Nâng cao năng lực cạnh tranh sản phẩm da giày xuất khẩu của Việt Nam: Nội dung và các nhân tố ảnh hưởng

TS. NGUYỄN THỊ PHƯỢNG (Khoa Quản trị kinh doanh - Trường Đại học Kinh tế Kỹ thuật Công nghiệp)

TÓM TẮT:
Bài viết đề cập đến việc nâng cao năng lực cạnh tranh sản phẩm da giày xuất khẩu của Việt Nam. Nội dung bài viết gồm 3 phần: (1) Đặt vấn đề; (2) Nội dung đánh giá lợi thế năng lực cạnh tranh sản phẩm da giày xuất khẩu của Việt Nam; (3) Các nhân tố ảnh hưởng đến năng lực cạnh tranh sản phẩm da giày xuất khẩu của Việt Nam.
Từ khóa: Ngành Công nghiệp da giày, xuất khẩu, năng lực cạnh tranh.

I. Đặt vấn đề
Ngành Công nghiệp da giày có vai trò quan trọng trong phát triển nền kinh tế quốc dân nhằm đảm bảo nhu cầu tiêu dùng trong nước và xuất khẩu, có điều kiện mở rộng thương mại quốc tế và mang lại nhiều nguồn thu cho đất nước. Trong những năm gần đây, ngành Công nghiệp da giày đã có những bước phát triển vượt bậc. Hiện, Việt Nam là một trong năm nước xuất khẩu da giày hàng đầu thế giới. Da giày cũng là một trong 05 ngành hàng xuất khẩu có kim ngạch lớn nhất của Việt Nam. Cụ thể, năm 2000, kim ngạch xuất khẩu (KNXK) da giày mới đạt 1.417,0 triệu USD, đến năm 2014 đã lên tới 12.861,6 triệu USD, tăng lên 9,07 lần. Năm 2017, xuất khẩu giày dép và túi xách đạt con số khá lý tưởng - gần 18 tỷ USD, tăng 10,7% so với năm 2016. Mục tiêu xuất khẩu của ngành năm 2018 là 20 tỷ USD. Mặc dù vậy, trong giai đoạn tới, ngành Da giày và túi xách vẫn phải đối diện với nhiều thách thức lớn, như: phí nhân công cao, xu thế áp dụng tự động hóa, chính sách bảo hộ đang có xu hướng quay lại và sự cạnh tranh thị trường ngày càng mạnh, việc tự động hóa đòi hỏi ngày càng cao và là một thách thức lớn đối với các doanh nghiệp vừa và nhỏ của Việt Nam. Để có thể đương đầu và đứng vững trước những thách thức, đạt được mục tiêu xuất khẩu của ngành năm 2018, các doanh nghiệp (DN) cần phải nâng cao năng lực cạnh tranh sản phẩm xuất khẩu da giày.
II. Nội dung đánh giá lợi thế năng lực cạnh tranh sản phẩm da giày xuất khẩu của Việt Nam
- Trình độ công nghệ, máy móc thiết bị và quản lý chất lượng sản phẩm: Đây là nội dung quan trọng, trước nhất mà các DN kinh doanh da giày xuất khẩu phải quan tâm và có kế hoạch đầu tư dài hạn. Thiết bị, công nghệ là yếu tố rất quan trọng, ảnh hưởng rất lớn đến năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp. Công nghệ phù hợp cho phép rút ngắn thời gian sản xuất, giảm mức tiêu hao năng lượng, tăng năng suất, hạ giá thành sản phẩm, nâng cao chất lượng sản phẩm, tạo ra lợi thế quan trọng đối với sản phẩm của doanh nghiệp. Công nghệ còn tác động tới tổ chức quản lý của doanh nghiệp, nâng cao trình độ cơ khí hóa, tự động hóa của doanh nghiệp. Để có công nghệ phù hợp, DN cần có thông tin về công nghệ, chuyển giao công nghệ, tăng cường nghiên cứu cải tiến công nghệ, hợp lý hóa sản