TÓM TẮT:
Bài viết bàn về vấn đề nâng cao chất lượng nguồn nhân lực khoa học công nghệ. Nhận rõ tầm quan trọng của lực lượng cán bộ khoa học công nghệ (KHCN) trong công cuộc đổi mới và phát triển đất nước, Việt Nam đã đưa ra các chủ trương và chính sách nhằm thúc đẩy sự lớn mạnh cả về lượng và chất của đội ngũ này. Kết quả hiện nay, đội ngũ cán bộ KHCN nước ta đã được tăng cường về số lượng, nâng cao về chất lượng và hoạt động năng động, sáng tạo hơn trong cơ chế mới. Tuy nhiên, so với những yêu cầu của công cuộc CNH-HĐH đất nước, nhất là trong xu thế Việt Nam đang tiến hành hội nhập sâu vào nền kinh tế thế giới đòi hỏi các cán bộ KHCN phải có trình độ trí tuệ ngang tầm với khu vực và quốc tế, thì nguồn nhân lực KHCN của Việt Nam vẫn còn có nhiều điểm hạn chế. Điều đó đòi hỏi, cần có những giải pháp đồng bộ và thiết thực hơn để nâng cao chất lượng nguồn nhân lực khoa học công nghệ.
Từ khóa: Chất lượng, nguồn nhân lực, khoa học công nghệ.
1. Đặt vấn đề
Phát triển nguồn nhân lực nói chung và nguồn nhân lực KHCN nói riêng là yếu tố quan trọng nhất để thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội, đồng thời là mục tiêu của quá trình CNH,HĐH đất nước. Để KHCN phát huy được vai trò động lực phát triển kinh tế - xã hội, cần phải phát triển đồng bộ cả nguồn nhân lực KHCN lẫn cơ sở vật chất nghiên cứu và hoàn thiện cơ chế, chính sách KHCN, trong đó việc phát triển nguồn nhân lực có ý nghĩa quyết định.
2. Khái niệm nhân lực khoa học công nghệ
Quan niệm nhân lực khoa học công nghệ ở Việt Nam
Bộ Khoa học - Công nghệ vận dụng khái niệm nêu trong Luật Khoa học - Công nghệ đã có quy định cụ thể hơn về quan niệm nhân lực khoa học và công nghệ gồm các đối tượng: “Đã tốt nghiệp đại học, cao đẳng và làm việc trong một ngành khoa học và công nghệ; đã tốt nghiệp đại học, cao đẳng, nhưng không làm việc trong một ngành khoa học và công nghệ nào; chưa tốt nghiệp đại học, cao đẳng, nhưng làm một công việc trong một lĩnh vực khoa học và công nghệ đòi hỏi trình độ tương đương”.
Tổng hợp các quan điểm, quy định nêu trong Luật Khoa học và Công nghệ năm 2013, quan niệm của Bộ Khoa học - Công nghệ và các quan niệm của đa số các nhà nghiên cứu ở Việt Nam hiện nay, có thể thấy rằng, nhân lực khoa học và công nghệ nước ta gồm 5 thành phần chủ yếu sau:
+ Cán bộ nghiên cứu.
+ Cán bộ kỹ thuật, công nghệ.
+ Các cá nhân thuộc mọi tầng lớp xã hội.
+ Cán bộ quản lý các cấp.
+ Tri thức Việt Nam ở nước ngoài và các chuyên gia nước ngoài.
3. Vai trò của nhân lực KHCN
Những đóng góp của nguồn nhân lực KHCN trong quá trình phát triển kinh tế - xã hội nói chung và trong công cuộc công nghiệp hóa, hiện đại hóa nói riêng được thể hiện rõ nét ở những nội dung sau.
Thứ nhất, nguồn nhân lực KHCN là lực lượng chủ yếu trong việc xây dựng các luận cứ khoa học giúp Đảng và Nhà nước xác định đường lối chiến lược, chính sách, kế hoạch CNH, HĐH đất nước; đồng thời là lực lượng nòng cốt trong triển khai thực hiện các đường lối chính sách đó.
