Nâng cao năng lực cạnh tranh, phát triển ngành Chế biến và Xuất khẩu gỗ Việt Nam bền vững

ThS. Trần Phương Tâm An (Giảng viên Trường Đại học Luật)

TÓM TẮT:

Ngành Chế biến và Xuất khẩu gỗ Việt Nam đang đứng trước những cơ hội và thách thức của các hiệp định thương mại tự do. Nâng cao năng lực cạnh tranh cho các DN trong ngành nhằm thúc đẩy xuất khẩu và tham gia sâu rộng hơn vào chuỗi giá trị toàn cầu là nhiệm vụ cấp bách. Vì vậy, bài nghiên cứu sẽ phân tích các yếu tố như: năng suất lao động, nguồn nguyên liệu đầu vào…, những cơ hội và thách thức, đồng thời đề xuất những giải pháp nhằm nâng cao năng lực cạnh tranh ngành Chế biến và Xuất khẩu gỗ Việt Nam trong tương lai.

Từ khóa: Năng lực cạnh tranh, ngành Chế biến và Xuất khẩu gỗ, chuỗi giá trị toàn cầu, Việt Nam, xuất khẩu, doanh nghiệp.

1. Đặt vấn đề

Ngành Chế biến và Xuất khẩu gỗ Việt Nam đã đạt được những tăng trưởng vượt bậc trong những năm qua. Trong năm 2019, xuất khẩu gỗ và các sản phẩm gỗ đạt con số 11 tỷ USD. Trong quý I năm 2020, kim ngạch xuất khẩu gỗ và các sản phẩm gỗ của Việt Nam đạt 2,576 tỷ USD, tăng 13,9% so với quý I năm 2019. Kim ngạch xuất khẩu vẫn đang tăng. Để có kết quả này, đầu tiên phải kể đến nỗ lực rất lớn của các doanh nghiệp (DN) trong việc tìm kiếm cơ hội, đáp ứng với các yêu cầu ngày càng khắt khe của thị trường và không ngừng vươn lên. Kết quả này cũng một phần cũng là do một số cơ chế chính sách thông thoáng của Chính phủ trong xuất, nhập khẩu gỗ nguyên liệu và các sản phẩm gỗ. Bên cạnh đó là thuận lợi về thị trường quốc tế, bao gồm thị trường tiêu thụ các mặt hàng gỗ của Việt Nam và các quốc gia cạnh tranh trực tiếp với Việt Nam. Phát triển của ngành đã có một vai trò hết sức quan trọng về kinh tế và xã hội, tạo công ăn việc làm cho hàng trăm ngàn lao động và trực tiếp góp phần nâng cao GDP cho quốc gia.

Một số quan điểm cho rằng ngành Chế biến và Xuất khẩu gỗ hiện nay còn nhiều dư địa để mở rộng. Cụ thể, kim ngạch xuất khẩu của cả ngành năm 2019 chỉ mới đạt 11 tỉ USD, còn quá nhỏ bé so với nhu cầu tiêu thụ đồ gỗ toàn cầu ở mức 467,7 tỉ USD. Cũng theo luồng quan điểm này, dư địa phát triển của ngành lớn bởi ngành hiện đang có nhiều lợi thế, trong đó bao gồm giá nhân công thấp và nguồn gỗ nguyên liệu đầu vào sẵn có.

Tuy nhiên, cũng có ý kiến cho rằng, trong bối cảnh nhân công giá rẻ và nguyên liệu gỗ nguyên liệu đầu vào tương đối được coi là các lợi thế tạo động lực phát triển cho ngành, trong tương lai các yếu tố này có thể sẽ không còn là lợi thế. Khi các nghiên cứu trên thế giới đã chỉ ra rằng các lợi thế về ‘chi phí thấp’, bao gồm nguyên liệu đầu vào và nhân công giá rẻ là lợi thế lớn cho các DN ở giai đoạn đầu của quá trình phát triển. Trong tương lai, các lợi thế này sẽ không tồn tại.

