TÓM TẮT:
Chỉ số năng lực cạnh tranh (NLCT) toàn cầu 4.0 (GCI 4.0) được xác định dựa trên một tập hợp mới các nhân tố ảnh hưởng tới năng suất lao động quốc gia trong bối cảnh cuộc cách mạng công nghiệp 4.0. GCI 4.0 đánh giá được các nội dung quan trọng, như: nguồn nhân lực, mức độ sáng tạo, đổi mới, khả năng phản ứng của nền kinh tế trước các cú sốc bên ngoài. Trong phạm vi bài viết, tác giả khái quát một số kiến thức cơ bản về GCI 4.0, đánh giá thực trạng NLCT của Việt Nam theo chỉ số này; từ đó đề xuất một số giải pháp nhằm nâng cao NLCT toàn cầu 4.0 của Việt Nam hiện nay.
Từ khóa: Năng lực cạnh tranh, GCI 4.0, Việt Nam.
1. Năng lực cạnh tranh toàn cầu 4.0
NLCT quốc gia là tổng hợp các thể chế, chính sách và nhân tố quyết định mức độ hiệu quả và tính năng suất của một quốc gia. Một nền kinh tế có năng suất, hiệu quả là nền kinh tế có năng lực sử dụng, khai thác tốt các nguồn lực có hạn. Nói cách khác, bản chất của NLCT quốc gia là năng lực vận hành nền kinh tế có hiệu quả, với chi phí hợp lý nhất mang lại kết quả thịnh vượng và bền vững tối đa nhất. NLCT quốc gia có mối tương quan mật thiết với môi trường kinh doanh. Hoàn thiện và đảm bảo hiệu lực, hiệu quả thực thi các quy định pháp luật cũng như các cơ chế, chính sách tạo thuận lợi hoạt động kinh doanh không chỉ góp phần nâng cao năng suất, chất lượng hoạt động của doanh nghiệp, mà còn thúc đẩy phân bổ nguồn lực một cách minh bạch, và do vậy, trực tiếp và gián tiếp nâng cao năng suất của nền kinh tế, nâng cao NLCT quốc gia. Nền kinh tế có được phát triển bền vững hay không phụ thuộc nhiều vào NLCT quốc gia cao hay thấp, cũng như mức độ thuận lợi hay kém thuận lợi của môi trường kinh doanh.
Từ năm 1979, lần đầu tiên Diễn đàn Kinh tế thế giới (World Economic Forum - WEF) xuất bản Báo cáo NLCT toàn cầu (GCR). Báo cáo này nghiên cứu và xem xét các nhân tố ảnh hưởng tới NLCT (NLCT) của các quốc gia. Từ năm 2005, Diễn đàn Kinh tế thế giới sử dụng Chỉ số NLCT toàn cầu (Global Competitiveness Index - GCI) như một công cụ để đo lường các yếu tố kinh tế vi mô và vĩ mô ảnh hưởng tới NLCT quốc gia; những điểm mạnh, điểm yếu của nền kinh tế các nước.
Chỉ số GCI được xây dựng dựa trên mô hình lý thuyết đơn giản nhưng vững chắc trong khi vẫn đảm bảo khả năng mở rộng nghiên cứu và giúp các nhà hoạch định chính sách hiểu được thực tế. Trước năm 2018, khung chỉ số GCI được thiết kế dựa trên cơ sở lý thuyết nhằm tạo ra một khung khổ chung nhưng vẫn phản ánh được điều kiện cụ thể của từng quốc gia. Theo đó, khung chỉ số GCI có 3 nền tảng, gồm: 1) Các lợi thế tự nhiên, 2) NLCT vĩ mô và 3) NLCT vi mô.
Hiện nay, trong bối cảnh cách mạng công nghiệp 4.0, cùng những diễn biến mới về tình hình kinh tế, chính trị của các quốc gia, Diễn đàn Kinh tế thế giới đã thay đổi cách thức đánh giá và xếp hạng NLCT toàn cầu. Những thay đổi này chú trọng tới yếu tố thúc đẩy tăng trưởng trong dài hạn và nâng cao thu nhập của người dân. Với cách tiếp cận mới, chỉ số NLCT toàn cầu có tên gọi mới NLCT toàn cầu 4.0 (GCI 4.0). Do cách tiếp cận khác nhau nên xếp hạng NLCT toàn cầu 4.0 không so sánh được với xếp hạng NLCT toàn cầu trước đây.
