Nhân tố tác động đến việc áp dụng kế toán trách nhiệm xã hội tại các doanh nghiệp

THS. LÊ THỊ OANH (Khoa Kế toán, Trường Đại học Kinh tế - Kỹ thuật Công nghiệp)

TÓM TẮT:

Khi bảo vệ môi trường sống trở thành xu hướng tất yếu mang tính toàn cầu, được các quốc gia trên thế giới quan tâm và hướng tới thì trách nhiệm xã hội của doanh nghiệp ngày càng có vai trò quan trọng. Trong xu thế đó, kế toán trách nhiệm xã hội đang dần chứng tỏ là công cụ lượng hóa hữu hiệu trong việc góp phần thực hiện mục tiêu phát triển bền vững, cũng như đảm bảo tính minh bạch, độ tin cậy trong việc doanh nghiệp công bố báo cáo trách nhiệm xã hội. Bài viết nêu những nhân tố tác động đến kế toán trách nhiệm xã hội của doanh nghiệp, đồng thời đề xuất một số giải pháp xây dựng kế toán trách nhiệm xã hội đến tất cả doanh nghiệp Việt Nam.

Từ khóa: nhân tố, kế toán, trách nhiệm xã hội, doanh nghiệp.

1. Đặt vấn đề

Thực tế cho thấy, bảo vệ môi trường ổn định xã hội là nhiệm vụ cấp thiết đối với doanh nghiệp ở mọi quốc gia, không phân biệt quốc gia đó là phát triển hay đang phát triển. Hay nói cách khác, sự tồn tại và phát triển của các doanh nghiệp phải gắn trách nhiệm với môi trường, xã hội. Mỗi doanh nghiệp cần tạo sự cân bằng giữa lợi ích kinh tế thu được với chi phí môi trường, xã hội mà doanh nghiệp chi trả thông qua các hành động cụ thể, nhằm ngăn chặn và giảm thiểu các tác động xấu của hoạt động kinh tế đối với môi trường, xã hội.

Đặc biệt, trong bối cảnh hiện nay, khi ý thức về môi trường, trách nhiệm xã hội của người tiêu dùng đã được nâng cao cùng với sự cạnh tranh khốc liệt giữa các doanh nghiệp. Nếu doanh nghiệp chỉ quan tâm và chú trọng vào những lợi ích trong ngắn hạn và đưa ra những chính sách và hành động có ảnh hưởng xấu đến môi trường, xã hội, thì hậu quả sẽ không chỉ là những mức phạt từ các cơ quan nhà nước có thẩm quyền, mà nghiêm trọng hơn là sự tẩy chay của người tiêu dùng.

2. Trách nhiệm xã hội của doanh nghiệp

Theo Carroll (1979), trách nhiệm xã hội của doanh nghiệp là “tất cả các vấn đề kinh tế, pháp lý, đạo đức và những lĩnh vực khác mà xã hội trông đợi ở doanh nghiệp trong mỗi thời điểm nhất định”. Năm 1991, Carroll đã đưa ra 4 loại trách nhiệm xã hội theo hình kim tự tháp bao gồm: Trách nhiệm kinh tế, trách nhiệm pháp lý, trách nhiệm đạo đức, trách nhiệm từ thiện.

Theo World Bank: “Trách nhiệm xã hội của doanh nghiệp (CSR) là sự cam kết của doanh nghiệp đóng góp vào việc phát triển kinh tế bền vững, thông qua những hoạt động nhằm nâng cao chất lượng đời sống của người lao động và các thành viên gia đình họ, cho cộng đồng và toàn xã hội, theo cách có lợi cho cả doanh nghiệp cũng như phát triển chung của xã hội”. Đây là định nghĩa về CSR đang được sử dụng nhiều nhất trên toàn thế giới bởi đây là định nghĩa hoàn chỉnh, rõ ràng và dễ hiểu nhất. Định nghĩa này đã đề cập đến CSR phải gắn liền với vấn đề phát triển bền vững - một yêu cầu khách quan, cấp thiết, có tính toàn cầu của sự phát triển hiện nay.

