Nghiên cứu chuỗi giá trị du lịch tại Quảng Bình

THS. PHẠM THỊ BÍCH THỦY (Khoa Kinh tế - Du lịch, Trường Đại học Quảng Bình)

TÓM TẮT:

Du lịch là một trong những ngành kinh tế mũi nhọn ít gây ô nhiễm môi trường đang được cả thế giới quan tâm, trở thành xu hướng phát triển của các quốc gia hiện nay. Để có được chuỗi giá trị du lịch hoàn chỉnh và tiệm cận với giá trị tối ưu cần có sự tham gia của nhiều ngành cũng như hợp tác giữa các địa phương. Bài viết đã đưa ra 3 giải pháp chính: Giải pháp chung cho chuỗi giá trị du lịch; Giải pháp cho các tác nhân tham gia hoạt động chính của chuỗi giá trị du lịch tỉnh Quảng Bình; Giải pháp cho các hoạt động hỗ trợ của chuỗi giá trị du lịch tỉnh Quảng Bình.

Từ khóa: chuỗi giá trị du lịch, tỉnh Quảng Bình.

1. Đặt vấn đề

Ở Việt Nam cũng như trên thế giới du lịch là một ngành kinh tế tổng hợp, phát triển với tốc độ nhanh, chiếm một tỷ trọng lớn trong cơ cấu nền kinh tế và thu nhập quốc dân, góp phần quan trọng vào tăng thu ngoại tệ, cân bằng cán cân thanh toán, phát triển kinh tế - xã hội. Quảng Bình là một tỉnh nằm ở Bắc Trung Bộ, có tài nguyên du lịch phong phú về tự nhiên, lịch sử, văn hóa, tâm linh. dù có nhiều tiềm năng nhưng sản phẩm du lịch Quảng Bình vẫn chưa nổi trội. Với tình hình du lịch như vậy, việc phải cung ứng nhiều loại mô hình sản phẩm du lịch khác nhau là giải pháp cho sản phẩm du lịch Quảng Bình. Khi đan xen được các sản phẩm du lịch như: du lịch biển, sinh thái, hang động và các di tích sẽ nâng cao tính hấp dẫn, đa dạng cho du lịch Quảng Bình. Khách du lịch đến tham quan ngoài mục đích thụ hưởng thì còn phát sinh rất nhiều nhu cầu khác nhau trong khi đó sự tăng trưởng của ngành Du lịch thiếu ổn định, nhiều vấn đề xã hội và môi trường phát sinh trong quá trình phát triển du lịch ngày càng bức xúc. Thực tiễn đó đòi hỏi phải có sự nghiên cứu một cách toàn diện và hệ thống, đề tài “Nghiên cứu chuỗi giá trị du lịch tỉnh Quảng Bình” nhằm đưa ra được những giải pháp để phát triển cung ứng đa dạng sản phẩm du lịch Quảng Bình tương xứng với tiềm năng vốn có của địa phương.

2. Cơ sở lý thuyết về chuỗi giá trị du lịch

Khái niệm “Chuỗi giá trị” được Michael Porter nghiên cứu và đưa ra trong tác phẩm “Lợi thế cạnh tranh” vào năm 1985 được hiểu là “tập hợp một chuỗi các hoạt động có liên kết theo chiều dọc nhằm tạo lập và làm tăng giá trị. Mô hình chuỗi giá trị của Porter bao gồm 2 mảng hoạt động, đó là hoạt động bổ trợ và hoạt động chính, trong đó các hoạt động chính gồm đầu vào, sản xuất, đầu ra, marketing bán hàng, dịch vụ khách hàng.

Chuỗi giá trị du lịch theo quan điểm tiếp cận của GTZ được hiểu là một cuộc hành trình, trong đó người đi du lịch chuyển động trong một loạt các dịch vụ được kết nối với nhau. (Hình 2)

Chuỗi giá trị

 Qua sơ đồ Hình 2 cho thấy hệ thống này chỉ vận hành khi tất cả các dịch vụ đã sẵn sàng, vào những thời điểm và chất lượng phù hợp. Sự khác biệt dễ nhận thấy nhất của chuỗi giá trị du lịch so với chuỗi giá trị của sản phẩm hữu hình là chính khách hàng - khách du lịch chứ không phải là hàng hóa. Đối với mỗi dịch vụ khách du lịch tiêu thụ trong hành trình của mình, cần có một nhà cung cấp dịch vụ thứ cấp, do đó việc lập bản đồ chuỗi trở nên quan trọng vì nếu tất cả mọi yếu tố chưa sẵn sàng sẽ không có được sức hút trong dịch vụ này.