Chỉ số NLCT toàn cầu 4.0 được xác định dựa trên một tập hợp mới các nhân tố ảnh hưởng tới năng suất trong bối cảnh cuộc cách mạng công nghiệp 4.0. GCI 4.0 đo lường theo 12 động lực (trụ cột) của năng suất. Những trụ cột này bao gồm: Thể chế; Cơ sở hạ tầng; Mức độ ứng dụng công nghệ thông tin; Ổn định kinh tế vĩ mô; Y tế; Kỹ năng; Thị trường hàng hóa; Thị trường lao động; Thị trường tài chính; Quy mô thị trường; Mức độ năng động và đa dạng trọng kinh doanh; và Năng lực đổi mới, sáng tạo. GCI 4.0 có cách tính điểm mới, từ 0 đến 100 (tốt nhất, điểm tới hạn). Cách tính điểm này nhấn mạnh rằng NLCT không phải là cuộc chơi bằng không mà có thể được cải thiện ở tất cả các nền kinh tế [1].
Về bản chất, chỉ số GCI 4.0 tạo sân chơi bình đẳng cho mỗi nền kinh tế để xác định con đường phát triển của họ. Trong khi trình tự phụ thuộc vào mức độ ưu tiên của mỗi nền kinh tế, chỉ số này cho rằng các nền kinh tế cần phải toàn diện trong cách tiếp cận NLCT thay vì chỉ tập trung vào một yếu tố cụ thể. Một trụ cột có hiệu quả tốt không thể bù đắp cho sự yếu kém của một trụ cột khác. Chẳng hạn, đầu tư vào công nghệ mà không đầu tư vào các kỹ năng số sẽ không mang lại hiệu quả năng suất cao. Để nâng cao NLCT, không thể bỏ qua khu vực nào.
2. Thực trạng năng lực cạnh tranh của Việt Nam
Vấn đề nâng cao NLCT quốc gia đã được đề cập nhất quán trong các chủ trương, chính sách của Đảng; chính sách, pháp luật của Nhà nước. Qua hơn 30 năm đổi mới, NLCT của Việt Nam có thay đổi và được cải thiện dần nhưng so với thế giới và kể cả khu vực ASEAN vẫn còn ở mức thấp.
Trong 10 năm (2007 - 2017), NLCT toàn cầu của Việt Nam đã cải thiện khoảng 15 bậc, từ hạng 70 - 75 lên 55 - 60. Việt Nam đã dịch chuyển từ nửa dưới lên nửa trên bảng xếp hạng NLCT toàn cầu. Nếu tính riêng trong 5 năm (2012 - 2017), NLCT toàn cầu của nền kinh tế Việt Nam có xu hướng cải thiện rõ nét, từ hạng 75 năm 2012 lên 55 năm 2017 [4]. Từ năm 2018, với cách tính theo chỉ số GCI 4.0, NLCT của Việt Nam Việt Nam giảm 3 bậc (từ 74 xuống vị trí 77), nhưng điểm tuyệt đối lại cải thiện 0,2 điểm với 4/12 trụ cột tăng điểm. Điều này cho thấy, Việt Nam có cải thiện về NLCT toàn cầu 4.0, nhưng chậm và thiếu bền vững. Trong các trụ cột có điểm cải thiện, trụ cột có điểm cải thiện nhiều nhất là Hiệu quả thị trường lao động từ 52,4 lên 55,6 điểm (tăng 3,2 điểm); tiếp đến là Mức độ ứng dụng công nghệ thông tin từ 41,9 lên 43,3 (tăng 1,4 điểm); Quy mô thị trường mở rộng với mức tăng từ 69,8 lên 70,9 (tăng 1,1 điểm); và Y tế từ 80,3 lên 81 điểm (tăng 0,7 điểm). Điểm số trụ cột Ổn định kinh tế vĩ mô không có sự thay đổi so với năm 2017 [3].