Theo định nghĩa này, CSR là một cam kết của tổ chức để không chỉ góp phần vào phát triển kinh tế, mà còn cải thiện tiêu chuẩn sống của xã hội. CSR không còn là những hành động thiện nguyện tự phát theo tiếng nói của lương tri hay những đóng góp theo phong trào nữa, mà nó đã là một phần chiến lược không thể tách rời của doanh nghiệp. Do đó, hoạt động kế toán trách nhiệm xã hội của doanh nghiệp là hết sức cần thiết, vì các lý do sau:

Một là, báo cáo về kế toán trách nhiệm xã hội nhằm cung cấp thông tin về hoạt động xã hội của doanh nghiệp cho nhà quản trị, bao gồm các thông tin về hoạt động xã hội và tính hữu hiệu về các chương trình xã hội của doanh nghiệp. Từ đó, nhà quản trị có cơ sở đưa ra các quyết định về mặt xã hội, cũng như phân bổ nguồn lực hợp lý cho hoạt động này.

Hai là, báo cáo về kế toán trách nhiệm xã hội nhằm đáp ứng nhu cầu thông tin đa dạng của các đôi tượng liên quan như nhà đầu tư, khách hàng, cổ đông,... Các đối tượng này không chỉ quan tâm đến kết quả hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp, mà còn quan tâm đến các thông tin về các hoạt động xã hội và bảo vệ môi trường.

3. Những nhân tố tác động đến kế toán trách nhiệm xã hội của doanh nghiệp

Một là, phải kể đến nhu cầu phát hành báo cáo SRA: nhân tố này sẽ thúc đẩy doanh nghiệp thực hiện SRA. Đây là một trong những hình thức doanh nghiệp truyền thông quảng bá hình ảnh, thông qua việc phát hành báo cáo, có thể huy động thêm nhiều nhà đầu tư, nhận được sự ủng hộ của người tiêu dùng. Vì vậy, khi nhu cầu phát hành báo cáo SRA tăng thì khả năng các doanh nghiệp thực hiện SRA cũng tăng lên.

Hai là, yếu tố pháp lý. Khi Nhà nước xây dựng được hệ thống văn bản pháp lý hướng dẫn thì các doanh nghiệp sẽ có “kim chỉ nam” định hướng để thực hiện theo. Hiện nay, cũng chỉ có những quốc gia phát triển họ đưa ra được hệ thống văn bản pháp lý hướng dẫn thực hiện SRA, tại Việt Nam một số tập đoàn công ty lớn thực hiện SRA cũng theo hướng dẫn của một số quốc gia trên thế giới mà chưa có sự thống nhất chung thực hiện. Vì vậy, khi có hệ thống văn bản hướng dẫn, thì tỷ lệ các doanh nghiệp thực hiện SRA sẽ tăng lên.

Ba là, yếu tố về nhận thức. Khi doanh nghiệp có những hiểu biết đúng đắn về lợi ích mà SRA mang lại đặc biệt là tác động đến hiệu quả hoạt động sản xuất kinh doanh, gia tăng giá trị của doanh nghiệp sẽ thúc đẩy các doanh nghiệp thực hiện SRA. Tại Việt Nam những năm gần đây khi chúng ta phải đối mặt với biến đổi khí hậu, chênh lệch giàu nghèo, ô nhiễm môi trường… cộng đồng xã hội và các doanh nghiệp bắt đầu quan tâm đến CSR và SRA như Vingroup, Vinamilk, SamSung. Trong khi đó, cộng đồng doanh nghiệp Việt Nam có đến 90% là doanh nghiệp vừa và nhỏ, những đối tượng này lại chưa tiếp cận được với SRA.

Bốn là, sự phối kết hợp của các bên liên quan. Ngoài ý chí chủ quan của mình, doanh nghiệp còn chịu ảnh hưởng từ những đối tượng có liên quan trong quá trình hoạt động sản xuất. Việc áp dụng SRA là công cụ hữu hiệu giúp doanh nghiệp quản trị được các mối quan hệ với các đối tượng có liên quan.

Năm là, đặc điểm của từng doanh nghiệp: SRA có thể được áp dụng rộng rãi ở nhiều loại hình doanh nghiệp khác nhau từ thương mại đến sản xuất, quy mô nhỏ đến quy mô lớn, các công ty con hay những tập đoàn đa quốc gia. Tuy nhiên, trên thực tế những doanh nghiệp có quy mô càng lớn càng có xu hướng thực hiện SRA như Vinamilk, TH truemilk, Unilever. Những doanh nghiệp sản xuất có xu hướng thực hiện SRA nhiều hơn những doanh nghiệp thương mại như SamSung, Tập đoàn Hòa Phát, tTp đoàn Công nghiệp cao su Việt Nam… Nguyên nhân xuất phát từ chính đặc điểm của các doanh nghiệp, các doanh nghiệp quy mô lớn và thị trường cạnh tranh khốc liệt thì thực hiện SRA cũng là một hình thức nâng tầm và giữ vững thương hiệu. Các doanh nghiệp sản xuất trực tiếp sử dụng các nguồn tài nguyên thiên nhiên sẽ phải chịu nhiều áp lực thực hiện SRA trong bối cảnh tài nguyên cạn kiệt, môi trường sinh thái ô nhiễm và biến đổi khí hậu đang ảnh hưởng nghiêm trọng đến cuộc sống của con người.

