Kim ngạch xuất khẩu tăng 0,9% so với năm 2020
Báo cáo của Sở Công Thương Hà Nội cho thấy, trong năm 2021, mặc dù chịu ảnh hưởng của dịch COVID-19 nhưng tính chung cả năm khu vực dịch vụ vẫn ước tính tăng 2,71% so với năm 2020, đóng góp 1,72 điểm % vào mức tăng 2,92% GRDP quý IV; trong đó giá trị tăng thêm hoạt động bán buôn bán lẻ tăng 1,88%, đóng góp 0,18 điểm % vào mức tăng 2,92% của GRDP.
Cũng trong năm 2021, kim ngạch xuất khẩu hàng hóa ước đạt 16 tỷ USD, tăng 0,9% so với năm 2020. Phát huy những kết quả đã đạt được, năm 2022 ngành Công Thương Hà Nội đạt ra các chỉ tiêu giá trị tăng thêm ngành công nghiệp tăng 7,3-7,8%; kim ngạch xuất khẩu tăng 5,0%; tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ phấn đấu tăng khoảng 8-9%...
Quyền Giám đốc Sở Công Thương Hà Nội Trần Thị Phương Lan chia sẻ, để đạt những ực tiêu thúc đẩy phát triển kinh tế trong thời gian tới, ngành Công Thương Thủ đô sẽ thúc đẩy phục hồi, phát triển các hoạt động dịch vụ thương mại, các mạng lưới chuỗi cung ứng, vùng nguyên liệu, kênh phân phối trên địa bàn Thành phố; tăng sức mua của thị trường trong nước gắn với cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam”; Kế hoạch phát triển logistics trên địa bàn thành phố Hà Nội đến năm 2025.
Đồng thời, tiếp tục đẩy mạnh công tác kêu gọi, thu hút đầu tư các loại hình thương mại đảm bảo phù hợp với quy hoạch, chú trọng công tác đẩu tư, sửa chữa cải tạo các chợ theo kế hoạch đã được phê duyệt; hỗ trợ giúp đỡ các doanh nghiệp phân phối phát triển mạng lưới kinh doanh thương mại; tập trung phát triển thương mại văn minh, hiện đại; phát triển thêm các điểm giới thiệu và bán sản phẩm OCOP trên địa bàn Thành phố.
Ngoài ra, phục hồi và khai thác có hiệu quả các đơn hàng sản xuất phục vụ xuất khẩu; thúc đẩy hoạt động xúc tiến thương mại bằng các giải pháp thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch COVID-19; tiếp tục tổ chức triển khai có hiệu quả Kế hoạch về hội nhập quốc tế thành phố Hà Nội giai đoạn 2021-2025...
Chủ động, kịp thời hiệu quả trong cung ứng hàng hoá
Phát biểu chỉ đạo tại Hội nghị, Thứ trưởng Bộ Công Thương Đỗ Thắng Hải cho biết, trong bối cảnh dịch COVID-19 diễn biến phức tạp, nhiều tỉnh/thành phố có mức tăng trưởng âm nhưng Hà Nội vẫn tăng trưởng dương thể hiện tính chủ động, kịp thời, hiệu quả qua các quyết sách của Thành phố.
“Một trong những điểm sáng của ngành công thương đó là bảo đảm cung ứng hàng hóa, nhất là cung ứng hàng hóa thiết yếu, cung ứng về nguyên vật liệu, bảo đảm cho hoạt động sản xuất và xuất nhập khẩu, Hà Nội đã làm tốt việc này”, ông Đỗ Thắng Hải nhấn mạnh.
Thời gian tới, Thứ trưởng Đỗ Thắng Hải đề nghị ngành Công Thương Hà Nội tiếp tục thực hiện linh hoạt, hiệu quả “mục tiêu kép” vừa phòng chống đại dịch COVID-19, vừa phục hồi và phát triển kinh tế trong trạng thái bình thường mới. Ban hành và tập trung triển khai ngay Chương trình hành động của ngành Công Thương thực hiện Nghị quyết số 01/NQ-CP của Chính phủ ề những nhiệm vụ giải pháp chủ yếu thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế xã hội và dự toán ngân sách nhà nước năm 2022.
Đồng thời, tập trung tái cơ cấu ngành Công Thương nhằm thúc đẩy chuyển dịch cơ cấu nền kinh tế, nâng cao năng suất, chất lượng, giá trị gia tăng và năng lực cạnh tranh của ngành. Tạo lập các động lực tăng trưởng mới gắn với chuyển biến về chất mô hình tăng trưởng của ngành Công Thương…
Tại Hội nghị, Phó Chủ tịch UBND TP. Hà Nội Nguyễn Mạnh Quyền đánh giá cao các kết quả đã đạt được trên tất cả các mặt công tác của ngành Công Thương trong năm 2021.
Bước sang năm 2022, để triển khai thực hiện thắng lợi các nhiệm vụ của ngành Công Thương, góp phần thực hiện thắng lợi các nhiệm vụ phát triển kinh tế-xã hội của Thành phố, Phó Chủ tịch Thành phố Nguyễn Mạnh Quyền đề nghị Sở Công Thương cần tập trung bám sát và tiếp tục thực hiện có hiệu quả năm chủ đề “Kỷ cương, trách nhiệm, hành động, sáng tạo, phát triển” của Thành phố gắn với chức năng nhiệm vụ của Sở, các chương trình công tác trọng tâm của Thành phố giao, 10 Chương trình công tác lớn của Thành ủy và các chỉ tiêu phát triển kinh tế-xã hội của Thành phố giao.
Cùng với đó, tập trung rà soát các quy hoạch ngành gắn với quy hoạch xây dựng chung Thủ đô, quy hoạch vùng huyện… để triển khai có hiệu quả công tác công tác thu hút đầu tư phát triển hạ tầng công nghiệp, thương mại theo quy hoạch đã đề ra và chỉ tiêu giao của Thành phố năm 2022.
Phó Chủ tịch Thành phố cũng yêu cầu, Sở cần có giải pháp hết sức cụ thể để thúc đẩy phát triển công nghiệp; quyết liệt đẩy nhanh tiến độ thành lập, đầu tư hạ tầng các CCN, triển khai có hiệu quả chương trình khuyến công. Tăng cường các biện pháp bảo đảm cung cấp điện cho sản xuất kinh doanh và sinh hoạt của nhân dân bảo đảm an toàn, hiệu quả và tiết kiệm.
“Song song với đó, Sở cần thực hiện tốt công tác bình ổn thị trường, dự trữ hàng hóa; tham mưu các giải pháp để tăng tổng mức bán lẻ hàng hoá và doanh thu dịch vụ trên địa bàn. Tăng cường kiểm soát chất lượng và giá cả các mặt hàng, sản phẩm thiết yếu; thúc đẩy phát triển các loại hình thương mại hiện đại. Trước mắt tập trung phục vụ tốt nhân dân trong dịp Tết Nhâm Dần 2022”, Phó Chủ tịch Thành phố Nguyễn Mạnh Quyền nhấn mạnh.
Nhân dịp này, thừa ủy quyền của Chủ tịch nước, Phó Chủ tịch UBND TP Hà Nội Nguyễn Mạnh Quyền đã trao Huân chương Lao động hạng Ba cho Sở Công Thương Hà Nội.