Dự kiến, Hiệp định thương mại tự do Việt Nam - EU (EVFTA) sẽ được Quốc hội thông qua và có hiệu lực vào tháng 8/2020 với những cam kết về ưu đãi thuế quan ở mức cao nhất, EVFTA sẽ là "cú huých" rất lớn cho xuất khẩu nông, lâm sản của Việt Nam. Ngành Chế biến và Xuất khẩu gỗ sẽ được hưởng thuế suất 0% cho ít nhất 90 sản phẩm gỗ xuất khẩu từ Việt Nam. Do đó, khi Hiệp định có hiệu lực, kim ngạch xuất khẩu của DN Việt Nam vào thị trường EU kỳ vọng sẽ tăng trong các năm tới.

Làm thế nào để ngành Chế biến và Xuất khẩu gỗ Việt Nam có thể làm chủ được tình hình, gia tăng được giá trị xuất khẩu, phát triển bền vững là một vấn đề đặt ra trong giai đoạn hiện nay. Để tận dụng tốt các ưu đãi, gia tăng thị phần tại thị trường EU nói riêng và đạt được mục tiêu xuất khẩu gỗ và các sản phẩm gỗ với con số 20 tỷ USD vào năm 2025, việc nâng cao năng lực cạnh tranh cho ngành này là hết sức cần thiết. Điều này đòi hỏi các DN cần có chiến lược kinh doanh, xây dựng thương hiệu, xây dựng vùng nguyên liệu, lao động, công nghệ,… giúp ngành Gỗ Việt Nam nói chung và các DN thuộc ngành có thể tham gia sâu rộng hơn vào chuỗi giá trị toàn cầu.

2. Giới thiệu về năng lực cạnh tranh và thực trạng năng lực cạnh tranh của ngành Chế biến và Xuất khẩu gỗ

2.1. Năng lực cạnh tranh

Cạnh tranh là đặc trưng của nền kinh tế thị trường khi cung - cầu hàng hóa và giá cả hàng hóa là yếu tố quyết định. Các DN khi tham gia hoạt động sản xuất - kinh doanh đều mong muốn có các điều kiện thuận lợi nhất, như: tối thiểu hóa chi phí đầu vào (chi phí nguyên vật liệu thấp, chi phí nhân công giá rẻ),… Điều này làm cho các DN có sự “tìm kiếm”, ganh đua” nhau để tìm nguồn nguyên liệu rẻ, nâng cao năng suất lao động, cải tiến máy móc, thiết bị. Từ đó góp phần vào thúc đẩy nền kinh tế phát triển và tạo ra nhiều lợi ích hơn cho xã hội. Người tiêu dùng có nhiều sự lựa chọn sản phẩm hay dịch vụ hơn, cũng như được sử dụng sản phẩm và dịch vụ tốt hơn. Ngày nay, các sản phẩm được sản xuất ra không chỉ để đáp ứng nhu cầu trong nước, mà còn cung cấp và xuất khẩu ra nước ngoài.

Theo quan điểm tổng hợp của VarDwer, E.Martin và R.Westgren - đồng tác giả của cuốn “Assessing the competiviveness of Canada’s agrifood Industry” - 1991 thì khả năng cạnh tranh của một ngành, của công ty được thể hiện ở việc tạo ra và duy trì lợi nhuận, thị phần trên các thị trường trong nước và nước ngoài. Như vậy, lợi nhuận và thị phần là hai chỉ tiêu đánh giá khả năng cạnh tranh của công ty. Chúng có mối quan hệ tỷ lệ thuận với nhau. Tuy nhiên, chúng chỉ là những chỉ số tổng hợp bao gồm chỉ số thành phần khác nhau, như: chỉ số về năng suất bao gồm năng suất lao động và tổng năng suất các yếu tố sản xuất; chỉ số về công nghệ bao gồm các chỉ số về chi phí cho nghiên cứu và triển khai; sản phẩm bao gồm các chỉ số về chất lượng, sự khác biệt; đầu vào và các chi phí khác: giá cả đầu vào và hệ số chi phí các nguồn lực.