Trên thực tế, hiện nay Chính phủ các Bộ, ngành, địa phương đã nhận thức ngày càng rõ về trách nhiệm và tham gia ngày càng chủ động, tích cực để cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao NLCT quốc gia. Hàng ngàn điều kiện kinh doanh bất hợp lý đã được bãi bỏ, số lượng dịch vụ công trực tuyến tăng nhanh... Hơn 50% doanh nghiệp đã đánh giá môi trường kinh doanh thông thoáng, thuận lợi hơn đáng kể. Kết quả cải thiện nhanh, rõ nét môi trường kinh doanh, nâng cao NLCT của nước ta, được các tổ chức quốc tế đánh giá cao, được doanh nghiệp và người dân ghi nhận [2].
Tuy nhiên, bên cạnh những thành tựu đáng ghi nhận, NLCT toàn cầu của Việt Nam còn nhiều hạn chế. Xếp hạng NLCT toàn cầu của Việt Nam hiện mới chỉ ở mức trung bình khá trên bình diện quốc tế; trong khu vực ASEAN vẫn chưa vào nhóm 4 nước dẫn đầu. Theo chỉ số GCI 4.0 năm 2018, Việt Nam có tới 7/12 trụ cột giảm điểm. Trong đó trụ cột về Kỹ năng giảm 1,5 điểm (từ 55,8 xuống 54,3); Thể chế giảm 1,2 điểm (từ 50,7 xuống 49,5); Cơ sở hạ tầng, Hiệu quả thị trường hàng hoá, Hiệu quả thị trường tài chính giảm 0,6 điểm mỗi trụ cột; Năng lực Đổi mới sáng tạo giảm 0,5 điểm và Mức độ năng động trong kinh doanh giảm 0,3 điểm. Kết quả này cho thấy các động lực thúc đẩy đổi mới sáng tạo để tiếp kịp xu thế 4.0 của Việt Nam còn yếu và chưa hiệu quả. Trong đó, thủ tục hành chính vẫn là rào cản nặng nề, văn hóa doanh nhân giảm điểm, mức độ trao đổi và đa dạng hóa còn thấp, mức độ thương mại hóa hạn chế. So sánh trong ASEAN, Việt Nam đứng sau hầu hết các nước, chỉ trên Lào và Campuchia. Năm 2018, cũng chỉ có Việt Nam, Lào, Campuchia giảm bậc, các nước ASEAN khác đều tăng bậc, trong đó, Philippines tăng 12 bậc. Như vậy, có thể nói Việt Nam đang tụt lại đằng sau các nước ASEAN về NLCT 4.0 [3].
Những hạn chế trên bắt nguồn từ những nguyên nhân cơ bản sau:
Một là, tư duy, nhận thức về cạnh tranh và vai trò của cạnh tranh trong nền kinh tế thị trường chưa đầy đủ, còn sợ thị trường, coi nhẹ cạnh tranh công bằng; chưa nhận thức được cạnh tranh là cốt lõi của kinh tế thị trường, là động lực đối với doanh nghiệp.
Hai là, cách thức quản lý nhà nước của các bộ, ngành chưa theo kịp xu thế phát triển, hội nhập, còn mang nặng tư duy kinh tế kế hoạch hóa tập trung. Tư duy nhà nước kiểm soát và sở hữu là chủ yếu nên xây dựng chính sách quá nhấn mạnh đến can thiệp của nhà nước nhằm để quản lý, không phải để thúc đẩy cạnh tranh. Việc lạm dụng các quy định quản lý đã và đang tạo rào cản gia nhập thị trường một cách không cần thiết. Khi phải đối mặt với gánh nặng quá lớn về quy định thủ tục hành chính, điều kiện khắt khe, người kinh doanh ít có động lực để hoạt động chính thức.
