Một số giải pháp nhằm nâng cao hiệu quả công tác tuyên truyền giáo dục tấm gương đạo đức và phong cách Chủ tịch Hồ Chí Minh cho sinh viên trong bối cảnh hiện nay

ThS. ĐINH THỊ HUYÊN (Trường Cao đẳng Lý Tự Trọng Thành phố Hồ Chí Minh)

TÓM TẮT:

Việc học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Chủ tịch Hồ Chí Minh là yêu cầu, nhiệm vụ hết sức quan trọng đối với sinh viên. Đặc biệt trong xu thế hội nhập với sự bùng nổ thông tin như hiện nay, các thế lực thù địch đã, đang và vẫn sẽ tìm mọi cách chống phá Đảng và Nhà nước. Bên cạnh đó, trên thế giới còn nhiều biến cố khó lường về tình hình chính trị - xã hội. Bài viết về công tác tuyên truyền giáo dục để việc học tập có hiệu quả phải được tiến hành tập trung, tính sáng tạo, có kế hoạch và giải pháp cụ thể.

Từ khóa: Chủ tịch Hồ Chí Minh, công tác tuyên truyền, giáo dục, tấm gương đạo đức, sinh viên.

1. Đặt vấn đề

Sinh thời, Chủ tịch Hồ Chí Minh đặc biệt coi trọng giáo dục đạo đức cách mạng cho thanh niên. Người cho rằng: "Thanh niên ta cần phải thấm nhuần tinh thần làm chủ nước nhà và phải trau dồi đạo đức của người cách mạng. Đạo đức cách mạng là bất kỳ ở cương vị nào, bất kỳ làm công việc gì, đều không sợ khó, không sợ khổ, đều một lòng một dạ phục vụ lợi ích chung của giai cấp, của nhân dân, đều nhằm mục đích xây dựng chủ nghĩa xã hội"[5]. Từ lòng yêu thương, sự tin tưởng đối với thế hệ trẻ kết hợp với tầm nhìn chiến lược, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã để lại những di sản tư tưởng có giá trị về chiến lược xây dựng thế hệ trẻ. Đối với giai đoạn cách mạng hiện nay, tư tưởng ấy vẫn còn nguyên giá trị.

Trong xu thế toàn cầu hóa hiện nay, chúng ta phải chịu những tác động tích cực và tiêu cực của tiến trình hội nhập, nó chi phối hệ giá trị, chuẩn mực đạo đức, lối sống, nhân cách mỗi người đặc biệt là sinh viên. Diễn biến tình hình tư tưởng tiêu cực mới nảy sinh trong sinh viên đã tạo nên sự lo lắng cho gia đình, nhà trường và toàn xã hội. Chính vì vậy, công tác giáo dục chính trị, tư tưởng cho thanh niên, sinh viên được xem là một trong những công tác trọng tâm, thường xuyên của Đảng và Nhà nước. Việc tìm ra những giải pháp để nâng cao hiệu quả công tác tuyên truyền giáo dục tấm gương đạo đức và phong cách Chủ tịch Hồ Chí Minh cho sinh viên trong bối cảnh hiện nay đang là vấn đề được toàn xã hội quan tâm.

2. Nội dung nghiên cứu

2.1. Thực trạng đạo đức sinh viên trong bối cảnh hiện nay

Hiện nay, thế hệ trẻ Việt Nam nói chung và sinh viên nói riêng được giáo dục, chăm sóc, nuôi dưỡng trong điều kiện tốt hơn; đa số thanh niên, sinh viên tin tưởng vào sự lãnh đạo của Đảng và con đường đi lên chủ nghĩa xã hội mà Đảng và nhân dân ta lựa chọn. Họ sống có trách nhiệm với Tổ quốc, gia đình và bản thân, có ước mơ, hoài bão, kiến thức, có kỹ năng và sức khỏe tốt, có lối sống năng động, lạc quan, tự tin, dám nghĩ, dám làm; họ có nhiều đóng góp quan trọng trong sự nghiệp đổi mới, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. có không ít tấm gương vượt qua khó khăn của bản thân, gia đình để vươn lên thành những người hữu ích; không ít sinh viên dám đấu tranh và băn khoăn với các hiện tượng tiêu cực và tệ nạn xã hội.