2.2. Thực trạng năng lực cạnh tranh của ngành Chế biến và Xuất khẩu gỗ

Hiện nay, tổng số DN trong ngành Chế biến và Xuất khẩu gỗ có khoảng trên 4.000 DN. Tính bình quân, ngành Chế biến gỗ cần khoảng 7 - 10% trong tổng số lao động có trình độ đại học, tương đương với con số khoảng 30.000 kỹ sư. Tuy nhiên, đội ngũ có trình độ kỹ sư làm việc trong ngành còn thấp, với khoảng trên 4.000 người, tương ứng với con số 1 kỹ sư/1 DN.

Nguồn cung gỗ nguyên liệu trong nước chủ yếu là từ nguồn rừng trồng (keo, tràm) và từ gỗ cao su. Bình quân mỗi năm, nguồn gỗ rừng trồng cung khoảng 24 triệu m3 gỗ ra thị trường, trong đó có 60 - 70% gỗ được đưa vào làm dăm, phần còn lại được đưa vào chế biến đồ gỗ phục vụ xuất khẩu. Bên cạnh gỗ rừng trồng, nguồn cung gỗ từ các khu vườn cao su thanh lý mỗi năm đạt trên 3 triệu m3, và lượng cung ngày càng ra tăng, tập trung chủ yếu ở khu vực Đông Nam Bộ và Tây Nguyên. Đến nay, hầu hết nguồn cung gỗ cao su đều được đưa vào chuỗi cung, chế biến thành các sản phẩm xuất khẩu.

Mặc dù nhân công giá rẻ và nguyên liệu gỗ nguyên liệu đầu vào được coi là các lợi thế tạo động lực phát triển cho ngành, tuy nhiên, trong tương lai các yếu tố này có thể sẽ không còn là lợi thế. Các nghiên cứu trên thế giới đã chỉ ra rằng, các lợi thế về ‘chi phí thấp’, bao gồm nguyên liệu đầu vào và nhân công giá rẻ là lợi thế lớn cho các DN ở giai đoạn đầu của quá trình phát triển. Trong tương lai, các lợi thế này sẽ không tồn tại, bởi trong một ‘thế giới phẳng’, với các rào cản về thương mại bị loại bỏ, công nghệ phát triển, chi phí vận tải giảm, cơ chế đầu tư thông thoáng, dịch chuyển trong đầu tư từ quốc gia có chi phí cao sang quốc gia có chi phí thấp hơn là điều không thể tránh khỏi. Đây là xu hướng mang tính chất toàn cầu.

Cụ thể đối với nguồn nguyên liệu. Nguyên liệu sẵn có với mức giá thấp được coi là một trong những lợi thế phát triển của ngành Gỗ. Nguồn cung gỗ rừng trồng của Việt Nam sẽ tiếp tục tăng trong tương lai, bởi các hộ có nhiều nguồn lực hơn đầu tư vào trồng rừng và các diện tích cao su thanh lý vẫn đang tăng. Tuy nhiên, hiện đang bắt đầu có những tín hiệu về cạnh tranh nguồn nguyên liệu giữa các công ty trong Ngành và giữa các công ty của Việt Nam và công ty của Trung Quốc. Cạnh tranh trong thu mua đẩy giá nguyên liệu lên cao. Điều này có thể làm cho người trồng rừng được hưởng lợi. Tuy nhiên, trong tương lai điều này có thể không còn là một lợi thế chủ đạo của Việt Nam, bởi nguồn cung giá rẻ từ nhập khẩu có thể thay thế cho nguồn cung trong nước. Giá nguyên liệu tăng làm tăng chi phí sản xuất và điều này có thể dẫn tới dòng dịch chuyển đầu tư từ nơi có chi phí nguyên liệu cao sang nơi có chi phí thấp hơn.