Ba là, vai trò, chức năng của nhà nước, kinh tế nhà nước và doanh nghiệp nhà nước trong nền kinh tế chưa được xác định rõ ràng, tường minh. Việc xác định kinh tế nhà nước giữ vai trò chủ đạo và doanh nghiệp nhà nước giữ vai trò nòng cốt, sự tham gia của Nhà nước trong các hoạt động kinh tế còn khá lớn, làm giảm cơ hội kinh doanh của các thành phần kinh tế khác, nguy cơ vi phạm nguyên tắc cạnh tranh bình đẳng của thị trường lớn và khó có thể đảm bảo sự trung lập của nhà nước trong cạnh tranh thị trường. Vai trò điều tiết, giám sát thị trường chưa được thực hiện hiệu quả, đặc biệt trong lĩnh vực có tính độc quyền. Cơ quan quản lý nhà nước đồng thời thực hiện nhiều chức năng cùng một lúc dẫn đến thiếu thống nhất, phân biệt đối xử trong quản lý nhà nước đối với các thành phần kinh tế.
Bốn là, quan hệ giữa nhà nước và thị trường chưa thực sự rõ ràng, còn nhiều mâu thuẫn, bất cập. Hệ thống các công cụ quản lý, điều tiết thị trường của Nhà nước chưa đáp ứng yêu cầu, chưa phù hợp với nguyên tắc thị trường. Còn có sự nhầm lẫn giữa nhà nước và thị trường, chưa phân định rõ chức năng Nhà nước - thị trường. Nhà nước còn can thiệp vào thị trường bằng các công cụ hành chính, sử dụng quyền lực và sự duy ý chí để đi trước dẫn dắt thị trường cũng khiến Nhà nước vận hành thị trường kém hiệu quả.
Năm là, thiếu cơ chế đánh giá tác động cạnh tranh của các chính sách, pháp luật, đặc biệt thiếu một cơ chế tập trung đánh giá, quản lý chất lượng các quy định về kinh doanh.
3. Một số giải pháp nâng cao năng lực cạnh tranh toàn cầu 4.0 của Việt Nam thời gian tới
Để cải thiện và nâng cao NLCT toàn cầu của Việt Nam cần thực hiện đồng bộ các giải pháp cụ thể sau:
Thứ nhất, tăng cường thể chế và thực thi thể chế tạo thuận lợi cho hoạt động kinh doanh và cạnh tranh; hoàn thiện cơ chế phối hợp đa ngành, đa lĩnh vực giữa Trung ương và địa phương, đẩy mạnh cải cách tư pháp, cải cách hành chính công, tăng cường công khai minh bạch và phòng, chống tham nhũng. Giải quyết đồng bộ việc ban hành và thực thi các quy định pháp luật về kinh doanh và cạnh tranh. Rà soát, giảm thiểu các rào cản thể chế đối với việc gia nhập thị trường, theo hướng đơn giản hóa tối đa, cắt giảm các chi phí không cần thiết cho doanh nghiệp để thúc đẩy đầu tư tư nhân trong tất cả các ngành, nghề kinh doanh pháp luật không cấm. Trước mắt, tập trung rà soát các quy hoạch, kế hoạch, các điều kiện kinh doanh, giấy phép hành nghề,… Trong dài hạn, thực hiện rà soát toàn bộ những quy định pháp luật, những văn bản hành chính và loại bỏ hoàn toàn những quy định đang cản trở hoặc có nguy cơ hạn chế cạnh tranh.
Thứ hai, tăng cường ổn định bền vững kinh tế vĩ mô, nâng cao năng suất lao động, thúc đẩy ứng dụng khoa học, công nghệ và tăng cường đổi mới sáng tạo. Theo đó, cần khắc phục ngay những khâu yếu kém trong nền kinh tế - trở lực của quá trình cải thiện NLCT quốc gia. Ổn định kinh tế vĩ mô theo hướng nhất quán các mục tiêu kiềm chế lạm phát, thúc đẩy và duy trì tốc độ tăng trưởng hợp lý, tái cấu trúc hệ thống ngân hàng thương mại, điều hành lãi suất theo lạm phát mục tiêu; bảo đảm sự vận hành thông suốt của thị trường tài chính. Quản lý nợ công phù hợp và duy trì kỷ luật tài chính chặt chẽ. Đầu tư mạnh mẽ cho giáo dục, đào tạo với chiến lược dài hạn, hình thành đội ngũ công chức, chuyên gia, công nhân lành nghề thực sự có chất lượng để lấp lỗ hổng về chất lượng nguồn nhân lực và thúc đẩy sự phát triển theo chiều sâu và kinh tế tri thức.
