TÓM TẮT:

Thời đại số hóa đã làm thay đổi môi trường kinh doanh, ngành nghề kinh doanh và thị trường lao động, dần dần loại bỏ những công việc phổ thông hoặc mang tính chất lặp lại, thay thế toàn bộ bằng máy móc. Tuy nhiên, nhu cầu về nguồn lao động có tay nghề cao, tư duy sáng tạo, thực hiện những công việc phức tạp, làm chủ máy móc lại tăng lên. Trong phạm vi bài viết này, nhóm tác giả đề cập đến lao động của nghề kiểm toán trước bối cảnh thời đại số.

Từ khóa: Kiểm toán, thời đại số, lao động, nghề kiểm toán.

1. Đặt vấn đề

Nghề kiểm toán là một nghề dịch vụ cung cấp niềm tin hay cũng có thể nói kiểm toán là một nghề cung cấp độ tin cậy. Điều đó có nghĩa những thông tin đã được kiểm toán thì người sử dụng sẽ tin tưởng hơn những thông tin chưa được kiểm toán. Những thông tin được kiểm toán bởi những tổ chức kiểm toán có uy tín sẽ đáng tin cậy hơn những tổ chức kém uy tín. Như vậy, để thông tin kiểm toán đạt độ tin cậy cao cần tối ưu các yếu tố cốt lõi sau:

-  Được thực hiện bởi những chuyên gia độc lập, có thẩm quyền và có trình độ.

-  Dựa trên chuẩn mực, tiêu chí được thiết lập.

-  Thu thập và đánh giá bằng chứng.

Như vậy, có thể nhận thấy con người (cụ thể là chuyên gia kiểm toán) là nhân tố cốt lõi của quá trình kiểm toán. Thời đại số hóa bắt đầu từ những năm 2000, là xu hướng hiện thời trong việc tự động hóa và trao đổi dữ liệu trong công nghệ sản xuất. Thông qua các công nghệ như Internet vạn vật (IoT), trí tuệ nhân tạo (AI), thực tế ảo (VR), tương tác thực tại ảo (AR), mạng xã hội, điện toán đám mây, di động, phân tích dữ liệu lớn (SMAC) để chuyển hóa toàn bộ thế giới thực thành thế giới số. Thời đại số đề cập tới chiến lược công nghệ cao, điện toán hóa ngành sản xuất mà không cần sự tham gia của con người.

Tác động rõ rệt nhất của thời đại số là sự xuất hiện của robot có trí tuệ nhân tạo, với những tính năng có thể thay thế con người, thậm chí còn tối ưu hơn như khả năng tính toán, phân tích, ghi nhớ, cùng sức lao động bền bỉ, năng suất cao. Ngoài ra, sự bùng nổ của công nghệ Internet vạn vật, mạng xã hội, thực tế ảo cũng làm thay đổi cách thức kinh doanh, làm thay đổi hình thức, nội dung mọi hoạt động kinh tế, văn hóa xã hội của loài người. Đứng trước thực tế này, tác giả nhận thấy có 2 vấn đề cần trao đổi:

Một là: Trong thời đại số hóa, những chuyên gia kiểm toán tại Việt Nam (nhân sự nghề kiểm toán) có bị thay thế bởi robot có trí tuệ nhân tạo?

Hai là: Trong thời đại số hóa với sự bùng nổ củanền kinh tế Internet”, nhân sự nghề kiểm toán tại Việt Nam phải làm gì để thích nghi?

