Tóm tắt:
Những năm vừa qua, việc kiểm soát tài sản, thu nhập (viết tắt là TSTN) của người có chức vụ, quyền hạn trong cơ quan, tổ chức, đơn vị ở nước ta đã đạt được một số thành tựu nhất định, giúp tăng cường minh bạch, liêm chính của nền công vụ, tạo ra được một môi trường làm việc công bằng, khuyến khích cán bộ, công chức, viên chức làm việc một cách trung thực và hiệu quả. Tuy nhiên, bên cạnh những thành tựu, vẫn còn tồn tại nhiều thách thức lớn cần phải đối mặt. Bài viết phân tích một số tồn tại, vướng mắc và đưa ra một số giải pháp nhằm hoàn thiện pháp luật về kiểm soát TSTN của người có chức vụ, quyền hạn ở Việt Nam hiện nay.
Từ khóa: tài sản, thu nhập, người có chức vụ, quyền hạn, kiểm soát tài sản.
1. Đặt vấn đề
Kiểm soát TSTN của người có chức vụ, quyền hạn trong cơ quan, tổ chức, đơn vị là một trong những nội dung quan trọng trong xây dựng các giải pháp tổng thể phòng ngừa, chống tham nhũng được áp dụng tại Việt Nam và nhiều quốc gia trên thế giới. Vấn đề này được thể hiện ở sự quyết tâm chính trị của Đảng, Nhà nước, cả hệ thống chính trị và toàn xã hội. Tuy nhiên, pháp luật về kiểm soát TSTN của đối tượng này vẫn còn nhiều bất cập, đòi hỏi cần có những sửa đổi, bổ sung để đáp ứng yêu cầu đặt ra. Bài viết khái quát pháp luật về kiểm soát TSTN của người có chức vụ, quyền hạn trong cơ quan, tổ chức, đơn vị. Từ đó, phân tích một số vấn đề pháp lý đặt ra từ thực tiễn tổ chức thực hiện và đề xuất một số giải pháp pháp luật về kiểm soát tài sản, thu nhập của người có chức vụ, quyền hạn trong cơ quan, tổ chức, đơn vị.
2. Khái quát pháp luật về kiểm soát tài sản, thu nhập của người có chức vụ, quyền hạn trong cơ quan, tổ chức, đơn vị
Trong khoảng một thập niên trở lại đây, vấn đề kiểm soát TSTN của người có chức vụ, quyền hạn đã được đề cập nhiều trong văn kiện của Đảng, tiêu biểu như: Kết luận Hội nghị Trung ương 5 (khóa XI); Chỉ thị số 33-CT/TW ngày 03/11/2014 của Bộ Chính trị; Chỉ thị số 50-CT/TW ngày 07/12/2015 của Bộ Chính trị,… Trên cơ sở đó, vấn đề này đã được quy định trong nhiều văn bản pháp luật của Nhà nước. Kiểm soát TSTN quy định lần đầu tiên trong Pháp lệnh Chống tham nhũng năm 1998 với việc quy định về nghĩa vụ kê khai tài sản. Đến Luật Phòng, chống tham nhũng (PCTN) năm 2005 phát triển chế định kê khai tài sản thành chế định minh bạch TSTN. Luật PCTN năm 2018 phát triển thêm một bước thành chế định kiểm soát TSTN.
Luật PCTN năm 2018 bao gồm 10 chương với 96 điều. Trong đó, vấn đề kiểm soát TSTN của người có chức vụ, quyền hạn trong cơ quan, tổ chức, đơn vị được quy định tại Mục 6 Chương II gồm 25 điều, từ Điều 30 đến Điều 54. Để quy định chi tiết chế định này, Chính phủ đã ban hành Nghị định số 130/2020/NĐ-CP ngày 30/10/2020 về kiểm soát tài sản, thu nhập của người có chức vụ, quyền hạn trong cơ quan, tổ chức, đơn vị.