3. Phân tích chuỗi giá trị du lịch tỉnh Quảng Bình

3.1. Thị trường khách du lịch

Từ năm 2022, số lượng khách du lịch đến Quảng Bình tăng lên, ngoại trừ năm 2020 và 2021 do chịu ảnh hưởng lớn của dịch bệnh Covid-19 nên ngành Du lịch tỉnh Quảng Bình có sự sụt giảm lớn cả về số lượng khách du lịch. Năm 2021, tổng lượng khách du lịch là 569.826 lượt khách, giảm 69% so với năm 2020; khách quốc tế là 5.700 lượt khách, giảm 90% so với năm 2020. Năm 2022, tổng số khách du lịch đến Quảng Bình là 2.110.339 lượt khách, gấp 3,7 lần so với năm 2021 trong đó, khách quốc tế là 33.731 lượt khách.

3.2. Dịch vụ vận chuyển

Các điểm du lịch ở Quảng Bình hiện nay đã được Sở Giao thông Vận tải tỉnh Quảng Bình ưu tiên, tạo điều kiện, để nâng cao số lượng và chất lượng vận chuyển khách du lịch đến các địa điểm du lịch. Các dịch vụ vận chuyển khách có thể kể đến như dịch vụ vận chuyển bằng đường bộ thông qua tuyến quốc lộ 1A với chiều dài 122 km có tình trạng thông xe tốt trong năm; dịch vụ vận chuyển bằng đường sắt quốc gia Bắc - Nam;     dịch vụ vận chuyển đường thủy với bờ biển dài 116,04 km. Tuy nhiên, so với các loại hình dịch vụ vận chuyển khác, dịch vụ vận chuyển đường thủy còn hạn chế hơn. Dịch vụ vận chuyển bên trong các điểm du lịch chủ yếu là bằng thuyền và xe điện. Dịch vụ vận chuyển đường hàng không thông qua cảng hàng không Đồng Hới với năng lực đủ khả năng phục vụ máy bay cỡ lớn với công suất thiết kế 500.000 khách/năm.

3.3. Dịch vụ tại điểm đến

Về cơ sở lưu trú: Đến năm 2022, Quảng Bình đã có 507 cơ sở lưu trú, trong đó có 3 khách sạn đạt tiêu chuẩn 5 sao, 6 khách sạn đạt tiêu chuẩn 4 sao, 11 khách sạn 3 sao, 30 khách sạn 2 sao với 8.247 phòng và 16.000 giường. (Bảng 2)

Bảng 2. Cơ sở lưu trú ở Quảng Bình từ 2019-2022

Cơ sở lưu trú

Đơn vị

2019

2020

2021

2022

Tổng số cơ sở lưu trú

Cơ sở

370

469

470

507

Khách sạn 4-5 sao

Khách sạn

8

9

9

9

Khách sạn 1-3 sao

Khách sạn

44

45

45

60

Tổng số phòng

Phòng

5.200

6.200

6.210

8.247

Tổng số giường

Giường

10.200

12.400

12.420

16.000

Nguồn: Sở Du lịch tỉnh Quảng Bình

Về cơ sở ăn uống: Đến năm 2022, Sở Du lịch tỉnh Quảng Bình đã ban hành cấp giấy chứng nhận cho 19 cơ sở kinh doanh dịch vụ ăn uống đáp ứng được 9 tiêu chuẩn.

