Nghiên cứu xây dựng quy trình kiểm tra đánh giá chất lượng độ bền màu của vải sau nhuộm

ThS. LÊ THÚY NHUNG - ThS. NGUYỄN CẨM HƯỜNG (Trường Đại học Công nghiệp Thực phẩm Thành phố Hồ Chí Minh)

TÓM TẮT:

Nghiên cứu này được thực hiện với mục tiêu xây dựng quy trình đánh giá chất lượng độ bền màu giặt và ủi trên 2 loại vải Silk Habotai và Bamboo sau nhuộm với sự hỗ trợ của tủ so màu và thước xám. Các yếu tố được khảo sát trong quá trình đánh giá độ bền màu là giặt và ủi (khô, ẩm và ướt). Kết quả thu được sau khi đánh giá là chất lượng độ bền màu vải Silk Habotai và Bamboo sau nhuộm đạt cấp độ 4 - 5 và phù hợp với kết quả được gửi đánh giá tại trung tâm kiểm tra chất lượng. Quy trình đánh giá độ bền màu giặt và ủi đề xuất có thể áp dụng dễ dàng, tốn ít thời gian và tiết kiệm chi phí giúp cho sinh viên tại các trường Đại học hoặc nhân viên tại các cơ sở dệt nhuộm.

Từ khóa: độ bền màu, vải Silk Habotai, vải Bamboo.

1. Đặt vấn đề

Độ bền màu là khả năng giữ màu của vật liệu dệt may khi đã được nhuộm hoặc in hoa, chịu tác dụng cơ, lý, hóa gắn với điều kiện sản xuất và sử dụng [1]. Đây cũng là một trong những tiêu chuẩn đánh giá chất lượng cũng như quyết định giá thành của sản phẩm như áo sơ mi, quần tây của nam, đầm công sở của nữ,… Việc đánh giá độ bền màu của vải sau nhuộm có thể được đánh giá thông qua giá trị DE (độ sai lệch màu sắc đo theo tọa độ CIELAB) sau khi chịu tác động của các yếu tố như giặt, là, cọ xát, mồ hôi, ánh sáng, thời tiết, so với mẫu vải gốc ban đầu [1]. Trong đó, hai yếu tố quan trọng nhất cần xác định là độ bền màu với giặt và ủi.

Trên thế giới, việc đánh giá độ bền màu của vải sau nhuộm được chú trọng từ lâu thông qua các trung tâm phân tích, thử nghiệm và giám định như CPSP (Mỹ), Decthlon (Pháp), Bureau Veritas (Bỉ), SGS (Đức), Intertek (Anh),… và được phân bố rộng khắp các quốc gia. Các thử nghiệm tiêu chuẩn đã được ISO, AATCC [2] , JIS đặc biệt phát triển nhằm khắc phục những vấn đề mà vải sau nhuộm phải đối mặt do độ bền màu xảy ra trong quá trình sử dụng. Đánh giá sự thay đổi màu sắc trong các thử nghiệm này theo truyền thống được thực hiện bằng mắt thường thông qua cách tham khảo các thang màu xám tiêu chuẩn đang được sử dụng rộng rãi hơn.

Ở Việt Nam, không có yêu cầu pháp lý nào bắt buộc về việc kiểm tra độ bền màu của sản phẩm vải sau nhuộm, nhưng để có thể tăng uy tín của thương hiệu dệt may đối với người tiêu dùng như sản phẩm may mặc của An Phước, Việt Tiến, Đan Châu,… hoặc có thể xuất hàng đi các quốc gia khác trên thế giới như Mỹ, Pháp, Singapore,… cần phải có giấy chứng nhận “Kết quả thử nghiệm” về độ bền màu của sản phẩm. Từ đó, tầm quan trọng của việc đánh giá chất lượng sản phẩm vải sau nhuộm thông qua độ bền màu là khá cần thiết.