Thứ hai, nguồn nhân lực KHCN đảm nhiệm việc nghiên cứu, khảo nghiệm và ứng dụng các quy trình công nghệ mới, các thiết bị, công cụ mới, vào sản xuất; cải tiến và hệ thống hóa công nghệ truyền thống, nâng cao trình độ công nghệ.
Thứ ba, có thể nói, đây là lực lượng xung kích trong việc lựa chọn, tiếp thu và ứng dụng những tiến bộ công nghệ mới của thế giới vào phát triển các ngành kinh tế quốc dân của Việt Nam. Vai trò cuối cùng, nhưng không kém phần quan trọng của nguồn nhân lực KHCN là họ đã có đóng góp lớn trong việc tuyên truyền, phổ biến rộng rãi tri thức khoa học, kiến thức và công nghệ sản xuất tiên tiến, thực hiện việc dẫn dắt cho những bộ phận có năng lực và trình độ thấp hơn đi lên, qua đó góp phần nâng cao trình độ hiểu biết về KHCN và kỹ thuật sản xuất, nâng cao năng lực hoạt động sản xuất của công nhân và các tầng lớp nhân dân lao động khác.
Thực trạng nguồn nhân lực khoa học công nghệ
Nhận rõ tầm quan trọng của lực lượng cán bộ KHCN trong công cuộc đổi mới và phát triển đất nước, Việt Nam đã đưa ra các chủ trương và chính sách nhằm thúc đẩy sự lớn mạnh cả về lượng và chất của đội ngũ này. Kết quả là hiện nay, đội ngũ cán bộ KHCN nước ta đã được tăng cường về số lượng, nâng cao về chất lượng và hoạt động năng động, sáng tạo hơn trong cơ chế mới. Theo số liệu thống kê, số cán bộ có trình độ đại học, cao đẳng trở lên hiện có khoảng 1,5 triệu người, trong đó số giáo sư, phó giáo sư khoảng 2.000 người, hơn 14.000 tiến sĩ, hơn 11.000 thạc sĩ. Số cán bộ hoạt động trong lĩnh vực KHCN hơn 34.000 người, hơn 42.000 cán bộ giảng dạy trong các trường đại học, cao đẳng, trung học chuyên nghiệp và hàng vạn cán bộ KHCN làm việc trong các ngành, lĩnh vực kinh tế khác.
Trong điều kiện quy mô và tiềm lực của nền kinh tế còn thấp, Việt Nam đã có những tiến bộ đáng khích lệ so với các quốc gia có thu nhập trung bình thấp, xét về trình độ và năng lực khoa học và công nghệ. Khoảng cách giữa Việt Nam và các nước trong khu vực được rút ngắn đáng kể trong xếp hạng năng lực cạnh tranh, năng lực đổi mới sáng tạo toàn cầu và ở một số lĩnh vực khoa học và công nghệ có thế mạnh.