2. Ảnh hưởng của cuộc cách mạng 4.0 tới nghề kiểm toán

Issa và cộng sự (2016) đã cho thấy, sự tiến bộ của nền công nghiệp 4.0 hiện đang có tác động rất lớn đến các tiến bộ công nghệ được sử dụng trong tất cả các hoạt động trong lĩnh vực kế toán. Nghiên cứu này đã thảo luận về cách phát triển các thiết bị có trí tuệ nhân tạo giúp ích cho các hoạt động cộng đồng. Điều này tự động tạo điều kiện hiệu suất với phần mềm được tạo ra nhưng có thể thay thế con người trong các hoạt động. Nhận định này phù hợp với nghiên cứu của Issa và cộng sự (2016), Kruskopf và cộng sự (2019) và Kruskopf và cộng sự (2020). Các nghiên cứu này cho thấy, công việc trong tương lai của kế toán và kiểm toán viên là về trí thông minh để phân tích, báo cáo và phát triển đầu ra. Mặc dù máy tính đảm nhận công việc kế toán, nhưng chất lượng của dữ liệu quan trọng hơn. Để tạo ra dữ liệu chất lượng, cần người chuyển thông tin và hoạt động như một đại lý trong khi làm việc để truyền tải kiến ​​thức vào hệ thống. Nhiệm vụ này không thể được thực hiện nếu không có chuyên gia trong lĩnh vực. Dirican (2015) cho biết, vào năm 2025, khoảng 30% doanh nghiệp kiểm toán sẽ sử dụng tối đa trí tuệ nhân tạo.

Công ty Kế toán BIG Four đã cho biết 2 xu hướng chung trong việc sử dụng công nghệ AI. Đầu tiên là nhiều ngành kế toán đang đầu tư vào AI và tích hợp vào hoạt động kinh doanh cốt lõi; thứ hai, AI là yếu tố thành công của nghề kế toán trong tương lai (Zhang và cộng sự, 2020). Các hệ thống của trí tuệ nhân tạo đã được sử dụng để tính toán và phân tích dữ liệu bởi các cuộc kiểm toán, các công ty sẽ thay đổi hệ thống kế toán và tự động hóa kế toán. Công việc của nhân viên kế toán sẽ chuyển từ thực hiện nhiệm vụ kế toán sang các chức năng quản lý sáng tạo hơn (Osmyatchenko và cộng sự, 2019). Kế toán cần nâng cao kiến ​​thức về công nghệ vì công nghệ tiên tiến được sử dụng trong kế toán để cung cấp dữ liệu chính xác cho khách hàng (Akhter và Sultana, 2018).

Số hóa sẽ có tác động đến nghề kế toán và kiểm toán viên cần xem xét lại cách tiếp cận và có thể là toàn bộ nghề nghiệp của họ. Kiểm toán viên phải xác định chiến lược kỹ thuật số, khám phá các thử nghiệm, họ nên thay đổi bản thân và thúc đẩy một nền văn hóa đổi mới (KPMG 2017).

Alao (2019) cho biết, nghề kiểm toán đang ở một bước ngoặt lớn, khi những tiến bộ trong công nghệ và sự gia tăng lớn của thông tin có sẵn đã tạo ra một cảnh quan mới cho báo cáo tài chính và mở ra nhu cầu về một bộ kỹ năng mới phù hợp với ngành hiện tại và trong tương lai. Vì vậy, những người trong nghề kiểm toán và tài chính cần đầu tư vào việc hiểu và phát triển các công nghệ này để mang lại lợi ích các lĩnh vực tương ứng của họ.

Nghề kiểm toán được định hướng bởi các chuẩn mực, làm cho nó không thể áp dụng bất kỳ công nghệ mới nào hoặc phương pháp luận mới nào nếu không được hội đồng xây dựng chuẩn mực yêu cầu hoặc phê duyệt (PwC, 2019). Theo Hussein và cộng sự (2016), nghề kiểm toán sẽ đối mặt với thách thức điều chỉnh các chuẩn mực kiểm toán hiện hành để áp dụng một công nghệ đột phá trong kiểm toán.

Theo ACCA và cộng sự (2019), một số nhiệm vụ sẽ không còn được thực hiện bởi kiểm toán viên. Trong khi công nghệ đang tự động hóa tất cả các hoạt động quản trị và công việc thông thường, kế toán và nhiều chuyên gia khác có thể tập trung vào các hoạt động giá trị gia tăng (ACCA và cộng sự, 2019). Kế toán chuyên nghiệp của tương lai sẽ cần sự kết hợp tối ưu và thay đổi của năng lực, một tập hợp các kiến ​​thức kỹ thuật, kỹ năng và khả năng, kết hợp với các hành vi giữa các cá nhân và phẩm chất (ACCA, 2016). Kỹ năng kỹ thuật, đạo đức và kinh nghiệm sẽ được kết hợp với trí thông minh và nhận thức kỹ thuật số; hành vi giữa các cá nhân, kỹ năng và phẩm chất sẽ được phản ánh trong thương số cho sự sáng tạo, trí tuệ cảm xúc và tầm nhìn (ACCA, 2016).

