Sau 9 năm phát động, Cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” đã thực sự đi vào chiều sâu, tạo được sự quan tâm, hưởng ứng của người dân, doanh nghiệp, địa phương và có sức lan tỏa mạnh mẽ. Không chỉ vậy, cuộc vận động còn tác động mạnh đến sự thay đổi của các doanh nghiệp trong việc nâng cao chất lượng, hiệu quả, mẫu mã sản phẩm hàng hóa.
Một khảo sát mới đây cho thấy 92% người tiêu dùng Việt Nam được hỏi đã khẳng định họ rất quan tâm đến hàng sản xuất trong nước, 63% người tiêu dùng khẳng định sẽ ưu tiên sử dụng hàng Việt, 54% người tiêu dùng khuyên người thân, bạn bè lựa chọn sử dụng hàng Việt khi mua sắm. Ở kênh bán lẻ hiện đại, khảo sát nhanh tại các siêu thị cho thấy, tỷ lệ hàng Việt tại các siêu thị vẫn được duy trì ở mức cao (trên 80%). Trong đó, Co.opmart (90-93%), Satra (90-95%), Vinmart (96%), Vissan (95%), Hapro (95%)…); Tỷ lệ hàng Việt tại các hệ siêu thị nước ngoài chiếm từ 65% đến 95%, cụ thể: Lotte, Big C (90%), AEON - Citimart (82-85%), Auchan (65%), TTTM Emart (96%), TTTM Saigon Centre (68%)… Đối với kênh bán lẻ truyền thống, tỷ lệ hàng Việt tại các chợ, cửa hàng tiện lợi chiếm tỷ lệ từ 60% trở lên. Đến nay, tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng đã xấp xỉ 140 tỷ USD, tương đương trên 58 %GDP (140/240 tỷ USD). Đây là một trong những chỉ dấu cho thấy hiệu quả của Cuộc vận động sau 9 năm triển khai.
Trong 9 năm qua, Bộ Công Thương đã triển khai nhiều giải pháp tổng thể, được cụ thể hóa theo từng năm đẩy mạnh thực hiện Cuộc vận động. Cụ thể là, Bộ đã phối hợp chặt chẽ với Ban chỉ đạo Trung ương Cuộc vận động, các Bộ, ngành, địa phương và cơ quan truyền thông tích cực cung cấp thông tin liên quan đến việc triển khai thực hiện Cuộc vận động. Cùng với đó, Thực hiện đơn giản hóa, công khai, minh bạch mọi thủ tục hành chính tạo thuận lợi nhất cho người dân, doanh nghiệp. Ba năm gần đây, Bộ Công Thương đã tạo ấn tượng mạnh mẽ với các cuộc cách mạng cải cách hành chính quy mô lớn trong lịch sử ngành; được Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đánh giá: “Đi đầu trong việc cắt giảm các thủ tục hành chính”. Chỉ số cải cách hành chính (CCHC) năm 2016 của Bộ Công Thương tăng 6 bậc so với năm 2015; Năm 2017 Chỉ số cải cách hành chính xếp thứ 5 trong số 19 Bộ, cơ quan ngang Bộ (vượt 7 bậc so với Par Index 2016). Điều quan trọng hơn, việc cải cách hành chính được thực hiện trên tinh thần “Không chỉ nhằm vào thứ hạng mà còn phải đo bằng sự hài lòng của người dân, doanh nghiệp”. Vì thế góp phần đắc lực vào hỗ trợ doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh và người tiêu dùng. Bằng nhiều chương trình, hoạt động cụ thể, Bộ đã hỗ trợ doanh nghiệp trong các hoạt động xúc tiến thương mại và mở rộng thị trường trong nước.