Hiện nay, với số lượng các trung tâm phân tích, thử nghiệm và giám định kết quả về độ bền màu của vải sau nhuộm trên cả nước là không nhiều, chỉ một vài nơi có khả năng thực hiện như: Chi nhánh Công ty CP Viện Nghiên cứu Dệt May (quận 1, TP. Hồ Chí Minh), Trung tâm Kỹ thuật Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng 3 (Đồng Nai, TP. Hồ Chí Minh), Viện Nghiên cứu Dệt May (Hà Nội),… Với số lượng này không thể đáp ứng đủ nhu cầu kiểm tra thử nghiệm ngày càng nhiều của các công ty dệt - nhuộm khắp cả nước.

Ngoài ra, để có thể đánh giá độ bền màu của vải sau nhuộm theo TCVN hoặc ISO,  cần có phòng thí nghiệm và trang thiết bị phù hợp với từng tiêu chí thử nghiệm. Điều này là khó đối với các trường đại học như: Trường Đại học Bách khoa TP. Hồ Chí Minh, Trường Đại học Công nghiệp Thực phẩm TP. Hồ Chí Minh,… hoặc doanh nghiệp vừa và nhỏ, bởi những thiết bị chuyên dụng khá đắt tiền. Đồng thời, quy trình đánh giá độ bền màu không phải nhân viên nào cũng nắm rõ hoặc chưa được đào tạo cụ thể.

Chính vì vậy, xây dựng quy trình kiểm tra đánh giá chất lượng độ bền màu của vải sau nhuộm là cần thiết và góp phần giải quyết những hạn chế nêu trên. Đồng thời, quy trình kiểm tra đánh giá này sẽ là cơ sở giúp sinh viên chuyên ngành Hóa - Nhuộm hoặc nhân viên của các công ty dệt - nhuộm có thể tự kiểm tra đánh giá chất lượng vải sau nhuộm ở phòng thí nghiệm của trường đại học hoặc nhà máy dệt nhuộm. Từ đó, đề xuất biện pháp khắc phục lỗi nhuộm trên vải trước khi có kết quả đánh giá mẫu vải nhuộm từ các trung tâm phân tích.

2. Phương pháp nghiên cứu

2.1. Đối tượng nghiên cứu

2.1.1. Vật liệu nhuộm

Nghiên cứu sử dụng các mẫu vải Habotai được cung cấp bởi Công ty TNHH Dệt Lụa tơ tằm Toàn Thịnh và vải Bamboo được cung cấp bởi Công ty TNHH Thương mại Tân Đông Quang với kích thước mỗi mẫu là (100 x 40) ± 2 mm và có các thông số kỹ thuật được thể hiện ở Bảng 1.

Bảng 1. Thông số kỹ thuật của các mẫu vải sau nhuộm

thong-so-ky-thuat-cua-cac-mau-vai-sau-nhuom

Nguồn: Báo cáo của nhóm tác giả.

Vải Silk Habotai có trọng lượng 51,6 - 68,8 gam/m2; mỏng, nhẹ, mềm mại và mát dịu; được nhuộm tại Trung tâm Thí nghiệm Thực hành của Trường Đại học Công nghiệp Thực phẩm bằng phương pháp nhuộm gián đoạn (tận trích hay mẻ) bằng thuốc nhuộm tự nhiên là dịch màu trích ly từ lá xoài. Kết quả cho thấy, 2 bề mặt vải Habotai có màu vàng đậm giống nhau như Hình 1.

Hình 1. Các mẫu vải sau nhuộm

2.1.2. Vật liệu vải thử kèm CO trắng                                                  

Nghiên cứu sử dụng mẫu vải thử kèm CO trắng, có độ mịn và bóng với kích thước là (100 x 40) ± 2 mm và có các thông số kỹ thuật được thể hiện ở Bảng 2 và Hình 2.

Bảng 2. Thông số kỹ thuật của vải thử kèm CO trắng

thong-so-ky-thuat-cua-vai-thu-kem-co-trang

Hình 2. Vải thử kèm CO

vai-thu-kem-co

Nguồn: Nhóm tác giả thực hiện

2.1.3. May ghép vải

Chuẩn bị 1 mẫu vải nhuộm và 1 mẫu vải thử kèm CO trắng có cùng kích thước là (100 x 40) ± 2 mm, xếp chồng ngay ngắn với nhau và được kết nối với nhau bằng chỉ trắng. May cạnh ngắn của vải thử nghiệm như Hình 3.