Cơ sở vui chơi giải trí, mua sắm: Các khu vui chơi giải trí, khu mua sắm lớn nhằm đáp ứng nhu cầu của nhiều đối tượng khách chưa có nhiều, hiện tại có khoảng 10 khu vui chơi giải trí mua sắm với quy mô vừa phải như Vincom Plaza, Coopmart, Tuấn Việt, Hùng Hồng,…

3.4. Hoạt động tư vấn khách du lịch

Các hoạt động hỗ trợ tư vấn du lịch, nhất là hoạt động xúc tiến quảng bá du lịch đã được các cấp, các ngành và doanh nghiệp kinh doanh du lịch Quảng Bình quan tâm đầu tư và tổ chức thực hiện với nhiều nội dung và phương thức phong phú, hấp dẫn. (Bảng 3)

 Bảng 3. Thống kê hoạt động tư vấn du lịch năm 2022

(qua Website tư vấn giới thiệu)

Chỉ tiêu

Đơn vị tính

Năm 2022

Số liệu đăng trên website

Lượt

419.956

Số website kết nối

Website

66

Số bài được đăng tải

Bài

1.609

Nguồn: Tác giả tổng hợp từ số liệu thu thập của Sở Du lịch tỉnh Quảng Bình

3.5. Quản lý nguồn nhân lực

Số lượng lao động tham gia trong lĩnh vực du lịch nhìn chung phù hợp với quy hoạch tổng thể phát triển du lịch tỉnh Quảng Bình đến năm 2025, định hướng đến năm 2030. (Bảng 4)

Bảng 4. Lao động trong ngành du lịch tỉnh Quảng Bình

giai đoạn 2019-2022

Lao động

Đơn vị

2019

2020

2021

2022

Lao động trong lĩnh vực du lịch

Người

14.000

18.000

9.120

11.000

Tổng số lao động tỉnh Quảng Bình

Người

532.047

564.047

567.447

588.440

Tỷ trọng lao động trong lĩnh vực du lịch so với lao đông tỉnh Quảng Bình

%

2,63

3,19

1,6

1,8

Lao động đã qua đào tạo

Người

9.296

10.800

6.019

7.260

Hướng dẫn viên du lịch

Người

300

321

329

337

Nguồn: Tác giả tổng hợp từ số liệu thu thập của Sở Du lịch tỉnh Quảng Bình

Theo đó, đến năm 2022 số lượng lao động trong lĩnh vực du lịch là khoảng 11.000 người, chiếm tỷ lệ 1,6% lao động trong toàn tỉnh. Tuy nhiên, chất lượng lao động vẫn còn thiếu so với yêu cầu từ thực tiễn, có khoảng 60% lao động trong lĩnh vực du lịch đã qua đào tạo.

4. Đánh giá chuỗi giá trị du lịch tỉnh Quảng Bình

4.1. Những kết quả đạt được

Thứ nhấtcông tác quản lý nhà nước về du lịch được thực hiện tốt, hoàn thiện xây dựng môi trường du lịch văn minh, khẳng định thương hiệu điểm đến an toàn, thân thiện và khác biệt.

Thứ hai, lượng khách du lịch đến Quảng Bình có dấu hiệu tăng trở lại nhanh sau đi dịch, các cơ sở lưu trú được đầu tư tăng nhanh về số lượng, chất lượng ở các phân khúc thị trường khác nhau.

Thứ ba, kết cấu hạ tầng có bước phát triển đột phá, nhất là các tuyến giao thông trọng yếu. Một số công trình hạ tầng được đầu tư từ Chương trình Phát triển hạ tầng du lịch quốc gia đã hoàn thành và đưa vào hoạt động.

4.2. Một số hạn chế

Thứ nhất, du lịch Quảng Bình mang tính thời vụ rất cao, mùa mưa bão và mùa đông rất vắng khách du lịch. Du khách phần lớn chỉ đến một lần tập trung ở khu vực Vườn Quốc gia Phong Nha - Kẻ Bàng, các loại hình khác chưa phong phú, hấp dẫn.

Thứ hai, số doanh nghiệp hoạt động du lịch còn ít, chủ yếu là quy mô nhỏ, vốn ít, yếu về năng lực và nghiệp vụ kinh doanh. Số lượng khách sạn, khu nghỉ dưỡng cao cấp, hiện đại còn ít.

Thứ ba, lao động dịch vụ, du lịch còn thiếu kinh nghiệm, nhất là trình độ nghiệp vụ, tính chuyên nghiệp, ngoại ngữ và khả năng giao tiếp, ứng xử chưa đáp ứng yêu cầu.