Kiểm soát TSTN là hoạt động do Cơ quan kiểm soát TSTN thực hiện theo quy định của pháp luật để biết rõ TSTN, biến động về TSTN, nguồn gốc của TSTN tăng thêm của người có nghĩa vụ kê khai nhằm phòng ngừa tham nhũng, phục vụ công tác cán bộ, kịp thời phát hiện tham nhũng, ngăn chặn hành vi tẩu tán tài sản tham nhũng, thu hồi tài sản tham nhũng (theo Khoản 1 Điều 3 Nghị định số 130/2020/NĐ-CP ngày 30/10/2020 về kiểm soát tài sản, thu nhập của người có chức vụ, quyền hạn trong cơ quan, tổ chức, đơn vị).
Như vậy, đến nay, việc kiểm soát TSTN của người có chức vụ, quyền hạn đã được quy định trong pháp luật PCTN, bước đầu tạo cơ sở pháp lý vững chắc cho việc kiểm soát TSTN, góp phần phòng ngừa tham nhũng hiệu quả. Quy định pháp luật kiểm soát TSTN, bao gồm những nội dung:
- Nguyên tắc kiểm soát TSTN;
- Cơ quan kiểm soát TSTN;
- Kê khai, xác minh TSTN;
- Xử lý hành vi kê khai TSTN không trung thực, giải trình nguồn gốc TSTN tăng thêm không trung thực;
- Cơ sở dữ liệu quốc gia về kiểm soát TSTN.
3. Một số vấn đề pháp lý đặt ra từ thực tiễn tổ chức thực hiện kiểm soát tài sản, thu nhập
Về cơ bản, các quy định của Luật Phòng, chống tham nhũng năm 2018 và Nghị định số 130/2020/NĐ-CP về kiểm soát TSTN đã ngày càng hoàn thiện hơn, tạo căn cứ pháp lý cho việc kiểm soát TSTN, góp phần phòng ngừa tham nhũng. Các bộ, ngành, địa phương, cơ quan kiểm soát TSTN đã tích cực thực hiện Luật Phòng, chống tham nhũng năm 2018 và Nghị định số 130/2020/NĐ-CP về kiểm soát TSTN của người có chức vụ, quyền bạn trong cơ quan, tổ chức, đơn vị và Quy chế phối hợp giữa các cơ quan kiểm soát TSTN được ban hành tại Quyết định số 56-QĐ/TW ngày 08/02/2020 của Bộ Chính trị; tiếp tục triển khai Quyết định số 390/QĐ-TTg ngày 28/3/2022 của Thủ tướng Chính phủ về phê duyệt Đề án “Xây dựng cơ sở dữ liệu quốc gia về kiểm soát tài sản”.
3.1. Khó khăn, vướng mắc từ thực tiễn tổ chức thực hiện kiểm soát tài sản, thu nhập
Bên cạnh những kết quả đã đạt được, qua thực tiễn triển khai cho thấy, công tác kiểm soát TSTN còn nhiều khó khăn, vướng mắc, cụ thể:
- Thứ nhất, có sự chồng chéo chủ thể kiểm soát TSTN. Nhiều cơ quan kiểm soát TSTN cùng kiểm soát đối với một đối tượng. Trong bộ máy nhà nước hiện nay có những người vừa làm việc trong bộ máy chính quyền địa phương, vừa giữ chức vụ trong tổ chức Đảng. Ví dụ, Chủ tịch Hội đồng nhân dân xã, đồng thời là Bí thư Đảng ủy xã. Theo quy định của Luật PCTN, Thanh tra tỉnh và cơ quan có thẩm quyền của Đảng đều là cơ quan chịu trách nhiệm kiểm soát TSTN của người đó. Vấn đề này có thể dẫn đến việc chồng chéo, trùng lặp trong công tác kiểm soát. Mặt khác, trong bộ máy nhà nước, tổ chức chính trị - xã hội có những cán bộ thuộc diện quản lý của tổ chức đảng theo phân cấp quản lý cán bộ của Đảng. Hiện nay, các cơ quan có thẩm quyền của Đảng đang kiểm soát việc kê khai tài sản, thu nhập của họ. Nếu theo Luật PCTN, những người này sẽ thuộc quyền kiểm soát của cơ quan nhà nước hoặc cơ quan trung ương của tổ chức chính trị - xã hội.
