Nghiên cứu các nhân tố ảnh hưởng tới xuất khẩu cà phê Việt Nam

Đề tài Nghiên cứu các nhân tố ảnh hưởng tới xuất khẩu cà phê Việt Nam do TS. Vũ Diệp Anh (Khoa Kinh tế và Quản trị kinh doanh, Trường Đại học Mỏ - Địa chất) thực hiện.

TÓM TẮT:

Cà phê là mặt hàng nông sản xuất khẩu chủ lực của Việt Nam. Trong suốt hơn 20 năm qua, Việt Nam luôn là một trong những nước có khối lượng cà phê xuất khẩu lớn nhất thế giới.. Bài viết này sử dụng phương pháp phân tích hồi quy bình phương nhỏ nhất để nghiên cứu ảnh hưởng của 8 nhân tố tới xuất khẩu cà phê của Việt Nam trong giai đoạn 2002-2021 thông qua mô hình lực hấp dẫn. Kết quả nghiên cứu cho thấy, kim ngạch xuất khẩu cà phê của Việt Nam sang các nước chịu ảnh hưởng tích cực của sản lượng cà phê sản xuất của Việt Nam, tỷ giá hối đoái giữa đồng Việt Nam và đồng tiền của nước đối tác, thu nhập bình quân đầu người của nước đối tác và khoảng cách giữa Việt Nam và nước đối nhưng lại không bị ảnh hưởng bởi giá dầu, giá phân bón, dân số nước nhập khẩu và các hiệp định thương mại FTA của nước bạn hàng với Việt Nam.

Từ khóa: cà phê, xuất khẩu, nhân tố ảnh hưởng, mô hình lực hấp dẫn, phương pháp bình phương nhỏ nhất.

1. Đặt vấn đề

Trong nhiều năm qua, cà phê đã trở thành một đồ uống rất phổ biến trên toàn thế giớiBrazil, Việt Nam, Colombia, Đức và Honduras là 5 nước xuất khẩu cà phê hàng đầu, chiếm gần 58% thị trường xuất khẩu cà phê toàn cầu. Trong khi đó, châu Âu là thị trường nhập khẩu cà phê lớn nhất thế giới. Châu Âu và châu Mỹ chiếm khoảng 64% nhu cầu tiêu thụ cà phê trên toàn cầu.

 Đối với Việt Nam, cà phê là một mặt hàng nông sản xuất khẩu chủ lực trong suốt 2 thập kỷ qua. Nếu như năm 2004, khối lượng cà phê xuất khẩu của Việt Nam mới chỉ khoảng 438 nghìn tấn thì con số này đạt từ 1-1,7 triệu tấn từ năm 2007 cho tới nay [10]. Con số này đã đưa Việt Nam trở thành nước xuất khẩu cà phê lớn thứ 2 thế giới sau Brazil xét về khối lượng xuất khẩu. Trong khi đó, kim ngạch xuất khẩu cà phê của Việt Nam tăng từ hơn 321 triệu USD vào năm 2002 lên 2,1 tỷ USD vào năm 2008 và đạt hơn 3,5 tỷ USD vào năm 2012. Do ảnh hưởng của đại dịch Covid-19, kim ngạch xuất khẩu cà phê có xu hướng giảm xuống nhưng vẫn giúp Việt Nam thu về khoảng 2 tỷ USD trong giai đoạn dịch bệnh và nhanh chóng phục hồi, tăng lên gần 3 tỷ USD vào năm 2022 và lập kỷ lục hơn 4,24 tỷ USD vào năm 2023. Kết quả này giúp Việt Nam trở thành nước xuất khẩu cà phê lớn thứ 4 thế giới xét về kim ngạch xuất khẩu [10]. Mặc dù đạt được những kết quả tích cực trên nhưng ngành cà phê Việt Nam vẫn phải đối mặt với nhiều thách thức như dịch bệnh, biến đổi khí hậu, kiểm soát chất lượng cà phê, cạnh tranh từ các nước xuất khẩu cà phê khác, sự thay đổi thị hiếu của người tiêu dùng,… Điều đó cho thấy, có nhiều nhân tố khác nhau tác động tới xuất khẩu cà phê của Việt Nam, làm khối lượng và kim ngạch xuất khẩu cà phê của Việt Nam có những biến động tăng giảm trong những năm qua.

