TÓM TẮT:
Chuyển đổi số đang diễn ra rộng khắp và mạnh mẽ, tạo nên những thay đổi lớn cho tất cả các doanh nghiệp bất kể quy mô và ngành nghề. Các doanh nghiệp đã tận dụng những cơ hội do chuyển đổi số đem lại để tái tạo lợi thế cạnh tranh, thay đổi cục diện trên thị trường. Tuy nhiên, lĩnh vực này còn rất mới mẻ, đòi hỏi mỗi doanh nghiệp phải xây dựng được chiến lược kinh doanh có hiệu quả. Bài báo này tìm hiểu về chiến lược kinh doanh số, cụ thể là đặc điểm và những yếu tố cốt lõi tạo nên sự thành công trong chiến lược kinh doanh số của các doanh nghiệp, cũng như thực trạng chuyển đổi số ở các doanh nghiệp vừa và nhỏ ở khu vực ASEAN.
Từ khóa: chuyển đổi số, chiến lược kinh doanh số, doanh nghiệp vừa và nhỏ, ASEAN.
1. Giới thiệu chung
Chuyển đổi số được hiểu là sự chuyển đổi sâu sắc về hoạt động, quy trình, năng lực và mô hình kinh doanh, tổ chức nhằm tận dụng tối đa những thay đổi và cơ hội dựa trên các công nghệ số và ảnh hưởng của công nghệ số một cách chiến lược. Mục đích chính của chuyển đổi số là thay đổi doanh nghiệp nhờ áp dụng các công nghệ hiện đại và quy trình kinh doanh mới để tạo ra sản phẩm, dịch vụ mới hoặc cải thiện sản phẩm dịch vụ đã có, đưa những sản phẩm dịch vụ này ra thị trường toàn cầu nhanh hơn, chi phí thấp hơn, theo những cách đổi mới hơn. Mức độ chuyển đổi số trong các doanh nghiệp có thể được chia thành 3 cấp độ chính, bao gồm thay thế, mở rộng và chuyển đổi. Thay thế là việc các doanh nghiệp sử dụng công nghệ số thay cho chức năng hoặc quy trình đã có sẵn ở doanh nghiệp. Mở rộng là khi các doanh nghiệp sử dụng công nghệ số để cải thiện tính năng của quy trình hoặc sản phẩm. Tuy vậy, chuyển đổi số không chỉ liên quan tới công nghệ. Để tận dụng được những cơ hội mà quá trình này mang lại, các doanh nghiệp cần xây dựng và thực hiện chiến lược kinh doanh số.
2. Chiến lược kinh doanh số
Chiến lược kinh doanh số là chiến lược của tổ chức được hình thành và thực hiện bằng cách tận dụng các nguồn lực số để tạo ra giá trị và xác định 4 yếu tố then chốt bao gồm phạm vi, quy mô, tốc độ và nguồn gốc tạo giá trị nhằm định hướng tư duy chiến lược. Chuyển đổi số tác động mạnh mẽ đến 5 khía cạnh của chiến lược bao gồm khách hàng, cạnh tranh, đổi mới, dữ liệu và giá trị.
Nguyên tắc thứ nhất là về khách hàng. Khác với lý thuyết truyền thống nhìn nhận khách hàng như một tập hợp đồng nhất cần được chào hàng và thuyết phục mua hàng, khách hàng giờ đây là một mạng lưới năng động, họ sẽ liên tục kết nối và tạo ảnh hưởng lẫn nhau, qua đó, xác lập uy tín của doanh nghiệp và thương hiệu. Vì thế, truyền thông với khách hàng được thực hiện hai chiều thay vì một chiều và khách hàng trở thành nhân tố tạo ảnh hưởng chính, thay vì doanh nghiệp. Các doanh nghiệp có được lợi thế kinh tế nhờ đem lại giá trị cho khách hàng chứ không chỉ nhờ quy mô như trước.