- Thứ hai, chưa bao quát hết các đối tượng cần kiểm soát. Hiện nay chưa có quy định về cán bộ tương đương giám đốc sở tại các bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, đơn vị sự nghiệp công lập, cơ quan, tổ chức do Thủ tướng Chính phủ quyết định thành lập, doanh nghiệp nhà nước.
- Thứ ba, thủ tục xác minh TSTN còn lúng túng khi triển khai thực hiện. Việc xác minh TSTN mới dùng lại ở việc xác minh theo kế hoạch đối với những người thuộc đối tượng kê khai TSTN hàng năm về các nội dung cán bộ, công chức, viên chức khai trong bản kê khai TSTN và đối chiếu với những tài liệu minh chứng do họ cung cấp được; chưa đi sâu vào việc xác minh làm rõ nguồn gốc của TSTN tăng thêm; hầu hết chỉ dừng ở việc đối chiếu bản khai với hồ sơ, giấy tờ, chưa xác minh nguồn gốc, chưa kết nối được với cơ quan quản lý đất đai, tài sản, ngân hàng, chứng khoán,… Việc xác định đối tượng và phạm vi điều chỉnh trong xác minh TSTN của cơ quan kiểm soát TSTN và thanh tra các cấp chưa rõ ràng dẫn đến công tác tham mưu xây dựng kế hoạch, lập danh sách các đối tượng thuộc thẩm quyền kiểm soát TSTN còn bị bỏ lọt. Việc phân cấp, giao nhiệm vụ cho đơn vị thực hiện xác minh TSTN còn chưa rõ, nhất là đối với những bộ, ngành có số lượng công chức, viên chức lớn và có hệ thống ngành dọc từ Trung ương đến địa phương.
- Thứ tư, chưa có mô hình cơ quan, đơn vị chuyên trách kiểm soát TSTN. Các cơ quan kiểm soát TSTN cơ bản đang sử dụng cán bộ kiêm nhiệm (do không được bổ sung biên chế), thiếu kinh nghiệm thực tiễn, chưa được đào tạo bài bản nghiệp vụ kiểm soát TSTN, đặc biệt là nghiệp vụ xác minh.
- Thứ năm, công tác tổ chức kiểm soát TSTN chủ yếu dừng lại ở việc đôn đốc, hướng dẫn các đơn vị thuộc, trực thuộc triển khai việc khai, công khai bản kê khai TSTN theo quy định; chưa tăng cường công tác kiểm tra, giám sát, theo dõi để thực hiện xác minh đột xuất khi có biến động tăng về TSTN từ 300.000.000đ trở lên so với TSTN đã kê khai lần liền kề trước đó mà người có nghĩa vụ kê khai giải trình không hợp lý về nguồn gốc.
- Thứ sáu, việc xây dựng cơ sở dữ liệu và ứng dụng công nghệ thông tin kết nối dữ liệu với các cơ quan đặc thù trong việc kê khai, kiểm sóat việc kê khai TSTN còn chậm, các dữ liệu, thông tin về bản kê khai TSTN còn rời rạc, manh mún và chưa có hệ thống.
3.2. Nguyên nhân khó khăn, vướng mắc từ thực tiễn tổ chức thực hiện kiểm soát tài sản, thu nhập
Những khó khăn, vướng mắc nêu trên xuất phát từ những nguyên nhân chủ quan và khách quan. Tuy nhiên, nhìn từ giác độ pháp lý, quy định pháp luật về kiểm soát TSTN còn bộc lộ một số hạn chế, bất cập, cụ thể:
- Thứ nhất, quy định về xác định đối tượng thuộc đối tượng kiểm soát TSTN của người có chức vụ từ Phó Vụ trưởng và tương đương trở xuống công tác tại các bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, chính quyền địa phương, đơn vị sự nghiệp công lập; cơ quan, tổ chức do Thủ tướng Chính phủ quyết định thành lập còn chưa rõ ràng để triển khai thực hiện. Quy định về đối tượng thuộc diện kê khai hàng năm chưa thực sự phù hợp dẫn đến nhiều trường hợp là lãnh đạo cấp Cục (Phó Cục trưởng) một số đơn vị không thuộc diện phải kê khai hàng năm, do không thực hiện nhiệm vụ thuộc các lĩnh vực thuộc danh mục được quy định tại Phụ lục kèm theo Nghị định số 130/2020/NĐ-CP.