Theo ACCA và cộng sự (2019), những tiến bộ mới nhất trong công nghệ hứa hẹn mang lại lợi ích đáng kể cho cuộc kiểm toán, cho thấy sự cần thiết để thay đổi công nghệ trong kiểm toán. Các trình điều khiển quyết định sự thay đổi trong kiểm toán bao gồm: sự gia tăng nhanh chóng về khối lượng dữ liệu, những thay đổi trong mô hình kinh doanh, sự thay đổi theo hướng tự động hóa và nhu cầu về sự chủ động, cách tiếp cận hướng tới tương lai để kiểm toán (CPA, 2018). Sự phát triển này đòi hỏi người đánh giá phải am hiểu về công nghệ để cho phép họ tiếp tục phục vụ các doanh nghiệp và thực hiện cuộc kiểm toán có chất lượng cao (ACCA và cộng sự, 2019). ACCA và cộng sự (2019) nhấn mạnh, khối lượng giao dịch và dữ liệu trong doanh nghiệp đã tăng mạnh kể từ năm 2016 và dự kiến ​​sẽ tiếp tục tăng trong tương lai. Ước tính, hơn 90% dữ liệu của thế giới đã được tạo từ năm 2016 và một lượng đáng kể trong số đó là dữ liệu tài chính. Chuyển hướng sang tự động hóa, yêu cầu về cách tiếp cận chủ động và hướng tới tương lai trong kiểm toán công nghệ sẽ tạo ra các cuộc kiểm toán chất lượng cao hơn.

Nghiên cứu của Karlsen và Wallberg (2017) nhằm tăng cường hiểu biết về tác động của số hóa đối với các công cụ và phương pháp làm việc của nghề kiểm toán. Kết quả cho thấy, ảnh hưởng đến phương pháp làm việc của kiểm toán viên nổi bật hơn so với các công cụ, do phương pháp làm việc không cần giấy tờ và tăng tính linh hoạt.

Kết quả nghiên cứu của Adiloglu và Gungor (2019) cho thấy, chỉ Big Four đầu tư cơ sở hạ tầng cần thiết và nguồn nhân lực ngoài việc cung cấp dịch vụ đáp ứng yêu cầu của thời đại kỹ thuật số. Bất chấp tất cả những phát triển công nghệ này, chỉ có 24 công ty cung cấp giáo dục cho nhân viên của họ để kiểm tra công nghệ thông tin. Chỉ Big Four cung cấp giáo dục về công nghệ kỹ thuật số cho nhân viên của họ.

3. Phương pháp nghiên cứu

Nghiên cứu sử dụng phương pháp định tính để thu thập và phân tích dữ liệu. Phương pháp thu thập dữ liệu từ nhiều nguồn: phỏng vấn, tài liệu nội bộ, và tài liệu từ các  nguồn khác được sử dụng cho nghiên cứu hiện tại. Theo Kvale và Brinkmann (2009), mục đích của một cuộc phỏng vấn định tính là để tìm hiểu về thế giới thông qua quan điểm của đối tượng. Phỏng vấn cho phép người được hỏi truyền đạt cho người khác từ quan điểm của họ và bằng lời của họ (Kvale, 1996). Trong nghiên cứu hiện tại, phỏng vấn chuyên sâu được sử dụng để thu thập dữ liệu với 3 lý do chính.

Trong nghiên cứu hiện nay, phỏng vấn trực tiếp với nhiều kiểm toán viên, để tiếp cận nhận thức của họ về ảnh hưởng của cuộc cách mạng 4.0 đối với nghề kiểm toán. Nghiên cứu tiến hành phỏng vấn 20 kiểm toán viên hành nghề và trợ lý kiểm toán (chi tiết trong Bảng). Mỗi cuộc phỏng vấn kéo dài khoảng 30 - 45 phút.