Ví dụ, nhiều DN có vốn đầu tư nước ngoài (FDI) trong ngành Gỗ tại Việt Nam hiện nay hoàn toàn không sử dụng nguồn gỗ nguyên liệu từ trong nước mà sử dụng gỗ từ nguồn nhập khẩu. Chi phí gỗ nguyên liệu (và một số chi phí khác) làm một số DN chế biến gỗ Trung Quốc dịch chuyển đầu tư sang Việt Nam để tận dụng nguồn nguyên liệu rẻ. Trong tương lai, cạnh tranh về nguyên liệu và gia tăng các chi phí sản xuất bao gồm cả lao động sẽ làm cho nguồn nguyên liệu trở lên đắt đỏ. Lợi thế cạnh tranh dựa trên nguồn nguyên liệu giá rẻ sẽ mất đi trong tương lai.

Tương tự như vậy đối với nguồn nhân công giá rẻ. Hiện nay, đây là một lợi thế của ngành. Tuy nhiên, lợi thế này sẽ không bền vững trong tương lai. Cạnh tranh về lao động diễn ra ở 2 cấp độ: giữa các quốc gia với nhau; giữa ngành gỗ và các ngành khác trong phạm vi 1 quốc gia. Đầu tư trong sản xuất sẽ dịch chuyển từ quốc gia có chi phí lao động cao sang quốc gia có chi phí lao động thấp.

Ngành Chế biến gỗ xuất khẩu của Việt Nam đón nhận những luồng đầu tư mạnh mẽ từ nước ngoài kể từ nửa sau của thập kỷ 2.000 là bởi chi phí lao động từ các quốc gia như Trung Quốc, Malaysia, Đài Loan, Nhật Bản tăng cao, và nhiều DN quyết định dịch chuyển đầu tư sang Việt Nam, nơi có chi phí lao động thấp hơn nhiều, để giảm chi phí sản xuất.

Trong phạm vi một quốc gia, lao động trong ngành Gỗ thường có mức lương thấp hơn lao động của các ngành khác, như ngành Điện tử, May mặc. Lao động trong ngành Gỗ cũng được coi là ngành vất vả hoặc độc hại hơn các ngành khác. Điều này dẫn đến sự cạnh tranh về lao động trong các ngành. Kết quả của sự cạnh tranh này thường là những dịch chuyển lao động từ ngành Gỗ sang các ngành khác. Một vài ví dụ có thể kể ra ở đây. Ngành Chế biến gỗ của Thái Lan không thể cạnh tranh công nhân với ngành Chế tạo máy móc, thiết bị điện tử của quốc gia này, bởi mức lương công nhân của ngành Gỗ thấp hơn mức lương của các ngành khác. Kết quả là sản xuất của ngành Gỗ tại quốc gia này bị co hẹp. Tại Việt Nam, đã có một số tín hiệu cho thấy lao động trong ngành Gỗ đang dịch chuyển sang các ngành khác như May mặc, Điện tử, bởi mức lương của ngành Gỗ thấp hơn.

3. Một số giải pháp và kiến nghị nâng cao năng lực cạnh tranh, thúc đẩy ngành Chế biến và xuất khẩu gỗ phát triển bền vững

3.1. Giải pháp cho ngành Chế biến và xuất khẩu gỗ

Chỉ số phát triển bền vững của một quốc gia nào hay của bất cứ ngành công nghiệp nào không phải là giá trị về thương mại (hay xuất khẩu) mà là năng suất. Năng suất được hiểu là giá trị được tạo ra trên 1 đơn vị nguyên liệu đầu vào, hoặc trên 1 ngày công lao động, hoặc trên 1 đồng vốn đầu tư. Năng suất lao động xác định mức lương của người lao động. Năng suất đầu tư xác định lợi ích cho người đầu tư. Năng suất sử dụng nguyên liệu xác định tính hiệu quả trong việc sử dụng nguyên liệu đầu vào.