Hình 3. May ghép mẫu vải thử nghiệm

may-ghep-mau-vai-thu-nghiem

Nguồn: Nhóm tác giả thực hiện

2.2. Thiết bị nghiên cứu

2.2.1. Thiết bị so màu vải nhuộm                            

            Thiết bị so màu vải nhuộm ở Hình 4 được sử dụng trong nghiên cứu là tủ so màu của hãng Tilo T60/5 (Trung Quốc) tại Phòng Thí Nghiệm của Công ty CP Viện Nghiên cứu Dệt may TP. Hồ Chí Minh, với ưu điểm là kiểm tra màu sắc sản phẩm vải sau nhuộm nhanh chóng và đáng tin cậy bằng nguồn sáng tiêu chuẩn (D65) mà không chịu ảnh hưởng bởi ánh sáng bên ngoài.

Hình 4. Thiết bị so màu vải nhuộm

thiet-bi-so-mau-vai-nhuom

Nguồn: Nhóm tác giả thực hiện

2.2.2. Thước xám

            Công cụ được sử dụng để đánh giá độ bền màu của vải sau nhuộm trong nghiên cứu là thước xám tại Phòng Thí nghiệm của Công ty CP Viện Nghiên cứu Dệt May TP. Hồ Chí Minh. Hiện nay, có 2 loại phổ biến là thước xám đo độ phai màu James Heal ISO - A02 (Hình 4a) và thước xám đo độ dây màu James Heal ISO - A03 (Hình 4b) bao gồm 9 cặp màu xám được đánh số từ 1 đến 5 thể hiện 5 cấp độ với ý nghĩa cấp 1 - kém nhất, cấp 2 - kém, cấp 3 - trung bình, cấp 4 - bình thường, cấp 5 - tốt nhất.

Hình 5. Thước xám

thuoc-xam

2.3. Nội dung nghiên cứu

2.3.1. Xây dựng quy trình kiểm tra đánh giá độ bền màu giặt trên vải sau nhuộm

            Tiến hành kiểm tra đánh giá độ bền màu giặt vải sau nhuộm dựa theo TCVN 7835 - C10 : 2007 (ISO 105 - C10 : 2006) Vật liệu dệt - phương pháp xác định độ bền màu - phần C10: Độ bền màu với giặt bằng xà phòng hoặc xà phòng và soda [3]. Phương pháp này được thực hiện tại các phòng thí nghiệm của các trung tâm phân tích chuyên về lĩnh vực dệt may cho thấy kết quả đạt được khá cao. Các bước thực hiện có sửa đổi cho phù hợp với điều kiện phòng thí nghiệm và được thể hiện ở Sơ đồ 1.

Sơ đồ 1. Quy trình kiểm tra đánh giá độ bền màu giặt của vải sau nhuộm

quy-trinh-kiem-tra-danh-gia-do-ben-mau-giat-cua-vai-sau-nhuom

Nguồn: Nhóm tác giả thực hiện

2.3.2. Xây dựng quy trình kiểm tra đánh giá độ bền màu ủi trên vải sau nhuộm

            Tiến hành kiểm tra đánh giá độ bền màu ủi dựa theo TCVN 7835 - X11 : 2007 Vật liệu dệt - phương pháp xác định độ bền màu - phần X11: độ bền màu với là ép nóng [4]. Phương pháp này được thực hiện tại các phòng thí nghiệm của các trung tâm phân tích chuyên về lĩnh vực dệt may cho thấy kết quả đạt được khá cao. Các bước thực hiện có sửa đổi cho phù hợp với điều kiện phòng thí nghiệm và được thể hiện ở Sơ đồ 2.