Bài viết phân tích ảnh hưởng của một số nhân tố tới xuất khẩu cà phê Việt Nam dựa trên mô hình lực hấp dẫn. Với bộ dữ liệu được thu thập cho giai đoạn 2002-2021, bằng phương pháp bình phương nhỏ nhất, bài viết chỉ ra các nhân tố có tác động tới xuất khẩu cà phê Việt Nam, từ đó đề xuất một số hàm ý chính sách cho Việt Nam trong việc tăng cường xuất khẩu cà phê.

2. Phương pháp nghiên cứu

2.1. Mô hình nghiên cứu

Tổng quan các công trình nghiên cứu về thương mại quốc tế cho thấy, mô hình lực hấp dẫn thường được sử dụng để phân tích ảnh hưởng của các nhân tố tới thương mại song phương giữa các quốc gia [1, 4, 5, 12, 13, 15]. Theo mô hình lực hấp dẫn, thương mại song phương giữa 2 quốc gia sẽ phụ thuộc vào GDP, dân số và khoảng cách giữa 2 quốc gia.  GDP càng cao thì thương mại giữa hai nước sẽ càng nhiều. Ngược lại, khoảng cách càng xa thì các nước càng ít giao thương với nhau. Kế thừa các nghiên cứu đi trước, bài viết này cũng vận dụng mô hình lực hấp dẫn để phân tích ảnh hưởng của sản lượng cà phê sản xuất của Việt Nam, tỷ giá hối đoái giữa đồng Việt Nam và đồng tiền của nước đối tác, giá dầu, giá phân bón, thu nhập bình quân đầu người của nước đối tác, dân số của nước đối tác, khoảng cách giữa Việt Nam và nước đối tác và biến giả FTA (một nước có hiệp định FTA với Việt Nam hay không) tới kim ngạch xuất khẩu cà phê của Việt Nam. Mô hình nghiên cứu cụ thể như sau:

2.2. Dữ liệu nghiên cứu

Bài viết nghiên cứu ảnh hưởng của 8 nhân tố gồm: sản lượng cà phê sản xuất của Việt Nam, tỷ giá hối đoái giữa đồng Việt Nam và đồng tiền của nước đối tác, giá dầu, giá phân bón, thu nhập bình quân đầu người của nước đối tác, dân số của nước đối tác, khoảng cách giữa Việt Nam và nước đối tác, và biến giả FTA tới kim ngạch xuất khẩu cà phê của Việt Nam sang 25 nước trên thế giới nhập khẩu nhiều cà phê Việt Nam nhất. Các số liệu thứ cấp về xuất khẩu cà phê của Việt Nam và 8 nhân tố này được thu thập trong giai đoạn 2002-2021 từ Tổng cục Thống kê Việt Nam, World Bank, ITC, http://www.indo.com/distancehttps://fxtop.com/. Biến giả FTA nhận giá trị là 0 nếu giữa Việt Nam và nước j không có FTA trong năm t; và nhận giá trị là 1 nếu giữa Việt Nam và nước j có FTA trong năm t.

3. Kết quả phân tích

Bài viết sử dụng phương pháp phân tích hồi quy bình phương nhỏ nhất để phân tích các số liệu thu thập được thông qua phần mềm EViews. Kết quả phân tích được thể hiện trong Bảng 1.

Với số liệu trong bảng kết quả phân tích trên, hàm hồi quy mẫu về các nhân tố ảnh hưởng tới vốn FDI chảy vào Việt Nam có thể viết như sau:

 

Phân tích hồi quy cho thấy, một biến có tác động tới biến phụ thuộc nếu kiểm định t của biến đó có ý nghĩa về mặt thống kê với giá trị p-value<0,1.

Số liệu kết quả phân tích cho thấy, kim ngạch xuất khẩu cà phê của Việt Nam sang các nước không chịu ảnh hưởng của các biến giá dầu (Oil), giá phân bón (DAP), dân số nước đối tác (Pop) và FTA do các biến này không có ý nghĩa về mặt thống kê. Trong khi đó, lượng cà phê sản xuất của Việt Nam, tỷ giá hối đoái giữa đồng Việt Nam và đồng tiền của nước đối tác, thu nhập bình quân đầu người của nước đối tác và khoảng cách giữa Việt Nam và nước đối tác có tác động tích cực tới kim ngạch xuất khẩu cà phê của Việt Nam ở mức ý nghĩa 0,05 hoặc 0,1. Cụ thể:

Sản lượng cà phê sản xuất của Việt Nam (Pro) có ý nghĩa thống kê ở mức ý nghĩa 1%. Sản lượng cà phê trong nước tăng lên 1% giúp Việt Nam tăng thêm được 1,422% kim ngạch xuất khẩu cà phê. Đây cũng là biến có tác động lớn nhất tới kim ngạch xuất khẩu cà phê của Việt Nam. Kết quả này phù hợp với cách tiếp cận truyền thống, vốn quan niệm hàm cung xuất khẩu phụ thuộc vào giá cả tương đối và năng lực sản xuất. Jongwanich (2007) kết luận, năng lực sản xuất có tác động tích cực tới hoạt động xuất khẩu các các nước Đông Á và Đông Nam Á [11]. Nghiên cứu thực nghiệm của Hussai và các cộng sự (2020) cho thấy, năng lực sản xuất có vai trò quyết định tới cung xuất khẩu của Pakistan [7].

Kết quả phân tích cho thấy, biến tỷ giá hối đoái (Er) có ý nghĩa thống kê ở mức ý nghĩa 5%. Đúng như dự đoán, tỷ giá hối đoái có tác động tích cực tới kim ngạch xuất khẩu cà phê của Việt Nam. Khi tỷ giá hối đoái tăng lên 1% sẽ làm cho kim ngạch xuất khẩu cà phê của Việt Nam tăng lên 0,018%. Tỷ giá hối đoái tăng lên đồng nghĩa với việc giá trị của đồng Việt Nam giảm xuống, làm cho cà phê Việt Nam trở nên rẻ tương đối và có khả năng cạnh tranh cao hơn trên thị trường nước nhập khẩu. Nghiên cứu của Rathayaka và Dunusinghe (2022) cũng cho thấy, sự biến động của tỷ giá hối đoái có tác động tích cực tới kim ngạch xuất khẩu của Sri Lanka [14]. Caroline và Pierola (2011) cũng chỉ ra sự mất giá của đồng nội tệ làm tỷ giá hối đoái tăng lên, làm kim ngạch xuất khẩu ở các nước đang phát triển tăng vọt bằng cách tái phân bổ nguồn lực cho ngành xuất khẩu [3].

GDP bình quân đầu người của bạn hàng (GDP) tăng thêm 1% sẽ giúp kim ngạch xuất khẩu cà phê của Việt Nam sang nước đó tăng thêm 0,443%. Số liệu này cho thấy, vai trò quan trọng của quy mô thị trường của nhập khẩu trong việc gia tăng xuất khẩu của Việt Nam. Một thị trường lớn, giàu có hơn đồng nghĩa với sức tiêu dùng lớn hơn, tạo nên nhu cầu lớn hơn đối với cà phê của Việt Nam. Đây là biến có tác động lớn thứ hai tới kim ngạch xuất khẩu cà phê của Việt Nam.

Điểm bất ngờ trong kết quả phân tích là khoảng cách giữa Việt Nam và nước bạn (Dis) có tác động tích cực tới kim ngạch xuất khẩu cà phê của Việt Nam. Khoảng cách tăng thêm 1%, kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam sẽ tăng thêm 0,295%. Kết quả này tương đồng với kết luận của Buykusege, Wei và Tuyishime (2015) [2]. Các tác giả này đã chỉ ra các nước đang phát triển không giao thương nhiều hơn với các nước láng giềng vì họ không có đủ sản phẩm xuất khẩu trong khi các nước làng giềng cần nhập khẩu nhiều và các nước đang phát triển cũng không giao thương nhiều với nhau mà thay vào đó họ thường giao thương với các nước phát triển vì họ không có đủ kỹ năng công nghệ để biến nguyên liệu thô thành sản phẩm và xuất khẩu nguyên liệu thô sang các nước phát triển. Ngoài ra, Việt Nam là một trong những nước xuất khẩu cà phê lớn nhất thế giới, trong đó chủ yếu là xuất khẩu cà phê Robusta, là nước sản xuất cà phê Robusta số 1 thế giới với lợi thế chi phí nhân công cũng như chi phí sản xuất cà phê rẻ; trong khi cà phê Robusta có khả năng kháng bệnh cao, chịu được thời tiết khắc nghiệt, năng xuất thường cao hơn nhưng giá lại thấp hơn so với cà phê Arabica. Châu Âu và châu Mỹ tạo nên các thị trường tiêu thụ cà phê lớn nhất thế giới với 64% thị phần trong năm 2022 [8]. Chính những điều này đã khiến cà phê Việt Nam có lợi thế cạnh tranh trên thị trường quốc tế, trở thành lựa chọn kinh tế đối với người tiêu dùng dù đất nước của họ có ở xa Việt Nam.