Năng suất phụ thuộc vào chất lượng và đặc tính của sản phẩm. Chất lượng và đặc tính sản phẩm quyết định giá thị trường của sản phẩm, và từ đó tính hiệu quả của sản phẩm sản xuất ra, bao gồm lợi nhuận cho người sở hữu và tiền công cho người tham gia sản xuất. Năng suất cao không chỉ giúp cho người lao động có mức lương cao mà còn tạo cơ hội cho người lao động có chất lượng cuộc sống tốt hơn (ví dụ thông qua các hoạt động vui chơi giải trí, nghỉ dưỡng). Năng suất cao cũng tạo nguồn thu cho quốc gia (thông qua thuế) lớn hơn, từ đó có cơ hội tăng đầu tư vào các dịch vụ công, giúp nâng cao mức sống người dân. Năng suất cao, lợi nhuận lớn, giúp DN có khả năng đáp ứng được các tiêu chuẩn cao về mặt xã hội, như các vấn đề liên quan tới sức khỏe và an toàn lao động, tác động môi trường.

Tuy nhiên, đến nay, hầu hết các quan tâm về ngành Chế biến gỗ xuất khẩu đều tập trung vào giá trị kim ngạch xuất khẩu chứ không chưa phải quan tâm đến năng suất. Điều này dẫn đến các định hướng phát triển ngành chưa đi theo hướng bền vững.

Theo Tổng cục Thống kê, năng suất bình quân trên mỗi lao động được tính chung trong tất cả các ngành Công nghiệp năm 2017 khoảng 4,159 đô la. Với mức này, năng suất lao động của Việt Nam chỉ bằng 1/10 so với Hàn Quốc, 1/5 so với Malaysia. Tại Việt Nam, năng suất lao động trong ngành Chế biến gỗ của Việt Nam có thể cao hơn năng suất của một số ngành khác, tuy nhiên, đây vẫn còn là ở mức thấp.

Chiến lược phát triển bền vững của ngành Chế biến gỗ xuất khẩu cần phải thay đổi. Chiến lược này không nên tập trung vào mở rộng sản xuất, tăng kim ngạch xuất khẩu mà cần tập trung vào tăng năng suất. Để nâng cao năng suất cho ngành này, điều cấp bách hiện nay cần làm là tạo ra đội ngũ lao động tay nghề cao và thông qua đó tạo ra các sản phẩm có hàm lượng tay nghề cao, tạo ra sự khác biệt của sản phẩm, từ đó nâng cao giá trị gia tăng.

Để làm được điều này, cần thiết lập kênh đào tạo kết nối trực tiếp với nhu cầu của DN với các cơ sở đào tạo. Hiện ngành Gỗ của Thái Lan bắt đầu áp dụng mô hình này, với Hiệp hội Gỗ của Thái Lan, kết hợp với Phòng thương mại và Công nghiệp Thái Lan, và các trường đại học, bao gồm cả trường mỹ thuật, trực tiếp thiết kế các chương trình đào tạo. Chương trình kết hợp giữa thực hành tại các DN sản xuất (50% thời gian) với lý thuyết (tại các cơ sở đào tạo). Người lao động sau đào tạo là nguồn lao động có chất lượng cao, được đảm bảo công việc tại các cơ sở sản xuất.

Đổi mới công nghệ, nâng cao hiệu quả sử dụng nguyên liệu là một trong những yếu tố quan trọng, trực tiếp góp phần nâng cao năng suất. Đổi mới công nghệ bao gồm cả việc thay thế các công nghệ cũ, gây lãng phí trong sử dụng nguyên liệu, cũng như thay đổi cách vận hành quản lý công nghệ. Việc nâng cao năng suất của ngành Gỗ đòi hỏi việc giảm trọng lao động có chất lượng thấp tham gia trong sản xuất, thay thế bằng nguồn lao động có chất lượng cao; giảm số lượng lao động trực tiếp, thay thế bằng công nghệ, máy móc. Điều này chỉ có thể thực hiện được đối với việc sản xuất các sản phẩm mang tính chất đồng bộ cao.

