
Với phạm vi cam kết rộng, mức độ tự do hóa sâu, Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) có tác động mạnh mẽ tới toàn bộ thể chế kinh tế cũng như hoạt động kinh doanh của các doanh nghiệp Việt Nam. Không những vậy đây còn là một trong những hiệp định thương mại tự do (FTA) có khối lượng các cam kết lớn nhất, phức tạp nhất mà Việt Nam từng tham gia cho tới thời điểm hiện tại, trong đó có bao gồm cả những cam kết về chính sách cạnh tranh.
Nhằm tăng cường hiệu quả quản lý nhà nước, đáp ứng các yêu cầu thực tiễn, cũng như phù hợp với sự thay đổi của bối cảnh kinh tế-xã hội, xu hướng hội nhập quốc tế trong đó có việc thực thi các cam kết trong Hiệp định CPTPP, Luật Cạnh tranh 2018 đã được Quốc hội khóa XIV thông qua vào ngày 12/6/2018 thay thế cho Luật Cạnh tranh 2004 và chính thức có hiệu lực từ ngày 01/07/2019.
Luật Cạnh tranh 2018 gồm 10 chương, 118 điều, quy định về hành vi hạn chế cạnh tranh, tập trung kinh tế gây tác động hoặc có khả năng gây tác động hạn chế cạnh tranh đến thị trường Việt Nam; hành vi cạnh tranh không lành mạnh; tố tụng cạnh tranh; xử lý vi phạm pháp luật về cạnh tranh; quản lý nhà nước về cạnh tranh.
Luật Cạnh tranh 2018 đã sửa đổi, bổ sung nhiều nội dung quan trọng nhằm đáp ứng yêu cầu mới của thực tiễn kinh doanh và phù hợp với xu hướng, thông lệ quốc tế, đặc biệt là các cam kết tại Chương 16 – Chính sách cạnh tranh của Hiệp định CPTPP.
Dưới đây là một số nguyên tắc trong chính sách cạnh tranh của Hiệp định CPTPP:
Thứ nhất, nguyên tắc không phân biệt đối xử, theo đó các quốc gia thành viên CPTPP phải đối xử công bằng giữa các doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân của các quốc gia thành viên CPTPP như nhau trong việc áp dụng luật cạnh tranh quốc gia (quy định tại Điều 16.1.3 của Hiệp định CPTPP).
Thứ hai, các nuớc thành viên phải nêu cao nguyên tắc trung lập về cạnh tranh trong đối xử với các doanh nghiệp có vốn nhà nước, các doanh nghiệp độc quyền/thống lĩnh thị trường của nhà nước với các doanh nghiệp có vốn ngoài nhà nước.
Nguyên tắc trung lập về cạnh tranh có thể được hiểu là một cơ chế điều tiết (i) trong đó các doanh nghiệp nhà nước và tư nhân cũng chịu sự điều chỉnh như nhau của một tập hợp các quy tắc và điều khoản; và (ii) không mối liên hệ nào với Nhà nước có thể mang lại lợi thế cạnh tranh cho một hay nhiều doanh nghiệp so với các bên tham gia thị trường khác (OECD, Các doanh nghiệp Nhà nước và Nguyên tắc trung lập về cạnh tranh, DAF/COMP(2009)37).
Liên quan đến luật và chính sách cạnh tranh, nguyên tắc này có thể được hiểu theo nghĩa hẹp là các nguyên tắc cạnh tranh phải được áp dụng ngang bằng với cả doanh nghiệp tư nhân và nhà nước, với rất ít ngoại lệ.
Thứ ba, nguyên tắc công bằng trong thủ tục tố tụng.
Đối tượng điều chỉnh của Luật Cạnh tranh 2018 của Việt Nam gồm (1) Tổ chức, cá nhân kinh doanh (gọi chung là doanh nghiệp) bao gồm cả doanh nghiệp sản xuất, cung ứng sản phẩm, dịch vụ công ích, doanh nghiệp hoạt động trong các ngành, lĩnh vực thuộc độc quyền nhà nước, đơn vị sự nghiệp công lập và doanh nghiệp nước ngoài hoạt động tại Việt Nam; (2) Hiệp hội ngành, nghề hoạt động tại Việt Nam; và (3) Cơ quan, tổ chức, cá nhân trong nước và nước ngoài có liên quan.
