Khơi dậy các nguồn lực
Nội dung quan trọng nhất là tiếp tục cắt giảm các điều kiện đầu tư kinh doanh, đơn giản hóa thủ tục hành chính và nâng cao chất lượng dịch vụ công trực tuyến của ngành Công Thương.
Đây là nhiệm vụ trọng tâm xuyên suốt, có ý nghĩa quyết định trong quá trình đổi mới và nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước trong các lĩnh vực được Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ giao cho Bộ Công Thương.
Một nội dung khác nhằm khơi dậy nguồn lực là đẩy nhanh quá trình thực hiện các mục tiêu tái cơ cấu trong ngành Công Thương theo Đề án được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt gắn với ứng dụng khoa học công nghệ và thúc đẩy đổi mới sáng tạo trong các lĩnh vực hoạt động của ngành.
Trong đó xác định trọng tâm tái cơ cấu trong giai đoạn tiếp theo phải được đẩy nhanh thực hiện trên nguyên tắc chất lượng, lấy việc nâng cao năng lực cạnh tranh của sản phẩm, hiệu quả của đầu tư, khả năng tham gia của doanh nghiệp vào chuỗi giá trị toàn cầu làm tiêu chí cho quá trình này.
Đồng thời, tập trung cao độ vào giải quyết các vấn đề còn tồn tại nhằm bảo đảm nguồn năng lượng phục vụ phát triển kinh tế - xã hội cho đất nước trong tời gian tới theo hướng bền vững trên cơ sở huy động sự tham gia mạnh mẽ của khu vực kinh tế ngoài nhà nước. Bảo đảm trong mọi tình huống không để xảy ra thiếu điện phục vụ sản xuất và đời sống của nhân dân.
Bắt nhịp cùng dòng chảy
Nhìn trên quan điểm tổng thể, khơi dậy nguồn lực cũng chính là khai thác hiệu quả các FTA đã có hiệu lực, và tích cực chuẩn bị trong nước cho việc thực thi hiệu quả các FTA thế hệ mới.
Trong đó, chú trọng thực hiện các cam kết với WTO và ASEAN. Tiếp tục vận động phê chuẩn Hiệp định EVFTA và Hiệp định IPA; tích cực chuẩn bị cho việc thực thi hiệu quả các FTA thế hệ mới.
Cùng với đó là xử lý một cách căn bản hơn các vấn đề về xuất nhập khẩu, xúc tiến thương mại và phát triển thị trường ngoài nước. Cụ thể, nâng cao hiệu quả của cơ chế phối hợp với các Bộ ngành, địa phương và hiệp hội doanh nghiệp để tạo sự kết nối, phối hợp đồng bộ hơn trong việc xử lý các vấn đề phát sinh trong thương mại quốc tế.
Trong đó có những vấn đề về vượt qua các rào cản thương mại, kiểm dịch động thực vật; chống trợ cấp, chống bán phá giá, gian lận xuất xứ, chuyển tải bất hợp pháp để lẩn tránh biện pháp phòng vệ thương mại đối với hàng hóa xuất khẩu của Việt Nam.
Đồng thời hoàn thiện công tác xúc tiến thương mại và mở rộng thị trường cho hàng hóa xuất khẩu của Việt Nam.
Cùng với thúc đẩy sự phát triển và phát huy hiệu quả vai trò thị trường trong nước, ứng dụng mạnh mẽ công nghệ thông tin trong hoạt động thương mại, phát triển mạnh thương mại điện tử và sự gắn kết giữa thương mại điện tử với các loại hình thương mại truyền thống.
Thực hiện có hiệu quả các giải pháp bảo đảm cân đối cung cầu, gắn kết giữa sản xuất với phân phối hàng hóa, tăng cường liên kết trong chuỗi giá trị, chú trọng đến các mặt hàng nông sản.
Với những định hướng nhiệm vụ và giải pháp trọng tâm được xác định như trên, Bộ Công Thương đã tiến hành việc xây dựng Kế hoạch hành động chi tiết để bảo đảm ngay sau khi Nghị quyết số 01 và Nghị quyết số 02 năm 2020 của Chính phủ được ban hành, Bộ Công Thương cũng sẽ có thể chính thức ban hành Kế hoạch hành động và tổ chức triển khai thực hiện trong toàn Ngành.