Cả nước hiện có 237 trường đại học, học viện với hơn 1,5 triệu sinh viên [6]. Về mặt số lượng, sinh viên là một lực lượng không hề nhỏ. Về mặt chất lượng, sinh viên là những người được đào tạo toàn diện và đầy đủ nhất với rất nhiều chuyên ngành đào tạo khác nhau. Tuy nhiên, trong điều kiện nền kinh tế thị trường, mở cửa hội nhập với thế giới ngày càng sâu rộng, bên cạnh những giá trị tốt đẹp thì tình trạng giới trẻ nói chung và sinh viên nói riêng sống buông thả, không coi trọng giá trị đạo đức đã và đang diễn ra ở nhiều nơi.

Như vậy, bên cạnh những kết quả quan trọng đã đạt được, công tác giáo dục lý tưởng cách mạng, đạo đức, lối sống cho thế hệ trẻ nói chung hay sinh viên nói riêng trong những năm gần đây còn có những mặt hạn chế, thiếu sót: nhiều em chưa hoặc không có định hướng rõ ràng cho bản thân, thờ ơ với tình hình chung của đất nước; một bộ phận sinh viên lười lao động, lười học tập, ngại khó, ngại khổ, chưa làm tròn trách nhiệm và nghĩa vụ của mình ở gia đình, địa phương, có biểu hiện giảm sút niềm tin, dễ bị lôi kéo, kích động tham gia vào các hoạt động vi phạm pháp luật. Việc vi phạm các chuẩn mực đạo đức của sinh viên đã đến mức đáng lo ngại với những hành vi bạo lực trong nhà trường, đe dọa hành hung thầy cô, mua điểm, hút thuốc, cờ bạc, nghiện rượu, sống thử trước hôn nhân, lối sống hưởng thụ, coi nặng giá trị vật chất, hoang phí.

Một trong những nguyên nhân dẫn tới sự xuống cấp về lý tưởng, đạo đức, lối sống của một bộ phận sinh viên trong thời gian qua là do bản thân sinh viên chưa nhận thức đầy đủ vị trí, vai trò của đạo đức, lối sống; quá chú trọng việc “luyện chữ”, “luyện tài” mà quên “luyện người”. Vì vậy, cần phải đẩy mạnh việc tuyên truyền nói chung và công tác tuyên truyền giáo dục đạo đức tấm gương và phong cách Chủ tịch Hồ Chí Minh nói riêng một cách sâu rộng.

2.2. Vai trò của việc công tác tuyên truyền giáo dục tấm gương đạo đức và phong cách Chủ tịch Hồ Chí Minh hiện nay

Xuất phát từ lòng yêu thương, sự tin tưởng đối với thế hệ trẻ kết hợp với tầm nhìn chiến lược, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã để lại những di sản tư tưởng có giá trị về chiến lược xây dựng thế hệ trẻ: phải coi trọng giáo dục và đào tạo thế hệ trẻ có đạo đức, có tri thức văn hóa, khoa học và kỹ thuật giỏi, làm cho họ là những người kế tục xứng đáng sự nghiệp cách mạng của Đảng và nhân dân ta. Bởi sinh viên là thế hệ trẻ đầy sức sống, sáng tạo, nắm trong tay “chìa khóa” tri thức cùng những hiểu biết về tiến bộ xã hội nói chung và sự phát triển đất nước nói riêng.

Công tác tuyên tuyền giáo dục tấm gương đạo đức và phong cách Chủ tịch Hồ Chí Minh có vai trò quan trọng trong việc rèn luyện đạo đức nhân cách đến với sinh viên, tạo nên sức mạnh trong xã hội, khơi dậy sức sáng tạo và động viên, cổ vũ của sinh viên với sự nghiệp cách mạng. Chính Người cũng xác định tuyên truyền là công cụ quan trọng để tạo ra lực lượng mới hùng mạnh cho cách mạng nên Người rất quan tâm đến việc làm tốt công tác tuyên truyền. Thông qua nhiều hình thức, phương pháp, việc tuyên truyền giáo dục tấm gương đạo đức và phong cách Chủ tịch Hồ Chí Minh sẽ tác động đến tư tưởng giúp các em giác ngộ về mục tiêu, lý tưởng, lẽ sống, lối sống, nhân cách, đồng thời vừa định hướng thái độ, hành vi của mình trước một sự kiện, một hoạt động cụ thể...