Tuy nhiên, so với những yêu cầu của công cuộc CNH,HĐH đất nước, nhất là trong xu thế Việt Nam đang tiến hành hội nhập sâu vào nền kinh tế thế giới đòi hỏi các cán bộ KHCN phải có trình độ trí tuệ ngang tầm với khu vực và quốc tế, nguồn nhân lực KHCN của Việt Nam vẫn còn có nhiều điểm hạn chế. Thứ nhất, lực lượng này còn quá nhỏ bé so với yêu cầu (mới chỉ chiếm 17,5% lao động xã hội), trong khi đó vẫn còn 2,2% trong tổng số lao động có trình độ chưa có việc làm. Tại Hội chợ Nhân lực phần mềm Việt Nam năm 2015, có tới 63,4% công ty phần mềm khẳng định thiếu nhân lực trình độ cao. Thứ hai, chất lượng đội ngũ cán bộ KHCN nước ta hiện nay còn nhiều bất cập, chưa đáp ứng được yêu cầu của CNH, HĐH, nhất là yêu cầu đi tắt đón đầu về công nghệ. Hiện nay, Việt Nam rất thiếu nguồn nhân lực KHCN ở các ngành mũi nhọn, có tính chất quyết định như công nghệ sinh học, công nghệ vật liệu mới,… Ví dụ rõ ràng nhất được thể hiện trong việc đăng ký và cấp bằng độc quyền sáng chế rất thấp của các cán bộ KHCN Việt Nam. Thứ ba, đội ngũ cán bộ KHCN nước ta hiện còn phân tán, thiếu tập trung với một bộ phận không nhỏ còn chưa tận tâm với nghiên cứu khoa học. Thứ tư, cơ chế thị trường chưa thực sự vận hành trong lĩnh vực nhân lực KHCN. Một yếu tố quan trọng của thị trường lao động là tiền lương chưa được xác định trên cơ sở thị trường. Cơ chế trả lương đang còn bị chi phối bởi quy định của Nhà nước về lương tối thiểu, thang, bảng lương.
4. Giải pháp nâng cao chất lượng nguồn nhân lực KHCN
Hội nhập quốc tế toàn diện với xu hướng toàn cầu hóa và sự phát triển mạnh mẽ của khoa học và công nghệ trên thế giới đã và đang đặt nước ta vào nguy cơ tụt hậu ngày càng xa về khoa học và công nghệ. Hơn lúc nào hết chúng ta càng phải thực hiện một cách thực chất các giải pháp mang tính đồng bộ, toàn diện để phát triển nhân lực khoa học và công nghệ.
Đổi mới tổ chức và cơ chế quản lý nguồn nhân lực KHCN:
Tổ chức bộ máy và nhân sự khoa học công nghệ vẫn do các cơ quan chủ quản của tổ chức KHCN quyết định nên đã hạn chế rất nhiều tính linh hoạt trong sử dụng nguồn lực, nhất là cán bộ có trình độ chuyên môn cao. Cách quản lý nhân sự hiện hành làm cho tổ chức KHCN luôn bị động trong sử dụng lao động, bị động trong việc trả lương và không khuyến khích cán bộ có năng lực. Vì vậy, cần tiếp tục đổi mới hơn nữa tổ chức và cơ chế quản lý đối với các tổ chức KHCN; đổi mới chính sách lương, thưởng đối với cán bộ hoạt động KHCN, mở rộng điều kiện tăng thu nhập cho các nhà khoa học tương xứng với những đóng góp của họ cho xã hội, đồng thời có các chính sách ưu đãi về vật chất và động viên kịp thời về tinh thần cho các nhà khoa học có đóng góp quan trọng.
Tăng cường gắn nghiên cứu với ứng dụng tạo động lực cho cán bộ KHCN:
Cần tạo điều kiện thuận lợi để các nhà khoa học gắn nghiên cứu với hoạt động sản xuất, kinh doanh, kết hợp đào tạo với nghiên cứu, không để lãng phí nguồn chất xám. Có như vậy, mới tạo ra được một thị trường khoa học rộng lớn, các nhà khoa học sẽ có “sân” để phát huy năng lực của mình.
Xây dựng và thực hiện chiến lược phát triển nguồn nhân lực KHCN:
Nhà nước cần hoàn thiện quy hoạch, kế hoạch đào tạo cán bộ KHCN trẻ để tạo ra một lực lượng lao động có năng lực và phẩm chất cần thiết đáp ứng nhu cầu ngày càng cao của sự nghiệp CNH,HĐH. Để thực hiện điều đó, Nhà nước cần phải quan tâm nhiều hơn đến giáo dục - đào tạo, thực sự coi đó là “quốc sách hàng đầu nhằm nâng cao dân trí, đào tạo nhân lực, bồi dưỡng nhân tài”; đồng thời phải đổi mới và nâng cao chất lượng đào tạo đại học và sau đại học ở các trường đại học, các học viện và các viện nghiên cứu, nhằm đáp ứng kịp thời lực lượng lao động có trình độ KHCN cao; cần có quy hoạch đào tạo, bồi dưỡng lại đội ngũ cán bộ KHCN ở các trung tâm, viện nghiên cứu khoa học.