Nguyên tắc thứ hai về cạnh tranh. Đối thủ cạnh tranh của các doanh nghiệp không chỉ còn là những doanh nghiệp có hoạt động kinh doanh cùng ngành, mà có thể là những doanh nghiệp ngoài ngành, không có điểm tương đồng nhưng vẫn cạnh tranh lẫn nhau để đem lại giá trị cho khách hàng. Ranh giới giữa cạnh tranh và hợp tác trở nên mờ nhạt, thậm chí, các đối thủ cạnh tranh có thể hợp tác trong những lĩnh vực then chốt. Công nghệ số tạo ra sức mạnh cho những mô hình kinh doanh nền tảng, cho phép một doanh nghiệp tạo dựng và nắm bắt giá trị khổng lồ nhờ hỗ trợ tương tác giữa các doanh nghiệp hoặc khách hàng.
Nguyên tắc thứ ba về cách thức các doanh nghiệp tạo ra, quản lý và sử dụng dữ liệu. Trước đây, các doanh nghiệp thường có dữ liệu nhờ các biện pháp được xác định từ trước và những dữ liệu đó chủ yếu được dùng để đánh giá, dự báo và ra quyết định. Dữ liệu giờ đây lại được tạo ra mọi nơi, mọi lúc, dẫn tới thách thức cho các doanh nghiệp để chuyển đổi những dữ liệu đó thành thông tin có ích. Dữ liệu đặc biệt có giá trị để kết nối các bộ phận trong doanh nghiệp và trở thành tài sản vô hình cốt lõi giúp doanh nghiệp tạo ra giá trị.
Nguyên tắc thứ tư về đổi mới. Đây là quá trình doanh nghiệp phát triển, thử nghiệm và đưa sản phẩm ra thị trường. Công nghệ số hiện nay giúp kiểm chứng sản phẩm nhanh và rẻ hơn nhiều nên bất kỳ ai (không chỉ các chuyên gia) có thể thử nghiệm liên tục. Đây là căn cứ để đưa ra quyết định, thay vì dựa vào cảm tính và kinh nghiệm. Trọng tâm của hoạt động đổi mới là thử nghiệm cẩn thận trên lượng mẫu tối thiểu, giúp doanh nghiệp học hỏi được nhiều nhất với chi phí thấp nhất và quá trình này lặp lại liên tục sau khi ra mắt sản phẩm.
Nguyên tắc thứ năm về giá trị doanh nghiệp mang lại cho khách hàng. Một doanh nghiệp trong quá khứ có thể thành công trong thời gian dài nhờ đem lại cho khách hàng giá trị rõ ràng, khác biệt với đối thủ cạnh tranh. Giá trị đem lại cho khách hàng giờ đây lại cần thay đổi liên tục theo nhu cầu của khách hàng. Vì thế, doanh nghiệp cần không ngừng tìm kiếm những giá trị mới. Điều này đòi hỏi các doanh nghiệp phải đổi mới ngay cả khi chưa thấy cần thiết phải thay đổi.
3. Đặc điểm của chiến lược kinh doanh số
Chiến lược kinh doanh số có một số đặc điểm khác biệt với những loại chiến lược khác trong doanh nghiệp.
Thứ nhất, so sánh với các chiến lược chức năng khác trong doanh nghiệp, chiến lược kinh doanh số rộng hơn, nổi bật hơn và mang tính tổng quát, bao gồm tất cả các chiến lược chức năng và quá trình trong doanh nghiệp. Khi các doanh nghiệp và các ngành đã chuyển đổi số mạnh mẽ, phụ thuộc chặt chẽ vào thông tin, truyền thông và khả năng kết nối, chiến lược kinh doanh số cũng sẽ chính là chiến lược kinh doanh của doanh nghiệp. Chiến lược kinh doanh bao gồm số hóa sản phẩm dịch vụ, thông tin về sản phẩm dịch vụ và mở rộng phạm vi, vượt ra bên ngoài doanh nghiệp và chuỗi cung ứng thành các hệ sinh thái năng động, phá bỏ rào cản ngành truyền thống.
