TÓM TẮT:
Quan hệ kinh tế Việt Nam - Liên bang Nga không ngừng phát triển và đạt được nhiều kết quả quan trọng; đặc biệt, kể từ khi hai nước thiết lập quan hệ đối tác chiến lược toàn diện vào năm 2012 và cùng triển khai Hiệp định Thương mại tự do giữa Việt Nam và Liên minh Kinh tế Á - Âu năm 2016. Tuy nhiên, từ năm 2022 đến nay, quan hệ thương mại hai chiều giữa Việt Nam và Liên bang Nga gặp nhiều khó khăn, kim ngạch hai chiều có sự suy giảm. Vì vậy, bài viết phân tích thực trạng, khó khăn, làm rõ nguyên nhân, từ đó đưa ra những giải pháp định hướng cho tiến trình dài hạn nhằm thúc đẩy quan hệ kinh tế Việt Nam - Liên bang Nga tương xứng với tiềm năng và thế mạnh của mỗi nước.
Từ khóa: quan hệ Việt Nam - Liên bang Nga, thương mại song phương, địa chính trị, địa kinh tế.
1. Đặt vấn đề
Việt Nam và Liên bang Nga thiết lập quan hệ đối tác chiến lược toàn diện từ năm 2012. Thông thường, đây là cấp độ cao nhất trong quan hệ đối ngoại giữa các quốc gia, khẳng định tầm ảnh hưởng quan trọng đến chiến lược phát triển dài hạn của mỗi quốc gia. Quan hệ Việt Nam - Liên bang Nga có nền tảng lịch sử và bao hàm nhiều lĩnh vực, từ kinh tế, chính trị, quốc phòng an ninh cho đến văn hóa xã hội. Tuy nhiên, trong giai đoạn từ năm 2022 đến nay, quan hệ thương mại hai chiều giữa Việt Nam và Liên bang Nga gặp nhiều khó khăn, kim ngạch hai chiều có sự suy giảm. Như vậy, cần thiết phải làm rõ những nguyên nhân dẫn đến xu thế không tích cực này, từ đó hướng đến những giải pháp thúc đẩy quan hệ kinh tế giữa hai quốc gia để tương xứng với quan hệ đối tác chiến lược toàn diện và phù hợp với lợi ích chung.
2. Một vài cơ sở khoa học và thực tiễn về quan hệ kinh tế Việt Nam - Liên bang Nga
2.1. Cơ sở khoa học về quan hệ địa kinh tế - địa chính trị
Phạm trù “địa kinh tế” (Geo-economics) phản ánh mối liên hệ chi phối của địa lý, tài nguyên, môi trường tự nhiên đối với các quan hệ kinh tế. Địa kinh tế là một phần thuộc phạm trù địa chính trị [5]. Phạm trù “địa chính trị” (Geo-politics) phản ánh mối liên hệ chi phối của điều kiện địa lý, tài nguyên, môi trường tự nhiên đối với các đặc điểm về chính trị, quân sự, kinh tế. Từ đó góp phần định hình văn hóa xã hội, bản sắc và lịch sử của mỗi quốc gia. (Hình 1)
Về mặt địa lý, Liên bang Nga là quốc gia chiếm 1/6 diện tích thế giới, trải dài từ châu Âu sang châu Á, tiếp giáp với Thái Bình Dương, nên thực tế có sự tương đồng với Việt Nam trong trục kinh tế, thương mại khu vực Thái Bình Dương. Do đó, hai quốc gia cùng là thành viên của Diễn đàn Hợp tác kinh tế châu Á - Thái Bình Dương (APEC), với những tương đồng về lợi ích và gắn kết về thương mại.
2.2. Cơ sở thực tiễn trong quan hệ Việt Nam - Liên bang Nga
Về điều kiện lịch sử, Liên bang Nga là quốc gia kế thừa phần lớn di sản của Liên bang Xô-viết, vốn từng là điểm tựa về kinh tế, chính trị, quân sự của Việt Nam trong thời kỳ Chiến tranh lạnh. Vì thế, Việt Nam và Liên bang Nga vẫn duy trì quan hệ gắn kết sau khi Liên bang Xô-viết tan rã.