Bảng: Nhóm người tham gia phỏng vấn                

nhom-nguoi-tham-gia-phong-van

Tài liệu nội bộ được thu thập từ các công ty kiểm toán. Mỗi khi thực hiện kiểm toán với khách hàng, nhóm kiểm toán sẽ chuẩn bị các giấy tờ làm việc. Các tài liệu làm việc này có thể được sử dụng cùng với các nguồn thông tin khác.

Các nguồn thông tin khác được sử dụng cho nghiên cứu hiện tại bao gồm các bài báo và trang web đã xuất bản. Nhà nghiên cứu đã thu thập các bài báo đã xuất bản từ tạp chí chuyên ngành, Tạp chí Kiểm toán Quốc tế, Tạp chí Kế toán, Tạp chí Quốc tế Nghiên cứu Kinh doanh và Xã hội… và thông tin từ các trang web sau https: // mof.gov.vn; https://www.ifac.org...

Phân tích theo chủ đề là một phương pháp phân tích dữ liệu định tính, được sử dụng trong nghiên cứu hiện tại. Chủ đề là một mẫu dữ liệu, ở mức tối thiểu, giải thích và tổ chức các quan sát và tối đa là phân tích các khía cạnh của vấn đề (Boyatzis, 1998). Phân tích theo chủ đề là một phương pháp được sử dụng để xác định và phân tích tập dữ liệu và kết quả cuối cùng, làm nổi bật các chủ đề có ý nghĩa quan trọng nhất có trong tập dữ liệu (Harper và Thompson, 2012). Phương pháp phân tích theo chủ đề được sử dụng cho công trình nghiên cứu này.

4. Kết quả nghiên cứu

Một là, trong thời đại số hóa, những chuyên gia kiểm toán (nhân sự nghề kiểm toán) có bị thay thế bởi robot có trí tuệ nhân tạo?

Hiện nay, trên thế giới cũng như ở Việt Nam chưa có robot kiểm toán. Tuy nhiên, dự báo trong vòng 15 - 20 năm nữa, sẽ có robot kiểm toán và sẽ thay thế khoảng 30% lao động. Đứng trước xu thế này, có nhiều quan điểm khác nhau. Tuy nhiên, kết quả nghiên cứu cho thấy, nghề kiểm toán khó có thể có một robot thay thế hoàn toàn cho con người. Bởi các lý do đặc thù sau đây:

- Nhân sự thực hiện kiểm toán phải là những chuyên gia:

Kiểm toán là công cụ đắc lực và hiệu quả trong hệ thống các công cụ quản lý kinh tế tài chính vĩ mô của Nhà nước. Đây cũng là công cụ hữu ích, là cơ sở cho lãnh đạo các đơn vị, cho giới đầu tư và bên thứ 3 (khách hàng, người lao động, nhà cung cấp…) đưa ra những quyết định hợp lý, kịp thời. Pháp luật Việt Nam quy định kiểm toán là ngành nghề kinh doanh có điều kiện, vì vậy chuyên gia kiểm toán trước tiên phải là người được pháp luật thừa nhận, sau đến là xã hội công nhận. Với yêu cầu của một chuyên gia kiểm toán và nội dung như đã trình bày ở phần (1), kết quả nghiên cứu cho thấy máy móc khó thay thế được một chuyên gia kiểm toán, chỉ có thể hỗ trợ mà thôi. Khó có thể chế tạo một robot được lập trình sẵn mọi công việc của quy trình kiểm toán (tìm hiểu khách thể kiểm toán, ký hợp đồng kiểm toán, lập kế hoạch kiểm toán, thu thập và đánh giá bằng chứng, tổng hợp và đưa ra ý kiến kiểm toán), tiến hành từ đầu đến cuối và thích ứng với tất cả các đối tượng kiểm toán, thông tin kiểm toán hay khách thể kiểm toán.