Thứ hai, về quy mô của chiến lược kinh doanh số. Tư duy về quy mô của chiến lược kinh doanh số chuyển từ nhấn mạnh về quy mô vật lý theo sản xuất, chuỗi cung ứng, khu vực địa lý, v.v… sang tư duy quy mô theo cả số và vật lý. Dịch vụ điện toán đám mây trở nên phổ biến giúp các doanh nghiệp tăng hoặc giảm quy mô nhanh chóng. Ngoài ra, khi thực hiện chiến lược kinh doanh số, các doanh nghiệp nên cân nhắc vai trò của hiệu ứng mạng lưới và mô hình kinh doanh trên nhiều nền tảng. Hơn nữa, chiến lược kinh doanh số đòi hỏi doanh nghiệp phải hiểu cách phát triển năng lực bên trong tổ chức để khai thác có hiệu quả dữ liệu đa dạng với số lượng lớn. Chiến lược kinh doanh số có xu hướng dựa ngày càng nhiều vào hợp tác và liên minh qua việc chia sẻ tài sản số giữa các doanh nghiệp trong hệ sinh thái từ các ngành khác nhau.
Thứ ba, về tốc độ của chiến lược kinh doanh số. Tốc độ luôn là yếu tố quan trọng giúp tạo ra lợi thế cạnh tranh cho doanh nghiệp. Tốc độ của chiến lược kinh doanh số có ý nghĩa quan trọng, đặc biệt đối với các hoạt động ra mắt sản phẩm, ra quyết định, phối hợp chuỗi cung ứng, hình thành và thích nghi với mạng lưới.
Thứ tư, về nguồn gốc xây dựng và nắm giữ giá trị. Các doanh nghiệp trước đây tập trung vào việc tận dụng nguồn lực hữu hình để xây dựng và nắm giữ giá trị. Chiến lược kinh doanh số bổ sung thêm một số khía cạnh giúp các doanh nghiệp tạo ra giá trị. Giá trị tăng thêm nhờ thông tin, mô hình kinh doanh trên nhiều nền tảng, phối hợp các mô hình kinh doanh qua mạng lưới và kiểm soát hạ tầng số của ngành.
4. Những yếu tố cốt lõi tạo nên sự thành công của chiến lược kinh doanh số
Yếu tố cốt lõi quan trọng thứ nhất mà doanh nghiệp cần quan tâm là bán hàng và trải nghiệm của khách hàng, trong đó, trải nghiệm đồng nhất giữa kênh vật lý và kênh online mang tính quyết định. Cùng với sự xóa nhòa ranh giới giữa thế giới ảo và thực của chiến lược kinh doanh số, số hóa quá trình tương tác với khách hàng, sản phẩm và dịch vụ cũng trở nên cần thiết. Các doanh nghiệp cần phân tích dữ liệu để cá nhân hóa sản phẩm và dịch vụ, qua đó, hàng hóa dịch vụ liên tục được cải tiến để thỏa mãn nhu cầu của khách hàng. Nhờ vậy, doanh nghiệp có liên hệ trực tiếp với khách hàng và đặt khách hàng ở vị trí trung tâm, chăm sóc từ tất cả các khía cạnh của hoạt động kinh doanh, loại bỏ trung gian, khắc sâu tình cảm và mối quan hệ giữa khách hàng và thương hiệu của doanh nghiệp.
Tiếp đến, doanh nghiệp cần nhanh chóng phân bổ lại nguồn lực và tái cơ cấu tổ chức. Linh hoạt là một trong những bản chất của chiến lược kinh doanh số, nên doanh nghiệp cần có khả năng thích nghi nhanh chóng để chuyển hướng hoạt động kinh doanh khi nhu cầu của khách hàng thay đổi. Doanh nghiệp cũng cần quản trị thay đổi trong trường hợp thay đổi nhanh chóng và triệt để, giúp nhân viên có tâm thế sẵn sàng thay đổi để doanh nghiệp bước vào con đường kinh doanh mới. Sự chuẩn bị cần đến từ các cấp và với các tốc độ phản ứng khác nhau, từ đó, doanh nghiệp vừa có khả năng phản ứng nhanh chóng trước nhu cầu của khách hàng, vừa cân bằng sức ép trong nội bộ doanh nghiệp. Đồng thời, doanh nghiệp cần sắp xếp lại tổ chức theo định hướng kinh doanh số để xây dựng đội nhóm chuyên biệt hỗ trợ các cơ hội kinh doanh số. Cơ cấu tổ chức cũng cần sẵn sàng cho hoạt động chia tách nhằm tạo điều kiện phát triển cho các hoạt động kinh doanh số tập trung vào số hóa có lợi thế kinh doanh riêng biệt.