Về kinh tế, Liên bang Nga là đối tác có thế mạnh trong các lĩnh vực thiết yếu của nền công nghiệp như năng lượng và vật liệu. Việt Nam có thế mạnh về dịch vụ, thương mại và điện tử. Cộng đồng người Việt tại Liên bang Nga cũng hoạt động chủ yếu trong lĩnh vực dịch vụ và thương mại.
Về quốc phòng an ninh, hai quốc gia có sự liên hệ, hợp tác chặt chẽ từ quá khứ cho đến hiện tại. Các loại vũ khí chiến lược của Việt Nam (như tàu ngầm, tàu hộ vệ tên lửa, tổ hợp tên lửa phòng không, máy bay tiêm kích) đều được nhập khẩu từ Liên bang Nga, đồng thời phần lớn vũ khí thông thường cũng được cung cấp từ các nhà sản xuất Nga.
Về văn hóa xã hội, hai quốc gia có nhiều mối liên kết đặc biệt. Theo Đại sứ quán Việt Nam tại Liên bang Nga, cộng đồng người Việt tại đây có quy mô hơn 80.000 người, là một phần quan trọng kết nối hai nền văn hóa. Tại Việt Nam, nhiều quan chức và những người có ảnh hưởng xã hội đã từng được đào tạo tại Liên Xô (cũ) trong thập niên 1970s, 1980s. Du lịch - ngành công nghiệp văn hóa quan trọng của Việt Nam - rất chú trọng đến nhóm khách hàng từ Liên bang Nga. Trên phương diện chính thức, các chương trình giao lưu nhân dân, ngày văn hóa của Việt Nam tại Nga và ngày văn hóa Nga tại Việt Nam đều được cả hai quốc gia coi trọng.
Những cơ sở khoa học và thực tiễn như vậy đã khẳng định tầm ảnh hưởng chiến lược của quan hệ kinh tế Việt Nam - Liên bang Nga trong tiến trình phát triển của cả hai quốc gia.
3. Thực trạng quan hệ kinh tế Việt Nam - Liên bang Nga và những khó khăn từ năm 2022 đến nay
3.1. Quan hệ đầu tư trực tiếp giữa hai quốc gia còn giới hạn ở mức độ tiềm năng
Cho đến tháng 3/2023, Liên bang Nga có 171 dự án còn hiệu lực với tổng vốn đăng ký đạt trên 970 triệu USD, đứng thứ 28/143 quốc gia và vùng lãnh thổ có đầu tư tại Việt Nam. Các dự án đầu tư của Nga tập trung nhiều nhất trong lĩnh vực khai khoáng với tổng vốn đăng ký đạt 531,2 triệu USD, chiếm 54,7% tổng vốn đăng ký đầu tư; tiếp theo là ngành dịch vụ với 203,7 triệu USD; ngành công nghiệp chế biến, chế tạo với 131,2 triệu USD [4]. Tổng vốn đầu tư đăng ký từ Liên bang Nga vào Việt Nam là chưa đến 1 tỷ USD, một con số rất nhỏ bé so với tiềm năng của nền kinh tế có GDP danh nghĩa đạt hơn 2.240 tỷ USD vào năm 2022 [2]. Trong khi đó, Việt Nam hiện có 17 dự án đầu tư sang Liên bang Nga đang còn hiệu lực với tổng vốn đăng ký đạt 1,63 tỷ USD. Nga là địa bàn đứng thứ 4 về vốn trên 78 quốc gia và vùng lãnh thổ Việt Nam có đầu tư ra nước ngoài [4]. Lĩnh vực đầu tư từ Việt Nam sang Liên bang Nga chủ yếu là năng lượng (nổi bật là dự án thăm dò khai thác dầu khí Rusvietpetro) và nông nghiệp (nổi bật là dự án chăn nuôi bò và sản xuất sữa của Tập đoàn TH True Milk tại Matxcơva, Kaluga và một số khu vực khác). Như vậy, quy mô đầu tư trực tiếp giữa hai quốc gia còn rất giới hạn, chỉ dừng ở mức độ tiềm năng, quy mô đầu tư nhỏ bé so với nền kinh tế và lĩnh vực đầu tư tập trung chủ yếu vào khai thác tài nguyên, năng lượng và nông nghiệp.
