Nguyên tắc xác định tài sản của vợ chồng theo pháp luật Việt Nam hiện hành

Đề tài Nguyên tắc xác định tài sản của vợ chồng theo pháp luật Việt Nam hiện hành do Nguyễn Thuỳ Dương (Sinh viên Trường Đại học Luật Hà Nội) thực hiện.

TÓM TẮT:

Theo quy định của Luật Hôn nhân và Gia đình (HN&GĐ) năm 2014, dù vợ chồng chọn chế độ tài sản (CĐTS) nào thì vẫn phải tuân thủ nguyên tắc của CĐTS đó. Điều này đảm bảo các quy định và nguyên tắc của CĐTS được áp dụng một cách công bằng và minh bạch trong việc quản lý và chia sẻ tài sản trong quan hệ hôn nhân. Bài viết nhằm làm rõ nguyên tắc xác định tài sản của vợ chồng theo pháp luật Việt Nam hiện hành đồng thời đưa ra một số đề xuất, kiến nghị để đảm bảo quyền lợi của cá nhân vợ, chồng cũng như các thành viên trong gia đình và quyền, lợi ích của những người có liên quan, sự ổn định của các quan hệ tài sản trong các mối quan hệ dân sự nói chung.

Từ khóa: tài sản của vợ chồng, chế độ tài sản, Luật Hôn nhân và gia đình.

1. Nguyên tắc xác định tài sản của vợ chồng

1.1. Nguyên tắc bình đẳng với nhau về quyền, nghĩa vụ trong việc tạo lập, chiếm hữu, sử dụng, định đoạt tài sản chung; không phân biệt giữa lao động trong gia đình và lao động có thu nhập

Trong đời sống chung của vợ chồng, ngoài tình cảm là sự gắn bó của vợ và chồng thì tài sản là sự duy trì cuộc sống chung của vợ chồng. Vợ chồng cùng chung sức, cùng duy trì khối tài sản chung do đó rất khó để xác định phần tài sản của vợ hoặc của chồng nên vợ chồng có quyền ngang nhau trong việc hưởng thụ, sử dụng và định đoạt khối tài sản chung.

Không chỉ quy định “vợ, chồng bình đẳng với nhau về quyền, nghĩa vụ trong việc tạo lập, chiếm hữu, sử dụng, định đoạt tài sản chung”, khoản 1 Điều 29 Luật HN & GĐ năm 2014 còn quy định: “không phân biệt giữa lao động trong gia đình và lao động có thu nhập”. Điều này cho thấy “lao động trong gia đình” (công việc nội trợ, chăm sóc con cái,...) hầu hết đều do người vợ thực hiện đã được pháp luật ghi nhận công bằng với lao động tạo ra thu nhập thường do người chồng thực hiện. Quy định có ý nghĩa rất lớn, nhất là trong trường hợp người vợ, chồng thực hiện chế độ tài sản riêng thì khi chấm dứt chế độ tài sản người vợ, chồng làm công việc nội trợ có quyền yêu cầu bên kia thanh toán cho mình phần tài sản tương đương với phần công sức đóng góp của mình.

Hiện nay, không chỉ có người chồng trong gia đình làm kinh tế mà người vợ cũng làm kinh tế để phát triển gia đình, do đó cả vợ và chồng đều có tài sản do mình tạo ra trước khi kết hôn, trong thời kỳ hôn nhân. Việc vợ, chồng muốn thỏa thuận tài sản trước khi kết hôn để phân định rõ tài sản sau khi kết hôn là điều dễ hiểu bởi mỗi người đều có nhu cầu cá nhân riêng. Nguyên tắc này hoàn toàn phù hợp với thực tiễn phát triển của Việt Nam và thế giới trong xu hướng bình đẳng giới đang được nâng cao, đặt ra trong mọi lĩnh vực của đời sống và đặc biệt là đời sống chung của vợ chồng.