Hơn nữa, doanh nghiệp cần củng cố tư duy số và xây dựng lịch trình chuyển đổi số. Điều này đòi hỏi ở khía cạnh văn hóa, doanh nghiệp phải chắt lọc một nhóm các giá trị chung như cởi mở, tinh thần khởi nghiệp, ưu tiên công nghệ, chấp nhận rủi ro và thất bại, v.v..., coi số là phương thức tạo ra giá trị, kết nối các công nghệ số trong quá trình chuyển đổi và cách thức mọi người cùng làm việc. Ở khía cạnh lãnh đạo, cần có cam kết thực hiện chiến lược chuyển đổi số và cân nhắc lại về vai trò của những người quản lý cấp cao như Giám đốc Thông tin, Giám đốc Chuyển đổi số, v.v...
Nguồn nhân lực có vai trò quan trọng trong quá trình chuyển đổi số nên doanh nghiệp cần có kế hoạch thu hút, đào tạo và giữ chân nhân tài, nhất là những người có kỹ năng và bí quyết về chuyển đổi số. Ngoài ra, doanh nghiệp cũng cần đào tạo kỹ năng số, cung cấp nguồn lực tài chính cho phát triển năng lực nhân sự. Đây là tiền đề giúp doanh nghiệp có năng lực thiết kế lại chuỗi giá trị và thiết kế mô hình kinh doanh mới.
Một yếu tố then chốt nữa là doanh nghiệp có tầm nhìn rõ ràng về vị thế của doanh nghiệp trong tương lai. Tầm nhìn này có được nhờ vòng lặp phản hồi liên tục qua tương tác với nhân viên, khách hàng, các đối tác. Doanh nghiệp cũng cần có khát vọng cải tiến thông qua đổi mới liên tục. Quá trình xây dựng sản phẩm mới, đưa sản phẩm mới ra thị trường và kiểm tra phản ứng của thị trường diễn ra nhanh chóng và lặp đi lặp lại. Điều này cũng đòi hỏi doanh nghiệp rà soát lại môi trường hoạt động để xác định các cơ hội và thách thức đến từ chuyển đổi số và công nghệ.
Dữ liệu trở thành lợi thế cạnh tranh của chiến lược chuyển đổi số, vì thế, việc phân tích dữ liệu, dù từ bên ngoài hay bên trong, có cấu trúc hay không, nhất là phân tích dữ liệu thời gian thực và với quy mô lớn từ các nguồn khác nhau trở nên cần thiết.
Hoạt động trong doanh nghiệp đòi hỏi mức độ tự động hóa cao hơn, nhờ đó, chuỗi cung ứng phản ứng nhanh hơn và dự báo được nhu cầu khách hàng, nâng cao hiệu suất và tốc độ. Doanh nghiệp cũng cần dành riêng nguồn lực tài chính để thay đổi mô hình hoạt động của doanh nghiệp thông qua kết hợp nguồn nhân lực và nguồn lực kỹ thuật số.
Những đối tác ở bên ngoài cũng trở thành yếu tố cốt lõi dưới hình thức các mạng lưới hoạt động như những hệ thống mở và hoạt động gắn kết. Sự hợp tác này vượt khỏi biên giới doanh nghiệp thông thường. Các doanh nghiệp mở dịch vụ và sản phẩm của mình cho cộng đồng cũng như tạo thuận lợi khi kết nối với các thiết bị mới nhờ các chuẩn mở sẽ làm cho các sản phẩm trong cùng mạng lưới trở nên có quyền lực hơn.