- Đối tượng kiểm toán, khách thể kiểm toán phong phú, đa dạng và thường xuyên thay đổi:

Thực hiện công việc kiểm toán về cơ bản theo một quy trình gồm các bước: Chuẩn bị kiểm toán, thực hiện kiểm toán và kết thúc kiểm toán. Tuy nhiên, ứng với từng đối tượng kiểm toán và khách thể kiểm toán khác nhau thì nội dung cụ thể của mỗi bước không giống nhau. Điều này đòi hỏi kiểm toán viên am hiểu sâu sắc về đối tượng kiểm toán và khách thể kiểm toán, có óc phân tích, tổng hợp, xét đoán chuyên môn, nhạy bén với những thông tin thu thập. Nguyên lý hoạt động của robot là dựa trên những gì con người lập trình sẵn, tức là chỉ phù hợp với những công việc mang tính ổn định cao. Trong khi đó, đối tượng kiểm toán, khách thể kiểm toán thì phong phú và thường xuyên thay đổi; một công ty kiểm toán không thể mãi chỉ kiểm toán cho một đối tượng cố định. Do đó, khó có thể có một robot đa năng thay thế hoàn toàn con người như vậy.

- Kiểm toán phải dựa trên hệ thống chuẩn mực, văn bản pháp luật hoặc các tiêu chuẩn:

Để nhận định thông tin kiểm toán có được trình bày trung thực, hợp lý hay không cần có căn cứ để so sánh, đó là hệ thống văn bản pháp luật, chế độ, chuẩn mực có liên quan. Hệ thống văn bản này thường xuyên thay đổi và cập nhật cho phù hợp với thực tế. Trước xu thế hội nhập như hiện nay, cần kết hợp cả hệ thống văn bản trong nước và cả quốc tế để có những nhận định khách quan và hợp lý. Yêu cầu kiểm toán viên phải thường xuyên cập nhật kiến thức khi hành nghề. Kiểm toán viên không những hiểu chuẩn mực, chế độ, văn bản pháp luật mà còn phải biết vận dụng chúng vào công việc thực tế. Hệ thống văn bản này thương khó hiểu, trừu tượng, đa số mang tính định hướng nên việc vận dụng chúng càng không đơn giản. Chẳng hạn cùng một chuẩn mực nhưng có nhiều cách hiểu không giống nhau, do đó khi vận dụng vào thực tế thì cần có sự linh hoạt chứ không cứng nhắc. Do đó, chỉ có con người mới làm tốt việc này.

- Tính xét đoán trong việc thu thập và đánh giá bằng chứng kiểm toán:

Việc thu thập bằng chứng không chỉ đơn giản là “gom” những thông tin tài liệu có sẵn, mà phải biết thông tin nào phải thu thập, nên thu thập, thông tin nào không cần thu thập . Thực tế đã có nhiều phần mềm kiểm toán có nội dung phát hiện rủi ro trên các số liệu kế toán khi ta nhập dữ liệu đầu vào. Tuy nhiên, bằng chứng kiểm toán không đơn thuần là số liệu, là thông tin tài chính mà có cả những thông tin phi tài chính. Ví dụ như kiểm toán viên quan sát lề lối làm việc của ban giám đốc, hoặc phỏng vấn giám đốc nhân sự về vấn đề tuyển dụng hoặc đơn giản là quan sát trụ sở khách hàng; ngay tại lúc quan sát, phỏng vấn thì kiểm toán viên đã có những phân tích, nhận định riêng mà phần mềm kiểm toán không thể làm được.

Hai là, trong thời đại số hóa với sự bùng nổ của “nền kinh tế Internet”, nhân sự nghề kiểm toán phải làm gì để thích nghi?