2.3. Một số giải pháp nâng cao hiệu quả công tác tuyên truyền giáo dục tấm gương đạo đức và phong cách Chủ tịch Hồ Chí Minh cho sinh viên hiện nay

- Thứ nhất, gắn công tác tuyên truyền với việc giảng dạy môn học lý luận chính trị, tích cực chăm lo bồi dưỡng, nâng cao chất lượng giảng dạy cho đội ngũ giảng viên giảng dạy môn lý luận chính trị. Đây là một trong những giải pháp góp phần nâng cao hiệu quả trong việc giáo dục, tuyên truyền tấm gương đạo đức và phong cách Chủ tịch Hồ Chí Minh đến sinh viên. Theo đó, cần có chính sách xây dựng đội ngũ giảng viên chuyên về giảng dạy các môn lý luận chính trị đáp ứng yêu cầu trước mắt và lâu dài; quy hoạch, đào tạo bồi dưỡng, bố trí đội ngũ cán bộ, giảng viên đúng chuẩn và đáp ứng được yêu cầu, đặc biệt là phù hợp với những thay đổi trong thời kỳ hội nhập. Bên cạnh đó, nhà trường cần phải đổi mới về phương pháp, đa dạng về phương tiện giáo dục đạo đức, lối sống sao cho hấp dẫn, sinh động, lôi cuốn các em tham gia.

- Thứ hai, phát huy ý thức tự giáo dục, tự rèn luyện của sinh viên: Tự giáo dục, rèn luyện đạo đức là quá trình mà trong đó sinh viên tự hoàn thiện, tự biến đổi, tự thích nghi với môi trường và điều kiện sống. Sinh viên phải có ý thức tự giác cao, có ý chí, nghị lực phấn đấu vươn lên và kiên quyết đấu tranh với những thói hư, tật xấu của bản thân; phải biết biến những tri thức đạo đức đã tiếp thu được từ gia đình, nhà trường, xã hội thành sự hiểu biết của bản thân, thành tình cảm, niềm tin đạo đức và được thể hiện ở hành vi đạo đức của chính mình. Việc tu dưỡng, rèn luyện lý tưởng cách mạng, đạo đức, lối sống được đặt trong 3 mối quan hệ chủ yếu là: đối với mình, đối với người, đối với việc. Đối với mình các em cần rèn luyện thái độ nghiêm khắc với chính bản thân, chống tự kiêu, tự mãn, phải rèn luyện điều tốt thành thói quen, có thái độ tự tin để có nghị lực vươn lênt rong cuộc sống. Với mọi người, sinh viên cần có thái độ, hành vi ứng xử đúng mực, khiêm nhường, có lòng nhân ái, đức bao dung, vị tha, biết quan tâm và giúp đỡ người khác. Đối với việc phải rèn luyện tính kiên trì, nhẫn nại, trung thực học tập; say mê, sáng tạo trong nghiên cứu khoa học; không ngừng trau dồi đạo đức, tác phong, thực hành lối sống văn minh, tiến bộ.

- Thứ ba, nêu cao hình tượng mẫu mực trong xã hội như: sinh viên tiêu biểu có thành tích tốt, các nhà giáo tiêu biểu, vận động viên có thành tích tốt và đời sống trong sáng gắn liền với việc làm rõ những cống hiến lớn lao của họ đối với Tổ quốc, với nhân dân, đạo đức nhân phẩm của họ, lối sống của họ, sinh viên có xu hướng chọn cho mình một mô hình nhân cách, một mẫu người lý tưởng để noi theo. Nên thường xuyên tổ chức cho sinh viên giao lưu với những người có ý chí nghị lực phấn đấu vươn lên trong cuộc sống giáo dục đạo đức, lối sống thông qua việc nêu cao các hình tượng mẫu mực trong xã hội là giúp cho sinh viên xây dựng động cơ phấn đấu, rèn luyện đúng đắn. Bên cạnh đó, cần chỉ ra và phê phán những gương xấu để sinh viên biết mà tránh. Đặc biệt là cần lên án và có biện pháp ngăn chặn đạo đức, lối sống của cán bộ, đảng viên nhằm củng cố niềm tin của sinh viên vào lý tưởng đạo đức xã hội chủ nghĩa.