Theo đó, Luật cạnh tranh 2018 điều chỉnh các hoạt động của doanh nghiệp đang hoạt động (tham gia kinh doanh) ở thị trường Việt Nam, không phân biệt doanh nghiệp trong nước hay doanh nghiệp nước ngoài, nếu doanh nghiệp đó bị thiệt hại do hành vi phản cạnh tranh của doanh nghiệp khác thì được quyền bảo vệ theo luật cạnh tranh và nếu vi phạm thì bị điều tra và xử lý theo các quy định pháp luật.
Bên cạnh đó, để đạt được mục tiêu thiết lập và duy trì khuôn khổ cạnh tranh bình đẳng trong khu vực, qua đó thúc đẩy mục tiêu về thương mại và đầu tư giữa các quốc gia thành viên như đã đề ra trong Chương 16 - Chính sách cạnh tranh của Hiệp định CPTPP, một trong những nội dung quan trọng là các quốc gia thành viên cần tuân thủ và thực thi các cam kết về minh bạch hoá.
Theo quy định tại Điều 16.7 Chương Chính sách cạnh tranh CPTPP, các quốc gia thành viên CPTPP có nghĩa vụ thực thi pháp luật cạnh tranh của mình một cách minh bạch nhất có thể. Các nghĩa vụ cụ thể được đặt ra cho các nước CPTPP như sau:
Thứ nhất, các nước thành viên CPTPP cần nâng cao việc minh bạch hóa các văn bản pháp luật về cạnh tranh, thực tiễn thực thi chính sách và luật cạnh tranh; bên cạnh đó thông qua hệ thống cơ sở dữ liệu Luật và chính sách cạnh tranh của APEC, các quốc gia CPTPP cần thường xuyên duy trì và cập nhập thông tin về thực thi chính sách và luật cạnh tranh của quốc gia mình.
Thứ hai, trong hoạt động thương mại đầu tư giữa các Bên, nếu có bất kỳ hành vi phản cạnh tranh, trường hợp về miễn trừ áp dụng luật cạnh tranh gây cản trở tới thương mại và đầu tư; nước thành viên CPTPP bị ảnh hưởng có thể yêu cầu bằng văn bản để Bên kia cung cấp thông tin sẵn có về chính sách và biện pháp thực thi luật cạnh tranh, các trường hợp được miễn trừ, loại trừ khi áp dụng luật cạnh tranh gây ảnh hưởng đó. Tuy nhiên, Bên yêu cầu cung cấp thông tin cũng có nghĩa vụ chứng minh, chỉ rõ thông tin về hàng hóa, dịch vụ, thị trường liên quan hoặc trường hợp miễn trừ có khả năng gây cản trở tới thương mại hoặc đầu tư giữa các Bên như thế nào.
Thứ ba, các nước thành viên CPTPP cần đảm bảo rằng các phán quyết đối với hành vi vi phạm pháp luật cạnh tranh phải được thể hiện bằng văn bản, trong đó đưa ra đầy đủ căn cứ, lập luận, thực tiễn hợp lý, phân tích pháp lý và phân tích kinh tế.
Thứ tư, các nước thành viên CPTPP cần đảm bảo rằng các phán quyết hoặc mệnh lệnh thực thi luật cạnh tranh được được công bố, hoặc trong trường hợp không công bố thì phải cho các bên liên quan có quyền tiếp cận thông tin. Các thông tin công bố không bao gồm các thông tin bảo mật theo quy định pháp luật.
Nhìn chung, Luật Cạnh tranh 2018 của Việt Nam đã đáp ứng đầy đủ các nguyên tắc trong chính sách cạnh tranh của Hiệp định CPTPP, không có sự phân biệt đối xử giữa các doanh nghiệp có quốc tịch khác nhau, tính minh bạch cũng đã được luật quy định ở mức độ nhất định, không có sự đối xử bất công giữa doanh nghiệp quốc tịch khác nhau hay các hình thức sở hữu của doanh nghiệp trong thủ tục tố tụng.v.v...
Trong quá trình hội nhập sâu rộng vào kinh tế thế giới, pháp luật cạnh tranh Việt Nam đã được hoàn thiện, điều chỉnh phù hợp với các cam kết quốc tế và khai thác tốt cơ hội mà các hiệp định thương mại tự do mang lại. Với tư cách là quốc gia thành viên của Hiệp định CPTPP, Việt Nam luôn hướng tới việc đảm bảo môi trường cạnh tranh lành mạnh, tăng cường hiệu quả, hiệu lực và tính minh bạch trong thực thi chính sách và pháp luật cạnh tranh.