Từ năm 2014 đến nay, Bộ đã chủ trì phối hợp với các địa phương, cơ quan, đơn vị và Hiệp hội ngành hàng/ngành nghề triển khai hơn 260 dự án, nhiệm vụ thực hiện Đề án Phát triển thị trường trong nước gắn với Cuộc vận động giai đoạn 2014 - 2020 được phê duyệt tại Quyết định số 634/QĐ-TTg ngày 29/4/2014 của Thủ tướng Chính phủ. Trong đó, ngoài các hoạt động tuyên truyền quảng bá hàng Việt Nam, doanh nghiệp Việt Nam uy tín rộng khắp trên các thể loại báo nói, báo hình, báo in, báo điện tử, truyền hình có lượng theo dõi cao. Hiện nay đã thiết lập hơn 100 điểm bán hàng Việt Nam với tên gọi “Tự hào hàng Việt Nam” tại 59 địa phương trên cả nước.
Bước vào năm thứ 10 của Cuộc vận động, hàng Việt đang đứng trước những cơ hội rất lớn do Việt Nam hội nhập sâu rộng hơn vào nền kinh tế thế giới. Đến nay, chúng ta đã tham gia ký kết, thực thi và đang đàm phán 17 hiệp định thương mại tự do (FTA); trong đó đã ký và có hiệu lực 10 FTA song phương và đa phương, với 60 nền kinh tế, chiếm tới 90% tổng kim ngạch xuất nhập khẩu của cả nước. Trong 10 FTA đã thực thi có 7 FTA đa phương (gồm Atiga, 5 FTA giữa ASEAN với các đối tác Trung Quốc, Hàn Quốc, Ấn Độ, Nhật Bản, Australia - New Zealand và FTA Việt Nam - Liên minh kinh tế Á-Âu); 3 FTA song phương (với Chile, Nhật Bản, Hàn Quốc). Các Hiệp định này giúp các doanh nghiệp Việt Nam có cơ hội tiếp cận các nguồn vốn mới; công nghệ sản xuất, kinh doanh, hệ thống quản lý tiên tiến…
Ở chiều ngược lại, áp lực cạnh tranh với hàng hóa, thương hiệu Việt cũng ngày càng tăng lên, trong bối cảnh khối doanh nghiệp nhỏ và vừa và các hộ sản xuất, kinh doanh nhỏ của Việt Nam còn hạn chế về vốn, thương hiệu, chưa có khả năng bảo vệ mình trước những vi phạm về thương mại. Cùng với đó, lực lượng quản lý thị trường gặp rất nhiều khó khăn do phương thức, thủ đoạn vi phạm ngày càng tinh vi, đối tượng vi phạm ngày càng đa dạng, chế tài xử lý vi phạm chưa đủ sức răn đe, chủ yếu vẫn là xử lý vi phạm hành chính, ít vụ việc bị khởi tố hình sự. Thêm một khó khăn khách quan nữa là, hạ tầng thương mại chưa phát triển, đặc biệt là các chợ chưa hỗ trợ được phát triển, phân phối hàng Việt Nam, chưa thực sự là đầu ra cho các doanh nghiệp Việt Nam.
Trước khó khăn thách thức đó, bước sang năm thứ 10 thực hiện Cuộc vận động, Bộ Công Thương tập trung vào một số định hướng, cách làm mới công tác truyền thông; công tác tổ chức các hoạt động kết nối cung cầu; tăng cường cải tiến, ứng dụng khoa học kỹ thuật nhằm đổi mới, nâng cao chất lượng hàng Việt; đổi mới công tác quản lý thị trường theo hướng thống nhất từ Trung ương đến địa phương; và sử dụng có hiệu quả các biện pháp phòng vệ thương mại tại thị trường trong nước, nhằm nhằm góp phần thực hiện hiệu quả Cuộc vận động.
Một trong những mục tiêu đầu tiên của Nghị quyết 01/NQ-CP ngày 01 tháng 01 năm 2019 của Chính phủ về nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và dự toán ngân sách nhà nước năm 2019 là thực hiện đồng bộ các giải pháp để phát triển bứt phá thị trường trong nước. Để triển khai Nghị quyết này, ngày 04 tháng 01 năm 2018, Bộ trưởng Bộ Công Thương đã ký ban hành Quyết định số 08/QĐ-BCT về việc ban hành Chương trình hành động của ngành Công Thương thực hiện Nghị quyết 01/NĐ-CP của Chính phủ hàng năm về những nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu thực hiện Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và dự toán ngân sách nhà nước năm 2019, theo đó để thực hiện các mục tiêu đề ra tại NQ 01/NĐ-CP, trong đó có phát triển bứt phá thị trường trong nước, năm 2019, Bộ Công Thương sẽ triển khai quyết liệt các nội dung sau:
- Triển khai mạnh mẽ các giải pháp phát triển thị trường trong nước, sớm hoàn thiện trình Chính phủ Chiến lược phát triển thị trường trong nước đến năm 2025, tầm nhìn đến 2030 để tổ chức triển khai thực hiện.