-  Xây dựng môi trường xã hội lành mạnh trong nhà trường, khuyến khích hỗ trợ sinh viên tham gia các sinh hoạt lễ hội truyền thống, các phong trào xã hội và các sinh hoạt chính trị. Công tác này phải được thực hiện một cách có kế hoạch, thường xuyên, liên tục. Điều này đúng với phương hướng và nhiệm vụ chung mà Đảng đề ra “xây dựng môi trường văn hóa lành mạnh, phù hợp với bối cảnh phát triển kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa và hội nhập quốc tế” [2].

3. Kết luận

Con người được sinh ra đều mang những đặc điểm cơ bản giống nhau, tuy nhiên mỗi người qua giáo dục, môi trường sống lại được “trang bị” cho mình một thái độ sống khác nhau, chính điều này đã tạo nên sự khác biệt lớn trong xã hội. Cần giáo dục để sinh viên nhận thức được rằng, thái độ sống tích cực không chỉ ảnh hưởng đến hạnh phúc hay sự thành đạt của riêng mình mà còn tác động đến gia đình, bạn bè và mọi người xung quanh. Giáo dục tuyên truyền tấm gương đạo đức và phong cách Chủ tịch Hồ Chí Minh đến sinh viên trong giai đoạn hiện nay là mục tiêu đồng thời là nhiệm vụ rất quan trọng trong sự nghiệp giáo dục nước ta. Thời gian qua, công tác giáo dục tuyên truyền này đến sinh viên có được kết quả tích cực, tuy nhiên bên cạnh đó còn có những hạn chế. Do đó, để đạt kết quả tốt trong thời gian tới cần thực hiện một số giải pháp như đã nêu ở trên.

TÀI LIỆU THAM KHẢO:

  1. Ngô Hoàng Anh, Lê Thị Nghệ, (2019), Tác động của toàn cầu hóa đến giá trị văn hóa truyền thống ở Việt Nam. <http://www.tuyengiaokontum.org.vn/ly-luan-chinh-tri/tac-dong-cua-toan-cau-hoa-den-gia-tri-van-hoa-truyen-thong-o-viet-nam-1814.html>
  2. Ban Tuyên giáo Trung ương (2016), Tài liệu nghiên cứu các văn kiện Đại hội Đại biểu Toàn quốc lần thứ XII của Đảng, Nxb Chính trị Quốc gia, tr.78-79
  3. Đảng Cộng sản Việt Nam (2016), Nghị quyết Đại hội Đại biểu lần thứ XII, Nxb Chính trị Quốc gia, Hà Nội.
  4. Hồ Chí Minh (2000), Toàn tập, Tập 9, Nxb Chính trị, Hà nội
  5. Hồ Chí Minh (2011), Toàn tập(xb lần thứ 3), Tập 13, Nxb Chính trị Quốc gia, tr.89-90
  6. Thùy Linh (2019). Những con số nổi bật của giáo dục đại học Việt Nam. <https://giaoduc.net.vn/giao-duc-24h/nhung-con-so-noi-bat-cua-giao-duc-dai-hoc-viet-nam-post201566.gd>, ngày 15/11/2020.

 

SOME SOLUTIONS TO ENCOURAGE STUDENTS TO STUDY

AND FOLLOW PRESIDENT HO CHI MINH'S IDEOLOGY, MORALITY

AND STYLE IN THE CONTEXT OF VIETNAM’S CURRENT DEVELOPMENT

Master. DINH THI HUYEN

Ly Tu Trong College

ABSTRACT:

Studying and following President Ho Chi Minh's ideology, morality and style are important requirements for students. During Vietnam’s international integration process, the country has fought against the current hostile forces' conspiracies and tricks. In addition, there are many global socio-political uncertainties. This article proposes some solutions to encourage students to study and follow President Ho Chi Minh's ideology, morality and style.

Keywords: President Ho Chi Minh, propaganda, education, ethical role model, students.