xuất, tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin, đầu tư đổi mới công nghệ. Đồng thời, doanh nghiệp cần đào tạo nâng cao trình độ tay nghề để sử dụng có hiệu quả công nghệ hiện đại. Ở Việt Nam hiện nay sản xuất giày dép, trình độ công nghệ sản xuất phổ biến vẫn đang ở mức trung bình trong khu vực. Các công nghệ cao để sản xuất các loại sản phẩm đặc chủng chuyên dụng, sản phẩm thời trang cao cấp nhìn chung vẫn ở ngoài tầm của các doanh nghiệp Việt Nam.
+ Trình độ công nghệ sản xuất giày - dép nói chung của Việt Nam phổ biến ở mức trung bình và trung bình khá so với khu vực. Quá trình sản xuất mới được cơ giới hóa mà chưa tự động hóa; Tỷ lệ công việc làm thủ công hiện còn ở mức cao, điển hình là các công đoạn trải nguyên liệu, bôi keo, đục tán ô dê, mài, xén, kiểm đếm, vận chuyển nguyên liệu và bán thành phẩm. Bí quyết công nghệ trong lĩnh vực bồi vải và cán luyện cao su thuộc về từng nhà sản xuất; việc chuyển giao công nghệ cho các doanh nghiệp cũng ở chừng mực nhất định. Đây là nguyên nhân sâu xa dẫn đến sự khác biệt về chất lượng giữa các nhà sản xuất. Những công nghệ cao sản xuất các loại giày đặc chủng, giầy thể thao chuyên dụng đẳng cấp cao, giầy y tế và giày thời trang cao cấp hiện còn ở ngoài tầm của các doanh nghiệp Việt Nam.
+ Đối với chuyên ngành sản xuất da thuộc, phần lớn các doanh nghiệp đang áp dụng các tiêu chuẩn, quy trình công nghệ của nước ngoài. Trình độ công nghệ thuộc da được đánh giá vào loại trung bình tiên tiến trong khu vực. Những năm gần đây, các doanh nghiệp tư nhân, công ty cổ phần đang tiến hành đồi mới về công nghệ thông qua sự hướng dẫn của đại diện các hãng hóa chât nước ngoài tại Việt Nam. Các hãng này tiến hành các hoạt động trên nhằm mở rộng thị trường tiêu thụ hóa chất thuộc da. Hiện nay, các nước phát triển và đang phát triển đang áp dụng công nghệ sạch và thân thiện với môi trường để giảm thiểu ô nhiễm môi trường và hạn chế lượng hóa chất độc hại còn tồn đọng trong sản phẩm da thuộc. Trong khi đó ở Việt Nam, hiện mới chỉ có các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài hoặc doanh nghiệp có sản phẩm xuất khẩu sử dụng công nghệ này.
+ Về công nghệ may cặp - túi - ví cơ bản không có gì phức tạp. Thợ tay nghề bậc 2, bậc 3 đã có thể tiếp thu, nắm bắt và thực hiện tốt các công đoạn trong dây chuyền sản xuất.
+ Riêng về trình độ, năng lực thiết kế mẫu mã để đáp ứng nhu cầu của thị trường nước ngoài còn hết sức hạn chế. Hầu hết các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài hay các doanh nghiệp gia công làm hàng cho các hãng nước ngoài vẫn phải sử dụng thiết kế được làm từ nước ngoài. Các doanh nghiệp chỉ sản xuất theo mẫu thiết kế. Tuy nhiên trong một vài năm gần đây, một số doanh nghiệp đã đầu tư hoàn chỉnh hệ thống tự động hóa thiết kế, ứng dụng CAD, CAM trong tạo mẫu và quản lý sản xuất, đáp ứng nhanh yêu cầu của khách hàng.