3.2. Quan hệ thương mại song phương chưa phát triển tương xứng và đang trong giai đoạn khó khăn
Các mặt hàng Việt Nam xuất khẩu chính sang Nga gồm: điện thoại và linh kiện, máy vi tính, sản phẩm điện tử, nông sản, thủy sản, hàng dệt may, da giày. Ở chiều ngược lại, Việt Nam đã nhập khẩu từ Nga các loại sắt thép, than các loại, phân bón, sản phẩm từ dầu mỏ, hóa chất, chất dẻo, gỗ và sản phẩm từ gỗ, lúa mỳ, thịt, thủy sản. (Hình 2)
Hình 2: Thương mại song phương Việt Nam - Liên bang Nga 2021-2023
Đơn vị: tỷ USD
Chỉ số |
Năm 2021 |
Năm 2022 |
Tháng 1-4/2023 |
Kim ngạch thương mại hai chiều |
5,50 |
3,55 |
1,01 |
Xuất khẩu từ Việt Nam sang Liên bang Nga |
3,20 |
1,55 |
|
Nhập khẩu từ Liên bang Nga sang Việt Nam |
2,20 |
2,00 |
|
Nguồn: Báo cáo thống kê của Tổng cục Hải quan Việt Nam
Năm 2022, do tác động của nhiều yếu tố, kim ngạch xuất nhập khẩu song phương đã bị ảnh hưởng đáng kể. Thống kê của Hải quan Việt Nam cho thấy, kim ngạch thương mại hai chiều năm 2022 giảm 35,4% so với năm 2021. Trong đó, kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam sang Nga đạt 1,55 tỷ USD giảm 51,4%; nhập khẩu đạt 1,99 tỷ USD, giảm 13,2%. Trong 4 tháng đầu năm 2023, kim ngạch thương mại hai chiều tiếp tục suy giảm khoảng 36,4% so với cùng kỳ năm 2022.
3.3. Nguyên nhân của những hạn chế trong quan hệ kinh tế Việt Nam - Liên bang Nga
- Thứ nhất, có thể thấy lợi thế so sánh của Việt Nam trong quan hệ kinh tế với Liên bang Nga không thực sự nổi bật. Ngoài lĩnh vực công nghiệp quốc phòng và năng lượng vốn là đối tác truyền thống của nhau thì chưa có lĩnh vực nào là sự bổ sung lẫn nhau một cách rõ nét. Khả năng xuất khẩu hàng điện tử, dệt may, nông sản… của Việt Nam chịu thách thức lớn từ Trung Quốc. Các mặt hàng thế mạnh của Liên bang Nga như cơ khí và vật liệu cũng khó cạnh tranh được với hàng Trung Quốc tại thị trường Việt Nam.
- Thứ hai, bối cảnh hậu Covid-19 tạo nên nhiều khó khăn cho thị trường. Sự khó khăn về kinh tế, lạm phát tăng cao khiến cho các quốc gia phải áp dụng chính sách tiền tệ thắt chặt, càng làm cho sức tiêu thụ suy giảm. Trong bối cảnh đó, các hoạt động đầu tư và thương mại đều gặp trở ngại lớn.
- Thứ ba, xung đột Nga - Ukraine và căng thẳng giữa các cường quốc khiến cho quan hệ kinh tế song phương Việt Nam - Liên bang Nga khó lấy đà phục hồi trong ngắn hạn. Việc các ngân hàng của Liên bang Nga bị loại khỏi hệ thống thanh toán SWIFT khiến cho quan hệ thương mại của Liên bang Nga với Việt Nam bị cản trở. Bên cạnh đó, các tuyến bay và tuyến hàng hải bị gián đoạn do chiến tranh, cùng với các lệnh trừng phạt của Mỹ và EU cũng khiến cho hoạt động du lịch và hoạt động giao thương bị ngăn cản hoặc bị đẩy chi phí lên cao.