Đổi mới công nghệ bao gồm cả đổi mới về thiết kế, mẫu mã sản phẩm. Đây là một trong những điểm yếu của ngành Chế biến gỗ của Việt Nam hiện nay. Tương tác trực tiếp của các DN Việt Nam với thị trường tiêu thụ đồ gỗ từ Việt Nam, về nhu cầu, thị hiếu, kiểu dáng mẫu mã, các thay đổi của thị trường,… hầu như không có. Điều này hạn chế khả năng đổi mới công nghệ của các DN. Thông tin về nhu cầu và thị hiếu của thị trường là điều tối quan trọng cho DN trong việc quyết định đổi mới. Để các DN tiếp cận với các thông tin này, không chỉ đòi hỏi nỗ lực của bản thân DN, mà còn có vai trò quan trọng của các cơ quan quản lý và các hiệp hội.

3.2. Một số kiến nghị với cơ quan quản lý nhà nước

Đào tạo lao động cần đảm bảo tạo nguồn đầu ra lao động có chất lượng cao, đáp ứng cho việc tăng chất lượng sản phẩm và lao động tay nghề cao, tạo ra các sản phẩm mang lại sự khác biệt. Hiệp hội Gỗ có vai trò rất lớn trong việc đào tạo. Hiệp hội là nơi thu thập các yêu cầu của thị trường (thông qua DN thành viên) về nhu cầu và chất lượng lao động. Hiệp hội cũng cần thực hiện chức năng thu thập thông tin về nhu cầu của thị trường, quy mô của thị trường và xu hướng thay đổi thị trường tiêu thụ các sản phẩm hàng hóa. Hiệp hội kết hợp với các cơ sở đào tạo trực tiếp tham gia, chuyển tải các nhu cầu và các thông tin vào thực tế thông qua việc vận hành các mô hình đào tạo. Chính phủ có vai trò rất lớn, đặc biệt trong việc cung cấp kinh phí cho việc vận hành mô hình. Ngoài ra, thông qua các kênh xúc tiến thương mại, các kênh nghiên cứu thị trường, Chính phủ cần tập hợp các nhu cầu, thị hiếu của thị trường xuất khẩu và từ đó chuyển tải các thị hiếu này vào các sản phẩm trong nước, thông qua các DN, hiệp hội và các cơ sở đào tạo.

"Nút thắt" lớn nhất đối với ngành Công nghiệp chế biến và xuất khẩu gỗ Việt Nam chính là nguyên liệu. Ðể giải quyết vấn đề này, các DN ngành Gỗ cần nâng cao công tác dự báo nhu cầu nguyên liệu; cần rà soát nguồn nguyên liệu gỗ trong nước, từ đó có chính sách cụ thể trong việc trồng rừng, khai thác, xuất khẩu gỗ thô và sử dụng triệt để nguyên liệu gỗ trong nước. Bên cạnh đó, các DN gỗ Việt Nam phải có ý thức tự vươn lên, khắc phục những hạn chế nội tại trong các lĩnh vực quản trị DN, đào tạo kỹ năng lao động, đẩy mạnh mô hình liên kết giữa DN chế biến gỗ với DN trồng rừng, nâng cao tính cộng đồng và trách nhiệm xã hội.

Chính phủ và các Bộ, ngành cũng cần quan tâm và hỗ trợ cộng đồng DN gỗ Việt Nam tập trung nguồn lực để đổi mới công nghệ, nhất là có kế hoạch cụ thể để triển khai khâu thiết kế sản phẩm cũng như xây dựng thương hiệu sản phẩm gỗ Việt Nam. Về chính sách quản lý vĩ mô, Nhà nước cần sớm ban hành các văn bản quy phạm pháp luật hướng dẫn việc thực hiện EVFTA ngay trong năm 2020 để giúp cộng đồng DN có căn cứ xây dựng kế hoạch phát triển sản xuất, kinh doanh trong thời gian tới.