1.2. Nguyên tắc có nghĩa vụ đảm bảo điều kiện để đáp ứng nhu cầu thiết yếu của gia đình

Hôn nhân là hiện tượng trong xã hội, là sự gắn kết của người nam nữ dựa trên những yếu tố tự nhiên. Xây dựng gia đình hạnh phúc, bền vững là một trong những mục đích quan trọng của hôn nhân. Gia đình là một tế bào của xã hội, gia đình hạnh phúc thì xã hội mới ổn định, văn minh. Vì vậy, đám bảo nhu cầu thiết yếu của gia đình là điều quan trọng, đảm bảo cuộc sống cho các thành viên trong gia đình là trách nhiệm của vợ chồng. Khoản 2 Điều 29 Luật HN & GĐ năm 2014 có quy định: “Vợ, chồng có nghĩa vụ bảo đảm điều kiện để đáp ứng nhu cầu thiết yếu của gia đình.” Cụ thể hơn, Điều 30 Luật HN & GD năm 2014 quy định về quyền, nghĩa vụ của vợ, chồng trong việc đáp ứng nhu cầu thiết yếu của gia đình như sau:

“1. Vợ, chồng có quyền, nghĩa vụ thực hiện giao dịch nhằm đáp ứng nhu cầu thiết yếu của gia đình

2. Trong trường hợp vợ, chồng không có tài sản chung hoặc tài sản chung không đủ để đáp ứng nhu cầu thiết yếu của gia đình thì vợ, chồng có nghĩa vụ đóng góp tài sản riêng theo khả năng kinh tế của mỗi bên.”

Theo đó, dù vợ chồng lựa chọn chế độ tài sản nào, có tài sản hay không có tài sản thì vợ, chồng cũng phải đảm bảo nhu cầu thiết yếu của gia đình. Khoản 20 Điều 3 Luật HN & GĐ năm 2014 quy định: “Nhu cầu thiết yếu là nhu cầu sinh hoạt thông thường về ăn, mặc, ở, học tập, khám bệnh, chữa bệnh và nhu cầu sinh hoạt thông thường khác không thể thiếu cho cuộc sống của mỗi người, mỗi gia đình.” Tùy theo khả năng kinh tế của mình mà vợ, chồng phải đảm bảo cuộc sống cho gia đình, những nhu cầu thiết yếu diễn ra hàng ngày.

Đối với gia đình, chỗ ở là việc rất quan trọng và đòi hỏi sự ổn định. Điều 31 Luật HN & GĐ năm 2014 quy định: “Việc xác lập, thực hiện, chấm dứt các giao dịch liên quan đến nhà là nơi ở duy nhất của vợ chồng phải có sự thỏa thuận của vợ chồng. Trong trường hợp nhà ở thuộc sở hữu riêng của vợ hoặc chồng thì chủ sở hữu có quyền xác lập, thực hiện, chấm dứt giao dịch liên quan đến tài sản đó nhưng phải bảo đảm chỗ ở cho vợ chồng”. Như vậy, đối với tài sản là nhà - nơi ở duy nhất của vợ chồng thì việc định đoạt phải có sự đồng ý của vợ chồng. Trong trường hợp nhà ở là tài sản riêng của vợ, chồng thì vợ, chồng có quyền định đoạt đối với tài sản này, tuy nhiên nếu đây là chỗ ở chung của vợ chồng thì việc định đoạt phải được sự đồng ý của cả vợ và chồng. Hay nói cách khác, nhà ở là tài sản riêng của vợ chồng thì việc định đoạt vẫn cần có sự thỏa thuận của vợ chồng nếu đây là nơi ở chung của vợ chồng. Có thể thấy việc vợ chồng lập văn bản thỏa thuận về tài sản trước khi kết hôn, trong đó quy định rõ quyền và nghĩa vụ về tài sản giữa vợ, chồng để áp dụng trong mọi trường hợp và những biện pháp bảo đảm thực hiện sẽ bảo vệ được lợi ích của gia đình, không phá vỡ tính cộng đồng của hôn nhân đồng thời cùng cố mối quan hệ gia đình hơn.