+ Thiết bị sản xuất giày dép hiện nay ở Việt Nam chủ yếu là thiết bị của Đài Loan, Hàn Quốc và Trung Quốc. Nhìn chung, các thiết bị có trình độ cơ khí cao. Thiết bị bán tự động hoặc tự động bao gồm: máy cắt mẫu tự động, hệ thống phay chép phom, hệ thống in thêu, may theo chương trình. Thiết bị ở công đoạn pha cắt nguyên liệu được đánh giá thuộc loại trung bình tiên tiến ở khu vực, chủ yếu là các loại máy chặt thủy lực khổ rộng, máy chặt thủy lực khổ nhỏ, máy chặt thủy lực đầu chặt di động, hệ thống máy in, thêu, máy lạng da, máy dẫy mép. Một số doanh nghiệp đầu tư thiết bị cắt điều khiển tự động theo chương trình thế hệ mới phục vụ cho việc cắt mẫu dưỡng và chi tiết sản phẩm mẫu. Một số doanh nghiệp 100% vốn nước ngoài đầu tư thiết bị cắt bằng tia lade, tia nước. Hiện nay, ngành gần như phải nhập khẩu hoàn toàn phụ tùng, thiết bị phục vụ cho sản xuât. Trong lĩnh vực chế tạo thiết bị cho sản xuất giày dép, việc chế tạo phụ tùng, thiết bị trong nước không đáng kể, chỉ chế tạo được một số thiết bị thông thường và đơn giản như máy chặt thuỷ lực, băng tải. Các thiết bị lắp ráp, chế tạo trong nước vẫn phải nhập khẩu một số phụ tùng, linh kiện quan trọng. Nói chung, chất lượng các sản phẩm chế tạo không cao, mức độ chuẩn hóa và khả năng lắp vẫn thấp, gây khó khăn cho người sử dụng và hạn chế hiệu quả về kinh tế trong quá trình sửa chữa thay thế trong khi giá thành còn cao nên thị trường tiêu thụ bị hạn chế.
- Vệ sinh, an toàn thực phẩm và bảo vệ môi trường: Sức khỏe và môi trường làm việc của người lao động là một trong những yêu cầu thiết yếu mà các DN phải đáp ứng được theo quy định của Luật Lao động, nội dung các các văn bản pháp luật về về vệ sinh an toàn lao động và những yêu cầu từ phía khách hàng.
+ Công tác bảo đảm vệ sinh, an toàn lao động trong các doanh nghiệp sản xuất da giày ở Việt Nam nhìn chung đã có những chuyển biến rõ rệt, đặc biệt là trong một số năm gần đây. Các doanh nghiệp thường xuyên tổ chức các lớp tập huấn về vệ sinh, an toàn lao động, nội quy phòng cháy chữa cháy cho từng khâu, từng công đoạn sản xuât. Người lao động được trang bị đầy đủ các trang thiết bị bào hộ lao động như nút chống ồn, găng tay, khẩu trang, mặt nạ phòng chống độc hại, giày, ủng, quần áo bảo hộ lao động để làm việc. Các doanh nghiệp xây dựng phòng y tế với các trang thiết bị, dụng cụ và thuốc men cần thiết để kịp thời ứng cứu sơ bộ nạn nhân khi xảy ra sự cố, thực hiện chương trình kiểm tra sức khỏe định kỳ cho cán bộ, công nhân viên.
+ Công tác bảo vệ môi trường trong lĩnh vực sản xuất da giày ở Việt Nam thời gian qua mặc dù đã được cải thiện khá nhiều, nhưng nhìn chung vẫn đang là một trong những hạn chế rất lớn trong phát triển của ngành, đặc biệt là trong các cơ sở sản xuất vừa và nhỏ. Việc đầu tư đổi mới thiết bị không những cải thiện và nâng cao chất lượng sản phẩm mà còn giảm hao phí trong sản xuất, giảm nguồn thải, góp phần cải thiện tình trạng gây ô nhiễm môi trường.