Sơ đồ 2. Quy trình kiểm tra đánh giá độ bền màu ủi của vải sau nhuộm

quy-trinh-kiem-tra-danh-gia-do-ben-mau-ui-cua-vai-sau-nhuom

Nguồn: Nhóm tác giả thực hiện

2.4. Phương pháp đánh giá

            Độ bền màu của vải sau nhuộm được đánh giá cụ thể như sau:

            Mở công tắc tủ so màu, dùng vải CO trắng có kích thước 200 x 200 mm phủ lên trên bề mặt bảng nghiêng với mục đích không để cho mẫu bị ảnh hưởng bởi các yếu tố màu sắc xung quanh. Đặt mẫu vải nhuộm cần đánh giá dưới nguồn sáng của tủ so màu trên bảng nghiêng 45°.

Hình 6. Hướng dẫn góc mắt quan sát tủ so màu

huong-dan-goc-mat-quan-sat-tu-so-mau

Nguồn: Nhóm tác giả thực hiện

            Dùng kéo cắt loại bỏ những xơ vương trên bề mặt vải thử kèm, đặt mẫu vải sau nhuộm góc ban đầu bên trái mẫu vải nhuộm cần đánh giá (ở vị trí cùng chiều, cùng tương đương màu sắc cần đánh giá).

            Dùng thang chuẩn thước xám để đánh giá độ phai màu và độ dây màu. Ghi nhận kết quả đánh giá. Nếu có sự chênh lệch giữa hai người đánh giá là một cấp hoặc hơn thì cần thêm một người đánh giá thứ ba để lấy giá trị gần nhất và đánh giá kết quả cuối cùng theo Bảng 3.

Bảng 3. Hướng dẫn chọn kết quả đánh giá bằng thước xám

James Heal ISO - A02

huong-dan-chon-ket-qua-danh-gia-bang-thuoc-xam-james-heal-iso---a02

Nguồn: Nhóm tác giả thực hiện

3. Kết quả và thảo luận

3.1. Kết quả đánh giá độ bền màu giặt trên vải sau nhuộm

Quy trình đánh giá độ bền màu giặt trên vải Habotai và Bamboo sau nhuộm được thực hiện theo Sơ đồ 1 và cho kết quả đánh giá dựa vào thước xám và tủ so màu được thể hiện ở Bảng 4 và Bảng 5.

Bảng 4. Kết quả đánh giá độ bền màu giặt của vải Habotai sau nhuộm

ket-qua-danh-gia-do-ben-mau-giat-cua-vai-habotai-sau-nhuom

Nguồn: Nhóm tác giả thực hiện

Bảng 5. Kết quả đánh giá độ bền màu giặt của vải Bamboo sau nhuộm

ket-qua-danh-gia-do-ben-mau-giat-cua-vai-bamboo-sau-nhuom

Nguồn: Nhóm tác giả thực hiện

Kết quả cho thấy, mẫu vải Habotai và Bamboo sau nhuộm gần như không phai màu, vải thử kèm CO không bị dây màu và độ lặp lại 3 lần giặt cho kết quả như nhau. Độ phai màu đạt cấp 4-5 và độ dây màu đạt cấp 4-5. Điều này chứng tỏ, vải Habotai và Bamboo có độ bền màu sau 3 lần giặt và phù hợp với kết quả được gửi đến trung tâm kiểm nghiệm của Công ty cổ phần Viện Nghiên cứu Dệt May TP. Hồ Chí Minh phân tích ở Hình 7.

3.2. Kết quả đánh giá độ bền màu ủi trên vải Habotai và Bamboo sau nhuộm

Quy trình đánh giá độ bền màu ủi (khô, ẩm và ướt) trên vải Habotai và Bamboo sau nhuộm được thực hiện theo Sơ đồ 2 và cho kết quả đánh giá dựa vào thước xám và tủ so màu được thể hiện ở Bảng 6.

Bảng 6. Kết quả đánh giá độ bền màu ủi trên vải Habotai và Bamboo

sau nhuộm

ket-qua-danh-gia-do-ben-mau-ui-tren-vai-habotai-va-bamboo-sau-nhuom

Nguồn: Nhóm tác giả thực hiện

Kết quả cho thấy, mẫu vải Habotai và Bamboo sau nhuộm gần như không phai màu, vải thử kèm CO không bị dây màu và độ lặp lại 3 lần ủi (khô, ẩm và ướt) cho kết quả như nhau. Độ phai màu đạt cấp 4 - 5 và độ dây màu đạt cấp 4 - 5. Điều này chứng tỏ, vải Habotai và Bamboo có độ bền màu sau 3 lần ủi và phù hợp với kết quả được gửi đến trung tâm kiểm nghiệm của Công ty CP Viện Nghiên cứu Dệt may TP. Hồ Chí Minh phân tích ở Hình 7.