Tuy nhiên, đối với trường hợp một bên vợ hoặc chồng tiến hành các giao dịch liên quan đến nhóm tài sản chung là bất động sản, động sản phải đăng ký quyền sở hữu hoặc tài sản đang là nguồn sinh ra thu nhập chính của gia đình mà không có sự thỏa thuận ý chí với chồng hoặc vợ mình thì cho dù là giao dịch chỉ nhằm mục đích thỏa mãn nhu cầu thiết yếu của gia đình cũng không làm phát sinh trách nhiệm chung đối với tài sản của vợ chồng. Khi ấy, chồng hoặc vợ không tham dự các giao dịch có quyền đề nghị Tòa án tuyên bố giao dịch là vô hiệu và giải quyết hậu quả pháp lý của giao dịch vô hiệu. Chẳng hạn: Khi con đau ốm, bệnh tật, người vợ đã tự ý bán nhà là tài sản chung của vợ chồng để có tiền điều trị bệnh cho con nhưng không bàn bạc, không tham khảo ý kiến của chồng thì về nguyên tắc, giao dịch bán nhà đó là vô hiệu, người vợ phải chịu trách nhiệm bồi thường thiệt hại về tài sản chung bằng tài sản riêng của mình, trừ trường hợp vợ chồng có thỏa thuận khác. Quy định này nhằm mục đích đảm bảo quyền lợi chung của gia đình, bởi vì đây là những tài sản có giá trị lớn, có vai trò quyết định đến cuộc sống gia đình, cho nên yêu cầu cần phải có sự thảo luận, thỏa thuận nhất trí của cả hai vợ chồng đối với vấn đề định đoạt tài sản.

Hay trong trường hợp vợ chồng kinh doanh chung, pháp luật quy định phải có sự thỏa thuận của vợ chồng trong việc đưa tài sản chung vào kinh doanh và phải chứng minh bằng văn bản. Tuy nhiên, trong thực tiễn, trường hợp vợ hoặc chồng góp vốn để mở doanh nghiệp theo Luật Doanh nghiệp năm 2020 và các văn bản pháp luật hiện hành có liên quan cũng không yêu cầu phải có văn bản thỏa thuận của vợ chồng về việc đưa tài sản chung vào góp vốn và “trong hồ sơ thành lập doanh nghiệp cũng không quy định phải kèm theo có văn bản thỏa thuận của vợ chồng về đưa tài sản chung của vợ chồng góp vốn thành lập doanh nghiệp”. Đây là sự bất hợp lý, không thống nhất giữa Luật HN & GĐ năm 2014 với các văn bản pháp luật hiện hành có liên quan. Việc kinh doanh chung có thể được tiến hành dưới hai dạng: Vợ chồng đều trực tiếp tiến hành kinh doanh hoặc vợ (chồng) ủy nhiệm cho chồng (vợ) cùng tham gia kinh doanh.

1.3. Nguyên tắc thực hiện quyền, nghĩa vụ về tài sản của vợ chồng mà xâm phạm đến quyền, lợi ích hợp pháp của vợ, chồng, gia đình và của người khác thì phải bồi thường

Khoản 3 Điều 29 Luật HN & GĐ năm 2014 quy định: “3. Việc thực hiện quyền, nghĩa vụ về tài sản của vợ chồng mà xâm phạm đến quyền, lợi ích hợp pháp của vợ, chồng, gia đình và của người khác thì phải bồi thường”. Theo đó quyền, lợi ích hợp pháp của vợ chồng, gia đình và người khác khi thực hiện giao dịch với vợ, chồng được pháp luật bảo vệ. Để đảm bảo an toàn cho bên thứ ba khi thực hiện giao dịch với vợ chồng, Điều 32 Luật HN & GĐ năm 2014 quy định như sau:

“1. Trong giao dịch với người thứ ba ngay tình thì vợ, chồng là người đứng tên tài khoản ngân hàng, tài khoản chứng khoán được coi là người có quyền xác lập, thực hiện giao dịch liên quan đến tài sản đó.

2. Trong giao dịch với người thứ ba ngay tình thì vợ, chồng đang chiếm hữu động sản mà theo quy định của pháp luật không phải đăng ký quyền sử hữu được coi là người có quyền xác lập, thực hiện giao dịch liên quan đến tài sản đó trong trường hợp Bộ luật Dân sự có quy định về việc bảo vệ người thứ ba ngay tình”.