+ Chất thải trong quá trình sản xuất giầy dép, cặp - túi - ví bao gồm chất thải sinh hoạt và chất thải rắn phát sinh trong quá trình sản xuất, như: các loại ba via từ vật liệu sản xuất mũ, lót và đế giầy bằng da, vải, giả da, cao su, PU, PYC, vỏ bao bì.
- Thị trường tiêu thụ sản phẩm: Thị trường xuất khẩu đóng vai trò quan trọng đối với xuất khẩu hàng hóa của một quốc gia. Đối với những quốc gia mà da giày là sản phẩm xuất khẩu chủ lực, khi thị trường xuất khẩu gặp khó khăn (rào cản thương mại gia tăng, nhu cầu nhập khẩu giảm sút…) sẽ ảnh hưởng đến sản phẩm da giày. Các hiệp định thương mại tự do (FTA) song phương, đa phương, khu vực sẽ có tác động tích cực đối với các thành viên trong việc mở rộng thị trường xuất khẩu hàng hóa nói chung, da giày nói riêng (ngành hàng được hưởng ưu đãi thuế cao trong các FTA).
- Cung ứng nguyên, phụ liệu phục vụ sản xuất: Để nâng cao được năng lực cạnh tranh sản phẩm da giày xuất khẩu, các DN cần phải chú trọng đến cung ứng nguyên, phụ liệu phục vụ sản xuất, thị trường xuất nhập khẩu nguyên phụ liệu và tiềm năng cung ứng nguyên liệu trong nước phục vụ sản xuất. Từ đó mới có thể đáp ứng được các tiêu chuẩn của sản phẩm da giày xuất khẩu mà Việt Nam đã tham gia ký kết ở các Hiệp định thương mại song phương và đa phương.
III. Các nhân tố ảnh hưởng đến năng lực cạnh tranh sản phẩm da giày xuất khẩu của Việt Nam
Các nhân tố ảnh hưởng đến năng lực cạnh tranh sản phẩm da giày xuất khẩu được mô tả qua các nhân tố cơ bản:
- Cấu trúc, qui mô và năng lực sản xuất: Ngành sản xuất da giày của Việt Nam nói chung có 3 chuyên ngành chính, gồm sản xuất giày dép, sản xuất cặp - túi - ví các loại, và sản xuất da thuộc. Đây là ngành có quá trình phát triển lâu dài cũng như là ngành có tiềm năng phái triển rất lớn của Việt Nam. Xét về qui mô, các doanh nghiệp thuộc khu vực có vốn đầu tư nước ngoài chiếm tỷ trọng ưu thế hơn hằn so với các doanh nghiệp có vốn đầu tư trong nước (bao gồm cả doanh nghiệp Nhà nước và doanh nghiệp ngoài Nhà nước), xét cả về qui mô nguồn vốn, lao động và số lượng sản phẩm sản xuất ra hàng năm. Xem xét theo cơ cấu chuyên ngành sản phẩm, các doanh nghiệp sản xuất giày dép chiếm tỷ trọng ưu thế hơn hẳn so với các doanh nghiệp thuộc các chuyên ngành sản xuất cặp - túi - ví và sản xuất da thuộc.
- Hoạt động đầu tư và phát triển sản xuất: Công tác đầu tư phát triển sản xuất, cải tạo nhà xưởng, đầu tư thiết bị dây truyền đồng bộ, đầu tư các dự án mới và di dời các cơ sở sản xuất ở gần khu dân cư hoặc các cơ sở gây ô nhiễm môi trường vào khu công nghiệp thời gian qua được tiến hành khá tích cực nhưng về cơ bản chưa đáp ứng được yêu cầu phát triển của ngành. Trong những năm qua, ngành Da - Giầy đã thực hiện đầu tư xây dựng và cải tạo nhà xưởng, đầu tư thiết bị, dây chuyền sản xuất đồng bộ, đầu tư các dự án mới và đầu tư di dời các cơ sở sản xuất ở gần khu dân cư hoặc các cơ sở gây