4. Phương hướng cho quan hệ kinh tế Việt Nam - Liên bang Nga
4.1. Quan hệ kinh tế Việt Nam - Liên bang Nga có tầm quan trọng chiến lược với cả hai quốc gia
Bối cảnh kinh tế và chính trị thế giới đang dịch chuyển khó lường, sự phân chia lại ảnh hưởng kinh tế và chính trị giữa các cường quốc đang diễn biến theo xu thế đa cực và phân cực ngày càng rõ nét [1].
Vì vậy, để ứng phó với thế giới biến động, cần phải dựa trên giá trị cốt lõi là các mối quan hệ đối tác chiến lược toàn diện. Các vấn đề thiết yếu như an ninh năng lượng, an toàn không gian số, ổn định chuỗi cung ứng, ổn định thị trường tiền tệ… đang là bài toán định hình lại cục diện thế giới. Do đó đối với Việt Nam, mối quan hệ kinh tế với một quốc gia có sự gắn kết về lịch sử, có sức mạnh về năng lượng, có vị thế cường quốc và có nền tảng khoa học kỹ thuật như Liên bang Nga là hết sức quan trọng. Trong ngắn hạn, tuy còn nhiều khó khăn, nhưng cần phải vượt qua để hướng đến lợi ích chiến lược lâu dài.
Châu Á - Thái Bình Dương là một trong những khu vực năng động, với nhiều tiềm năng phát triển và có vị trí thuận lợi. Trong đó, Việt Nam đã và đang trở thành mắt xích quan trọng, là trung tâm, cầu nối của Nga với khu vực ASEAN, cũng như châu Á - Thái Bình Dương.
Mặt khác, tuy giai đoạn 2022 - 2023, quan hệ kinh tế Việt Nam - Liên bang Nga vẫn đang đà suy giảm, nhưng đã xuất hiện những dấu hiệu lạc quan. Trong 4 tháng đầu năm 2023, xuất khẩu một số mặt hàng của Việt Nam sang Liên bang Nga tăng trưởng so với cùng kỳ năm 2022 như: cà-phê tăng 56%, sản phẩm cao su tăng 5,7 lần, sản phẩm may mặc tăng 52,3%, hạt điều tăng 19%...
4.2. Một số khuyến nghị nhằm thúc đẩy quan hệ kinh tế Việt Nam - Liên bang Nga
- Về chính sách
Ngày 6/4/2023, tại Diễn đàn Hợp tác doanh nghiệp Việt Nam - Liên bang Nga, Phó Thủ tướng Dmitry Chernyshenko khẳng định Việt Nam luôn là đối tác quan trọng hàng đầu của Nga tại Đông Nam Á. Hiện nay, Việt Nam là quốc gia đầu tiên và duy nhất trong khu vực có Hiệp định thương mại tự do với Liên minh Kinh tế Á - Âu mà Liên bang Nga là thành viên.
Để phát huy lợi thế này, phía Việt Nam cần thúc đẩy Chính phủ Liên bang Nga thực hiện cam kết ưu tiên phát triển và chia sẻ với Việt Nam về thành tựu trong các lĩnh vực khoa học, giáo dục, công nghệ số. Đồng thời, tạo điều kiện thuận lợi cho các nhà đầu tư Việt Nam phát triển tại thị trường Nga. Bên cạnh đó, hai bên cần cùng nỗ lực giải quyết các vấn đề tồn tại trong vận tải và logistics.
- Về chiến lược hợp tác phát huy lợi thế so sánh, bổ trợ lẫn nhau giữa hai nền kinh tế
Bốn chủ đề cần được hợp tác phát triển giữa hai bên là: (1) Hợp tác trong lĩnh vực vận tải hàng hóa và logistics; (2) Hợp tác trong lĩnh vực năng lượng, đặc biệt là năng lượng tái tạo; (3) Hợp tác công nghiệp và sản xuất xanh; (4) Hợp tác trong lĩnh vực kinh tế số và an toàn không gian số.