5. Thực trạng chuyển đổi số trong các doanh nghiệp vừa và nhỏ (DNVVN) ở khu vực ASEAN
Cộng đồng chung ASEAN, tập hợp gồm 10 quốc gia, có nền kinh tế thuộc loại sôi động nhất châu Á với tổng GDP trên 2,5 ngàn tỉ đô la Mỹ, tốc độ tăng trưởng 6%/năm. Nhiều yếu tố hội tụ như tầng lớp trung lưu tăng không ngừng, dân số trẻ, điện thoại và công nghệ thông minh ngày càng phổ biến, thương mại điện tử và mạng xã hội được nhiều người chấp nhận, chính sách hỗ trợ chuyển đổi số của khu vực nói chung và từng quốc gia nói riêng được hoạch định rõ ràng, đã tạo điều kiện thuận lợi cho các doanh nghiệp trong việc xây dựng và thực hiện chiến lược kinh doanh số. Trong khi đó, các DNVVN là động cơ tăng trưởng kinh tế của ASEAN, chiếm trên 99% số lượng doanh nghiệp, tuyển dụng trên 90% nhân lực và đóng góp khoảng 60% GDP của nhiều quốc gia trong khu vực.
Phần lớn các DNVVN trong khu vực ASEAN thực hiện chuyển đổi số nhằm nâng cao chất lượng dịch vụ, tăng cường kết nối và tận dụng cơ hội do các đối tác trong hệ sinh thái đem lại, quản lý chi phí hoạt động và bắt kịp sự thay đổi của các đối thủ cạnh tranh.
16,6% DNVVN ở mức độ chuyển đổi thấp nhất là không có chiến lược chính thức và còn tách rời khỏi chiến lược kinh doanh chung của doanh nghiệp. Ở khoảng 40% các DNVVN, hoạt động chuyển đổi số mới chủ yếu diễn ra ở cấp chức năng hoặc một vài lĩnh vực kinh doanh nhất định. 16,3% DNVVN có nhóm riêng triển khai chuyển đổi số. Việc triển khai này là một phần trong chiến lược kinh doanh của doanh nghiệp nhưng ngân quỹ dành cho chuyển đổi số vẫn còn mang tính ngắn hạn. 20,1% DNVVN đã thay đổi cả về hoạt động và văn hóa tổ chức, gắn liền chuyển đổi số với hoạt động của tổ chức, có ngân quỹ dài hạn dành cho chuyển đổi số. Ở mức độ chuyển đổi số cao nhất, 8,7% DNVVN sử dụng nền tảng số duy nhất để tận dụng đổi mới công nghệ và có thể coi là những doanh nghiệp. Nghiên cứu cho thấy càng là những DNVVN có doanh thu lớn thì càng quyết tâm thực hiện chuyển đổi số. Những DNVVN có doanh thu thấp hơn nhưng cơ cấu tổ chức phẳng và ít cứng nhắc cũng tích cực thực hiện chuyển đổi số.
Về khía cạnh công nghệ, các DNVVN trong khu vực ASEAN đầu tư nhiều nhất để cải thiện công nghệ thanh toán. Thương mại điện tử, ngân hàng điện tử, ví điện tử đang tạo điều kiện cho thanh toán trực tuyến, đặc biệt ở những quốc gia có tỉ lệ sử dụng thẻ tín dụng thấp như Indonesia, Philippines, Việt Nam. Công nghệ được đầu tư lớn tiếp theo là phân tích dữ liệu lớn, trí tuệ nhân tạo và máy học, Hoạt động này đặc biệt có ý nghĩa ở những doanh nghiệp bán lẻ với lượng khách hàng lớn, qua đó, có thể thu thập thông tin khách hàng, cá nhân hóa tương tác và sản phẩm chào bán cho khách hàng. Các DNVVN cũng đầu tư cho tự động hóa và blockchain, giúp giảm các hoạt động lặp đi lặp lại, đặc biệt là những hoạt động cần nhiều nhân công như trong ngành sản xuất, kho hàng, vận chuyển.
