Theo Cục Phòng vệ thương mại, hiện nay, Việt Nam đã tham gia ký kết nhiều Hiệp định Thương mại tự do (FTA). Theo đó, hàng rào thuế quan nhập khẩu hẩu hết về 0%, đã đưa Việt Nam trở thành một trong những quốc gia có độ mở cửa thị trường cao trên thế giới. Khi các FTA này có hiệu lực, mối quan hệ thương mại hàng hóa giữa Việt Nam và các đối tác được thúc đẩy và gia tăng mạnh mẽ. Đồng nghĩa với đó, các doanh nghiệp sản xuất, xuất khẩu của Việt Nam có khả năng cao phải đối diện với nguy cơ bị điều tra, áp dụng các biện pháp phòng vệ thương mại.
Nhằm nâng cao năng lực phòng vệ thương mại cho các ngành sản xuất, bên cạnh hỗ trợ thông tin pháp lý, tham gia đồng hành cùng với các doanh nghiệp liên quan trong từng vụ việc cụ thể, hàng năm, Cục Phòng vệ thương mại (Bộ Công Thương) đã tổ chức nhiều hoạt động tuyên truyền, hội nghị tập huấn nhằm nâng cao kiến thức, nhận diện xu hướng phòng vệ thương mại của thế giới và Việt Nam.
Riêng trong năm 2024, nhằm tăng cường công tác thông tin tuyên truyền, phổ biến về lĩnh vực phòng vệ thương mại, Cục Phòng vệ thương mại đã tiến hành các hoạt động như: Duy trì và cập nhật thông tin lên website của Cục là 290 tin, bài, theo thống kê trung bình có khoảng 38.000 người theo dõi với tần suất hơn 74.000 lượt truy cập; phát hành 42 số Bản tin điện tử Phòng vệ thương mại và Cảnh báo sớm; phát hành 4 số Bản tin giấy Phòng vệ thương mại theo từng Quý; tham gia một số tọa đàm trực tuyến về công tác phòng vệ thương mại, chống lẩn tránh biện pháp phòng vệ thương mại, cảnh báo sớm trên các kênh truyền thông như VTC, Nông thôn ngày nay, Báo Công Thương, Tạp chí Công Thương.
Ngoài ra, Cục cũng thường xuyên cung cấp thông tin, phỏng vấn, và trả lời theo đề nghị của các cơ quan truyền thông như: Thời báo Tài chính Việt Nam, Báo Đấu thầu, Báo Công Thương, Tạp chí Công Thương, Báo Tuổi trẻ, VTV, Báo Pháp luật Hồ Chí Minh, Washington Post (Hoa Kỳ).
Đồng thời, Cục đã tổ chức thành công Diễn đàn Phòng vệ thương mại lần thứ nhất và 25 Hội thảo, hội nghị về phòng vệ thương mại tại các địa phương (Lai Châu, Điện Biên, Hà Nội, Thanh Hóa, Đà Nẵng, Quảng Nam, Bình Định, Đắk Nông, Bình Thuận, TP Hồ Chí Minh, Bình Dương, Cần Thơ, Đồng Tháp, Sóc Trăng, Bạc Liêu...). Tổ chức 10 cuộc tọa đàm trao đổi chuyên môn với các doanh nghiệp, Hiệp hội bị nước ngoài điều tra phòng vệ thương mại. Tổ chức 6 buổi đào tạo chuyên sâu cho các doanh nghiệp cơ khí, nhôm, thép, lốp xe…
Cùng với đó, Cục Phòng vệ thương mại cũng triển khai nhiều biện pháp hỗ trợ doanh nghiệp xuất khẩu Việt Nam, bao gồm: cảnh báo sớm các mặt hàng có nguy cơ bị điều tra phòng vệ thương mại; hướng dẫn doanh nghiệp ứng phó; tham gia trả lời các bản câu hỏi và thẩm tra dành cho Chính phủ; bình luận, phản biện, tham vấn với cơ quan điều tra nước ngoài; và tham gia cơ chế giải quyết tranh chấp tại WTO.
Nhờ vậy, nhiều vụ việc đã đạt được kết quả tích cực như chấm dứt, không áp thuế hay mức thuế thấp, giúp các doanh nghiệp giữ được thị trường xuất khẩu.
Để hỗ trợ doanh nghiệp, ngành hàng ứng phó hiệu quả với các vụ việc phòng vệ thương mại và tăng cường công tác cảnh báo sớm, thời gian tới, Cục Phòng vệ thương mại cho biết sẽ tiếp tục đẩy mạnh, triển khai các chương trình, đề án lớn như: Đề án Nâng cao năng lực phòng vệ thương mại trong bối cảnh tham gia các Hiệp định thương mại tự do thế hệ mới (theo Quyết định số 1659/QĐ-TTg ngày 2/10/2021 của Thủ tướng Chính phủ); Đề án Xây dựng và vận hành hiệu quả hệ thống cảnh báo sớm về phòng vệ thương mại (theo Quyết định số 316/QĐ-TTg ngày 1/3/2020 của Thủ tướng Chính phủ); đồng thời triển khai một số hoạt động của Bộ Công Thương nhằm nâng cao năng lực phòng vệ thương mại cho các ngành sản xuất trong nước trong bối cảnh tham gia các Hiệp định thương mại tự do thế hệ mới (theo Quyết định số 1347/QĐ-BCT ngày 19/5/2020 của Bộ trưởng Bộ Công Thương)...
Trong đó, tập trung vào tiếp tục tăng cường thực hiện các hoạt động nâng cao năng lực phòng vệ thương mại cho cộng đồng doanh nghiệp ở các ngành hàng cụ thể và tại các địa phương cụ thể. Tiếp cận với các doanh nghiệp để cung cấp thông tin, giúp các doanh nghiệp hiểu được các nguyên tắc, quy trình điều tra; các công việc doanh nghiệp cần thực hiện; các kịch bản có thể xảy ra.
Theo số liệu của Cục Phòng vệ thương mại, tính đến hết tháng 11 năm 2024, số lượng vụ việc nước ngoài điều tra phòng vệ thương mại đối với hàng xuất khẩu của Việt Nam đã lên tới 272 vụ việc từ 25 thị trường, bao gồm 149 vụ điều tra chống bán phá giá, 30 vụ chống trợ cấp, 54 vụ việc tự vệ, 39 vụ chống lẩn tránh biện pháp phòng vệ thương mại. Hiện còn hơn 100 biện pháp phòng vệ thương mại đang áp dụng với hàng hóa xuất khẩu của Việt Nam và vẫn tiếp tục được rà soát hàng năm.
Riêng 11 tháng năm 2024, các thị trường khởi xướng điều tra 27 vụ việc mới với ta, trong đó, Hoa Kỳ, Ấn Độ, Canada, Indonesia là các thị trường có xu hướng điều tra phòng vệ thương mại nhiều nhất đối với Việt Nam trong năm 2024. Đặc biệt, Hoa Kỳ chiếm gần 50% tổng số vụ việc đã khởi xướng điều tra đối với hàng hóa xuất khẩu của Việt Nam.