Hình 7. Kết quả phân tích tại Trung tâm kiểm nghiệm

ket-qua-phan-tich-tai-trung-tam-kiem-nghiem

Nguồn: Nhóm tác giả thực hiện

5. Kết luận

Nghiên cứu bước đầu đã xây dựng thành công quy trình kiểm tra đánh giá chất lượng độ bền màu giặt và ủi của vải sau nhuộm. Kết quả đánh giá độ bền màu giặt và ủi trên vải Silk Habotai và vải Bamboo sau nhuộm với sự hỗ trợ của tủ so màu và thước xám là đạt yêu cầu, phù hợp với kết quả được gửi đánh giá tại trung tâm phân tích. Với ưu điểm là dễ dàng thực hiện, tốn ít thời gian và tiết kiệm chi phí giúp cho sinh viên tại các trường Đại học hoặc nhân viên tại các cơ sở dệt nhuộm có thể tự kiểm tra đánh giá sơ bộ và kịp thời điều chỉnh nếu có sai xót xảy ra trong quá trình nhuộm.

Trên cơ sở nghiên cứu, có thể áp dụng quy trình đánh giá độ bền màu giặt và ủi tại các cơ sở dệt nhuộm với quy mô vừa và nhỏ hoặc phòng thí nghiệm dệt nhuộm của các trường Đại học. Đồng thời, mở rộng hướng nghiên cứu đánh giá độ bền màu giặt và ủi trên các loại vải sau nhuộm khác nhau như Polyester, Coton, Kate,… và độ bền màu khác như ánh sáng, thời tiết, cọ xát và mồ hôi.

 

TÀI LIỆU THAM KHẢO:

  1. Trần Thị Kim Phượng, Nguyễn Thị Phương Thảo, Nguyễn Thị Tuyết Trinh (2012). Nghiên cứu các yếu tố ảnh hưởng đến độ bền màu của vải trong quá trình giặt, là (ủi). Tạp chí Trường Đại học Công nghiệp, số 6 (09), trang 32-39.
  2. American Association of Textile Chemists and Colorists. (2006). AATCC Technical manual, V. 81. Research Triangle, North Carolina, United States: American Association of Textile Chemists and Colorists.
  3. TCVN 7835 - C10:2007. Vật liệu dệt - phương pháp xác định độ bền màu - phần C10: độ bền màu với giặt bằng xà phòng hoặc xà phòng và soda.
  4. TCVN 7835 - X11:2007. Vật liệu dệt - phương pháp xác định độ bền màu - phần X11: độ bền màu với là ép nóng.

 

DEVELOPING THE PROCESS FOR

ASSESSING THE COLOR FASTNESS OF DYED FABRIC

Master. LE THUY NHUNG1

 Master. NGUYEN CAM HUONG1

1 Ho Chi Minh city University of Food Industry

ABSTRACT:

This study is to develop a process for assessing the washing and ironing color fastness of dyed Silk Habotai fabric and Bamboo fabric with the use of colorimeter and gray scale. In this study, the effects of washing and ironing conditions (dry, moist, and wet) on the color fastness of fabric were examined. The study’s results show that the color fastness of dyed Silk Habotai fabric and Bamboo fabric is at 4 - 5 level and these results are consistent with the evaluation of the quality control center. The study’s proposed washing and ironing fastness assessment process is easily applied, less time-consuming, and less expensive for university students and staff at dyeing and textile facilities.

Keywords: color fastness, Silk Habotai fabric, Bamboo fabric.

[Tạp chí Công Thương - Các kết quả nghiên cứu khoa học và ứng dụng công nghệ, 

Số 20, tháng 8 năm 2021]