Người đứng tên “được xem là người có quyền xác lập, thực hiện giao dịch liên quan đến tài sản chung” trong trường hợp tài sản chung của vợ chồng là tài khoản ngân hàng, tài khoản chứng khoán mà chỉ có một người vợ hoặc chồng đứng tên. Có ý kiến cho rằng, với trường hợp trên thì “người vợ, người chồng đứng tên là người được Luật HN & GĐ năm 2014 giao quyền đại diện đương nhiên của chồng, vợ hợp pháp trong xác lập, thực hiện giao dịch mà không phải có giấy xác nhận, văn bản đồng ý hoặc văn bản chấp thuận của chồng hoặc của vợ người đứng tên tài khoản ngân hàng, tài khoản chứng khoán”. Theo tác giả, khoản 1 Điều 32 Luật HN & GĐ năm 2014 mới chỉ quan tâm đến vấn đề bảo vệ quyền, lợi ích của người thứ ba ngay tình trong giao dịch với vợ hoặc chồng, chứ không quan tâm việc bảo vệ lợi ích của vợ hoặc chồng không đứng tên trên các tài khoản ngân hàng, tài khoản chứng khoán.

Về bản chất, khi xác định tài khoản ngân hàng, tài khoản chứng khoán là tài sản chung của vợ chồng, thì khi thực hiện giao dịch với người thứ ba, vợ hoặc chồng đứng tên trên các tài khoản này đều phải có sự bàn bạc, thỏa thuận với chồng hoặc vợ mình và nếu không có sự thỏa thuận đồng ý hoặc ủy quyền thì người thực hiện giao dịch phải có nghĩa vụ bồi thường tổn thất (nếu xảy ra) đối với chồng, vợ hợp pháp theo khoản 3 Điều 29 Luật HN & GĐ năm 2014. Quy định tại khoản 1 Điều 32 Luật HN & GĐ năm 2014 không thể giải thích là người đứng tên trên tài khoản ngân hàng, tài khoản chứng khoán “có sự đại diện đương nhiên của vợ hoặc của chồng hợp pháp trong xác lập, thực hiện giao dịch”, vì khi có người đại diện đương nhiên vợ chồng phát sinh trách nhiệm chung về tài sản của toàn bộ giao dịch đó. Điều này là không hợp lý bởi vì giao dịch đã xác lập không có ý chí của vợ hoặc chồng không đứng tên, nên họ có thể không biết đến giao dịch đó.

2. Một số đề xuất, kiến nghị

Thứ nhất, liên quan đến khoản 1 Điều 29 Luật HN&GĐ không phân biệt giữa lao động trong gia đình và lao động thu nhập thấp, đối với quy định về việc xác định thu nhập của người vợ hoặc chồng ở nhà chăm sóc con, gia đình mà không đi làm được tính là lao động có thu nhập tương đương với thu nhập của chồng hoặc vợ đi làm nếu không được hướng dẫn cụ thể thì cũng sẽ phát sinh sự thiếu công bằng, bị lạm dụng nếu không được hướng dẫn cụ thể. Bởi một trong những mục đích của hôn nhân là hai người cùng nhau duy trì cuộc sống chung để cùng nhau xây dựng gia đình ấm no, bình đẳng, tiến bộ, hạnh phúc. Để đảm bảo sự ấm no thì việc cùng nhau đóng góp và xây dựng kinh tế gia đình là trách nhiệm của cả hai.

Thứ hai, hiện nay các quy định của pháp luật HN&GĐ về sự thỏa thuận ý chí của vợ chồng đối với việc xác lập, thực hiện các nghĩa vụ chung về tài sản còn chưa thể khái quát hết sự đa dạng, phức tạp và diễn biến của thực tiễn đời sống. Do đó, việc xác lập nghĩa vụ chung về tài sản của vợ chồng cần phải dựa theo thực tiễn đời sống của từng quan hệ pháp luật. Điều 32 Luật HN & GĐ năm 2014 có thể dẫn đến việc hiểu không chính xác là người đứng tên tài khoản ngân hàng, tài khoản chứng khoán được xem là có quyền đại diện hợp pháp đối với vợ hoặc chồng của mình trong xác lập giao dịch với người thứ ba. Điều này làm quyền, lợi ích chính đáng của người vợ hoặc chồng không đứng tên các tài sản trên có thể bị xâm hại, không được bảo vệ chính đáng. Do đó, theo tác giả, đề nghị bổ sung khoản 3 Điều 32 Luật HN & GĐ năm 2014 như sau: Đối với trường hợp giao dịch giữa vợ hoặc chồng quy định ở khoản 1 và khoản 2 Điều luật trên mà vợ hoặc chồng thực hiện tại khoản 1 và khoản 2 Điều luật này mà không có sự thỏa thuận với người chồng hoặc vợ của mình, thì người thực hiện giao dịch phải chịu trách nhiệm bồi thường tương ứng với phần quyền của chồng hoặc vợ. Quy định trên đồng thời tuân thủ các quy tắc, nguyên tắc hiện hành về chế độ tài sản của vợ chồng.