4. Giải pháp xây dựng kế toán trách nhiệm xã hội đến tất cả doanh nghiệp Việt Nam

Đối với doanh nghiệp

Một là, nâng cao nhận thức và thống nhất nhận thức về CSR. CSR là các hoạt động được triển khai và đem lại kết quả cho quá trình phát triển kinh tế lâu dài của mỗi doanh nghiệp. Thực hiện CSR là nhiệm vụ quan trọng của mỗi doanh nghiệp vì một xã hội tiến bộ và tốt đẹp hơn trong tương lai. CSR không phải là vấn đề của “lý luận” mà là vấn đề của “thực hành”, các doanh nghiệp Việt Nam phải có các hành động CSR mạnh mẽ trong thời gian tới. Muốn thực hiện CSR thành công việc đầu tiên là nhận thức về CSR, đào tạo nâng cao nhận thức cho đội ngũ lãnh đạo, người lao động và thế hệ doanh nhân trẻ là một hoạt động quan trọng khởi đầu cho các hoạt động CSR.

Để nâng cao được nhận thức về CSR, các doanh nghiệp cần xây dựng cho mình một kế hoạch truyền thông nội bộ tới toàn thể nhân viên thông qua tầm nhìn, sứ mệnh, mục tiêu cụ thể và các hoạt động, hành động thiết thực. Bước đầu, từ thiện và các hoạt động cộng đồng là hoạt động có thể “nhóm lửa” cho nhận thức và hành động CSR của doanh nghiệp. Chính vì vậy, doanh nghiệp cũng cần quan tâm và tham gia các hoạt động này trong những giai đoạn đầu tiên.

Hai là, lựa chọn mô hình CSR. Tùy theo từng doanh nghiệp, loại hình lĩnh vực kinh doanh, thời điểm hoạt động mà doanh nghiệp sẽ lựa chọn mô hình phù hợp. Cho tới hiện tại, chưa có một mô hình CSR được coi là hoàn hảo theo đúng nghĩa tại Việt Nam. Tuy nhiên, để tiến hành CSR, các doanh nghiệp có thể quan tâm và thực hiện một số nội dung, như: Tuân thủ pháp luật và đạo đức kinh doanh; Minh bạch thông tin; Chất lượng và an toàn; Lao động và quyền con người (nhân quyền); Bảo vệ môi trường; Từ thiện… thông qua một quy trình CSR bao gồm các hoạt động như: Xây dựng triết lý công ty gắn với triết lý CSR; Xây dựng chiến lược kinh doanh gắn với CSR; Xây dựng hệ thống chỉ tiêu thực hiện CSR; Xây dựng hệ thống CSR độc lập; Tuyên truyền/phổ biến/đào tạo CSR; Tổ chức thực hiện CSR; Đánh giá/điều chỉnh hoạt động CSR; Báo cáo toàn văn CSR. Việc lựa chọn mô hình CSR không quá phức tạp và không nên đòi hỏi sự hoàn hảo khi hoạt động. CSR sẽ bắt đầu từ những hoạt động thường nhật và đơn giản nhất đó là có trách nhiệm với khách hàng, tuân thủ pháp luật, bảo vệ quyền con người, bảo vệ môi trường cho tới những hoạt động tài trợ, thiện nguyện.