Mặc dù nhận thức được tầm quan trọng của chuyển đổi số và chiến lược kinh doanh số, số lượng DNVVN có mức độ chuyển đổi số cao còn hạn chế vì có nhiều thách thức. Những nguyên nhân chính là thiếu khả năng tiếp cận nhân lực có chất lượng phục vụ chuyển đổi số, áp lực phải tập trung vào lợi ích trước mắt hơn là lợi ích lâu dài, sự cần thiết phải cân bằng giữa đổi mới và an ninh mạng, khó khăn trong việc đo lường thành công của chuyển đổi số và thách thức trong việc nâng cao kỹ năng của nhân lực hiện có. Ngoài ra, còn có một số nguyên nhân khác như hạn chế của hạ tầng công nghệ thông tin sẵn có, chưa xác định được công nghệ cần triển khai, chưa xác định được vị trí của chuyển đổi số trong chiến lược chung của doanh nghiệp, lợi ích đem lại hạn chế do chưa được áp dụng đồng bộ, v.v...
6. Kết luận
Chuyển đổi số tác động mạnh mẽ đến 5 khía cạnh của chiến lược bao gồm khách hàng, cạnh tranh, đổi mới, dữ liệu và giá trị. Với các đặc điểm bao quát, quy mô lớn hơn, tốc độ nhanh hơn và nguồn gốc tạo ra giá trị là sự kết hợp của cả các yếu tố hữu hình và vô hình, những yếu tố cốt lõi các doanh nghiệp cần quan tâm để chiến lược kinh doanh số thành công bao gồm quan tâm đến trải nghiệm của khách hàng, phân bổ lại nguồn lực và tái cơ cấu tổ chức, xác định tư duy và lịch trình chuyển đổi số, xây dựng nguồn nhân lực có kỹ năng và kinh nghiệm về chuyển đổi số, xác định tầm nhìn và vị thế của doanh nghiệp trong bối cảnh mới, biến dữ liệu đang dạng và dồi dào thành thông tin có ý nghĩa, chuỗi cung ứng biến đổi nhanh và chủ động hợp tác với bên ngoài. Bất chấp những thách thức, chuyển đổi số trong các DNVVN của ASEAN đang diễn ra mạnh mẽ, quá trình này hứa hẹn sẽ được thúc đẩy hơn nữa trong tương lai.
TÀI LIỆU THAM KHẢO:
- Becker, W. & Schmid, O. (2020). The right digital strategy for your business, an empirical analysis of the design and implementation of digital strategies in SMEs and LSEs. Business Research, 13, 985-1005. DOI:10.1007/s40685-020-00124-y.
- Rogers, D. (2016). The digital transformation playbook - Rethink your business for the digital age. New York, US: Columbia University Press.
- Holutiuk, F. & Beimborn, D. (2017). Critical success factors of digital business strategy. Wirtschaftsinformatik 2017 Proceedings, Track 9.
- Tekic, Z. & Koroteev, D. (2019). From disruptive digital to proudly analog: A holistic typology of digital transformation strategies. Business Horizons, 62(6), 683-693. DOI:1016/j.bushor.2019.07.002.
- Pihir et al. (2019). Digital transformation playground - Literature review and framework of concepts. JIOS, 43(1), 33-48. DOI: 31341/jios.43.1.3.
- Ernst & Young. (2019). Redesigning for the digital economy - A study of SMEs in Southeast Asia. [online] Available at: https://www.ey.com/en_sg/growth/growth-markets-services/ey-smes-in-southeast-asia-redesigning-for-the-digital-economy.
- ASEAN Digital Masterplan. (2025). [online] Available at: https://asean.org/storage/ASEAN-Digital-Masterplan-2025.pdf.
Some basic issues in the digital business strategy of enterprises and the digital transformation in ASEAN’s small and medium-sized enterprises
Master. Le Thu Thuy
School of Economics and Management
Hanoi University of Science and Technology
ABSTRACT:
Digital transformation has been undergoing widely and enormously, resulting in big changes in many companies. Compaanies have taken advantage of opportunities brought by the digital transformation to recreate their competitive advantages and change the market landscape. However, the digital transformation is still very new and it requires each companie to build an effective business strategy. This paper explores the digital business strategy, specifically the characteristics and critical factors contributing to the success of a digital business strategy. The paper also presents the status quo of digital transformation in small and medium-sized enterprises in the ASEAN region.
Keywords: digital transformation, digital business strategy, small and medium-sized enterprises, ASEAN.
[Tạp chí Công Thương - Các kết quả nghiên cứu khoa học và ứng dụng công nghệ, Số 15, tháng 6 năm 2021]