Nguyên nhân:

Dịch Covid-19 đã ảnh hưởng nặng nề đến năng lực tài chính của các doanh nghiệp, dẫn đến việc đầu tư phát triển các sản phẩm du lịch mới, các dự án du lịch bị chậm tiến độ.

Du lịch Việt Nam mới chỉ mở cửa với các thị trường quốc tế từ ngày 15/3/2022 và đang trong quá trình hoàn thiện các phương án mở cửa song phương, đa phương với các thị trường khách du lịch trọng điểm. Do đó chưa thực hiện được các chương trình quảng bá, xúc tiến du lịch tại các thị trường quốc tế và xây dựng các chiến lược marketing với sự tư vấn của các chuyên gia nước ngoài.

Các loại hình du lịch Quảng Bình chưa có nhiều sản phẩm thích ứng với điều kiện khí hậu, thời tiết,… Bên cạnh đó, đa số các doanh nghiệp hoạt động kinh doanh du lịch hiện tại có quy mô vừa và nhỏ, năng lực cạnh tranh yếu, chưa đủ sức vươn ra thị trường trong nước và quốc tế.

5. Kết luận

Nghiên cứu chuỗi giá trị du lịch là một xu thế của thời đại hội nhập quốc tế, là mục tiêu đặt ra cho nhiều quốc gia và nhiều địa phương trong cả nước. Qua nghiên cứu cho thấy chuỗi giá trị du lịch của Quảng Bình còn có hạn chế nhất định. Để phát triển chuỗi giá trị du lịch của Quảng Bình trong thời gian tới, Tỉnh cần thực hiện đầy đủ, tổng thể các giải pháp, như: Hoàn thiện quy hoạch, chính sách phát triển du lịch; Phát triển nguồn nhân lực phục vụ du lịch; Xã hội hóa du lịch và đẩy mạnh hoạt động quảng bá các điểm du lịch,...

 TÀI LIỆU THAM KHẢO:

Tiếng Việt:

  1. Nguyễn Quang Học (2015), Phát triển chuỗi giá trị du lịch tỉnh Ninh Bình, Luận văn thạc sĩ, Trường Đại học Thăng Long.
  2. Lương Thị Linh (2012), Chuỗi giá trị dệt may toàn cầu và khả năng tham gia của ngành Dệt May Việt Nam, Luận văn thạc sĩ, Trường Đại học Kinh tế - Đại học Quốc gia Hà Nội.
  3. Nguyễn Phú Son (2012), Phân tích chuỗi giá trị sản phẩm bò, cừu và dê tỉnh Ninh Thuận, Dự án hỗ trợ tam nông tỉnh Ninh Thuận, Trường Đại học Cần Thơ.
  4. Đỗ Cẩm Thơ (2008), Nghiên cứu xây dựng sản phẩm du lịch Việt Nam có tính cạnh tranh trong khu vực và quốc tế, Đề tại nghiên cứu cấp Bộ Văn hóa Thể thao và Du lịch.
  5. Tỉnh ủy Quảng Bình (2020), Nghị quyết của Ban chấp hành Đảng bộ tỉnh về phát triển du lịch đến năm 2025, tầm nhìn đến năm 2030.

A study on Quang Binh province’s tourism value chain

Master. Pham Thi Bich Thuy

Faculty of Economics and Tourism, Quang Binh University

 

Abstract:

Tourism is one of the spearhead economic sectors that cause less environmental pollution. Tourism development is receiving attention around the world and it has become an economic development trend in many countries. In order to develop a complete tourism value chain with optimal values, it requires the participation of many sectors as well as the cooperation among localities. This paper is to propose three major solutions for the development of tourism value chain in general; for major stakeholders in the tourism value chain of Quang Binh province; and for the supporting activities that facilitating the development of Quang Binh province’s tourism value chain.

Keywords: tourism value chain, Quang Binh province.

[Tạp chí Công Thương - Các kết quả nghiên cứu khoa học và ứng dụng công nghệ, Số 10 tháng 4 năm 2023]

Tạp chí Công Thương