- Thứ hai, chưa có một quy trình cụ thể, thống nhất hướng dẫn về nội dung, phương pháp, cách thức, các bước tiến hành việc xác minh TSTN hàng năm, dẫn đến các cơ quan, đơn vị lúng túng, khó khăn trong thực hiện. Quy định về việc lựa chọn ngẫu nhiên mới chỉ mang tính nguyên tắc, chưa có những quy định cụ thể về việc triển khai thực hiện để bảo đảm công khai, minh bạch, khách quan, công bằng.
- Thứ ba, chưa có chế tài xử lý đối với những cơ quan, tổ chức không phối hợp, cung cấp thông tin về TSTN của người có nghĩa vụ kê khai theo quy định của pháp luật, đặc biệt là những cơ quan đặc thù, như: Kho bạc Nhà nước, tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài tại Việt Nam, cơ quan công an, quản lý thuế, hải quan, quản lý đất đai,…
- Thứ tư, chưa có sơ sở pháp lý để để xem xét xử lý tài sản đối với những trường hợp không trung thực trong kê khai TSTN, giải trình nguồn gốc tài sản tăng thêm, chưa có quy định nào về kiểm tra nguồn gốc tài sản.
- Thứ năm, cơ chế phối hợp giữa cơ quan nhà nước và các tổ chức, cá nhân ngoài nhà nước như: ngân hàng, doanh nghiệp có liên quan,… chưa chặt chẽ, chưa có quy định rõ ràng.
- Thứ sáu, chưa quy định rõ các nội dung của cơ sở dữ liệu về kiểm soát TSTN; trách nhiệm của cơ quan có thẩm quyền về việc xây dựng một phần mềm quản lý cơ sở dữ liệu thống nhất sử dụng chung cho tất cả các cơ quan kiểm soát TSTN, vừa tiết kiệm chi phí, vừa bảo đảm sự thống nhất, liên thông của hệ thống kiểm soát; chưa xác định rõ trách nhiệm của các cơ quan quản lý các dữ liệu phải cung cấp thông tin cho các cơ quan kiểm soát TSTN theo thẩm quyền để cập nhật vào hệ thống.
4. Một số giải pháp pháp luật về kiểm soát tài sản, thu nhập của người có chức vụ, quyền hạn trong cơ quan, tổ chức, đơn vị
Để nâng cao hiệu quả kiểm soát TSTN của người có chức vụ, quyền hạn trong cơ quan, tổ chức đơn vị, góp phần vào cuộc đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, chúng tôi đưa ra một số giải pháp sau:
- Một là, cần rà soát toàn diện các quy định của pháp luật hiện hành về kiểm soát TSTN để đề xuất sửa đổi, bổ sung, bảo đảm thể chế hóa đầy đủ các chủ trương, quy định của Đảng, nhất là Quyết định số 56-QĐ/TW ngày 08/2/2022 của Bộ Chính trị về quy chế phối hợp giữa các cơ quan kiểm soát TSTN.
- Hai là, có quy định rõ ràng hơn về cơ chế phối hợp giữa các cơ quan có thẩm quyền của Đảng với cơ quan kiểm soát TSTN trong bộ máy nhà nước và tổ chức chính trị - xã hội. Thống nhất cơ quan đầu mối tiếp nhận bản kê khai tài sản, lập cơ sở dữ liệu để trên cơ sở chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của mình, các cơ quan kiểm soát TSTN có thẩm quyền sẽ cùng theo dõi, kiểm soát, chia sẻ thông tin, dữ liệu cần thiết, đặc biệt khi cùng tiến hành xác minh TSTN, bảo đảm thực hiện đúng quy định của Luật PCTN và quy định của Đảng.
- Ba là, phải có quy định hướng dẫn cụ thể về cán bộ tương đương giám đốc sở. Cần hoàn thiện quy định về cơ quan kiểm soát tài sản để bảo đảm bao quát hết đối tượng cần kiểm soát; xây dựng quy định cụ thể theo chức vụ, vị trí việc làm để xác định đối tượng tương đương Giám đốc sở.