4. Kết luận

Thị trường xuất khẩu gỗ Việt Nam trong các năm gần đây luôn tăng trưởng, ngay cả trong thời kỳ suy thoái, thì xuất khẩu đồ gỗ của Việt Nam vẫn phát triển. Áp lực cạnh tranh ngày càng lớn, cùng việc đầu tư của các công ty nước ngoài đã góp phần là tăng giá trị xuất khẩu của ngành Gỗ Việt Nam, giúp các DN vừa học hỏi, vừa cọ xát. Tuy nhiên, năng lực cạnh tranh của ngành Gỗ Việt Nam chưa thật sự như kì vọng. Với 16 Hiệp định thương mại tự do đã ký kết, trong đó có nhiều hiệp định tạo ra nhiều cơ hội cho cộng đồng DN gỗ Việt Nam (CPTTP, EVFTA,…), chưa bao giờ ngành Gỗ được Chính phủ và Thủ tướng quan tâm chỉ đạo quyết liệt như vậy.

Để nắm bắt được cơ hội phát triển to lớn này, bên cạnh việc quy hoạch tập trung và đầu tư phát triển vùng nguyên liệu rừng trồng và thương mại trong nước, với các loài cây phù hợp với nhu cầu của thị trường, về loại gỗ, về tính hợp pháp, cần đặt trọng tâm nâng cao năng suất lao động và đào tạo nâng cao tay nghề cho người lao động, để tăng sức cạnh tranh cho ngành. Về phía DN, cần nghiên cứu thị trường chính xác, định hướng phát triển sản phẩm hợp lý. Cần nhất là thay đổi tư duy sản xuất, từ qui mô nhỏ lên qui mô lớn để tăng sức cạnh tranh cho cả ngành. Điều này cần có định hướng tốt từ các cơ quan quản lý nhà nước. 

TÀI LIỆU THAM KHẢO:

  1. Tô Xuân Phúc, Cao Thị Cẩm, Trần Lê Huy (2019), Báo cáo Đầu tư nước ngoài trong ngành Gỗ Việt Nam 2019: Thực trạng và một số khía cạnh về chính sáchcập nhật tình hình 2019,: http://goviet.org.vn/bai-viet/bao-cao-dau-tu-nuoc-ngoai-trong-nganh-go-viet-nam-2019-thuc-trang-va-mot-so-khia-canh-ve-chinh-sach-9098
  2. Thành Tâm Hải, (2019), https://www.nhandan.com.vn/kinhte/chuyen-lam-an/item/40881202-co-hoi-va-thach-thuc-cua-nganh-go-khi-tham-gia-evfta.html
  3. Nguyễn Hạnh, (2019), http://goviet.org.vn/bai-viet/cai-thien-nang-suat-lao-dong-trong-nganh-go-9037
  4. Hương Xuân, (2019), https://theleader.vn/hai-nut-that-ve-nang-suat-lao-dong-nganh-che-bien-go-1569385619395.htm
  5. Trần Toản, (2016), http://goviet.org.vn/bai-viet/nhan-luc-nganh-go-can-nhieu-tri-tue-va-su-sang-tao-8348
  6. Kim Mai, (2018), https://english.vietnamnet.vn/fms/business/194682/vietnam-productivity-has-improved-but-is-still-too-low.html
  7. Đức Bình, (2018), https://tuoitre.vn/thu-nhap-cua-nguoi-lao-dong-nam-2018-binh-quan-5-5-trieu-thang-20180712171854832.htm

Sustainably improving the competitiveness of Vietnam’s wood processing and export industry

Master. Tran Phuong Tam An

Lecturer, Law University

ABSTRACT:

Free trade agreements that Vietnam signed bring both opportunities and challenges to Vietnam's wood processing and export industry. It is an urgent task for businesses of Vietnam's wood processing and export industry to improve their competitiveness in order to promote their exports and participate more deeply in the global value chain. Therefore, this research analyzes factors such as labor productivity, input materials, opportunities and challenges, and proposes solutions to improve the competitiveness of Vietnam’s wood processing and export industry in the future.

Keywords: Competitiveness, wood processing and export industry, global value chains, Vietnam, exports, businesses.

[Tạp chí Công Thương - Các kết quả nghiên cứu khoa học và ứng dụng công nghệ, Số 12, tháng 5 năm 2020]