Thứ ba, đảm bảo sự phù hợp, đồng bộ và thống nhất của hệ thống pháp luật, các luật chuyên ngành khác cần có quy định phù hợp với Luật HN & GĐ năm 2014 đối với việc xác lập tài sản chung, tài sản riêng, cũng như nghĩa vụ về tài sản của vợ chồng khi vợ chồng tham gia vào các hoạt động sản xuất, kinh doanh, đầu tư. Luật Doanh nghiệp năm 2020 cần có quy định đối với việc vợ chồng góp vốn vào thành lập doanh nghiệp, đầu tư kinh doanh phải có văn bản chứng minh, cam kết về tài sản đưa vào kinh doanh là tài sản riêng hay tài sản chung. Phải có văn bản chứng minh sự thống nhất ý chí của vợ chồng về việc tài sản đưa vào kinh doanh là tài sản chung của vợ chồng. Để đảm bảo quyền lợi hợp pháp của vợ chồng và các đối tác có hoạt động kinh doanh với vợ chồng, quy định nêu trên cần đảm bảo sự đồng bộ, thống nhất trong hệ thống văn bản pháp luật.

Kết luận: Do CĐTS có ảnh hưởng lớn đến quyền lợi của cá nhân vợ, chồng cũng như các thành viên trong gia đình và quyền, lợi ích của những người có liên quan cũng như sự ổn định của các quan hệ tài sản trong các mối quan hệ dân sự nói chung, nên Luật HN&GĐ năm 2014 đã quy định về các nguyên tắc chung khi áp dụng các CĐTS của vợ chồng và buộc vợ chồng phải tuân thủ triệt để những nguyên tắc này.

TÀI LIỆU THAM KHẢO:

  1. Quốc hội (2014). Luật Hôn nhân và Gia đình năm 2014.
  2. Chính phủ (2014). Nghị định số 126/2014/NĐ-CP ngày 31/12/2014 về việc quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành Luật Hôn nhân và Gia đình.
  3. Nguyễn Ngọc Điện (2022), Giáo trình Luật Hôn nhân và Gia đình: Quan hệ tài sản vợ chồng, thừa kế tập 2, Trường Đại học Mở thành phố Hồ Chí Minh.
  4. Trần Thị Thu Hiền (2015), Những điểm mới của Luật Hôn nhân và Gia đình năm 2014, Trang thông tin điện tử Viện Kiểm sát nhân dân tỉnh Quảng Bình.
  5. Lê Hồng Hiển (2020), Xác định, phân chia tài sản khi ly hôn: Một số bất cập và kiến nghị, truy cập tại: https://lsvn.vn/xac-dinh-phan-chia-tai-san-khi-ly-hon-mot-so-bat-cap-va-kien-nghi.html.
  6. Nguyễn Phương Lan (2024), Xác định nghĩa vụ chung về tài sản của vợ chồng, Tạp chí Tòa án, truy cập tại: https://tapchitoaan.vn/xac-dinh-nghia-vu-chung-ve-tai-san-cua-vo-chong10420.html.

Principles for determining the spousal property according to current Vietnamese law

Nguyen Thuy Duong

Student, Hanoi Law University

Abstract:

According to the Law on Marriage and Family 2014, no matter which property regime the spouses choose, they must still comply with the principles of that property regime. This ensures that the provisions and principles of the property regime are applied fairly and transparently in the management and sharing of property in the marital relationship. This paper clarified the principles of determining spousal property according to current Vietnamese law. Based on the paper’s findings, some recommendations were made to ensure the rights of the husband and wife, as well as family members. Family, the rights and interests of the people involved, and the stability of property relations in civil relationships in general.

Keywords: spousal property, property regime, the Law on Marriage and Family.

[Tạp chí Công Thương - Các kết quả nghiên cứu khoa học và ứng dụng công nghệ, Số 5 tháng 3 năm 2024]

Tạp chí Công Thương