-  Một số ảnh hưởng của nền kinh tế Internet đến hoạt động kiểm toán và những lưu ý đối với hoạt động kiểm toán:

+ Thay đổi nội dung hiểu biết về khách hàng của khâu “Lập kế hoạch kiểm toán”:

Với nền kinh tế Internet, chủ thể kiểm toán phải đánh giá, nhận định được mức độ áp dụng công nghệ thông tin của khách thể kiểm toán để có thể bố trí các kiểm toán viên có đủ trình độ và năng lực không những về kiểm toán mà còn về công nghệ thông tin, kinh doanh điện tử để có thể thực hiện tốt việc kiểm toán. Mức độ áp dụng công nghệ thông tin của khách thể kiểm toán có thể ảnh hưởng đến tính an toàn, tính toàn vẹn và độ tin cậy của các dữ liệu mà đơn vị cung cấp.

+ Thay đổi về nhận thức các loại rủi ro kiểm toán:

Rủi ro kiểm toán được cấu thành bởi rủi ro tiềm tàng, rủi ro kiểm soát và rủi ro phát hiện. Trong nền kinh tế Internet, các đối tượng giao dịch thường khó xác định, giao dịch qua Internet được thực hiện trên mạng thông tin công cộng và có thể được thực hiện ở bất cứ nơi nào, bởi bất cứ ai có điều kiện truy cập vào Internet và thông tin cá nhân của những người trực tiếp tham gia giao dịch có thể được giấu kín. Ngoài ra, tốc độ giao dịch diễn ra rất nhanh đã làm tăng khả năng xảy ra các giao dịch giả hoặc mạo danh. Họ có thể đánh cắp mật khẩu để thực hiện các giao dịch dễ dàng. Khi đó, mức độ rủi ro tiềm tàng sẽ tăng lên. Mức độ rủi ro tiềm tàng phụ thuộc vào mức độ áp dụng công nghệ thông tin trong các hoạt động của đơn vị, mức độ áp dụng càng sâu rộng thì rủi ro tiềm tàng càng lớn.

Ngoài ra, để rủi ro kiểm toán ở mức chấp nhận được, cần phải kiểm soát được rủi ro phát hiện. Rủi ro phát hiện có thể được giảm thiểu nếu khâu lập kế hoạch kiểm toán, thực hiện kiểm toán được tiến hành theo đúng các chuẩn mực và tiêu chuẩn quy định. Việc thực hiện những thủ tục kiểm toán thông thường như từ lâu nay sẽ khó có thể đảm bảo tính hiệu quả và thích hợp khi đơn vị hoạt động trong môi trường hoàn toàn mới như trong nền kinh tế Internet.

Như vậy, khi đánh giá việc sử dụng công nghệ thông tin của đơn vị, kiểm toán viên cần lưu ý: Bản chất là tạo một hoạt động hoàn toàn mới để thay thế hoạt động cũ hay là chỉ hỗ trợ nâng cao hiệu quả hoạt động cũ, kết quả kinh doanh của đơn vị thay đổi thế nào, ý kiến của ban lãnh đạo đơn vị về rủi ro cũng như các biện pháp kiểm soát rủi ro. Bên cạnh đó, cần phải đánh giá cả những rủi ro liên quan đến công nghệ thông tin, rủi ro nội tại trong công nghệ mà đơn vị sử dụng.

+ Thay đổi nhận thức về bằng chứng kiểm toán:

Không giống như trong nền kinh tế truyền thống, nghiệp vụ phát sinh được phản ánh vào chứng từ, sau đó được kế toán ghi vào sổ kế toán và báo cáo tài chính. Muốn kiểm tra sự hiện hữu, tính trung thực của một nghiệp vụ kinh tế, kiểm toán viên có thể thực hiện thủ tục xem xét, kiểm tra lại các sổ sách, chứng từ gốc bằng văn bản sao chụp nghiệp vụ đó. Tuy nhiên, nền kinh tế Internet lưu trữ dữ liệu dưới dạng điện tử, các giao dịch đã được số hóa và thực hiện trên máy vi tính hoặc trên điện thoại thông minh. Khi toàn bộ quá trình giao dịch được xử lý ngay trên máy tính sẽ khó có chứng từ bằng văn bản chứng minh sự phát sinh và hoàn thành nghiệp vụ kinh tế. Đồng thời, việc phản ánh nghiệp vụ kinh tế vào sổ sách cũng sẽ được tự động hóa và do đó sẽ không thể thực hiện được bước kiểm tra tính hợp lý, hợp pháp của nghiệp vụ kinh tế.