- Rà soát, hoàn thiện hệ thống pháp luật, chính sách về hạ tầng thương mại cho phù hợp với bối cảnh mới nhằm tạo môi trường thuận lợi và tạo sự đồng bộ trong phát triển. Đẩy mạnh hợp tác quốc tế về phát triển chợ đầu mối, xúc tiến các chương trình khuyến khích xã hội hóa, thu hút đầu tư trong và ngoài nước về xây dựng và phát triển chợ đầu mối.
- Rà soát, đánh giá việc triển khai tiêu chí số 7 về cơ sở hạ tầng thương mại nông thôn trong khuôn khổ Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới, đề xuất giải pháp thực hiện hiệu quả công tác phát triển chợ nông thôn theo mục tiêu đề ra; Xây dựng tiêu chí điểm bán sản phẩm OCOP và các hoạt động hỗ trợ xúc tiến thương mại cho sản phẩm OCOP, góp phần phát triển thương mại nông thôn.
- Chủ trì, phối hợp với các đơn vị, tổ chức liên quan đẩy mạnh các hoạt động thực hiện Luật Hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa theo phân công tại văn bản số 10050/BCT-TTTN ngày 11 tháng 12 năm 2018 của Bộ trưởng Bộ Công Thương về việc hướng dẫn doanh nghiệp nhỏ và vừa tham gia vào chuỗi phân phối sản phẩm Việt Nam tại thị trường trong nước.
- Thực hiện có hiệu quả các giải pháp bảo đảm cân đối cung cầu, nhất là đối với các mặt hàng thiết yếu, nghiên cứu xây dựng cơ sở dữ liệu về cung cầu các mặt hàng thiết yếu để phục vụ công tác điều hành thị trường; chỉ đạo triển khai tích cực Chương trình bình ổn thị trường, đặc biệt vào các dịp lễ, Tết, mùa vụ; phối hợp chặt chẽ với các Bộ, ngành trong việc điều hành giá các mặt hàng do Nhà nước quản lý nhằm góp phần bảo đảm thực hiện mục tiêu kiểm soát lạm phát (CPI tăng dưới 4%), bảo đảm an sinh xã hội.
- Kiện toàn bộ máy và cơ chế hoạt động của Tổ Điều hành thị trường trong nước phù hợp với quy định hiện hành và theo hướng kết hợp các nguồn lực từ quản lý nhà nước của các Bộ, ngành và sử dụng hiệu quả năng lực can thiệp thị trường của các doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh các mặt hàng thiết yếu.
- Đẩy mạnh triển khai các giải pháp nhằm gắn kết giữa sản xuất với phân phối hàng hóa, tăng cường liên kết trong chuỗi giá trị hàng hóa gắn với thực hiện tốt các quy định về chất lượng, an toàn thực phẩm, truy xuất nguồn gốc nhằm khuyến khích, hỗ trợ nhà sản xuất nâng cao năng suất, chất lượng và sức cạnh tranh sản phẩm Việt Nam.
- Nâng cao hiệu quả công tác kiểm tra, giám sát hoạt động của Sở giao dịch hàng hóa trong bối cảnh mới.
- Tổ chức thực hiện Kế hoạch tăng cường triển khai Chương trình hành động của Bộ Công Thương hưởng ứng Cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” năm 2019, trong đó, tập trung đẩy mạnh các hoạt động tổng kết 10 năm ngành Công Thương thực hiện Cuộc vận động theo Kế hoạch số 653/KH-MTTW-BCĐTWCVĐ ngày 19 tháng 10 năm 2018 của Ban chỉ đạo Trung ương Cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam”.