Quá tải
Văn phòng Chính phủ vừa có Thông báo kết luận của Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng tại cuộc họp về đề xuất đầu tư xây dựng Cảng hàng không Chu Lai, tỉnh Quảng Nam.
Thông báo nêu rõ, Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt điều chỉnh Quy hoạch chung xây dựng Khu kinh tế mở Chu Lai, tỉnh Quảng Nam đến năm 2035, tầm nhìn đến năm 2050 tại Quyết định số 1737/QĐ-TTg ngày 13/12/2018.
Trong đó xác định Khu kinh tế mở Chu Lai là một trong những hạt nhân, trung tâm phát triển lớn của vùng kinh tế trọng điểm miền Trung; là khu vực phát triển đô thị, trung tâm công nghiệp ô tô và công nghiệp phụ trợ ngành ô tô, hàng không; là một trong các đầu mối về giao thông vận tải, giao thương và giao lưu quốc tế quan trọng của khu vực miền Trung và Tây Nguyên...
Vì vậy, việc nghiên cứu điều chỉnh quy hoạch Cảng hàng không Chu Lai là cần thiết, đáp ứng nhu cầu phát triển của tỉnh Quảng Nam và khu vực miền Trung.
Trên thực tế, bình quân 3 năm gần đây, kinh tế Quảng Nam tăng trưởng gần 13%; trong đó các ngành phi nông nghiệp chỉ chiếm khoảng 12%. Thu nhập bình quân đầu người đạt 61 triệu đồng.
Du lịch là lĩnh vực tăng trưởng ấn tượng của Quảng Nam với mức gần 20%/năm.. Tổng thu ngân sách trên địa bàn tăng bình quân 12,6%/năm; trong đó riêng năm 2018, tỉnh thu 23.741 tỷ đồng, vượt 26% dự toán.
Bên cạnh đó, sân bay Đà Nẵng đang có dấu hiệu quá tải, trong tương lai sẽ khó đáp ứng nhu cầu. Trên cơ sở đó, Quảng Nam đề nghị Thủ tướng chỉ đạo, đôn đốc các bộ, ngành phối hợp với tỉnh sớm triển khai nâng cấp sân bay Chu Lai theo hình thức xã hội hóa.
2030 thành sân bay 4F
Việc nâng cấp sân bay Chu Lai sẽ làm tăng khả năng kết nối giao thông hội tụ; đồng thời nâng khả năng tiếp đón tàu bay cỡ lớn đến Quảng Nam, góp phần mạnh mẽ trong việc thúc đẩy kinh tế xã hội của khu vực.
Tại Thông báo số 141/TB-VPCP ngày 12/4/2019, Thủ tướng Chính phủ đã giao Bộ Giao thông vận tải khẩn trương làm việc thống nhất với UBND tỉnh Quảng Nam về việc điều chỉnh quy hoạch và nhà đầu tư thực hiện, cải tạo, nâng cấp cảng hàng không Chu Lai theo hình thức xã hội hóa, không dùng ngân sách Nhà nước hay vốn có nguồn gốc ngân sách Nhà nước đúng pháp luật.
Do đó, Bộ Giao thông vận tải phải khẩn trương tổ chức triển khai lập điều chỉnh quy hoạch Cảng hàng không Chu Lai, lựa chọn phương án tối ưu đáp ứng nhu cầu vận tải hàng không trong giai đoạn đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050, bảo đảm phù hợp với quy hoạch phát triển kinh tế - xã hội của địa phương; báo cáo Thủ tướng Chính phủ theo quy định.
Theo quyết định 1526 của Bộ GTVT, quy hoạch sân bay Chu Lai đến năm 2030 sẽ là sân bay cấp 4F và sân bay quân sự cấp I, công suất sẽ đạt 5 triệu lượt hành khách/năm và 1,5 triệu tấn hàng hóa/năm. Sân bay sau khi nâng cấp sẽ khai thác loại tàu bay code F như A380, B777, A321... và tương đương trở xuống.
Sau khi nâng cấp, sân bay sẽ đón được các loại máy bay khai thác là máy bay code F và tương đương trở xuống. Sân bay sẽ có 16 vị trí đỗ được máy bay code F trở xuống. Sân bay Chu Lai cũng sẽ có quỹ đất mở rộng khi có nhu cầu và phương thức tiếp cận hạ cánh là CAT II.
Trung tâm vận chuyển hàng hóa
Sau khi quy hoạch, sân bay Chu Lai sẽ có diện tích lớn nhất tại Việt Nam với 2.006 ha, gấp 3 lần sân bay Nội Bài, gấp 2,5 lần sân bay Tân Sơn Nhất.
Từ nay đến năm 2030, sẽ điều chỉnh phân kỳ đầu tư một số hạng mục công trình của sân bay Chu Lai như xây dựng đồng bộ hệ thống đường cất hạ cánh, đường lăn, sân đỗ tàu bay, nhà ga hành khách, nhà ga hàng hóa và các công trình phụ trợ khác...
Với lợi thế là cảng hàng không có tĩnh không tốt nhất thế giới, lại nằm ở vị trí địa lý thuận lợi, phát triển nhanh về du lịch và cực tăng trưởng kinh tế mạnh mẽ ở miền Trung, sân bay Chu Lai được kỳ vọng trở thành trung tâm vận chuyển hàng hoá quốc tế lớn.