Kiểm toán viên cần áp dụng các phương pháp kiểm toán thích hợp đó là: kiểm toán viên sẽ kiểm tra và đánh giá toàn bộ quy trình giao dịch và phản ánh nghiệp vụ kinh tế vào hệ thống kế toán cũng như hệ thống kiểm soát tự động áp dụng cho quy trình này (chẳng hạn như: kiểm tra tính hiện hữu của giao dịch, ngày giao dịch, chữ ký điện tử, các biện pháp bảo đảm an toàn thông tin được sử dụng nhằm ngăn ngừa việc sửa đổi không hợp lệ các thông tin kế toán…), qua đó đánh giá độ tin cậy của hệ thống tự động hoá thực hiện và phản ánh các nghiệp vụ kinh tế phát sinh.

4. Kết luận

Thời đại số sẽ tác động trực tiếp tới nguồn lao động trong vài năm tới. Nâng cao chất lượng của đội ngũ kiểm toán viên, nguồn nhân lực đóng vai trò quan trọng nhất quyết định sự thành công của mỗi công ty, do vậy việc tuyển chọn, đào tạo bồi dưỡng chất lượng cho đội ngũ kiểm toán viên là cần thiết. Cần phát triển đội ngũ nhân sự chuyên nghiệp, có năng lực tốt và chuyên môn sâu, có đạo đức nghề nghiệp vững vàng và am hiểu sâu sắc hệ thống khuôn khổ pháp lý, chuẩn mực nghề nghiệp và thực tiễn hoạt động của môi trường kinh doanh của Việt Nam cũng như thông lệ, chuẩn mực nghề nghiệp quốc tế. Cần coi việc nâng cao năng lực chuyên môn và chất lượng dịch vụ kiểm toán là nhiệm vụ thường xuyên, liên tục. Mỗi chủ thể kiểm toán cần xây dựng và thực thi nghiêm túc Quy chế quản lý, kiểm soát chất lượng, xác định rõ trách nhiệm thực thi, trách nhiệm soát xét, kiểm soát chất lượng qua từng khâu công việc, từng cấp độ nhân viên. Mỗi kiểm toán viên phải thể hiện tính chuyên nghiệp trong việc nhận thức một cách đầy đủ và tuân thủ đạo đức nghề nghiệp, kỷ luật hành nghề, kiên trì phòng ngừa và chống sai phạm về đạo đức nghề nghiệp. Đồng thời cần áp dụng các chương trình công nghệ, phần mềm tiên tiến để hỗ trợ và nâng cao chất lượng dịch vụ kiểm toán.

 

TÀI LIỆU THAM KHẢO:

