the positive impact of FDI could be lowered if the province does not ensure optimal conditions for receiving FDI.
Keywords: foreign direct investment, economic development, Quang Nam Province.
[Tạp chí Công Thương - Các kết quả nghiên cứu khoa học và ứng dụng công nghệ, Số 15, tháng 6 năm 2021]