Trang bị và đầu tư về cơ sở vật chất - kỹ thuật:
Nhà nước cần tăng cường đầu tư và đổi mới trang thiết bị nghiên cứu khoa học hiện đại cho các phòng nghiên cứu, thí nghiệm tại các trung tâm khoa học, các trường đại học, viện nghiên cứu; đồng thời, cần phải phát triển hệ thống thông tin, trang thiết bị thông tin hiện đại, mở rộng mạng thông tin để tất cả cán bộ KHCN đều có thể tiếp cận, khai thác và sử dụng các nguồn tài liệu KHCN vào công tác nghiên cứu. Cần tạo điều kiện cho các nhà khoa học đi đào tạo, bồi dưỡng, tham quan học tập trao đổi, hợp tác nghiên cứu khoa học ở những nước có trình độ khoa học - công nghệ tiên tiến hiện đại.
5. Kết luận
Tóm lại, đầu tư cho nhân lực khoa học và công nghệ là đầu tư cho phát triển bền vững, trực tiếp nâng tầm trí tuệ và sức mạnh của dân tộc. Quá trình chuyển từ nền kinh tế kế hoạch hóa tập trung sang nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa đòi hỏi phải chuyển đổi căn bản, toàn diện các hoạt động quản lý về kinh tế - xã hội, điều đó đòi hỏi càng ngày phải ứng dụng rộng rãi KHCN vào hoạt động quản lý của các Bộ, ngành, góp phần thực hiện tốt các nhiệm vụ đang đặt ra trong điều kiện mới. Tri thức khoa học và các thành tựu công nghệ cùng với việc lựa chọn được các biện pháp xây dựng, quản lý đội ngũ nhân lực khoa học công nghệ, trong đó xây dựng và hoàn thiện hệ thống chức danh nghề nghiệp trong lĩnh vực khoa học, công nghệ là một mũi nhọn, sẽ tạo lên sức mạnh tổng thể và là nguồn sức mạnh bền vững.
TÀI LIỆU THAM KHẢO:
- Ban Chấp hành Trung ương (2016), Nghị quyết số 05-NQ/TW ngày 1/11/2016 về một số chủ trương, chính sách lớn nhằm tiếp tục đổi mới mô hình tăng trưởng, nâng cao chất lượng tăng trưởng, năng suất lao động, sức cạnh tranh của nền kinh tế.
- Chính phủ (2017), Nghị định số 101/2017/NĐ-CP ngày 01/09/017 về đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, công chức, viên chức.
- Thủ tướng Chính phủ (2011), Quyết định số 579/QĐ-TTg ngày 19/4/2011 phê duyệt Chiến lược phát triển nhân lực Việt Nam thời kỳ 2011-2020.
Improving the quality of the science and technologgy’s human resources
Master. Ha Thi Thu Thuy
Faculty of Basic Economics
University of Economics – Technology for Industries
Abstract:
This article discusses the quality improvement of the science and technology’s human resources. Recognizing the importance of the science and technology’s human resources for the country’s renovation and development, Vietnam has set forth guidelines and policies to promote the growth of the science and technology’s human resources. As a result, the science and technology’s staff of Vietnam has ỉmproved in terms of both quantity and quality and become more creative in the new development mechanism. However, the science and technology’s human resources of Vietnam is still facing with shortcomings when comparing the country’s industrialization and modernization requirements. Especially when Vietnam has integrated more deeply into the world’s economy, it is important for the country to have high-quality human resources witth a certain level of knowledge and expertise. It is necessary for Vietnam to have comprehensive and practical soluttions to improve its quality of the science and technology’s human resources.
Keywords: Qualitty, human resource, science and technology.