  1. Akhter, A., & Sultana, R. (2018). Sustainability of Accounting Profession at the Age of Fourth Industrial Revolution. International Journal of Accounting and Financial Reporting, 8(4), 13.
  2. Alles, M., Gray, G. L. (2015). The Pros and Cons of Using Big Data in Auditing: a Synthesis of the Literature and a Research Agenda. Awaiting Approval, 1-37.
  3. Aslan, Ü., Özerhan, Y. (2017). Big Data, Muhasebe Ve Muhasebe Mesleği. Muhasebe Bilim Dünyası Dergisi, 19(4), 862-883.
  4. Association of Chartered Certified Accountants (ACCA) (2016). The Future of Audit. CFA Institute Magazine, 27(3), 55.
  5. Boyatzis, R. E. (1998). Transforming qualitative information: thematic analysis and code development. Thousand Oaks, CA: Sage Publications.
  6. Dirican, C. (2015). The Impacts of Robotics, Artificial Intelligence On Business and Economics. Procedia - Social and Behavioral Sciences, 195, 564-573.
  7. Ghasemi, M., Shafeiepour, V., Aslani, M., Barvayeh, E. (2011). The impact of information technology (it) on modern accounting systems. Procedia - Social and Behavioral Sciences, 28, 112-116.
  8. Harper, D., Thompson, A. R. (2012). Qualitative research methods in mental health and psychotherapy a guide for students and practitioners. Chichester, West Sussex: John Wiley and Sons.
  9. Handoko, B. L., Mulyawan, A. N., Samuel, J., Rianty, K. K., Gunawan, S. (2019). Facing industry revolution 4.0 for millennial accountants. International Journal of Innovative Technology and Exploring Engineering, 9(1), 1037-1042.
  10. Hecimovic, A., Martinov-Bennie, N. (2009). The force of Law: Australian Auditing Standards and their impact on the auditing profession. Australian Accounting Review, 19(1), 1-10.
  11. Holstein, J. A., Gubrium, J. F. (2002). Handbook of interview research. Thousand Oaks, California: Sage Publications.
  12. Hussein Issa, Ting Sun, and Miklos A. Vasarhelyi (2016). Research Ideas for Artificial Intelligence in Auditing: The Formalization of Audit and Workforce Supplementation. Journal of Emerging Technologies in Accounting: Fall 2016, 13(2), 1-20.
  13. Iswanto, A. C., Wahjono. (2019). Pengaruh Revolusi Industri 4.0 Terhadap Ilmu Akuntansi. Jurna Ilmiah INFOKAM, 1(1), 1-6.
  14. Issa, H., Sun, T., Vasarhelyi, M. A. (2016). Research Ideas for Artificial Intelligence in Auditing: The Formalization of Audit and Workforce Supplementation. Journal of Emerging Technologies in Accounting, 13(2), 1-20. Doi:10.2308/jeta-10511.
  15. Surianti, M. (2020). Development of Accounting Curriculum Model Based on Industrial Revolution Approach. Research Journal of Finance and Accounting, 11(2), 116-123. https://doi.org/10.7176/rjfa/11-2-12.
  16. Karlsen A., Wallberg M. (2017). The effects of digitalization on auditors’ tools and working methods: A study of the audit profession. Retrieved from: https://www.diva-portal.org/smash/get/diva2:1115922/FULLTEXT01.pdf.
  17. Kiesow, A., Zarvic, N., Thomas, O. (2014). Continuous Auditing in Big Data Computing Environments: Towards an Integrated Audit Approach by Using CAATTs. GI-Jahrestagung, 901-912.
  18. Kvale, S. (1996). Interviews: an introduction to qualitative research interviewing. Thousand Oaks, California: Sage Publications.
  19. Kvale, S., Brinkmann, S. (2009). InterViews: learning the craft of qualitative research interviewing (2nd ed.). Los Angeles: Sage Publications.
  20. Kruskopf, Shawnie, Lobbas, C., Meinander, H., Söderling, K., Martikainen, M., Lehner, O. (2020). Digital Accounting and the Human Factor: Theory and Practice. ACRN Journal of Finance and Risk Perspectives, 9(1), 78-89.
  21. Osmyatchenko, Volodymyr, Viktoriia Oliinyk, Olexandra Mazina, Natalia Matselyukh, Valerii Ilin, A. O. (2019). The Influence Of The Global Technological Changes On Principles And Functions Of Accounting And Formation Of The Organization Strategy. Journal of Security and Sustainability Issues, 8(4), 89.
  22. PWC, ACCA and INSEAD EMI (2019). Re-inventing Internal Controls in the Digital Age. Retrieved from: https://www.pwc.com/sg/en/publications/reinventinginternal-controls-in-the-digital-age.html.

 

THE AUDITING PROFESSION IN VIETNAM IN THE CONTEXT OF THE INFORMATION AGE

NGUYEN THI PHUONG

Phenikaa University

ABSTRACT:

In the Information Age, the business environment, business lines and labor market have been changed, and machines have begun to replace human in mundane, repetitive jobs. However, the demand for highly skilled, creative workers who are able to perform complicated tasks and control machines has increased. This paper is to present the situation of the auditing profession in the context of the Information Age.

Keywords: audit, the Information Age, labor, auditing profession.

[Tạp chí Công Thương - Các kết quả nghiên cứu khoa học và ứng dụng công nghệ, Số 16, tháng 6 năm 2022]