Đối với cơ sở đào tạo

Một là, xây dựng môn học hoặc giảng dạy một số chuyên đề liên quan tới CSR cho sinh viên Tăng cường hoạt động đào tạo CSR tại các trường đại học và cao đẳng thuộc khối ngành kinh tế và quản trị kinh doanh là một định hướng cần thiết để cung cấp kiến thức, hiểu biết và nhận thức đối với sinh viên thuộc các ngành kinh doanh và quản lý. Định hướng này cũng có tính khả thi, bởi nhận thức về CSR cũng như năng lực của đội ngũ giảng viên các trường đại học Việt Nam cũng đang ngày càng được nâng cao. Trong chương trình đào tạo của các trường, đặc biệt là các chương trình về kinh doanh và quản trị, việc đào tạo CSR nếu chưa hình thành được thành môn học độc lập vẫn có thể lồng ghép giảng dạy qua các môn học chuyên ngành có liên quan như quản trị chiến lược, kế toán môi trường, khởi nghiệp kinh doanh, thương mại điện tử, quản trị chất lượng, quản trị tài chính và các môn học khác. Nhà trường cũng có thể kết hợp các buổi nói chuyện chuyên đề hoặc tham quan doanh nghiệp đã thực hiện các chương trình CSR để nâng cao nhận thức cho sinh viên. Nhìn chung, quá trình đổi mới chương trình đào tạo tại các cơ sở đào tạo đại học là một quá trình liên tục, cần cập nhật thường xuyên và đưa vào các nội dung thiết thực mới, trong đó có CSR.

Hai là, kết hợp với doanh nghiệp trong quá trình đào tạo CSR. Chất lượng nguồn nhân lực của các cơ sở đào tạo chỉ có thể được kiểm chứng thông qua môi trường doanh nghiệp và ngược lại muốn nâng cao được chất lượng nguồn nhân lực tại các cơ sở đào tạo thì không có cách nào khác là doanh nghiệp cần tham gia cùng đào tạo với Nhà trường. Đào tạo CSR cũng không phải là trường hợp ngoại lệ, chính vì vậy, các cơ sở đào tạo cần phối hợp với các doanh nghiệp, tác tổ chức xã hội nghề nghiệp, với cơ quan quản lý nhà nước và các bên liên quan trong việc xây dựng các chương trình và nội dung đào tạo phù hợp với điều kiện của Việt Nam. Đồng thời, các cơ sở đào tạo cũng cần chủ động phối hợp mời các doanh nghiệp tham gia giảng dạy theo các chủ đề, tổ chức các buổi nói chuyện thực tiễn hoạt động triển khai CSR trong doanh nghiệp, tọa đàm khoa học và thực tập CSR tại các doanh nghiệp. Bên cạnh đó, các cơ sở đào tạo có thể phối hợp với các doanh nghiệp để triển khai các dự án, hoặc đề tài nghiên cứu khoa học mang tính ứng dụng liên quan đến CSR mà doanh nghiệp là các chủ thể nghiên cứu và ứng dụng. Trong quá trình triển khai này, có thể cho phép sinh viên cùng tham gia dự án hoặc đề tài nghiên cứu để nâng cao nhận thức và tính thực hành của sinh viên trong quá trình đào tạo.

TÀI LIỆU THAM KHẢO:

  1. Chính phủ (2011), Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội 2011-2020.
  2. Nguyễn Thị Ánh Hằng, 2018, “Các nhân tố ảnh hưởng đến vận dụng kế toán trách nhiệm trong các công ty xây dựng tỉnh Bình Dương”, Luận văn Thạc sĩ, Đại học Kinh tế TP. Hồ Chí Minh.
  3. Nguyễn Thị Kiều Liên, 2020, Xác định các nhân tố ảnh hưởng đến công tác tổ chức kế toán trách nhiệm tại các công ty sản xuất, truyền tải và phân phối điện ở Việt Nam, Luận văn Thạc sĩ, Đại học Kinh tế TP. Hồ Chí Minh.
  4. Moses Nyakuwanika, et al, 2012, An Analysis of Effective Responsibility Accounting System Strategies in the Zimbabwean Health Sector (2003-2011), Research Journal of Finance and Accounting. www.iiste.org ISSN 2222-1697 (Paper) ISSN 2222-2847 (Online);

 Factors affecting the application of the corporate social responsibility accounting in businesses

Master. Le Thi Oanh

Faculty of Accounting, University of Economics - Technology for Industries

Abstract:

Corporate social responsibility plays an increasingly important role in the environmental protection. More and more businesses around the world pay attention to the environmental sustainability. As a result, social responsibility accounting gradually becomes an an effective quantification tool to help businesses achieve sustainable development goals. This tool also ensure the transparency and reliability of enterprises’ social responsibility reports. This paper points out the factors affecting the corporate social responsibility accounting and proposes some solutions to develop the social responsibility accounting for all Vietnamese businesses.

Keywords: factor, accounting, social responsibility, businesses.

[Tạp chí Công Thương - Các kết quả nghiên cứu khoa học và ứng dụng công nghệ, Số 8  tháng 4 năm 2023]