4. Kết luận và hàm ý chính sách

Dựa trên cơ sở lý luận về các nhân tố ảnh hưởng đến thương mại song phương, bài viết đã đề xuất mô hình lực hấp dẫn nghiên cứu ảnh hưởng của 8 nhân tố tới kim ngạch xuất khẩu cà phê của Việt Nam sang 25 nước bạn hàng lớn nhất. Các số liệu thứ cấp về kim ngạch xuất khẩu cà phê của Việt Nam sang nước đối tác, sản lượng cà phê sản xuất của Việt Nam, tỷ giá hối đoái giữa đồng Việt Nam và đồng tiền của nước đối tác, giá dầu, giá phân bón, thu nhập bình quân đầu người của nước đối tác, dân số của nước đối tác, khoảng cách giữa Việt Nam và nước đối tác và biến giả FTA được thu thập cho giai đoạn 2002-2021. Phân tích hồi quy theo phương pháp bình phương nhỏ nhất đã chỉ ra các biến sản lượng cà phê sản xuất của Việt Nam, tỷ giá hối đoái giữa đồng Việt Nam và đồng tiền của nước đối tác, thu nhập bình quân đầu người của nước đối tác và khoảng cách giữa Việt Nam và nước đối tác có quan hệ tỷ lệ thuận với kim ngạch xuất khẩu cà phê của Việt Nam. Các biến giá dầu, giá phân bón, dân số và FTA không có ý nghĩa về mặt thống kê trong nghiên cứu này.

Kết quả nghiên cứu cho thấy, Việt Nam cần kết hợp các chính sách khác nhau để tăng cường xuất khẩu cà phê sang các nước. Cụ thể:

- Việt Nam cần chú ý tìm hiểu, quy hoạch và phát triển các vùng trồng tập trung có điều kiện phù hợp với cây cà phê; nghiên cứu phát triển và sử dụng các giống cà phê cho năng suất và chất lượng cao để thay thế cho những cây cà phê đã già và cằn cỗi. Đồng thời, trước xu hướng thế giới chuyển dịch sang tiêu thụ cà phê Arabica, Việt Nam cần nghiên cứu khả năng trồng cà phê Arabica để bắt kịp nhu cầu, xu hướng của thị trường. Bên cạnh đó, việc áp dụng công nghệ hiện đại vào canh tác, thu hoạch, chế biến và bảo quản sẽ giúp nâng cao năng suất, chất lượng cà phê, đáp ứng được các yêu cầu nhập khẩu của nước ngoài. Những biện pháp này sẽ giúp Việt Nam gia tăng được sản lượng sản xuất, đản bảo nguồn cung cũng như chất lượng cho cà phê xuất khẩu.

- Các doanh nghiệp xuất khẩu cà phê của Việt Nam cần chú ý thường xuyên theo dõi tỷ giá đối đoái của đồng Việt Nam với đồng tiền của các nước bạn hàng vì sự biến động của tỷ giá có ảnh hưởng tới kim ngạch xuất khẩu cà phê. Bên cạnh đó, theo sát sự biến động tỷ giá cả các đối thủ cạnh tranh cũng có ý nghĩa quan trọng để giúp các doanh nghiệp xuất khẩu cà phê của Việt Nam có những đối sách phù hợp trong xuất khẩu cà phê. Mặc dù tỷ giả hối đoái giảm sẽ có lợi cho xuất khẩu cà phê của Việt Nam nhưng sự giảm giá của đồng Việt Nam sẽ có ảnh hưởng đến các lĩnh vực khác của toàn bộ nên kinh tế nói chung nên các nhà hoạch định chính sách Việt Nam cần có những biện pháp phù hợp để đảm bảo ổn định tỷ giá của đồng nội tệ.