Việt Nam có thế mạnh về nông nghiệp, dệt may, da giày, công nghiệp điện tử, công nghiệp sản xuất hàng tiêu dùng. Việt Nam có nhu cầu thu hút đầu tư vào các ngành công nghiệp phụ trợ, công nghiệp có tính chất nền tảng như cơ khí, chế biến chế tạo, vật liệu mới, luyện kim, hóa chất... Trong khi đó, Liên bang Nga là quốc gia có nền công nghiệp phát triển, có tiềm lực mạnh về nghiên cứu khoa học - công nghệ, y dược và sản xuất xanh, đồng thời có tài nguyên thiên nhiên phong phú.
- Về công cụ thanh toán
Trong bối cảnh các ngân hàng thương mại của Liên bang Nga bị ngắt khỏi hệ thống thanh toán SWIFT, hai bên cần tìm một giải pháp thanh toán có tính giới hạn, quy đổi trực tiếp giữa Rouble (Nga) và VND (Việt Nam) để góp phần khơi thông dòng chảy giao thương trực tiếp, mà không phải phụ thuộc vào đồng tiền thanh toán của bên thứ ba.
5. Kết luận
Quan hệ đối tác chiến lược toàn diện Việt Nam - Liên bang Nga có nền tảng lịch sử, văn hóa và các quan hệ kinh tế chính trị mang lại lợi ích lâu dài cho cả hai bên.
Do nhiều nguyên nhân, sự đầu tư trực tiếp và thương mại song phương giữa hai quốc gia còn chưa tương xứng tiềm năng, đồng thời đang có nhiều khó khăn trong ngắn hạn. Tuy nhiên, trong bối cảnh thế giới đang định hình lại cục diện địa chính trị - địa kinh tế, với những thách thức an ninh phi truyền thống vấn đề lớn như an ninh năng lượng, an ninh không gian số, an toàn tài chính tiền tệ… thì phát triển quan hệ kinh tế Việt Nam - Liên bang Nga là vấn đề mang giá trị cốt lõi.
Để hiện thực hóa mục tiêu đó, hai quốc gia cần sự hợp tác đồng bộ về chính sách quản lý, phát huy lợi thế so sánh bổ trợ lẫn nhau, đồng thời tìm giải pháp cho khâu logistic và thanh toán quốc tế song phương./.
TÀI LIỆU THAM KHẢO:
- Bộ Giáo dục và Đào tạo (2021). Giáo trình Kinh tế chính trị Mác-Lênin, Nhà Xuất bản Chính trị Quốc gia Sự thật.
- Ngân hàng Thế giới (World Bank) (2023). World Bank National Accounts Data report, www.data.worldbank.org.
- Ngô Quế Lân (2023). Xu thế chuyển dịch đầu tư và chuỗi sản xuất tại châu Á - Thái Bình Dương sau đại dịch Covid-19, Tạp chí Kinh tế châu Á - Thái Bình Dương số tháng 4, ISSN 0868-3808
- Song Hà (2023). Việt Nam - Liên bang Nga tiềm năng hợp tác công nghiệp xanh, Tạp chí Kinh tế Việt Nam số 16, ISSN 2734-9675.
- Phan Văn Rân và Ngô Chí Nguyện (2019). Mối quan hệ giữa địa chính trị và địa kinh tế: Lý luận và thực tiễn, Tạp chí Lý luận chính trị số tháng 5.
Some difficulties in the economic relations between Vietnam and the Russian Federation and long-term-oriented solutions
Ngo Que Lan
Faculty of Political Theory, Hanoi University of Science and Technology
Abstract:
Economic relations between Vietnam and the Russian Federation have constantly strengthened and achieved many encouraging results, especially since the two countries established a comprehensive strategic partnership in 2012 and jointly implemented the Free Trade Agreement between Vietnam and the Eurasian Economic Union in 2016. However, since 2022, the bilateral trade turnover between Vietnam and Russia has decreased and faced many difficulties. This study analyzes the current situation and difficulties, and clarifies the causes, thereby providing long-term-oriented solutions for facilitating the economic relations between Vietnam and Russia to be commensurate with the potentials and strengths of each country.
Keywords: Vietnam - Russia relations, bilateral trade, geopolitics, geo-economics.
[Tạp chí Công Thương - Các kết quả nghiên cứu khoa học và ứng dụng công nghệ, Số 15 tháng 6 năm 2023]