ô nhiễm vào các khu công nghiệp. Hầu hết các doanh nghiệp do chưa có kinh nghiệm nên đầu tư còn mất cân đối giữa các công đoạn, năng lực sản xuất ở các công đoạn không tương ứng nên khả năng khai thác công suất thấp. Do khó khăn về tài chính, nên công trình đầu tư ở các doanh nghiệp thường bị kéo dài, tiến độ thực hiện không đạt được so với kế hoạch đề ra, gây thiệt hại về tài chính và đôi khi mất thời cơ sản xuất đáp ứng thị trường. Nhiều doanh nghiệp sử dụng vốn vay ngắn hạn, lãi suất cao hoặc dùng vốn lưu động để đầu tư, sản xuất không đủ bù đắp chi phí vay, đến hạn ngân hàng không trả được. Do thiếu tôn trọng quy hoạch cụ thể, thiếu sự hợp tác giữa các doanh nghiệp, giữa các thành phần kinh tế nên xảy ra tình trạng đấu tư tràn lan trong khi năng lực sản xuất cục bộ còn dư thừa, dẫn tới sự cạnh tranh không lành mạnh giữa các doanh nghiệp trong ngành.
- Nguồn nhân lực, công tác đào tạo: Lực lượng lao động sản xuất da giày dồi dào, được đào tạo và có chất lượng tốt, có tay nghề cao sẽ tạo ra chất lượng sản phẩm tốt. Cán bộ kinh doanh xuất khẩu giỏi ngoại ngữ, giỏi nghiệp vụ kinh doanh góp phần không nhỏ trong việc phát triển xuất khẩu sản phẩm da giày bền vững. Ngược lại, nguồn nhân lực sản xuất và xuất khẩu da giày thiếu và yếu sẽ làm cho xuất khẩu sản phẩm da giày thiếu tính bền vững.
Như vậy, để nâng cao được năng lực cạnh tranh sản phẩm da giày xuất khẩu. Các doanh nghiệp sản xuất kinh doanh da giày Việt Nam cần phải chú trọng đầu tư cải tiến trang thiết bị, áp dụng khoa học công nghệ hiện đại vào sản xuất, không ngừng đào tạo nâng cao trình độ nguồn nhân lực chất lượng cao, tận dụng lợi thế về nguồn nhân lực giá rẻ, xây dựng được vùng nguyên liệu đáp ứng được tỷ lệ nội địa hóa cao, từ đó tạo lợi thế cạnh tranh về giá và cạnh tranh về chất lượng cho các sản phẩm da giày xuất khẩu của Việt Nam trong điều kiện công nghiệp hóa, hiện đại hóa ngày càng gia tăng ở các quốc gia trên thế giới và trong khu vực.
TÀI LIỆU THAM KHẢO:
1. Nguyễn Xuân Điều (2006), Giáo trình quản trị chiến lược, Nhà xuất bản Tài Chính.
2. Dương Ngọc Dũng (2005), Chiến lược cạnh tranh theo lý thuyết của Michael E.Porter, Nhà xuất bản Tổng hợp Thành phố Hồ Chí Minh.
3. Theo số liệu của Lefaso tại "Hội nghị Tổng kết ngành Da giày năm 2017".

RAISING THE COMPETITIVENESS OF VIETNAMESE LEATHER AND FOOTWEAR EXPORTS: CONTENT AND INFLUENCING FACTORS

PhD. Nguyen Thi Phuong

Faculty of Business Administion - University of Economic and Technical Industries

ABSTRACT:

This article discusses enhancing the competitiveness of Vietnam's leather footwear exports. The content consists of 3 parts: (1) Rationale; (2) Content of assessment of competitiveness advantages of Vietnamese leather and footwear products; (3) Factors affecting the competitiveness of Vietnamese leather and footwear export products.

Keywords: Footwear industry, export, competitiveness.