- Bốn là, tiếp tục nghiên cứu, rà soát hoàn thiện các quy định của pháp luật liên quan đến chế tài xử lý các trường hợp kê khai TSTN không đúng theo quy định.
- Năm là, cần có văn bản hướng dẫn, cụ thể hóa trình tự, thủ tục thực hiện việc kê khai TSTN, trong đó nêu rõ trách nhiệm của cơ quan, đơn vị, cá nhân tiếp nhận, ký nhận, niêm yết công khai bản kê khai. Xây dựng quy trình cụ thể, thống nhất về nội dung, phương pháp, cách thức, các bước tiến hành việc xác minh TSTN hàng năm.
- Sáu là, cần phải có quy định rõ ràng, cụ thể hơn về việc xây dựng một phần mềm quản lý cơ sở dữ liệu thống nhất sử dụng chung cho tất cả các cơ quan kiểm soát TSTN, vừa bảo đảm tiết kiệm chi phí, vừa bảo đảm sự thống nhất, liên thông của hệ thống kiểm soát. Hệ thống này cũng có thể tích hợp phần mềm để tổ chức việc lựa chọn ngẫu nhiên người được xác minh theo kế hoạch hằng năm và thực hiện chế độ thông tin, báo cáo về công tác kiểm soát TSTN. Ngoài ra, cần tiếp tục nghiên cứu, xây dựng, hình thành cơ sở dữ liệu dùng chung trong lĩnh vực đăng ký, kê khai đất đai, tài sản gắn liền với đất, liên thông với cơ sở dữ liệu về thuế, tạo nền tảng kiểm soát tài sản để PCTN.
TÀI LIỆU THAM KHẢO:
- Ban Chấp hành Trung ương Đảng (2016). Nghị quyết số 04-NQ/TW ngày 30/10/2016 về tăng cường xây dựng, chỉnh đốn Đảng; ngăn chặn, đẩy lùi sự suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, những biểu hiện “tự diễn biến, tự chuyển hóa” trong nội bộ.
- Bộ Chính trị (2014). Chỉ thị số 33-CT/TW ngày 03/01/2014 về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với việc kê khai và kiểm soát việc kê khai tài sản.
- Bộ Chính trị (2020). Quyết định số 56-QĐ/TW ngày 08/02/2020 về quy chế phối hợp các cơ quan kiểm soát tài sản, thu nhập.
- Chính phủ (2020). Nghị định số 130/2020/NĐ-CP ngày 30/10/2020 về kiểm soát tài sản, thu nhập của người có chức vụ, quyền hạn trong cơ quan, tổ chức, đơn vị.
- Hoàng Minh Hội (2019). Nâng cao hiệu quả việc kê khai, kiểm soát tài sản, thu nhập của người có chức vụ, quyền hạn. Nghiên cứu lập pháp, số 07(383).
- Hoàng Nam Hải (2018). Về thẩm quyền kiểm soát tài sản thu nhập của người có chức vụ, quyền hạn trong Luật Phòng, chống tham nhũng (sửa đổi). Nghiên cứu lập pháp, số 19(371) - tháng 10/2018.
- Quốc hội (2018). Luật Phòng, chống tham nhũng.
- Thủ tướng Chính phủ (2022). Quyết định số 390/QĐ-TTg ngày 28/3/2022 về phê duyệt Đề án “Xây dựng cơ sở dữ liệu quốc gia về kiểm soát tài sản”.
Some legal issues about the control of assets and income of people holding positions and powers in state agencies, public organizations, and units in Vietnam
Nguyen Trong Nha
Faculty of State and Law, National Academy of Public Administration
Abstract:
In recent years, the control of assets and income of people holding positions and powers in state agencies, public organizations, and units in Vietnam has achieved certain achievements. It increases transparency and integrity of the public service, creates a fair working environment, and encourages cadres, civil servants, and public employees to work honestly and effectively. However, besides the achievements, there are still many major challenges. This paper analyzed some existing problems and difficulties and proposed some solutions to strengthen regulations on controlling assets and income of people holding positions and powers in Vietnam.
Keywords:assets, income, incumbent, power, control of assets
[Tạp chí Công Thương - Các kết quả nghiên cứu khoa học và ứng dụng công nghệ, Số 17 tháng 7 năm 2024]