Thứ ba, tăng cường tiếp cận nguồn lực và thị trường trong nước, thế giới, thúc đẩy mạnh mẽ liên kết trong nước và năng lực hội nhập quốc tế. Tập trung phát triển và tăng cường tiếp cận các yếu tố đầu vào của quá trình sản xuất, đặc biệt là vốn, lao động, khoa học - công nghệ, cơ sở hạ tầng và tài nguyên. Thúc đẩy các động lực cạnh tranh lành mạnh và phát huy lợi thế so sánh của các địa phương, tăng cường liên kết ngành kinh tế, chủ thể kinh tế và không gian kinh tế, vùng kinh tế, nâng cao năng lực hội nhập quốc tế.
Thứ tư, tiếp tục coi doanh nghiệp là trung tâm của hệ thống đổi mới sáng tạo và nâng cao NLCT quốc gia. Theo đó cần tiếp tục thực hiện tốt việc tái cấu trúc hệ thống doanh nghiệp, xóa bỏ đặc quyền và độc quyền kinh doanh, từng bước thống nhất pháp luật áp dụng đối với với mọi loại hình doanh nghiệp, khuyến khích khu vực tư nhân trong nước phát triển. Nhà nước cần tập trung quan tâm hỗ trợ, thúc đẩy các doanh nghiệp, viện nghiên cứu, trường đại học đăng ký sáng chế, hướng đến nâng cao NLCT dựa trên tài sản trí tuệ.
Thứ năm, nâng cao năng suất lao động của nền kinh tế. Bởi, xét đến cùng, nhân tố quyết định NLCT quốc gia là năng suất lao động. Để nâng cao năng suất lao động, cần đẩy mạnh cải cách thể chế, cải thiện môi trường kinh doanh, tập trung vào đơn giản hóa thủ tục hành chính, giảm gánh nặng chi phí. Đồng thời, nâng cao hiệu quả thị trường để tăng cường phân bổ nguồn lực; thúc đẩy cơ cấu lại nền kinh tế, chuyển từ những ngành, mặt hàng sản xuất giá trị thấp, sang sản xuất có giá trị cao hơn; tăng cường chính sách về cạnh tranh để bảo đảm sân chơi minh bạch, bình đẳng cho mọi thành phần kinh tế, qua đó góp phần thúc đẩy tăng năng suất lao động của cả nền kinh tế.
TÀI LIỆU THAM KHẢO:
- Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương (2018), Tìm hiểu về chỉ số năng lực cạnh tranh toàn cầu 4.0 (GCI 4.0) của Diễn đàn Kinh tế thế giới, Hà Nội.
- Chính phủ (2019), Nghị quyết số 02/NQ-CP, ngày 01/01/2019, về tiếp tục thực hiện những nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia năm 2019 và định hướng đến năm 2021, Hà Nội.
- Diễn đàn Kinh tế thế giới (2018) Báo cáo Năng lực cạnh tranh toàn cầu 4.0,http://www3.weforum.org/ docs/GCR2018/05FullReport/TheGlobalCompetitivenessReport2018.pdf
- Đỗ Văn Đức (2013), “Nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia”, Tạp chí Lý luận chính trị, số 7-2013.
IMPROVING THE GLOBAL COMPETITIVENESS OF VIETNAM IN THE CONTEXT OF THE INDUSTRY 4.0
Ph.D LE ANH DUY
Van Lang University
ABSTRACT:
Global Competitiveness Index (GCI 4.0) is based on a new set of factors affecting the national labor productivity in the context of the Industry 4.0. The GCI 4.0 assesses important contents, such as human resources, level of creativity and innovation and the ability of an economy to respond to external shocks. This article is to generalize basic knowledge about the GCI 4.0 and evaluate the current competitiveness of Vietnam according to the GCI 4.0. Based on the evaluation, the article proposes some solutions to improve the global competitiveness of Vietnam in the context of the Industry 4.0.
Keywords: Competitiveness, GCI 4.0, Vietnam.