- Các thị trường châu Âu và châu Mỹ tuy ở xa Việt Nam nhưng lại là các thị trường tiêu thụ cà phê khổng lồ của thế giới và cũng là những thị trường xuất khẩu cà phê chính của Việt Nam. Do đó, việc tăng cường các hoạt động nghiên cứu thị trường và xúc tiến thương mại tại thị trường này cũng như thị trường các nước phát triển có GDP bình quân đầu người cao, sẽ giúp các doanh nghiệp xuất khẩu cà phê của Việt Nam nắm vững thị hiếu của khách hàng nước ngoài, quảng bá được cà phê Việt Nam tới nhiều người tiêu dùng trên thế giới. Qua đó, các doanh nghiệp cà phê Việt Nam sẽ giữ vững được các thị trường truyền thống và có cơ hội tìm kiếm những bạn hàng mới cũng như phát triển các thị trường xuất khẩu mới.

TÀI LIỆU THAM KHẢO:

  1. Đặng Duy Trinh (2018). Áp dụng mô hình lực hấp dẫn đề nghiên cứu các nhân tố vĩ mô ảnh hưởng đến xuất khẩu của Việt Nam với Liên minh Kinh tế Á-Âu. Luận văn thạc sỹ, Trường Đại học Kinh tế Thành phố Hồ Chí Minh.
  2. Tổng cục Thống kê Việt Nam. https://www.gso.gov.vn/
  3. Phạm Đức Lâm (2015). Phân tích các yếu tố ảnh hưởng tới kim ngạch xuất khẩu các nhóm hàng của Việt Nam theo mô hình Gravity. Luận văn thạc sỹ kinh tế, Đại học Đà Nẵng.
  4. Aldon, M. S., Mashyhuri, Dwidjono, H., D., and Sri, W. (2019). Employing gravity model to measure international trade potential. IOP Conference Series: Materials Science and Engineering.
  5. Buykusege, Wei và Tuyishime (2015). Analysis of geographic distance effects on international trade flows as a public policy: Evidence from EAC and NAFTA countries. International Journal of Management & Information Technology.
  6. Caroline và Pierola (2011). Export Surges. Journal of Development Economics.
  7. Doumbe, E. and Belinga, T. (2015). A gravity model analysis for trade between Cameroon and twenty-eight European Union countries. Open Journal of Social Sciences, Vol.3 No.8.
  8. Hussain, S. I., Hussain, A., Alam, M. M. (2020). Determinants of export supply in Pakistan: A sector wise disaggregated analysis. Cogen Economics and Fianance, Vol. 8.
  9. ICO (2022). Coffee market report. International Coffee Organization.
  10. http://www.indo.com/distance . Ngày truy cập 08/04/2024.
  11. ITC. https://intracen.org/resources/data-and-analysis/trade-statistics.
  12. Jongwanich, J. (2007). Determinants of export performance in East and Southeast Asia. Asian Development Bank.
  13. Khayat, S. H. (2019). A gravity model analysis for trade between the GCC and developed countries. Cogen Economics and Fianance, Vol. 7.
  14. Rathayaka, I. W., Dunusinghe, D. D. P. M. (2022). The impact of exchange rate volatility on export earnings: Evidence from Sri Lanka. FGS-CJMR Journal, Vol. 7, No. 01&02.
  15. Standaert, S. and Baier, S. (2019). Gravity models and empirical trade. Oxford Reasearch Encyclopedia of Economics and Finance.
  16. World Bank. https://data.worldbank.org/indicator.

Factors affecting coffee exports of Vietnam

Ph.D VU DIEP ANH

Faculty of Economics and Business Administration, Hanoi University of Mining and Geology

ABSTRACT

Coffee is one of Vietnam’s major agricultural export products. Over the past two decades, Vietnam has ranked among the world’s largest coffee exporters. This study employed ordinary least squares regression analysis to examine the influence of eight factors on Vietnam’s coffee exports during the period 2002-2021 through a gravity model framework. The findings indicated that Vietnam’s coffee exports are positively associated with the country’s coffee production output, the exchange rate between the Vietnamese dong and the currency of the importing countries, the GDP per capita of partner countries, and the geographical distance between Vietnam and trading partners. Conversely, the study found that fluctuations in oil and fertilizer prices, the population of importing countries, and their FTA signed with Vietnam do not statistically impact Vietnam’s coffee exports.

Keywords: coffee, export, influential factors, gravity model, ordinary least squares regression.

[Tạp chí Công Thương - Các kết quả nghiên cứu khoa học và ứng dụng công nghệ, Số 15 tháng 6 năm 2024]

Tạp chí Công Thương